Theo Financial Times, Trung Quốc đang ráo riết chuẩn bị cho làn sóng các vụ thâu tóm sáp nhập “siêu khủng” giữa các tập đoàn quốc doanh đang hoạt động trong các ngành năng lượng, máy móc công nghiệp và sắt thép.
Số liệu từ hãng nghiên cứu Gavekal – Dragonomics có trụ sở ở Bắc Kinh đã chỉ ra rằng dù chiếm hơn 1/3 tổng số vốn đầu tư của nền kinh tế và 30% các khoản vay ngân hàng, các doanh nghiệp nhà nước (SOE) của Trung Quốc chỉ đóng góp chưa đến 10% GDP. Chương trình cải cách mang tính đột phá được tung ra từ cuối năm 2013 đã cam kết sẽ “nâng cao hiệu quả hoạt động” đồng thời đảm bảo “trách nhiệm xã hội” của các SOE.
Kể từ đó đến nay, Chính phủ Trung Quốc đã “đạo diễn” nhiều vụ sáp nhập, coi đây là trọng tâm của công cuộc cải cách các SOE . Tuy nhiên, Trung Quốc lại tỏ ra khá chậm chạp trong việc thực hiện những thay đổi có thể giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các SOE như cổ phần hóa hay nâng cao mức độ cạnh tranh.
Theo Wendy Leutert, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Cornell với luận án về chủ đề cải cách SOE, với làn sóng sáp nhập sắp tới Trung Quốc đang hướng đến 2 mục tiêu: ở trong nước thì Chủ tịch Tập Cận Bình hi vọng sáp nhập sẽ giúp các SOE phối hợp với nhau để cắt giảm năng suất dư thừa và gia tăng sức mạnh định giá, trong khi đó mục tiêu ở nước ngoài là tăng thị phần, xóa bỏ chiến tranh về giá.
Tháng trước, tờ Tân Hoa Xã đưa tin mục tiêu tập trung của Chính phủ là các ngành than, điện, máy móc công nghiệp và thép.
Tập đoàn than Shenhua được cho là đang đàm phán về khả năng sáp nhập với China Guodian Corp. Nếu được thông qua, tập đoàn mới ra đời sẽ có tổng tài sản lên tới 262 tỷ USD. Hồi tháng 3, China National Nuclear Corp và China Nuclear Engineering & Construction Corp cho biết sẽ sáp nhập với nhau để tạo thành tập đoàn trị giá 80 tỷ USD.
Trong khi đó China National Machinery Industry Corp tháng trước đã nhận được sự đồng ý để thâu tóm tập đoàn sản xuất máy móc China Hi-Tech để tạo thành công ty mới có tài sản 52 tỷ USD.
Sau vụ sáp nhập giữa Shanghai Baosteel và Wuhan Iron&Steel tạo thành công ty thép lớn thứ hai thế giới năm ngoái, truyền thông Trung Quốc đang bàn tán về 1 vụ M&A siêu lớn khác.
Theo Li Jin, chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu doanh nghiệp Trung Quốc, các vụ M&A này có thể tạo thành những tập đoàn siêu lớn sẽ thực hiện các dự án liên quan đến sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của ông Tập.
Trong suốt 1 thập kỷ trở lại đây, M&A đã trở thành chính sách chủ chốt trong nỗ lực cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc. Hiện Trung Quốc có 101 tập đoàn quốc doanh, giảm so với con số 189 tập đoàn của năm 2003. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng sáp nhập không phải là cách để giải quyết gốc rễ các vấn đề đang tồn tại ở các SOE. Đáng lẽ Trung Quốc nên tăng tính cạnh tranh bằng cách giảm bớt rào cản để tư nhân có thể bước vào những ngành như năng lượng, viễn thông hay sản xuất máy móc công nghiệp. Và cần chấm dứt tình trạng các SOE có lợi nhuận yếu nhưng vẫn có thể dễ dàng tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét