Sở hữu cánh đồng mẫu lớn 20ha, kết thúc vụ tơ (năm đầu) đạt doanh thu khoảng 2 tỷ đồng, sau khi trừ 52 triệu đồng/ha (20ha tương đương 1,04 tỷ đồng) chi phí đầu tư ban đầu, người trồng mía thu lợi nhuận 960 triệu đồng.
Trước thử thách khắt khe của hội nhập TPP, nông dân Quảng Ngãi đang dần hình thành những cánh đồng mía mẫu lớn, áp dụng cơ giới hóa từ khâu trồng trọt đến công đoạn thu hoạch đem lại hiệu quả kinh tế cao: chất lượng chữ đường 10 và năng suất tăng gấp đôi.
Về cánh đồng mẫu lớn ở xã Nghĩa Lâm (huyện Tư Nghĩa), rộng 22ha đất do 3 hộ nông dân gom thành dùng để trồng mía theo mô hình cánh đồng mẫu lớn nhằm tận dụng cơ giới hoá nông nghiệp vào sản xuất.
Đại diện nhà máy đường (bên phải) kiểm tra tiến độ phát triển cây mía ngoài cánh đồng mẫu lớn của nông dân Võ Minh Tuấn.
“Ngày trước, người nông dân trồng mía rất thủ công, khiến cây mía không đảm bảo chất lượng và năng suất thấp. Sau khi học tập mô hình trồng mía bằng cơ giới hóa hoàn toàn, tôi cùng anh em trong gia đình, thuê lại đất của các hộ dân khác, phá bờ và tạo thành cánh đồng mẫu lớn ở địa phương”, nông dân Võ Minh Tuấn (40 tuổi, ngụ thôn 1, xã Nghĩa Lâm) cho biết.
Theo anh Tuấn, nếu như trước đây, 1ha ruộng mía thu hoạch khoảng 50 tấn thì hiện nay, với mô hình cánh đồng mẫu lớn, nông dân thực hiện trồng mía, bón phân, thu hoạch,... với các loại xe công nông chuyên dụng, nên mỗi ha cho thu hoạch khoảng 100 tấn mía. Chất lượng mía đạt chữ đường 10 nên giá thu mua của nhà máy khoảng 950.000 đồng/tấn. Như vậy, tính ra mỗi ha mía trồng theo mô hình cánh đồng mẫu lớn thu lợi 95 triệu đồng.
Khâu làm đất, trồng mía đều bằng cơ giới hóa.
Để đồng hành cùng người trồng mía tỉnh Quảng Ngãi và Gia Lai, Nhà máy đường Phổ Phong (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) mới đây cũng đã phối hợp với một số hộ nông dân hình thành những cánh đồng mẫu lớn (ít nhất 5ha/cánh đồng) nhằm hỗ trợ đầu tư cây giống, kỹ thuật và đảm bảo đầu ra cho người trồng mía.
Ông Tạ Công Tường - Giám đốc Nhà máy đường Phổ Phong cho biết: “Khi nông dân hình thành cánh đồng mẫu lớn, chúng tôi có trách nhiệm đầu tư giống mía, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch,... bằng cơ giới hóa hoàn toàn. Sau khi thu hoạch, nhà máy thu lại phần đầu tư khoảng 52 triệu đồng/ha, phần còn lại là doanh thu của nông dân. Để người nông dân tồn tại trên sân nhà khi hội nhập TPP, chúng ta nên kết hợp 4 nhà (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông và nhà khoa học) thì ngành nông nghiệp mới tồn tại bền vững”.
Nhà máy đường đảm bảo từ chi phí đầu tư đến bao tiêu đầu ra sau khi thu hoạch vụ mía.
Với liên kết trên, nông dân chỉ cần đầu tư vận động gom đất (thuê đất hoặc hợp tác), còn lại do doanh nghiệp đầu tư hoàn toàn đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật khoa học và bao tiêu đầu ra, nhà nước đảm bảo thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa. Sau 1 năm trồng mía vụ đầu (vụ tơ), doanh nghiệp thu hồi đầu tư ban đầu khoảng 52 triệu đồng/ha; đến vụ năm 2 và năm 3, nông dân hưởng lợi toàn bộ doanh thu sản lượng đạt được.
Theo tính toán của đại diện nhà máy: Sở hữu cánh đồng mẫu lớn 20ha, kết thúc vụ tơ (năm đầu) đạt doanh thu khoảng 2 tỷ đồng, sau khi trừ 52 triệu đồng/ha (20ha tương đương 1,04 tỷ đồng) chi phí đầu tư ban đầu, người trồng mía thu lợi nhuận 960 triệu đồng. Vụ năm 2 và năm 3, doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc và nông dân được hưởng lợi hoàn toàn.
Nông dân Quảng Ngãi sẵn sàng hội nhập TPP với cách trồng mía công nghiệp hóa - hiện đại hóa cánh đồng.
Được biết, hiện ở Quảng Ngãi đã hình thành nhiều cánh đồng mẫu lớn, đặc biệt là khu vực huyện Tư Nghĩa và Đức Phổ (hiện đang có cánh đồng từ 24 - 35ha). Trên toàn tỉnh Quảng Ngãi, nhà máy đường liên kết cùng nông dân cũng đã hình thành từ 1.300 - 1.500 ha cánh đồng mẫu lớn ứng dụng thiết bị cơ giới hóa.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Nguyên Giang - Chủ tịch UBND xã Phổ Cường (huyện Đức Phổ) cho biết: "Từ lúc nhà máy đưa cơ giới hóa vào sản xuất mía, phối hợp với người dân dồn điền đổi thửa, địa phương làm thí điểm 11ha. Qua mùa vụ, chúng tôi thấy hiệu quả kinh tế tăng lên khoảng 50 lần/ha/năm so với cây lúa (thu nhập từ cây lúa hiện là 1 triệu đồng/vụ/năm mỗi ha). Hiện nay, địa phương đang lên kế hoạch hình thành những cánh đồng mẫu lớn, ước khoảng 100 ha. Mô hình này rất hiệu quả, phù hợp với vùng nông nghiệp ở địa phương".
Ông Dương Văn Tô - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi nhận định: "Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây mía cho thấy hiệu quả bền vững, chất lượng mía ổn định, năng suất tăng cao và công lao động giảm nhiều. Cách làm này phù hợp với chặng đường hội nhập TPP, hạn chế tối đa đất bỏ hoang phí vì mất mùa, thiếu nước như thời gian qua".
Hồng Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét