Họa mi nướng là món ăn xa hoa và cầu kỳ bậc nhất nước Pháp. Tuy nhiên bản thân những người thưởng thức món ăn này cũng bị ám ảnh khi ăn thịt sinh linh bé nhỏ vô tội này.
Pháp được biết đến là một quốc gia có nền ẩm thực tinh tế và sang trọng bậc nhất trên thế giới, khó có quốc gia nào sánh bằng. Bất kể nguyên liệu rẻ tiền hay quý hiếm đắt đỏ đều trở thành những tuyệt tác dưới đôi bàn tay tài hoa của người đầu bếp Pháp.
Tuy nhiên, không hiếm những tranh cãi xung quanh những món ăn nổi tiếng xa hoa tại đất nước này. Một trong số đó là món họa mi nướng đã gây ra nhiều tranh cãi trong lịch sử ẩm thực nước Pháp.
Họa mi là giống chim nhỏ bé, nằm gọn trong lòng bàn tay của con người. Chúng thường sinh sống ở một số vùng ấm áp của châu Âu như Hy Lạp, Tây Ban Nha hay miền Nam nước Pháp. Không có ngoại hình tuyệt đẹp cũng không quá nổi trội về tiếng hót nhưng chim họa mi lại khiến ngành ẩm thực của Pháp điên đảo vì chúng thật sự là "nữ hoàng bàn tiệc" – một món ăn ngon xa xỉ và quý tộc.
Món ăn này xuất hiện từ thời La Mã cổ đại, là một trong những món có thể thỏa mãn khẩu vị cao cấp của các vị hoàng đế nước Pháp. Chim họa mi được chế biến cầu kỳ nhằm để giữ được nguyên vẹn độ căng bóng, béo ngậy của thịt đồng thời thấm đượm hương vị của hạt dẻ hòa quyện hoàn hảo với vị ngọt đậm đà của thịt và nội tạng.
Quá trình nuôi giết tàn nhẫn
Nguyên nhân gây tranh cãi về món chim họa mi nướng xa xỉ này xuất phát từ cách thức săn bắt, nuôi và giết thịt rất tàn nhẫn khiến số lượng chim này ở châu Âu ngày càng khan hiếm.
Vào mùa di cư, khi chim bay về châu Phi cũng là thời điểm những người thợ săn đặt nhiều bẫy trên cánh đồng để bắt được nhiều chim nhất có thể. Tuy nhiên, để món chim họa mi trở nên thơm ngon, hấp dẫn nhất đó phải là những con chim béo núc gấp 2 đến 4 lần so với bình thường. Vì vậy, sau khi sập bẫy, chúng bị giam trong những chiếc lồng chật ních để hạn chế tối đa vận động và bắt đầu tiến hành vỗ béo.
Chim họa mi liên tục được vỗ béo bằng cách cho ăn nho khô, hạt kê và quả sung bất kể là chúng có nhu cầu hay không. Thậm chí, tương truyền rằng, Hoàng đế La Mã xưa kia còn cho kẹp mù mắt con chim để chúng tưởng là ban đêm vì thế sẽ ăn nhiều hơn.
Thông thường, đến lúc chế biến, họa mi đã tăng 2-4 lần kích cỡ ban đầu. Chúng bị ngâm chìm trong rượu armagnac hoặc nhỏ từng giọt rượu qua họng để chúng chết từ từ. Phần lông còn lại được rút cẩn thận để đảm bảo những chất béo tốt nhất không thể thoát ra ngoài. Cuối cùng, đầu bếp chỉ cần thêm chút gia vị và tiến hành nướng chim họa mi trong vòng 6 -8 phút là món ăn đã được hoàn thành.
Cách thưởng thức kỳ dị
Chim họa mi nướng kiểu Pháp được coi là cách thưởng thức chất béo tinh tế và cầu kì bậc nhất thế giới. Đối với món thượng hạng này, việc thưởng thức cũng là một quá trình được tiến hành như một nghi lễ. Thực khách không cắt thịt chim ra thành miếng nhỏ và dùng dao dĩa như thông thường.
Theo truyền thống, mỗi người phải dùng một chiếc khăn màu trắng trùm kín đầu, sau đó bỏ cả con chim vào miệng sao cho phần đầu hướng ra ngoài rồi nhai từ từ tất cả các phần từ chân cho đến xương, chỉ bỏ lại đầu. Việc trùm khăn một phần để khiến cho người ăn không cảm thấy xấu hổ với những người xung quanh, nhưng hơn hết là vì người ta tin rằng việc làm này giúp họ lẩn trốn khỏi “đôi mắt phán xét” của Chúa khi ăn thịt sinh linh bé nhỏ.
Người ta tin rằng những chiếc khăn trắng trùm kín đầu giúp họ tránh khỏi ánh mắt của Chúa khi ăn thịt chim họa mi.
Nhằm thu về lợi nhuận khổng lồ, những tay săn trộm đánh bắt số lượng lớn khiến cho số loài chim này giảm 30% với 30.000 con chim bị giết thịt mỗi năm chỉ tính riêng vùng tây nam Aquitaine nước Pháp. Trước thực tế đó, năm 2007, trong khi việc săn bắt để làm thịt chim họa mi bị cấm trên toàn EU thì chính phủ Pháp tuyên bố mức phạt nặng nhất cho hành động này lên tới 6.000 euro (khoảng 150 triệu đồng).
Nhưng một nhóm các đầu bếp hàng đầu nước Pháp đã vận động chính phủ Pháp hủy lệnh cấm giết và chế biến chim họa mi để bảo tồn nét văn hóa lâu đời. Tuy nhiên, Allain Bougrain Dubourg, Chủ tịch Liên minh Bảo vệ chim của Pháp cho rằng những người đầu bếp này cổ hủ và không phù hợp với thực tiễn của thế kỉ 21. Và cho đến nay, câu chuyện về sự sống còn của những chú chim họa mi vẫn còn tiếp tục gây nhiều tranh cãi.
Theo MASK
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét