Đại biểu Quốc hội còn lo lắng, dư luận nhiều băn khoăn, Thủ tướng khẳng định đây không phải là điểm mấu chốt trong luật, quyết định thế nào là quyền của Quốc hội...
Bên hàng lang Quốc hội sáng 4/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi về một số quy định tại dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế (luật về đặc khu) về chính sách giao đất, cho thuê đất tại các đặc khu với thời hạn tối đa có thể lên tới 99 năm…
Nói về việc xúc tiến xây dựng luật, thành lập các đặc khu kinh tế vào thời điểm này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phân tích, đặc khu kinh tế, thế giới đã làm nhiều, nhiều nơi đã thành công từ nhiều năm trước. "Việt Nam làm lúc này là chậm rồi. Cần có cơ chế để thu hút, để có môi trường đầu tư tốt ở đây. Đó là vấn đề quan trọng nhất", Thủ tướng nói.
Về chính sách quản lý, sử dụng đất đai tại đặc khu, Thủ tướng cho biết, cá nhân người đứng đầu Chính phủ nhận được rất nhiều tin nhắn, thư, điện thoại của các nhân sĩ trí thức, đại biểu Quốc hội… về vấn đề cho thuê đất 99 năm trong dự thảo luật.
Theo Thủ tướng, Chính phủ lắng nghe một cách có trách nhiệm đối với ý kiến các trí thức, nhân dân và các đại biểu Quốc hội.
Về vấn đề thời hạn giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án tới 99 năm khiến nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn, người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ giải thích, những trường hợp cá biệt như vậy thì Thủ tướng sẽ xem xét và tất nhiên, trước khi quyết định phải xin ý kiến các cơ quan chức năng.
Theo Thủ tướng, giao đất 99 năm là trường hợp đặc biệt, phải xem xét cùng các điều kiện khác rất chặt chẽ.
"Nhưng đây không phải là điểm mấu chốt trong luật. Chúng tôi muốn Quốc hội xem xét, quyết định một cách thận trọng, công khai. Còn quyết định thế nào là quyền của các đại biểu, của Quốc hội", Thủ tướng nêu quan điểm.
Lãnh đạo Chính phủ phân tích, với đặc khu, quan trọng là tạo cơ chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi chứ những ưu đãi hay đất đai không phải là vấn đề quyết định.
Thủ tướng khẳng định lắng nghe ý kiến của đội ngũ trí thức, nhân dân, các nhà nghiên cứu còn Quốc hội xem xét, quyết định việc này và "quyết định thế nào Chính phủ cũng trân trọng".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét