Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

Những việc nên làm ngay khi mất việc

Bạn nên hít thở sâu, đừng tự trách bản thân, đừng cắt tóc ngắn và hãy tận dụng thời gian này để đi du lịch.
Những việc nên làm ngay khi mất việc
1. Hít thở thật sâu
Bạn rất dễ dàng hoảng loạn khi biết tin mình bị đuổi việc và có những hành động thiếu suy nghĩ mà sau đó sẽ phải hối tiếc. Theo ông Edward Fleischman – CEO The Execu Search Group, bạn nên giữ quan hệ tốt với đồng nghiệp và sếp cũ để sau này có thể nhờ cậy. Vì vậy, tốt nhất bạn hãy bình tĩnh và không nói hay làm bất cứ điều gì đáng tiếc trong lúc nóng giận.
Bạn nên tìm một không gian yên tĩnh, riêng tư để tập trung suy nghĩ và giảm bớt sức ép. Bạn cũng có thể kiềm chế cảm xúc bằng các bài tập như hít thở sâu, thiền hoặc đi bộ.
 
2. Đừng vội vàng ký bất cứ thứ gì
Nếu nhân sự yêu cầu bạn ký vào đơn chấm dứt hợp đồng, hãy mang nó về nhà và đọc cẩn thận trước đã. Chữ ký của bạn có thể đơn giản là một sự thừa nhận bạn đồng ý thôi việc, nhưng cũng có thể là ràng buộc khiến bạn mất quyền kiện cáo với công ty cũ trong một khoảng thời gian nhất định.
 
3. Trao đổi cụ thể với nhân sự
Shane Davis - Giám sát tuyển dụng của hãng tư vấn Vaco Memphis gợi ý rằng bạn nên hỏi nhân sự những câu như: "Công ty có hỗ trợ tìm việc mới không?" hay "Chuyện gì sẽ xảy ra đối với quyền lợi của tôi?".
 
4. Lấy lại thông tin quan trọng từ máy tính
Nếu máy tính của bạn vẫn chưa bị khóa, hãy dành vài phút để lấy hết thông tin liên lạc quan trọng, hồ sơ cá nhân, báo cáo hoạt động hoặc bất cứ thứ gì có thể hỗ trợ bạn tìm được một công việc mới.
 
5. Xin lời khuyên
Trong trường hợp có quan hệ tốt với sếp và đồng nghiệp cũ, bạn có thể tham khảo ý kiến của họ về vị trí công việc mới trong tương lai. Nếu bạn chưa có thông tin liên lạc của họ, đây là lúc thích hợp để hỏi xin rồi đó.
 
6. Gọi cho người nhà hoặc bạn bè thân thiết
“Bạn không nên chịu đựng trong im lặng. Đây là thời điểm cần tới sự đồng cảm của người thân để vơi bớt phiền muộn”, Taylor cho biết. Hãy trò chuyện với người mà bạn cho rằng sẽ mang lại cho mình những sự hỗ trợ cần thiết hoặc một tầm nhìn rộng hơn.
 
7. Đừng ra bất cứ quyết định ngớ ngẩn nào
Penny Locey - Phó giám đốc hãng tư vấn quản lý nghề nghiệp Keystone Associates cho rằng bạn không nên đưa ra bất cứ quyết định quan trọng nào ảnh hưởng đến cả cuộc đời trong lúc nóng giận. Đừng hoãn lại buổi dã ngoại cùng gia đình hay chán nản đến mức đi cắt tóc ngắn.
 
8. Chuẩn bị sẵn tâm lý khi người khác đề cập đến
Bạn nên chuẩn bị sẵn vài câu trả lời trong trường hợp không muốn đề cập đến tình cảnh của bản thân với mọi người. Ví dụ: “Công ty của cháu bị đóng cửa. Cháu đang tích cực tìm kiếm công việc mới. Cháu chưa muốn kể chi tiết, nhưng sẽ cập nhật thông tin thường xuyên. Cảm ơn cô/chú đã quan tâm”.
 
9. Liệt kê thành tựu của bản thân
Lẽ tự nhiên là bạn sẽ thấy mất niềm tin vào bản thân sau khi bị sa thải. Bạn cho rằng đây như là một bước lùi vậy. Nhưng hãy nhớ, khi còn đi làm, bạn cũng đã cống hiến rất nhiều.
Taylor cho rằng bạn nên liệt kê các thành tích lớn nhất của bản thân ra giấy, để tự nhắc nhở rằng mình cũng có những kỹ năng quý giá và hoàn toàn có thể kiếm được việc khác.
 
10. Đi du lịch
Dù là đi chơi một buổi tối với bạn bè hay leo núi vào cuối tuần, bị sa thải cũng vẫn là cơ hội để bạn dành thời gian xả hơi cho bản thân. Các chuyên gia việc làm cho rằng đi du lịch trước khi bắt đầu công việc mới sẽ sạc đầy năng lượng cho bạn. Trước khi bắt đầu hành trình mới, bạn nên dành ra cho bản thân một chút thời gian và không gian để bình tĩnh và sống chậm lại một chút.
 
Ngọc Anh (theo BI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét