Nếu khách nước ngoài chẳng may dùng thẻ tín dụng để mua đồ tại Venezuela, họ sẽ phải giật mình với mức giá còn đắt đỏ hơn cả Tokyo hay Zurich.
Một chiếc hamburger ở đây có giá 1.700 bolivar. Còn phòng khách sạn là 69.000 bolivar một đêm. Nếu tính theo tỷ giá chính thức (10 bolivar đổi một USD), thẻ tín dụng của khách sẽ bị trừ tương ứng 170 USD và 6.900 USD.
Nhưng dĩ nhiên, trả bằng tiền mặt thì lại khác. Vì các cửa hàng ở đây không sử dụng tỷ giá chính thức. Ngoài chợ đen, 1.000 bolivar mới đổi được một USD.
Nhưng với riêng người dân Venezuela quen sống trong một nền kinh tế chủ yếu dựa vào hàng hóa và nguyên liệu nhập khẩu, lạm phát phi mã đúng là đã khiến cuộc sống của họ trở nên quá đắt đỏ. Kể cả với tầng lớp trung lưu, hamburger và phòng khách sạn cũng đã quá tầm với.
"Chúng tôi đầu hàng rồi. Cuộc sống quá ngột ngạt", Michael Leal - chủ một cửa hàng kính mắt tại thủ đô Caracas cho biết trên AFP.
Một hiệu bánh tại Caracas treo biển hết bánh mì. Ảnh: AFP
|
Tại Chacao - khu tập trung tầng lớp trung lưu của Caracas, nhân viên văn phòng xếp hàng dài bên ngoài một cửa hàng để mua được bữa trưa thật rẻ. Các nhà hàng gần đó thì không một bóng người.
Thoạt nhìn, nơi này cũng như tất cả trung tâm thành phố lớn khác ở Mỹ Latin, với nhà cao tầng, giao thông đông đúc, người đi bộ hối hả trên phố. Nhưng nếu nhìn kỹ, bạn có thể nhận ra các dấu hiệu kinh tế suy thoái tại đây. Rất nhiều cửa hàng, đặc biệt là hàng điện máy, đều đã đóng cửa.
"Thật kinh khủng", Marta Gonzalez - chủ một cửa hàng mỹ phẩm cho biết, "Giờ người ta chẳng mua gì khác ngoài đồ ăn đâu". Còn bên ngoài cửa hàng, bà cũng phải treo biển "Không nhận trả bằng thẻ tín dụng".
Người Venezuela đang thiếu thốn mọi nhu yếu phẩm. Điện, nước sinh hoạt cũng bị cắt luân phiên. Nhiều gia đình ăn bữa tối thì phải nhịn bữa sáng do thực phẩm chẳng còn lại bao nhiêu.
Ở một trung tâm mua sắm cao cấp gần đó, các cửa hàng của Hard Rock café, Zara, Swarovski và Armani Exchange đều vắng tanh. Trái lại, một hiệu thuốc có tới 200 người kiên nhẫn xếp hàng.
Họ muốn mua mọi thứ nhu yếu phẩm có thể, như kem đánh răng, trước khi chúng cháy hàng. Những sản phẩm này thường được trợ giá nên khá rẻ. Có lần, hàng bán hết sạch chỉ trong vài phút. "Chúng tôi tuần nào cũng làm thế này", Kevin Jaimes – một nhân viên kinh doanh 21 tuổi cho biết khi xếp hàng cùng cả nhà, "Điều bực mình là chưa đến lượt mua mà đồ đã hết rồi".
Khi đó, họ phải ra chợ đen để mua hàng với giá cao gấp 100 lần giá được trợ cấp. Gia đình Jaimes có 7 người. Anh đang phải cố sống qua ngày với lương tháng 35.000 bolivar, tương đương chỉ 35 USD.
Con số này khiến anh chẳng dám nghĩ đến việc đi xem phim nữa. Vì vé đã 8.800 bolivar rồi. Vé xem phim và bỏng ngô giờ đã trở nên quá xa xỉ với người Venezuela.
Hà Thu (theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét