Để nâng tầm thương hiệu chuối “Made in Viet Nam”, lão nông Võ Quan Huy (61 tuổi) đã mạnh dạn đầu tư gần 2 triệu USD (hơn 40 tỷ đồng) trồng 140 ha chuối theo “quy trình sạch” chuẩn quốc tế. Mỗi năm ông xuất khẩu khoảng 500 tấn chuối ra những thị trường khó tính như Nhật Bản, Malaysia, Singapore…
Đam mê làm giàu từ chuối
Nhắc đến thị trường xuất khẩu chuối tại Việt Nam, không mấy người không biết đến lão nông Võ Quan Huy (61 tuổi, ngụ huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Ông nổi tiếng khắp cả nước không phải bởi danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” mà là bởi niềm khao khát, đam mê làm giàu từ chuối khó ai sánh bằng.
Ông Huy cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất nghèo Long An, gia đình tôi cũng nhiều đời gắn bó với nghề nông nên từ nhỏ tôi đã khao khát làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Trước khi đến với nghề trồng chuối, tôi cũng đã gắn bó với nhiều nghề nông như nuôi tôm, nuôi bò, nuôi heo… Ngoài ra, tôi cũng thử nghiệm trồng nhiều loại trái cây trên vùng đất phèn của quê hương mình”.
“Sau nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm, tôi thấy vùng đất quê mình có thể trồng được nhiều loại chuối với chất lượng tốt nên tôi mạnh dạn đầu tư. Thường những người nông dân ở quê tôi chỉ trồng chuối theo quy mô nhỏ nên hiệu quả chưa cao. Ước mơ làm giàu từ chuối với quy mô lớn và theo tiêu chuẩn quốc tế đã thôi thúc tôi khiến tôi không thể cưỡng lại. Khi quyết định đầu tư tôi chỉ mong sao một ngày nào đó thương hiệu chuối “Made in Viet Nam” sẽ được nhiều bạn bè quốc tế biết đến. Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho nông dân quê mình có cơ hội cải thiện đời sống”, ông kể về ước mơ của mình.
Lão nông Võ Quan Huy
Ông Huy chăm sóc cho vườn chuối triệu đô của minh
Để thực hiện ước mơ đó, ông Huy đã bỏ nhiều năm trời đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm. Ông cũng thuê nhiều chuyên gia nước ngoài về tư vấn tại vườn chuối của mình để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Sau gần 10 năm tâm huyết, đến nay, vườn chuối của ông Huy đã cho thu hoạch khoảng 500 tấn/năm với lợi nhuận hàng chục tỉ đồng. Với vườn chuối của mình, ông còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm công nhân tại địa phương và trao đổi kinh nghiệm cho nhiều gia đình muốn làm giàu từ chuối.
Vườn chuối rộng hơn 100 ha của ông Huy được trồng theo tiêu chuẩn sạch
Quy trình “khép kín”
Để có được thành công như ngày nay, vườn chuối của ông Huy đã áp dụng quy trình trồng chuối khép kín từ khi khâu giống, tưới nước, bón phân, thu hoạch và đóng gói. Đặc biệt, vườn chuối của ông Huy nghiêm cấm sử dụng các loại chất kích thích. Do vậy, sản phẩm chuối của ông đạt chất lượng khá cao và nhanh chóng chiếm được niềm tin của nhiều khách hàng khó tính trên thế giới.
Do trang trại quá rộng, để đảm bảo trái chuối không bị va đập trong quá trình vận chuyển vào nhà đóng gói, ông Huy cho xây dựng hệ thống ròng rọc treo dài hàng trăm km bao quanh trang trại. Các buồng chuối khoảng 40kg sẽ theo hệ thống treo tự động “chạy” về khu xử lý. Để tưới cho cây chuối, ông Huy cũng đầu tư hơn 50km đường ống được gắn xung quanh vườn nhằm tưới một cách hiệu quả nhất.
Hệ thống dây chuyền đưa chuối từ vườn đến kho xử lý
Chuối được treo suốt quá trình xử lý để tránh bị dập
Vừa mân mê buồng chuối, ông Huy vừa trao đổi quá trình tạo ra một quả chuối chất lượng phải tuân thủ theo nhiều yếu tố. Để làm được điều này, người nông dân phải chăm sóc từng buồng, từng nải để quả chuối không quá to hay quá nhỏ.
Ông chia sẻ kinh nghiệm: “Nếu mình để chuối trổ hết thì ra rất nhiều nải, cây nuôi không đủ sức, chuối sẽ không đẹp. Do đó, bông chuối cứ trổ khoảng 10 nải là mình phải bẻ luôn bông, không cho ra trái nữa. Mỗi trái chuối đều phải vặt phần hoa thừa ở chóp trái để trái đẹp. Trái nào sinh đôi thì phải vặt bỏ. Một nải nếu ra quá nhiều trái, cũng phải vặt bỏ, nếu không nải chuối sẽ bị “lòi sỉ” rất xấu”.
“Khi thu hoạch tính bằng trăm tấn, ngàn tấn, nhưng chăm sóc chuối thì chăm cho từng trái. Sau khi chuối lớn tương đối, tất cả các buồng sẽ được bọc kín để tránh sâu bệnh và côn trùng gây hại. Nếu một nải chuối chỉ cần có 1 trái bị hư hỏng là chúng tôi sẵn sàng bỏ cả nải để đảm bảo chất lượng”, ông Huy tỉ mỉ cho biết thêm.
Quy trình khép kín của vườn chuối được thực hiện từ khi trồng đến khi đóng gói đưa đi xuất khẩu.
Sau khi thu hoạch, chuối cũng được được khử sạch bụi, loại bỏ phần cuống thừa để cho đẹp mắt. Sau đó, chuối được thả vào bể nước để khử khuẩn khoảng 15 – 20 phút rồi vớt lên đưa vào túi nylon để hút chân không rồi chuyển vào kho lạnh.
“Ước mơ đưa chuối Việt ra xuất khẩu của tôi đã thành hiện thực. Nhiều bà con nông dân ở quê hương tôi cũng có đời sống khá giả hơn nhờ trồng chuối. Tuy vậy, thời gian tới tôi sẽ còn phải cố gắng hơn nữa để những thị trường như Mỹ, Nga có thể nhập khẩu thương hiệu chuối của mình. Đồng thời, tôi đặt mục tiêu đến năm 2017 sẽ xuất khẩu ổn định 10.000 tấn/năm và đang nỗ lực hết sức để đạt được mục tiêu đó” , ông Huy chia sẻ thêm.
Xuân Hinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét