Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2018

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảnh báo bẫy 'ODA và vay ưu đãi'

Bộ KH&ÐT vừa trình Chính phủ Báo cáo Ðịnh hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi. Theo đó, Bộ KH&ÐT chỉ ra nguy cơ Việt Nam rơi vào bẫy “ODA và vay ưu đãi”; đề xuất giải pháp sử dụng vốn ODA trong giai đoạn tới.


Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn vay ODA chậm tiến độ, tăng vốn đầu tư nhiều lần. ẢNH:SỸLỰC.


Cần xem xét kỹ nguồn ODA


Theo thống kê, tổng vốn nước ngoài Việt Nam ký kết vay giai đoạn 2016 - 2017 hơn 9,198 tỷ USD, trong đó vốn vay ODA 6,78 tỷ USD, vay ưu đãi 2,2 tỷ USD, viện trợ không hoàn lại 216,8 triệu USD. Trong đó, vốn vay ODA có lãi suất thấp, thời hạn vay dài thường từ 25 đến 40 năm và thời gian ân hạn hợp lý (5-10 năm). Với các ưu điểm này, vốn ODA giúp Việt Nam tiếp cận nguồn kỹ thuật, tri thức, đổi mới, sáng tạo và là đòn bẩy, chất xúc tác huy động nguồn vốn khác, đặc biệt nguồn vốn trong nước.


“Tuy nhiên, vốn vay ODA bắt đầu bộc lộ hạn chế như lãi suất tăng dần. Nếu Việt Nam không cân nhắc kỹ có thể rơi vào bẫy “ODA và vay ưu đãi” khi lãi suất vay và phí thu xếp vốn cao hơn so với mức lãi suất vay thương mại trên thị trường vốn trong nước”, Bộ KH&ĐT cảnh báo.


Theo đó, Bộ KH&ĐT nêu dẫn chứng, một số khoản vay ưu đãi có kèm theo điều kiện ràng buộc về kỹ thuật, công nghệ, lựa chọn nhà thầu khiến chi phí vay thực tế có thể cao hơn nhiều so với đấu thầu cạnh tranh. Ngoài ra, rủi ro do tác động bất lợi của biến động tỷ giá. Năng lực hấp thụ viện trợ nước ngoài của ngành, địa phương và dự án cụ thể còn hạn chế. Các dự án vốn vay nước ngoài đều phải gia hạn, kéo dài thời gian thực hiện, chậm phát huy hiệu quả.


Bộ KH&ĐT nêu thực trạng điều chỉnh tăng vốn đầu tư gấp nhiều lần so với phê duyệt ban đầu ở các dự án, nhất là dự án đường sắt đô thị. Tiêu biểu như, dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội vay Pháp, ADB tăng từ 783 triệu euro lên hơn 1,17 tỷ euro… Nguyên nhân chính của thực trạng này là thời gian bàn giao mặt bằng kéo dài, gây phát sinh chi phí. Đơn vị thi công chậm khiến trượt giá nguyên vật liệu, giá nhân công phải điều chỉnh; năng lực tư vấn kém. Các giải pháp thiết kế, tính toán chưa chính xác chi phí đầu tư hạng mục khiến tổng mức đầu tư tăng. Tại dự án đường sắt đô thị đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, khi thẩm tra tổng mức đầu tư phát hiện sai sót trong tính toán chi phí như áp dụng tỷ giá quy đổi, chi phí dự phòng không theo quy định, tính sai khối lượng một số hạng mục kết cấu chính… Cũng tại dự án này, hệ thống cơ điện không được tư vấn lập dự án phân tích đơn giá chi tiết dẫn đến giá của hệ thống này cao hơn đơn giá một số dự án tương tự trong khu vực từ 2 đến 7 lần.


Ngoài phân tích điểm chung, Bộ KH&ĐT còn chỉ ra các điểm bất cập của nguồn vốn ODA từ các đối tác song phương, tiêu biểu vốn vay từ Trung Quốc. Vốn vay ưu đãi của Trung Quốc cho Việt Nam tương tự các khoản vay tín dụng xuất khẩu, là các khoản vay có điều kiện (chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc) và có điều kiện vay kém ưu đãi hơn so với ODA của các nhà tài trợ khác. Vốn vay Trung Quốc đi kèm điều kiện lãi suất khoảng 3%/năm, phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%, thời hạn vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm và được cung cấp qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank).


“Tín dụng ưu đãi của Trung Quốc chỉ phù hợp cho các dự án có nguồn thu trực tiếp, có khả năng trả nợ. Một số dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc thường xuyên chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, tăng tổng mức đầu tư... ảnh hưởng hiệu quả đầu tư. Trong thời gian tới, cơ quan chức năng cần xem xét, cân nhắc việc vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc”, Bộ KH&ĐT kiến nghị.


Chuẩn bị chiến lược rút lui


Theo Bộ KH&ĐT, một trong những vướng mắc nổi cộm giai đoạn 2016-2017 đối với thực hiện các dự án có sử dụng vốn vay ODA là thiếu vốn đối ứng. Thiếu vốn đối ứng làm ách tắc quá trình thực hiện dự án, đặc biệt khâu đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư và công trình xây dựng thuộc phần đóng góp của Việt Nam. Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở Bộ GTVT, một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng.


“Vẫn còn tình trạng một số địa phương không ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho dự án ODA, vốn vay ưu đãi trong tổng hạn mức vốn trong nước được giao theo quy định mà có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ từ ngân sách trung ương”, Bộ KH&ĐT cho biết.


Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra thách thức của Việt Nam trong huy động nguồn vốn cho phát triển kinh tế và giải quyết vấn đề xã hội, môi trường phát sinh của giai đoạn 2021-2025. Giai đoạn này, cơ cấu vốn đầu tư có sự chuyển dịch, giảm dần khu vực nhà nước khi quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước diễn ra mạnh mẽ với việc thoái vốn khỏi nhiều DN sản xuất kinh doanh.




Từ thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng kiến nghị Chính phủ có quan điểm chỉ đạo trong thu hút và sử dụng vốn vay nước ngoài cho phát triển giai đoạn 2021-2025. Theo đó, chỉ cung ứng vốn ODA cho chương trình, dự án cần thiết kế với quy mô đủ lớn để phát huy hiệu quả tối đa, tác động lan tỏa mạnh, đáp ứng nhu cầu phát triển và tích cực đàm phán để tranh thủ tối đa các điều kiện ưu đãi. Các dự án cần kết hợp hài hoà giữa huy động vay trong nước và vay nước ngoài. Trong đó, vay nước ngoài chỉ nên tài trợ cho nhu cầu đầu tư cần đến ngoại tệ như nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị.


Bộ KH&ĐT đề xuất vốn vay ODA và vay ưu đãi chỉ nên chiếm 30-50% tổng mức đầu tư dự án, đóng vai trò vốn mồi, chất xúc tác cho nguồn vốn khác. Ưu tiên sử dụng dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, nhất là dự án có khả năng tạo nguồn thu ngoại tệ trong trung và dài hạn như giải quyết nút thắt cơ bản về hạ tầng, nông nghiệp thông minh, kích thích hoạt động xuất khẩu… Hạn chế sử dụng vốn vay nước ngoài để tài trợ cho nhu cầu mua sắm nội địa, vì làm tăng nợ công nhưng không cải thiện năng lực trả nợ quốc gia.


“Việt Nam cần chuẩn bị cho Chiến lược rút lui. Vốn ODA chỉ là kênh huy động ngoại tệ tạm thời. Lợi ích lớn nhất của vốn vay nước ngoài là có nguồn ngoại tệ để tiếp cận công nghệ, tài sản đầu tư và kiến thức chuyên môn tiên tiến. Về lâu dài, chúng ta cần có chiến lược để tiếp cận các yếu tố đó mà không cần ODA. Tức là Việt Nam cần tập trung xây dựng thị trường vốn trong nước, tiếp cận thị trường vốn nước ngoài và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước để tiệm cận dần đến trình độ quốc tế”, Bộ KH&ĐT kiến nghị.



"Vốn vay ODA bắt đầu bộc lộ hạn chế như lãi suất tăng dần. Nếu Việt Nam không cân nhắc kỹ có thể rơi vào bẫy "ODA và vay ưu đãi" khi lãi suất vay và phí thu xếp vốn cao hơn so với mức lãi suất vay thương mại trên thị trường vốn trong nước".


Bộ KH&ÐT cảnh báo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét