Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Maritime Bank với những bước đi thận trọng sau sáp nhập

Khép lại năm 2015, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) báo lãi trước thuế 158 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước. So với quy mô hiện tại của Ngân hàng, con số này còn khá khiêm tốn. Nhưng xét về các hoạt động thì năm qua đã chứng kiến nhiều thay đổi bước ngoặt đối với MSB.
Câu chuyện hậu sáp nhập

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, có những doanh nghiệp mất cả thập kỷ, thập chí vài chục năm “cày cuốc” kinh doanh mới có được mức tăng trưởng của một doanh nghiệp chỉ trong thời gian ngắn thông qua con đường M&A. Và con đường MSB đã chọn trong thời gian qua cũng chính là mua bán sáp nhập khi liên tiếp nhận về Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) và mua lại Công ty tài chính cổ phần Dệt may Việt Nam (TFC), chuyển đổi thành Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB-FC) ngay trong năm 2015.

Không thể phủ nhận một điều rằng cuộc hôn nhân tự nguyện với MDB đã giúp MSB tăng trưởng nhanh chóng về quy mô cũng như lợi thế so với trước đây. Sau sáp nhập, Ngân hàng đã trở thành một trong 5 ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam xét về vốn điều lệ và mạng lưới với gần 300 chi nhánh/phòng giao dịch có mặt tại hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Ngoài ra, MSB còn được tăng cường khi bổ sung đa dạng hơn về các sản phẩm tín dụng nông nghiệp, nông thôn, mở rộng phân khúc khách hàng và mạng lưới vào phía Nam vốn là thế mạnh của MDB trước đây.

Tuy nhiên, thay vì phát triển nóng ngay trên những lợi thế có được từ sáp nhập thì MSB đã chọn giải pháp thận trọng hơn với mục tiêu chính yếu trong 2015 là củng cố kiện toàn những cơ sở nền tảng của toàn hệ thống. “Trong năm qua Maritime Bank đã triển khai hàng loạt các hoạt động nhằm củng cố nền tảng, nâng cao hiệu quả mô hình quản trị vận hành với mục tiêu tối ưu hóa các ưu thế có được từ việc hợp nhất với MDB, tạo nên những bước đi vững chắc, ổn định cho ngân hàng cho những năm tiếp theo”, Tổng Giám đốc Huỳnh Bửu Quang của MSB cho biết.




Các nền tảng cơ bản cho hoạt động của một ngân hàng có thể kể đến là mạng lưới, hệ thống công nghệ, hệ thống quản trị rủi ro, nguồn nhân lực... Tổng mức đầu tư cho phát triển công nghệ của MSB trong năm 2015 và 2016 lên đến hơn 200 tỷ đồng để triển khai các dự án đáp ứng yêu cầu kinh doanh và quản trị, nâng cao năng lực và tính ổn định của hệ thống. Ông Quang chia sẻ thêm. Trên cơ sở nền tảng vững chắc, trong năm qua MSB đã hoàn thành việc chuyển đổi hệ thống công nghệ thông tin khi sáp nhập chính thức hai hệ thống Ngân hàng MSB và MDB trong thời gian ngắn nhất trên thị trường (4 ngày), đảm bảo công tác vận hành và giao dịch của khách hàng.

Việc thay đổi về nhân sự cấp cao để có được những thành viên giàu kinh nghiệm, đáp ứng được sự phát triển kỳ vọng của MSB cũng đã diễn ra trong năm 2015 với sự gia nhập của ông Huỳnh Bửu Quang vào tháng 10/2015 trong vai trò là Tổng Giám đốc MSB. Đây không phải là nhân vật xa lạ trong giới tài chính với kinh nghiệm gần 20 năm làm việc tại HSBC và là lãnh đạo cấp cao của HSBC Châu Á Thái Bình Dương…, ông Quang được đánh giá là người lãnh đạo có bề dày kinh nghiệm, thấu hiểu thị trường Việt Nam, được Ngân hàng kỳ vọng sẽ dẫn dắt MSB đạt được những thành công mới lớn hơn.

Cũng cần phải nói thêm rằng trong bối cảnh hiện nay, việc cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng gay gắt, và việc đầu tư cho công nghệ, cho nhân lực… là điều cấp thiết và rất nhiều ngân hàng cũng đang tập trung cho việc này. Một khi hệ thống ổn định và phát triển mới có thể tạo ra giá trị gia tăng cho ngân hàng và cho chính các cổ đông.



“Có bột mới gột nên hồ”

Sau thương vụ sáp nhập MDB thành công tháng 8/2015, vốn chủ sở hữu của MSB tăng 44% so với đầu năm 2015, đạt 13.616 tỷ đồng. Nhờ vào việc tăng vốn chủ sở hữu và việc củng cố lại hệ thống để quản trị hiệu quả, hệ số an toàn vốn CAR của MSB luôn được giữ ở mức cao hơn nhiều so với mức quy định (9%). Tại thời điểm 31/12/2015, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu hợp nhất là 24,53%. Tổng tài sản ở mức tương đương 2014, đạt 104.311 tỷ đồng.

Trong đó, tổng nguồn vốn huy động của Ngân hàng là 65.913 tỷ đồng, tương ứng 98,6% so với cuối năm 2014, tuy nhiên huy động từ dân cư vẫn tăng 9%, đạt gần 40.000 tỷ đồng. Tuy giảm nhẹ về quy mô huy động nhưng cơ cấu vốn của MSB đã được dịch chuyển theo hướng ổn định và bền vững hơn qua việc tăng tỷ trọng tiền gửi huy động kỳ hạn trên 12 tháng và tăng tỷ trọng tiền gửi khách hàng cá nhân lên mức 60%.

Một chỉ tiêu quan trọng khác của Ngân hàng là tổng dư nợ đạt 50.126 tỷ đồng tăng 27,4% so với năm 2014, phần lớn nhờ phân khúc cho vay khách hàng cá nhân với mức tăng trưởng 2,6 lần so với năm trước, đạt hơn 7,500 tỷ đồng. Còn tín dụng doanh nghiệp vẫn giữ ổn định và đã được cơ cấu lại danh mục nhằm đảm bảo kiểm soát rủi ro trong hoạt động và phát triển đúng phân khúc khách hàng mục tiêu của Ngân hàng. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng giảm 0,5% so với năm 2014, ở mức 2,16%.

Trong năm 2015, MSB đã tăng cường xử lý các khoản nợ xấu, thoái lãi và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo yêu cầu của Thông tư 02/TT-NHNN, Thông tư 09/TT-NHNN, đảm bảo tài chính vững mạnh, ổn định trong những năm tiếp theo, với kết quả lợi nhuận trước thuế đạt 158 tỷ đồng, giảm 2,45% so với năm trước. Tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trích lập là 527 tỷ đồng (giảm 30% so với 2014).

Dựa trên những thế mạnh nền tảng được củng cố và xây dựng trong năm 2015, căn cứ vào diễn tiến của thị trường, lãnh đạo MSB cho biết năm nay Ngân hàng sẽ đạt được sự phát triển tốt hơn với các mục tiêu kinh doanh cụ thể được trình tại Đại hội Cổ đông sắp tới. Cụ thể tổng tài sản 108.967 tỷ đồng, tăng 4,5%; tổng dư nợ tăng 25%, trên 62.000 tỷ; tổng huy động tăng 20%, gần 79.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng dự kiến tăng 20% so với năm 2015, đạt 190 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu đảm bảo duy trì dưới 3% theo quy định của NHNN. Song song đó NH vẫn tiếp tục đầu tư củng cố hơn nữa vào các cơ sở nền tảng để có được những bước phát triển bền vững, ổn định và an toàn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét