Trong tương lai gần, Việt Nam vẫn là nền kinh tế phi thị trường, theo nhìn nhận của Hoa Kỳ.
Việt Nam hiện là 1 trong 11 quốc gia bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ coi là nền kinh tế phi thị trường, bên cạnh Belarus, Trung Quốc, Uzbekistan, Moldova...
Bà Leah Wils Owens, đại diện Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết nước này xác định một quốc gia có nền kinh tế phị thị trường cho mục đích chống bán phá giá, bao gồm việc giá cả không phản ánh các nguyên tắc thị trường và giá cả không ước lượng giá trị một cách có ý nghĩa.
Hiện Mỹ đang sử dụng 6 yếu tố để xác định tính chất của một nền kinh tế.
Thứ nhất là mức độ chuyển đổi của đồng tiền quốc gia đó sang đồng tiền của quốc gia khác.
Thứ hai là mức độ mà tiền lương của quốc gia đó được xác định bởi thương lượng tự do giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Thứ ba là mức độ mà các liên doanh hoặc khoản đầu tư bởi công ty của các quốc gia khác được cho phép tại quốc gia này.
Thứ tư là mức độ sở hữu hoặc kiểm soát của chính phủ đối với các phương tiện sản xuất.
Thứ năm là mức độ kiểm soát của chính phủ đối với việc phân bổ nguồn lực và đối với các quyết định về giá cả và đầu ra của các doanh nghiệp.
Thứ sáu là các yếu tố khác mà cơ quan quản lý coi là phù hợp.
Bà Leah Wils Owens cũng cho biết Hoa Kỳ hiện chưa có ý định rà soát lại tính chất của nền kinh tế Việt Nam hay không.
"Chúng tôi bắt đầu làm việc với Chính phủ Việt Nam từ năm 2002 và đánh giá đây là nền kinh tế phi thị trường. Đến nay, chúng tôi chưa có ý định rà soát hay xem xét lại", bà nói.
Hiện Mỹ là một trong thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng chính tại thị trường này, Việt Nam thường xuyên "dính" vào các cuộc điều tra về thương mại. Ví dụ, đối với điều tra chống bán phá giá, Mỹ khởi kiện Việt Nam 14 vụ trên tổng số 78 vụ, đứng đầu danh sách các nước kiện. Hay với điều tra chống trợ cấp, số vụ kiện của Mỹ là 6 trên tổng số 12 vụ kiện, chiếm 50%.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét