Ở thung lũng Silicon xảy ra hiện tượng các gã khổng lồ làm mọi thứ để chèn ép các startup nhỏ bằng cách sao chép công nghệ của họ hoặc thâu tóm sớm để loại bỏ các mối đe doạ.
Dưới đây là một câu chuyện startup rất đỗi bình thường nhưng họ đang đứng trước một bước ngoặt lớn.
3 thanh niên trong độ tuổi 20 lập một công ty từ khi còn ở cùng phòng ký túc xá Học viện công nghệ MIT vào năm 2016. Công ty này sở hữu phần mềm sử dụng các thuật toán để soạn câu trả lời cho các email đến. Vào tháng 5, khi startup có tên EasyEmail này đang bắt đầu gọi vốn thì Google cũng tổ chức một buổi hội thảo dành cho các nhà phát triển phần mềm và ở đó, họ tuyên bố một công cụ mới giống hệt EasyEmail.
Filip Twarowski - CEO của EasyEmail xem sự gia nhập lĩnh vực mới này của Google như một "xác nhận đáng kinh ngạc" rằng những gì họ đang làm là đáng giá. Tuy nhiên, anh cũng phải thừa nhận rằng tình huống này đến cùng một "sự sốc nhẹ". Thông qua việc giới thiệu công cụ giống EasyEmail, gã khổng lồ Microsoft gửi lời đe doạ tới một người ủng hộ tiềm năng của EasyEmail. Lẽ dĩ nhiên các nhà đầu tư mạo hiểm thường sẽ né tránh những mảng, lĩnh vực có sự xuất hiện của những công ty lớn, có tiềm lực mạnh.
Điều đáng nói là không chỉ Microsoft, hội thảo hàng năm do các gã khổng lồ công nghệ tổ chức nhằm mục đích công bố về những công cụ, tính năng mới và cả các thương vụ thâu tóm luôn "tạo ra làn sóng sợ hãi trong giới doanh nhân", theo Mike Driscoll - một đối tác tại công ty đầu tư Data Collective. "Các nhà đầu tư mạo hiểm tham dự để xem công ty nào sắp bị giết".
Trên thực tế, mối lo âu về các gã khổng lồ công nghệ của các startup và nhà đầu tư tồi tệ hơn thế. Các nhà đầu tư mạo hiểm như Albert Wenger đến từ Union Square Ventures - người đầu tiên đầu tư vào Twitter đã đề cập tới "VÙNG CHẾT CHÓC" xung quanh các gã khổng lồ công nghệ. Một công ty non trẻ mới gia nhập thị trường rất khó khăn để tồn tại. Các gã khổng lồ sẽ làm mọi thứ để chèn ép các startup nhỏ bằng cách sao chép công nghệ của họ hoặc thâu tóm sớm để loại bỏ các mối đe doạ.
Ý tưởng về "vùng chết chóc" dường như tồn tại từ rất lâu trong phương châm quản trị của Microsoft, từ những năm 1990 khi họ tuyên bố chiến lược "gây áp lực, mở rộng và dập tắt". Họ luôn cố gắng đe doạ các startup khỏi việc xâm nhập vào lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, lo ngại của các doanh nhân và nhà đầu tư mạo hiểm bắt đầu trùng xuống bởi một thời gian dài sau đó, các startup có sự tự do. Trong năm 2014, tờ The Economist đã liên tưởng sự nảy nở của các startup với vụ nổ Cambrian: Phần mềm được làm bởi các startup rẻ hơn bao giờ hết và cơ hội cũng phong phú hơn.
Hiện nay thì khác. Bất kỳ thứ gì liên quan tới internet tiêu dùng đều có rủi ro bởi sự sống thị của những Amazon, Facebook và Google. Các nhà đầu tư mạo hiểm cũng thận trọng hơn trong việc rót tiền cho các startup trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến, mạng xã hội, di động và thương mại điện tử. Mọi thứ trở nên khó khăn hơn cho các startup để tìm được nguồn tài chính trong những vòng huy động vốn đầu tiên. Theo Pitchbook - một công ty nghiên cứu thì vào năm 2017, số lượng những vòng huy động vốn đầu tiên đã giảm 22% so với năm 2012.
Sự thận trọng tới từ việc chứng kiến những gì xảy ra đối với một startup khi họ bước vào "vùng chết chóc" dù là có tính toán hay chỉ do tình cờ.
Snap là một ví dụ điển hình nhất. Sau khi dập tắt hoàn toàn hy vọng thâu tóm của Facebook vào năm 2013 với giá 3 tỷ USD, Facebook đã sao chép rất nhiều tính năng thành công của Snap và điều đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ tăng trưởng của công ty này.
Một ví dụ ít được biết đến hơn là Meerket của Life on Air - một ứng dụng stream video thành lập năm 2015. Công ty này bị xoá bỏ hoàn toàn sau khi Twitter quảng bá một ứng dụng tương tự có tên Periscope. Life on Air sau đó đã đóng cửa Meerket và cho ra đời một ứng dụng khác có tên Houseparty - cung cấp dịch vụ chat video nhóm. Ứng dụng này suýt chút nữa thì nổi lên nếu như nó không bị sao chép bởi Facebook và để mất rất nhiều người dùng vào tay mạng xã hội này.
"Vùng chết chóc" hoạt động trong mảng doanh nghiệp phần mềm với cái bóng quá lớn của Microsoft, Amazon và Alphabet. Một công ty lớn lấn sân sang lãnh thổ của startup trong khi họ kiểm soát nền tảng mà startup đó phụ thuộc để phân phối khiến cuộc sống của các startup càng trở nên khó thở hơn.
Ví dụ, Elastic - một công ty quản lý dữ liệu đã ngay lập tức sụt giảm doanh thu sau khi AWS cho ra đời đối thủ cạnh tranh Elasticsearch vào năm 2015.
Thậm chí ngay cả khi các gã khổng lồ không sao chép hoàn toàn thì họ vẫn có thể đe doạ đến tiềm năng phát triển của startup. Năm ngoái Amazon mua lại Whole Foods Market - một nhà bán lẻ thực phẩm với giá 13,7 tỷ USD. Blue Apron - một startup vận chuyển bữa ăn đang chuẩn bị IPO thì đột nhiên bị đánh giá thấp khi có lời đồn đại rằng Amazon sẽ tấn công lĩnh vực này. Tình huống này không chỉ xảy ra đối với những công ty non trẻ: Gần đây Facebook đã tuyên bố họ chuyển sang lĩnh vực hẹn hò trực tuyến, khiến cổ phiếu của Match Group - công ty đã IPO vào năm 2015 đột nhiên giảm 22% chỉ trong 1 ngày.
Chưa bao giờ là dễ dàng để một startup hoạt động. Hiện đội quân của những gã khổng lồ công nghệ đáng sợ đang ngày một lớn hơn và hoạt động trong một lãnh thổ rộng rộng hơn gồm cả lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến, mạng xã hội, quảng cáo kỹ thuật số, thực tế ảo, tin nhắn, giao tiếp qua điện thoại, điện toán đám mây, phần mềm thông minh và thương mại điện tử.
Điều đó tạo ra thách thức to lớn cho các startup để tìm ra khoảng trống phát triển và tránh bị vùi dập. Các gã khổng lồ công nghệ hiện nay trở nên "tàn nhẫn và vô tâm" hơn rất nhiều. "Họ sẵn sàng tiêu diệt các startup nhỏ, mới nổi để mình tiếp tục sống sót, dù chỉ là một ngày nữa", theo Matt Ocko - một nhà đầu tư mạo hiểm. Và họ liên tục dò tìm nguy cơ những mối đe doạ mới.
Nếu như trước kia các startup có thể hoạt động trong nhiều năm mà không chịu sự soi mói của các gã khổng lồ (như Aaron Livei of Box - một ứng dụng điện toán đám mây và dịch vụ chia sẻ file đã tránh được "vùng chết chóc" để đạt giá trị tới 3,8 tỷ USD) thì hiện nay các startup chỉ có thể sống sót khoảng 6 - 13 tháng trước khi nhanh chóng bị các gã khổng lồ phát hiện ra và "giải quyết" họ.
"90% startup tôi biết được xây lên để bán chứ không phải để phát triển", Ajay Royan đến từ quỹ Mithril Capital khẳng định.
Cũng có một vài ngoại lệ. Airbnb, Uber, Slack và một vài kỳ lân khác ít phải đối mặt với sự cạnh tranh từ những công ty lớn. Tuy nhiên, số này rất ít và nhiều startup nhận ra rằng họ phải quyết tâm với những mục tiêu dễ dàng hơn.
Các doanh nhân hiện nay cũng "nghĩ sớm hơn về việc đơn vị nào sẽ mua họ", theo Larry Chu - đến từ Goodwin Proctoer - một công ty luật. Trên thực tế, các gã khổng lồ tỏ ra rất thích thú với việc thâu tóm khi mà tổng cộng Alphabet, Amazon, Apple, Facsebook và Microsoft đã chi 31,6 tỷ USD riêng trong năm 2017 cho nhiệm vụ này. Điều đó khiến một số startup trở nên ít tham vọng hơn. "90% startup tôi biết được xây lên để bán chứ không phải để phát triển", Ajay Royan đến từ Mithril Capital khẳng định.
Dĩ nhiên, một thương vụ thâu tóm sẽ giúp các nhà sáng lập startup giàu lên nhanh chóng. Và rất có thể, với số tiền đó họ sẽ lại tạo lập một công ty mới với một ý tưởng mới. Như vậy ở một chừng mực nào đó, những cú "exit" như vậy cung cấp nguồn vốn để tạo ra một sáng kiến mới. Điều đó không tồi chút nào!
Mặt khác, với các công ty đã bị thâu tóm, các gã khổng lồ công nghệ có thể giúp chúng phát triển hơn nữa. Ví dụ, thông qua việc thâu tóm Instagram, Facebook đã vừa bỏ đi một đối thủ lại vừa giúp công ty này phát triển mạnh hơn nhờ cơ sở hạ tầng công nghệ, nhân viên và các bí quyết mà facebook đã phát triển được.
Bạn hay thù?
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ở thung lũng Silicon nghiêng về quan điểm các thương vụ thâu tóm mang lại nhiều điều xấu hơn là tốt. Họ lo lắng rằng nó sẽ làm triệt hạ đi khả năng sáng tạo. "Sự thống trị của các nền tảng lớn gây tác động mạnh tới văn hoá doanh nhân tại thung lũng Silicon", theo Roger McNamee đến từ công ty Elevation Partyners. "Nó chuyển sự khích lệ từ việc cố gắng tạo ra một nền tảng lớn sang việc tạo ra một thứ nho nhỏ, vừa đủ để được thâu tóm bởi các gã khổng lồ".
Và khi các startup bị buộc phải bán mình, sự việc thậm chí còn tồi tệ hơn. Các công ty công nghệ lớn biết cách hăm doạ các startup nhỏ để buộc họ bán mình, nói rằng họ sẽ cho ra đời một dịch vụ cạnh tranh và khiến startup phá sản trừ khi đồng ý thoả thuận.
Có 3 lý do chính để cho rằng vùng chết chóc tồn tại. Đầu tiên, các gã khổng lồ nắm giữ kho dữ liệu để xác định được đâu là đối thủ cạnh tranh mới nổi một cách nhanh chóng. Google thu thập tín hiệu về người dùng Internet xem họ dành thời gian và tiền bạc cho những thứ gì thông qua công cụ Chrome, dịch vụ email, hệ điều hành Android, kho ứng dụng, dịch vụ điện toán đám mây. Facebook có thể xem những ứng dụng nào mọi người dùng và nơi nào họ chọn mua trực tuyến. Họ đã mua ứng dụng Onavo với giá 1 tỷ USD trước khi startup có cơ hội trở thành một mỗi đe doạ thực sự. Năm ngoái Facebook cũng vung tiền mua một công ty bỏ phiếu xã hội mới nổi. Amazon cũng có thừa khả năng thu thập rất nhiều dữ liệu từ các nền tảng thương mại điện tử và điện toán đám mây của họ.
Một nguồn thông tin thị trường khác tới từ việc đầu tư vào các startup - những đơn vị giúp các công ty công nghệ thâm nhập thị trường mới và nhận biết những đối thủ tiềm năng. Trong tất cả những công ty công nghệ Mỹ, Alphabet tỏ ra hoạt động tích cực nhất. Kể từ năm 2013, họ đã chi 12,6 tỷ USD đầu tư vào 308 startup. Ban đầu, các startup nhìn chung thấy thích thú khi nhận được kinh nghiệm và sự hiểu biết của những công ty thành công tuy nhiên một ngày nào đó, họ sẽ hối hận vì đã đồng ý nhận vốn.
Uber là một ví dụ, họ đã nhận tiền đầu tư từ một trong những quỹ của Alphabet nhưng sau đó họ sớm nhận ra chính mình cạnh tranh với mảng xe tự lái của Google là Waymo. Thumbtack - một sàn giao dịch việc làm cho những lao động có tay nghề cũng nhận tiền từ Alphabet nhưng sau đó họ phải chứng kiến việc công ty mẹ cho ra đời dịch vụ cạnh tranh là Google Home Services. Amazon và Apple đầu tư vào ít startup hơn nhưng họ tạo ra không ít va chạm. Amazon đầu tư vào hệ thống liên lạc trong nhà có tên Nucleus và sau đó họ cho ra đời sản phẩm tương tự vào năm ngoái.
Tuyển dụng là công cụ thứ 2 mà các gã khổng lồ sẽ sử dụng để tạo ra sức mạnh ở "vùng chết chóc". Các công ty công nghệ lớn không tiếc tay trả mức lương trên trời để giữ chân nhân tài và thậm chí cả những nhân viên trung bình. Chính điều đó khiến những người này cảm thấy không chút do dự khi từ chối lời mời của các startup.
Năm 2017, Alphabet, Amazon, Apple, Facebook và Microsoft đã dành tổng cộng 23,7 tỷ USD để trả lương dựa trên cổ phiếu. Việc thu hút nhân tài của các công ty lớn khiến các startup khó có thể mở rộng nhanh chóng. Theo Mike Volpi đến từ Index Ventures thì các startup trong danh mục đầu tư của họ hiện đều thực hiện được kém hơn 10 - 20% so với mục tiêu tuyển dụng của năm.
Lý do thứ 3 cho thấy các startup gặp khó khăn trong việc phát triển là không có dấu hiệu nào cho thấy một nền tảng mới nổi có thể đe doạ được các tên tuổi lớn, dù đã hơn 1 thập kỷ kể từ sau sự nổi lên của di động. Ví dụ, sự nổi lên của di động đã khiến Microsoft bị tổn thương - đơn vị từng thống trị mảng máy tính cá nhân và tạo sức mạnh cho Facebook và Google, cho họ khả năng thu được nhiều tiền quảng cáo trực tuyến hơn. Tuy nhiên, cho đến giờ vẫn chưa có bất kỳ nền tảng mới, đủ tầm nào cả.
Nhìn chung có rất ít cơ hội để cạnh tranh với các gã khổng lồ công nghệ trên lĩnh vực mà họ đã thống trị vì vậy các nhà đầu tư và startup phải tìm tới nơi mà họ có thể khai phá từ đầu. Việc thiếu các "cây đa cây đề" là lý do tại sao nhiều nhà đầu tư lạc quan về lĩnh vực tiền số và sinh học tổng hợp. Tuy nhiên, hiện nhiều công ty lớn đã bắt đầu quan tâm tới các mảng này. Có lời đồn đoán rằng Facebook muốn mua Coinbase - công ty tiền kỹ thuật số.
Các nhà chức trách sẽ xem xét liệu các gã khổng lồ sẽ làm gì tiếp theo. Nhiều chuyên gia chỉ trích rằng họ quá lỏng lẻo trong việc chấp thuận các thương vụ mà một công ty công nghệ thâu tóm đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn. Để loại bỏ "vùng chết chóc", các nhà lập pháp cần nghiên túc cân nhắc vũ khí để quản lý các gã khổng lồ công nghệ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét