Nhìn vào tựa đề những bài báo về chiến tranh thương mại xuất hiện liên tục thời gian gần đây, ngay cả một người lạc quan nhất cũng khó có thể tin rằng nền kinh tế toàn cầu đang trong trạng thái khoẻ mạnh.
Tổng thống Donald Trump tiếp tục nổ hàng loạt phát đạn trong cuộc chiến tranh thương mại vừa mới bắt đầu, khiến thị trường tài chính lâm vào tình trạng hỗn loạn và xuất hiện tư tưởng gây hấn, muốn trả đũa giữa các quốc gia.
Cục dự trữ liên bang Mỹ thì vừa tăng lãi suất, tín dụng thắt chặt hơn và sự nổi lên của đồng USD đang gây áp lực cho các thị trường mới nổi, một trong số đó có thể kể đến là Argentina - quốc gia đang chịu những tổn thất nghiêm trọng.
Tuy nhiên, kinh tế thế giới vẫn đang thịnh vượng. Tốc độ tăng trưởng giảm nhẹ kể từ năm 2017 nhưng vẫn cao hơn tốc độ uể oải thiết lập trong 5 năm trước đó. Mỹ vẫn tăng tốc, nhờ chính sách giảm thuế của ông Trump và xu hướng chi tiêu mạnh hơn. Giá dầu cao hơn - thực trạng có thể gây ra sự sụt giảm mạnh trong quá khứ thì hiện lại tạo điều kiện, thúc đẩy đầu tư sản xuất dầu từ đá phiến tại Mỹ. Một vài dự đoán cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn thế giới sẽ vượt 4% trong quý 2 năm 2018.
Những kết quả có phần đầy phấn khích ở trên thực tế lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đầu tiên là nó chỉ tạo ra sự che chắn về chính trị tạm thời cho sự liều lĩnh của tổng thống Trump. Thứ 2, nếu nước Mỹ cứ tăng trưởng còn phần còn lại của thế giới chậm lại, chênh lệch lãi suất nới rộng sẽ đẩy đồng USD tăng hơn nữa. Điều này sẽ chỉ làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn ở những thị trường mới nổi và hơn nữa nó tạo ra khó khăn, khiến ông Trump khó đạt được mục tiêu cán cân thương mại.
Chiến tranh thương mại là mối đe doạ lớn nhất với tốc độ tăng trưởng toàn cầu. Ngày 15/6, nhà Trắng xác nhận sẽ sớm áp dụng mức thuế 25% lên 50 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. 3 ngày sau khi phía Trung Quốc tuyên bố sẽ trả đũa, Tổng thống Trump bày tỏ sự tức giận và doạ bổ sung phạm vi đánh thuế lên số hàng hoá trị giá 400 tỷ USD nhập vào Mỹ từ Trung Quốc. Nếu được thông qua, 9/10 trong số lượng hàng hoá nhập khẩu trị giá 500 tỷ USD từ Trung Quốc mỗi năm sẽ bị đánh thuế. Trong khi đó, Liên minh châu Âu cũng khẳng định sẽ có những biện pháp trả đũa để đáp lại hành động áp thuế thép và nhôm từ châu Âu. Không còn nghi ngờ gì nữa, các thị trường sẽ đều trở nên lo ngại hơn bao giờ hết.
Thà "nghỉ chơi" còn hơn chịu thâm hụt thương mại
Tổng thống Trump dường như không ngán bất kỳ tín hiệu leo thang chiến tranh thương mại nào bởi ông ấy tin rằng mình đang nắm trong tay phần thắng. Nước Mỹ mua từ Trung Quốc gấp 4 lần lượng sản phẩm bán cho họ, điều này làm giới hạn khả năng phía Trung Quốc có thể trả đũa ngang hàng với Mỹ. Nhà Trắng hy vọng sự bất cân bằng này sẽ khiến Trung Quốc buộc phải tuân theo một số yêu cầu của họ như ngưng trộm cắp tài sản sở hữu trí tuệ của những công ty Mỹ hay giảm thâm hụt thương mại song phương.
Tuy nhiên, ông Trump dường như đang đánh giá quá cao sức mạnh của mình. Nếu Trung Quốc không còn mặt hàng nào của Mỹ để đánh thuế, họ có thể tăng mức thuế suất đối với những sản phẩm hiện tại. Hoặc họ cũng có thể gây áp lực cho những công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc.
Quan trọng hơn, quan điểm về thương mại như vậy khiến ông Trump quan trọng hoá quá mức những ảnh hưởng có thể gây ra cho nước Mỹ. Ông ấy cho rằng thà ngừng giao dịch còn hơn là chịu thâm hụt thương mại. Suy nghĩ điên rồ này cũng lý giải phần nào động thái chính trị của ông với Canada, Mexico và châu Âu gần đây.
Nhưng, vấn đề không phải là Mỹ phụ thuộc vào thương mại. Thực tế, đây là khu vực tự do thương mại đủ lớn để dù gây thiệt hại cho GDP, thậm chí là từ một cuộc chiến tranh thương mại thực sự cũng chỉ ở mức vài điểm %.
Tác hại tự gây ra như vậy sẽ khiến những hộ gia đình ở Mỹ chịu sự tổn thất không đáng kể, khoảng vài nghìn USD. Điều đó khá là tồi tệ, nhưng không đến mức nguy hiểm.
Vấn đề lớn hơn là nếu làm như vậy sự gián đoạn sẽ xảy ra trong quá trình chuyển đổi sang chính sách tự cung tự cấp. Kinh tế Mỹ được cấu tạo cho thiết kế iPhone chứ không phải quy trình lắp ráp linh kiện; Các bộ phận của xe ô tô, máy bay phải vượt qua rất nhiều biên giới quốc gia trước khi sản phẩm cuối cùng hình thành. Với rào cản thuế quan, nhiều công ty sẽ phải tái thiết lập lực lượng lao động và vốn để thay thế nhập khẩu.
Một vài chuyên gia phân tích cho rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump là cú sốc kinh tế từ thương mại với Trung Quốc sau năm 2000. Sự rối loạn gây ra bởi hành động đảo ngược toàn cầu hoá sẽ rất tồi tệ. Một dự đoán cho rằng số lượng người mất việc làm vì chiến tranh thương mại sẽ ở mức 550.000. Và mũi tấn công thương mại vào Trung Quốc lần này không ngoại trừ khả năng gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.
Bất kỳ động thái điều chỉnh nào có lẽ sẽ còn tiếp tục kéo dài với bản tính khó có thể đoán trước được của ông Trump. Khi mà hàng rào thuế quan còn chưa rõ sẽ tăng hay giảm, chẳng công ty nào ngốc nghếch đến độ đầu tư vào một chuỗi cung ứng mới phải không?
Thật khó có thể tưởng tượng một cuộc tái cấu trúc lớn như vậy mà lại không gây ra sự suy thoái trên toàn cầu. Hàng rào thuế quan tạm thời thúc đẩy lạm phát, gây khó dễ cho ngân hàng trung ương kiềm chế lạm phát.
Dẫu vậy, hãy thận trọng. Chiến tranh thương mại có thể vẫn đang được kìm hãm vì lợi ích của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Mỹ là cỗ máy tăng trưởng của cả thế giới và ông Trump - người được cho là có những chính sách hết sức nhất thời, khó suy đoán lại đang giữ tay lái của cỗ máy này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét