Nếu như năm 2006, mỗi người Việt gánh khoảng 3,5 triệu đồng tiền nợ thì sau 10 năm, con số này đã tăng lên gần 30 triệu đồng.
Gánh nặng nợ nần của người Việt tăng lên từng năm, khi số nợ công trên GDP và dân số ngày một tăng lên.
10 năm, nợ của người Việt tăng 8,5 lần
Năm 2006, tổng số nợ công của Việt Nam khoảng 13,8 tỷ USD. Nếu chia cho tổng số dân khi đó là 83,3 triệu người thì mỗi người sẽ gánh khoảng 165,7 USD (3,5 triệu đồng tính theo tỷ giá hiện hành).
Tuy nhiên, 10 năm sau, chia theo đầu người, nợ đã tăng lên khoảng 1.384 USD (gần 30 triệu đồng). Con số nói trên được tính toán dựa trên cơ sở GDP và dân số.
Cụ thể, mức nợ công chiếm 62,2% GDP năm 2015 là 204 tỷ USD. Quy ra tuyệt đối, nợ công Việt Nam đang khoảng 126,9 tỷ USD. Chia cho dân số khoảng 91,7 triệu người ra số nợ mỗi người Việt đang gánh. Mức này, so với cách đây 10 năm, đã tăng 8,5 lần.
Biểu đồ thể hiện tỷ lệ nợ công tăng lên theo từng năm. Đồ họa: Hiếu Công.
|
Trong năm 2015, thu nhập bình quân mỗi người Việt khoảng 45,72 triệu đồng. Như vậy, số nợ công trên mỗi đầu người năm 2015 chiếm tới 65% tổng thu nhập của một người dân trong một năm.
Nợ công đang là bao nhiêu?
Năm 2006, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nợ công Việt Nam ở mức 22,7% so với GDP, tương đương với mức 13,8 tỷ USD. Sau 10 năm, đến năm 2015, nợ đã lên đến 62,2% GDP, tương đương với 126,9 tỷ USD.
Không chỉ dư nợ tăng mà tỷ lệ nợ trên GDP cũng tăng nhanh qua 10 năm. Theo dự báo của Ngân hàng thế giới, năm 2016 nợ công sẽ lên mức 63,8% GDP; năm 2017 là 64,4% GDP và đến 2018 là 64,7% GDP. Như vậy, đến 2018, nợ công sẽ chạm mức trần an toàn 65% mà Bộ Tài chính đặt ra.
65% GDP cũng chính là giới hạn khả năng trả nợ của Chính phủ. Nếu làm phép tính so sánh, tổng số nợ công 2015 gần 3 lần so với GDP của TP HCM - địa phương có GDP cao nhất nước. Còn so với Lai Châu, tỉnh có GDP thấp nhất nước, nợ công 2015 gấp 555 lần.
Nợ công gồm những gì?
Theo bản tin của Bộ Tài chính, trong cơ cấu nợ công, nợ của Chính phủ (bao gồm các loại trái phiếu, tín phiếu, vay ODA, vay thương mại từ các đối tác song phương và đa phương) chiếm tới 80%.
20% còn lại là nợ do Chính phủ bảo lãnh (các loại trái phiếu do Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng Chính sách Xã hội phát hành) và nợ chính quyền địa phương.
Biểu đồ thể hiện tỷ lệ nợ Chính phủ/GDP (%). Đồ họa: Hiếu Công.
|
Tỷ lệ nợ Chính phủ so với GDP có sự gia tăng cùng chiều với tổng mức nợ công trong các năm gần đây. Đến năm 2015, nợ Chính phủ so với GDP vào khoảng 49%.
Nợ công Việt Nam bao gồm nợ nước ngoài và nợ trong nước. Các chủ nợ nước ngoài thường là các các đối tác song phương, như Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), các quốc gia mà Việt Nam vay viện trợ phát triển ODA như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Các tổ chức mua trái phiếu Chính phủ phát hành quốc tế, các quốc gia và các tổ chức quốc tế khác mà Việt Nam vay thương mại.
Chủ nợ trong nước cũng rất đa dạng, bao gồm cả tổ chức và cá nhân. Các tổ chức có thể là các ngân hàng thương mại – nơi được Chính phủ bảo lãnh cho một đơn vị nào đó vay. Ngoài ra, Chính phủ thường huy động vốn trong nước bằng cách phát hành trái phiếu. Vì vậy, người dân khi mua trái phiếu Chính phủ cũng là chính chủ nợ.
Nguyễn Hiếu Công
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét