Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018

Chuyện ở những đất nước mà chó mèo có hai số phận: Được cưng chiều hết mực, hoặc oặt mình trong lồng cũi tới bàn tiệc

Truyền thông và báo giới nước ngoài dường như đặc biệt tò mò với cái cách mà những nước Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam đối xử với thú cưng của mình: hoặc trở thành những "ông vua nhỏ" trong nhà được cưng chiều hết mực, hoặc bị bắt giết tàn nhẫn rồi trở thành những đĩa thịt chó mèo chứa đầy ám ảnh.

Nếu ai đã từng có cơ hội đọc qua cuốn sách "A Street Cat Named Bob" hẳn sẽ đều nhớ câu nói mà một bà già vô danh từng nói với James Bowen rằng, "Mèo là những người bạn trung thành, im lặng và đáng tin cậy". Một khi chăm sóc và yêu thương đủ nhiều thì không chỉ những chú chó mà các cậu mèo chảnh cũng sẽ có tình cảm quyến luyến đặc biệt với chủ nuôi. Con gì cũng thế, sự tin tưởng thương yêu là không giới hạn giữa muôn loài.




Ở Việt Nam, chó và mèo dường như đang cùng lúc sống ở hai thế giới.


Chúng ta đôi khi thấy những chú mèo được ăn mặc đẹp đẽ, được chủ nhân yêu thương, chụp lên những bức ảnh lung linh gây sốt cộng đồng mạng; đôi khi lại thấy hàng đàn chó nằm trong những chiếc lồng đếm ngược thời gian đến đoạn đầu đài, chen chúc chờ chết trong những cái cũi chật hẹp của dân buôn.


Phần còn lại của thế giới dường như rất có hứng thú với cái cách mà người Việt đối xử với chó mèo, khi mà thời gian gần đây, liên tục nhiều mặt báo quốc tế đã đăng tải những hình ảnh trái ngược nhau về "thú cưng" ở Việt Nam một cách trung thực và đầy tính hiếu kỳ.


Tò mò cũng đúng thôi, khi mà cùng một đất nước lại cho thế giới thấy hai khía cạnh: vừa có những chú mèo với bộ lông mượt mà được mặc quần áo như người, được coi như con, cưng nựng gọi là "Boss", những chú chó béo tốt nằm trên thảm lông êm ái với thân phận vua con trong nhà; lại có những cái xác không hồn đã được thui qua lửa đỏ đến ám mùi khét của than củi, chỉ đợi chế biến thành các món xào hầm, xáo nướng đủ vị rồi kết thúc nơi những cái miệng sành ăn ngày cuối tháng lịch âm với hy vọng xoá đi những điều đen đủi.









Đầu năm nay, người dân nước Anh cũng như trên toàn thế giới được dịp phát sốt tới 2 lần với những chú chó - mèo đáng yêu ở Việt Nam. Vào tháng 1, trang tin Daily Mail đăng tải hình ảnh ngộ nghĩnh về ba chú chó lông trắng muốt được chủ cho vào... tủ lạnh nằm tránh nóng ở thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ nhìn qua cái cách mà người chủ khéo léo đặt vừa ba chú chó vào ba hộc tủ đã thấy anh quan tâm tới thú cưng của mình tới mức nào.



Sợ chó bị ngạt, người chủ còn không dám đóng hết cửa tủ, điều đó đồng nghĩa với việc hóa đơn tiền điện chắc chắn là không nhỏ, chưa kể thực phẩm trong tủ cũng sẽ bám đầy lông chó nữa. Thế nhưng, yêu nhau mấy núi cũng trèo, một khi đã muốn cưng, muốn nựng, người chủ chó dường như chẳng có mấy ngại ngần, câu nệ.


Ngay sau khi được tờ Daily Mail đăng tải, một lượng lớn người yêu chó mèo trên thế giới đã được dịp xuýt xoa trước độ đáng yêu của ba cục bông trắng muốt cũng như tán thưởng hành động vừa thông minh lại quá đỗi chiều chuộng của người chủ chó. Sau đó chỉ vài tháng, một nhân vật thú cưng nữa của Việt Nam lại phá đảo thế giới ảo khi xuất hiện trên trang báo nổi tiếng Bored Panda - đó là chú mèo tên Chó nổi tiếng ở chợ cá Hải Phòng.





Nhân vật mèo này là linh vật được "tôn thờ" vô điều kiện bởi hội nhóm Facebook có tên "Đảo Mèo" - cậu được mọi người âu yếm gọi là "Hoàng thượng", được mọi người trầm trồ xuýt xoa mỗi lần xuất hiện cùng những bộ quần áo đáng yêu, được các cô bác ngoài chợ nhiệt tình săn đón, cho cùng chơi, cùng chụp ảnh. Sau khi lên trang nhất tờ Bored Panda, tiếng tăm của cậu mèo tên Chó lại càng vang xa, tới mức mà nhiều đơn vị truyền thông trong nước đã tìm tới tận nơi để làm những đoạn clip viral về cậu. Chó xinh xắn, đáng yêu và nay lại càng nổi tiếng, sự xuất hiện của Chó bỗng trở thành một bảo chứng rõ rệt về cộng đồng yêu chó mèo ở Việt Nam, những người có thể coi thú cưng quan trọng như chính những người thân trong gia đình.



Ngoài ra, nếu chỉ tham gia một, hai hội yêu chó mèo trên mạng xã hội, chắc chắn sẽ có những ngày newsfeed của bạn tràn ngập nào là Husky mặt ngáo, nào là những cậu mèo uốn éo nặng 6, 7 cân vẫn thích chui vào cái hộp để giày con con. Có đôi khi, thế giới chó mèo quanh chúng ta trở thành một màu hồng tuyền, tới mức đôi khi chúng ta quên mất những tông màu xám ảm đạm khác vẫn còn tồn tại quanh đây.



Sau những thông tin đăng tải về ba chú chó được chủ cưng chiều cho nằm trong tủ lạnh, chỉ hơn một tháng sau cũng trên chính tờ Daily Mail, một bài viết mang tông màu xám xịt, ảm đạm được lên trang lớn với những hình ảnh khắc khoải về chợ tiêu thụ thịt mèo tại quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.


Trùng hợp thay, những chú mèo bị bắt nhốt trong lồng chuẩn bị trên con đường vĩnh bất siêu sinh này lại hít thở chung một bầu không khí với ba cậu chó nằm trong tủ lạnh; và ai biết đâu được đấy, khi các cún nhỏ đang ưỡn mình thưởng thức không khí mát rượi từ ngăn sinh hàn thì ở một góc khác của thành phố, có đến cả trăm sinh linh bé nhỏ đang ngoi ngóp giành nhau từng hơi thở trong những chiếc lồng chật hẹp, dưới cái nắng đổ lửa của thành phố phương Nam. Và đích đến cuối cùng luôn là cái chết không hề nhẹ nhàng.



Những thước phim ám ảnh này được quay lại bởi một người phụ nữ tên Quyên nhằm mục đích chia sẻ thông tin cứu chuộc chó mèo.


Theo đó, thịt mèo, hay ''Tiểu Hổ'', được nhiều người Châu Á, trong đó có Việt Nam cho là cung cấp sinh lực và sự dẻo dai - một quan niệm sai lầm kiểu ăn gì bổ nấy, ăn mèo thì sẽ tinh mắt, nhanh chân.


Đoạn video của Quyên cho thấy rất nhiều mèo nhỏ đang bị nhốt trong lồng, phần nhiều bị bắt trộm từ các gia chủ và đang nằm dài chờ lên đoạn đầu đài, để rồi bị nấu, nướng và tiêu thụ trong các nhà hàng địa phương, trong khi một số chú mèo may mắn có vòng cổ vẫn có vài phần trăm cơ hội được chủ đón về, thoát kiếp vào lò mổ trong khi số còn lại chắc chắn sẽ lên đĩa chỉ trong vài ngày, thậm chí vài giờ đồng hồ.



Và chẳng dừng lại tại đó, chưa đầy nửa tháng sau, một xe chở chó bắt trộm ở thành phố Huế lại lên trang nhất Daily Mail khiến nhiều người đọc phải băn khoăn, vậy rốt cục phận chó, mèo ở Việt Nam nói riêng và các nước Châu Á nói chung là "sướng" hay "khổ", khi mà trên cùng một mặt báo, người nước ngoài đã kịp có cái nhìn khác về cuộc sống của nào chó cưng, nào mèo cưng ở Việt Nam.


Không biết sẽ có bao nhiêu người chưa kịp hết ngất ngây với ba cậu cún trắng trong tủ lạnh thì đã kịp phẫn nộ với những con mèo vô tội bị nhấn nước đến chết để làm thịt, bị nhốt trong từng túi, mỗi túi cả chục con?


Việc buôn bán và ăn thịt chó mèo ở Việt Nam chưa bao giờ nhận được sự ủng hộ từ đông đảo cộng đồng, thế nhưng cũng chưa bao giờ bị tẩy chay hoàn toàn. Cho tới thời điểm câu hẹn đãi bôi "Tháng này đen quá, thịt chó giải xui không?" vẫn còn tồn tại, chúng ta vẫn có thể chắc chắn rằng thịt chó mèo vẫn là một món ăn hiện hữu hiển nhiên trong số các lựa chọn tiệc tùng ngày cuối tháng âm.


Người ta đôi khi có thể tàn nhẫn một cách khủng khiếp với những gì không thân quen, ví dụ như thú cưng của những kẻ không biết mặt chẳng hạn. Dám chắc rằng trong số những người đang ngày đêm góp phần vào dây chuyền tiêu thụ thịt thú cưng ở Việt Nam, từ cung cho tới cầu sẽ chẳng có mấy ai nhẫn tâm làm thịt thú nuôi của mình, thế nhưng khi đĩa thịt nướng thơm phức được bày lên, người ta vẫn cứ vô tư ăn với cái suy nghĩ "Đây là chó/ mèo của người khác, nào phải của mình."


Và, hệ quả tất lẽ dĩ ngẫu, đó là cùng một gầm trời sẽ vẫn có những chú chó may mắn được chủ cho nằm điều hòa, cho nằm nhờ tủ lạnh; trong khi đó có đến cả trăm đồng loại của chó nọ phải chen chúc trong một thùng xe tải nào đấy, chịu đói khát hành hạ rồi lại bị nhồi căng diều rồi dìm nước tới chết để sẵn sàng lên bàn tiệc.




Cách đây tầm vài năm, có một dòng trạng thái được người dùng mạng xã hội Việt Nam chia sẻ khá rộng rãi, đại để là một người bạn Nhật Bản sang Việt Nam chơi có được mời đi ăn thịt chó cho biết "đặc sản địa phương". Bạn Nhật này khi ở nhà vẫn vô tư chơi đùa với những chú chó, chụp ảnh gửi về cho con xem; thế nhưng khi đi ăn thịt chó, bạn vẫn nhiệt tình thưởng thức và kỳ lạ nhất là vẫn chụp ảnh về khoe cả gia đình bên Nhật, trong đó có cả đứa bé vẫn hàng ngày xem ảnh bố nô đùa với chó.


Giải thích cho hành động có phần phi lý này, người bạn Nhật Bản nói anh chụp ảnh chó cưng cho con gái xem để con gái hiểu rằng sống trên đời có những thứ vật nuôi cần nhận được tình yêu thương của con người; nhưng anh cũng gửi nào là đĩa nướng, đĩa lòng về cho con gái xem để cô bé hiểu rằng, vạn vật trên đời khi đứng trước cái chết đều bình đẳng. Bạn ăn thịt lợn cũng không khác gì ăn thịt chó, đều là những bữa ăn cần được tôn trọng vì giá trị dinh dưỡng và hương vị tuyệt vời mà nó mang lại mà thôi.



Câu chuyện ngay sau đó đã gây nên nhiều tranh cãi trái chiều, mặc cho nhân vật "người bạn Nhật Bản" kia là có thật hay chỉ được dựng lên để truyền tải suy nghĩ của bản thân tác giả.


Nhiều người không đồng tình với thuyết "vạn vật công bình" đó và cho rằng, lợn được nuôi để lấy thịt, là loại gia súc cung cấp đạm giá rẻ nuôi sống con người, trong khi loài chó được nuôi dưỡng trong nhà với mục đích yêu thương, chiều chuộng như một người bạn trung thành và chí tình.


Theo quan điểm của họ, việc đưa một con lợn lên phản thịt hoàn toàn khác với việc đặt một con chó lên lò mổ, chưa kể không có chú lợn nào bị bắt trộm ngoài đường và đưa đi giết mổ phi pháp cả. Còn nguồn cung thịt chó, thịt mèo đến từ đâu, nếu không phải là trên đường phố, nơi những sinh linh bé nhỏ chật vật với cuộc sống vô chủ, hay những góc khuất nơi những con vật khốn khổ bị cướp đi trắng trợn từ tay người chủ yêu thương?


Dĩ nhiên, ai cũng có những cái lý của riêng mình, và cho đến khi tổ chức Fight Dog Meat còn đang chật vật trong trận chiến nâng cao nhận thức người Châu Á thì đều đặn hàng năm, vào tháng 6, vùng đất Ngọc Lâm, Trung Quốc lại tưng bừng lễ hội sát sinh lớn nhất năm mà nạn nhân là hàng nghìn con chó, đôi khi có cả mèo, bị đem ra giết mổ công khai và tàn nhẫn.



Và chẳng cứ người dân Trung Quốc hay Việt Nam, ở mảnh đất phát triển bậc nhất Châu Á - Hàn Quốc, người ta vẫn cứ ăn thịt chó như một lẽ thường tình. Người Hàn Quốc không chỉ có lễ hội thịt chó như Trung Quốc (được gọi là Bok-nal), họ còn có hẳn một thủ phủ thịt chó hoạt động cực kỳ chuyên nghiệp với 2,5 triệu con chó được tiêu thụ hàng năm, 20.000 nhà hàng trên cả nước. Mỗi năm, xứ củ sâm tiêu thụ tới 100 nghìn tấn thịt chó, trong đó có tới hơn 93 nghìn tấn được dùng với mục đích bào chế thuốc bổ.


100 nghìn tấn thịt chó. Nếu quy đổi ra sẽ là bao nhiêu yêu thương và chăm bẵm đã phải kết thúc nơi miệng ăn của những kẻ lạ mặt, câu hỏi này liệu có bất cứ người ăn thịt chó nào trả lời được?



Và lẽ dĩ nhiên, với một đất nước đã chuyên nghiệp hóa tới cả khâu nuôi trồng nguyên liệu, việc vận động chấm dứt ăn thịt chó của tổ chức Fight Dog Meat dường như không có tiếng nói. Lý lẽ duy nhất để tách riêng chó ra khỏi dây chuyền giết mổ lục súc là "mục đích nuôi" đã biến mất - những chú chó được nuôi nhốt trong các trang trại này thậm chí còn không có khái niệm chủ nuôi và gia đình, vậy Fight Dog Meat còn biết vin vào điều gì để cứu chuộc lấy quyền được sống của giống loài thông minh, tình nghĩa này nữa?



Ấy vậy mà, người Hàn Quốc đã dần xa lánh thịt chó.


Vào năm 2015, các số liệu thống kê cho thấy từ một món đặc sản toàn dân, giờ đây chỉ còn khoảng 20% người trẻ Hàn Quốc có ăn thịt chó. Con số này giảm một nửa ở những người cao tuổi. Người dân Hàn Quốc đang dần yêu thương vật cưng hơn, dẫn tới việc nhu cầu tiêu thụ thịt chó giảm dần. Bản thân một số người hành nghề nuôi chó thịt cũng thừa nhận bản thân "không hề tự hào" với công việc trong quá khứ và đã dần chấm dứt công việc kinh doanh của mình.


Thịt chó là món ăn được người Hàn Quốc tiêu thụ đặc biệt nhiều trong "ba ngày nóng nhất năm" - cách gọi khác của lễ hội Bok-nal. Ấy vậy mà sản lượng tiêu thụ thịt chó mùa lễ hội đã sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây. Một đầu nậu cung cấp thịt chó họ Shin đã thừa nhận rằng, từ chỗ cung cấp cho hơn 1500 nhà hàng thịt chó, hiện giờ anh chỉ còn khoảng 700 đến 800 khách hàng. Thịt chó cũng không còn được cung cấp nhiều như ngày xưa, hiện giờ dân Hàn Quốc đang dần chọn thịt vịt và thịt dê để thay thế cho món thịt chó khoái khẩu truyền thống.


Báo chí thế giới thì cứ mỗi năm đến hẹn lại lên, chủ đề Thịt chó Ngọc Lâm luôn được khai thác vô cùng bài bản, với những hình ảnh chi tiết nhất, cảm xúc nhất về số phận của hàng trăm nghìn con chó, con mèo đang chênh vênh trước cửa Tử. Hiệu ứng mà loạt bài đem lại không hề nhỏ, thế giới đã lên tiếng phản đối rất mạnh lễ hội được coi là phi nhân tính này. Hệ quả, lễ hội vào năm 2016 ảm đạm bất ngờ vì người ăn thịt chó giờ đã chịu cả áp lực về đạo đức.


Theo Tân Hoa Xã, khảo sát đối với lứa tuổi từ 16-50 đã cho kết quả rằng có 50.64% người được khảo sát đồng ý dừng Lễ hội thịt chó Ngọc Lâm; 51.7% lại cho rằng nên cấm hoàn toàn việc buôn bán thịt chó nói chung. Một tín hiệu đáng mừng cho Cộng đồng người yêu chó mèo toàn thế giới.



Cú hích mạnh mẽ cho phong trào tẩy chay thịt chó đến từ thế vận hội Olympic năm 1988 và Worldcup 2002 diễn ra ở thủ đô Seoul, khi mà cả thế giới cùng hướng ánh nhìn về xứ củ sâm và tình cờ phát hiện ra món ăn tàn nhẫn này. Phong trào tẩy chay thịt chó dữ dội đã dần dần có chỗ nói ở Hàn Quốc; những ánh mắt ám ảnh sau lồng cũi ở Hàn Quốc đã dần có hy vọng.


Vậy còn ở Việt Nam, Trung Quốc và nhiều mảnh đất Châu Á khác, liệu chó, mèo có nhiều thêm những cơ hội được sống không sợ hãi chăng? Liệu Việt Nam, Trung Quốc sẽ dần từ bỏ việc ăn thịt những "thành viên trong gia đình" nhờ vào các nỗ lực bền bỉ của tổ chức Fight Dog Meat, các hội nhóm vận động địa phương hay sẽ cần tới một cú hích lịch sử như Olympic hay Worldcup để thay đổi toàn diện?




Liệu Việt Nam, Trung Quốc có cần một cú hích lịch sử như Olympic hay Worldcup để thay đổi toàn diện thói quen ăn thịt chó mèo?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét