"Tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP HCM, tôi xin làm công nhân sửa chữa ôtô, công việc đầu tiên của tôi là vét mỡ bò", ông chủ doanh nghiệp tỷ đô chia sẻ.
Báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết, trong tháng 4/2016, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 25.725 xe, bao gồm 13.743 xe du lịch, 9.663 xe thương mại và 2.319 xe chuyên dụng, tăng 4% so với tháng 3/2016 và tăng 42% so với tháng 4/2015.
Trong đó, doanh số bán hàng của Thaco đạt 10.436 xe, lũy kế 4 tháng doanh số bán hàng đạt 33.921 xe, chiếm đến 42,8% toàn thị trường, cao gấp đôi so với doanh số của Toyota và gấp 4 lần hãng xe nổi tiếng Mỹ - Ford.
Năm 2015, Thaco bán ra hơn 80.400 xe các loại, trong đó có 36.300 xe tải, 42.213 xe du lịch, chiếm 38,6% thị phần VAMA.
Mới đây, Thaco lại vừa khởi công đầu tư khu công nghiệp cơ khí ôtô Chu Lai – Trường Hải mở rộng và 2 tuyến đường giao thông nối kết, với tổng kinh phí lên tới hơn 30 nghìn tỷ đồng.
Ít ai biết ông Trần Bá Dương - ông chủ Thaco - đi lên từ nghề công nhân với công việc đầu tiên là vét mỡ bò.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT CTCP ôtô Trường Hải.
|
Anh công nhân có bằng đại học
Ông chủ Trường Hải cho biết: "Tôi lớn lên trong thời bao cấp, cha mất sớm, mẹ tôi bươn chải nuôi anh em tôi ăn học. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP HCM, tôi xin làm công nhân sửa chữa ôtô, công việc đầu tiên của tôi là vét mỡ bò".
Nhờ những kiến thức học được từ giảng đường đại học, ông Dương đưa ra dự án “Chuyển đổi tay lái nghịch” và được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận. Ông được công ty giao cho quản lý tổ sửa chữa lưu động. Năm 1997, ông xin nghỉ việc và thành lập xưởng sửa chữa của riêng mình, Công ty Thaco ra đời với số vốn ban đầu 800 triệu đồng.
Khi mới thành lập công ty, ông Dương chủ yếu nhập xe đã qua sử dụng về tân trang lại rồi bán ra thị trường trong nước, đồng thời cung cấp các vật tư phục tùng cho việc sửa chữa ôtô.
Sang năm 2001, công ty đầu tư một nhà một nhà máy lắp ráp ô tô tại Khu Công nghiệp Biên Hòa 2 công suất 5.000 xe/năm. Dây chuyền sản xuất và công nghệ do tập đoàn Kia Motors (Hàn Quốc) chuyển giao, tổng vốn đầu tư 70 tỷ đồng, các sản phẩm được sản xuất lắp ráp là xe tải nhẹ và xe bus mang thương hiệu Kia.
Tháng 9/2001, sản phẩm đầu tiên của dòng xe tải nhẹ được xuất xưởng mang tên Trường Hải, và đã được thị trường chấp nhận và đặt hàng rất lớn.
Vài năm sau đó, ông Dương bắt đầu xây dựng hệ thống chi nhánh, đại lý phân phối xe khắp cả nước giúp doanh số bán xe tăng vọt.
Khi đã "vững chân" với dòng xe tải và xe bus, ông Dương quyết định bắt tay vào làm xe du lịch, dòng xe đòi hỏi đầu tư lớn về công nghệ và thị trường. Trường Hải rất nhanh chóng tạo ra một hiện tượng mới trong ngành công nghiệp ôtô Việt Nam khi được 3 nhãn hiệu ôtô du lịch quốc tế cộng tác đồng thời, là Kia, Mazda, Peugoet.
Trần Bá Dương trở thành người Việt Nam đầu tiên đã làm được xe du lịch. Trường Hải hiện cũng là công ty duy nhất tại Việt Nam sản xuất lắp ráp và cung ứng đa dạng, đủ các phân khúc ôtô tại Việt Nam từ xe tải, xe khách, bus, xe chuyên dùng và xe du lịch với các dòng xe Kia, Thaco,Mazda,..
Không quản lý theo cảm xúc
Chia sẻ về triết bí quyết lãnh đạo của mình, ông Dương nói: "Đối với tôi, lãnh đạo phải là người biết cho những gì nhân viên muốn nhận, nhưng cũng biết sử dụng biện pháp mạnh để đủ sức răn đe khi cần thiết. Cái “được” và cái “sợ” từ cả hai phía phải được xây dựng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, và hoàn toàn không nên tùy hứng theo cảm xúc".
Theo vị lãnh đạo này, nhân lực là vốn liếng quý báu của doanh nghiệp, thậm chí còn trên cả vốn liếng tài chính. Vậy nên, ông luôn nhắc mình phải quản lý nguồn vốn đó một cách thông minh và hiệu quả nhất.
Vị tỷ phú USD ẩn mình?
Trong những năm qua, Thaco là một trong những doanh nghiệp có sự tăng trưởng ấn tượng, bất chấp sự khó khăn từ nền kinh tế vĩ mô. Chỉ trong vòng 5 năm, từ 2011 đến 2015, doanh thu của Thaco đã tăng gấp 3,5 lần trong khi lợi nhuận tăng tới 10,5 lần. Đây là một kết quả đáng mơ ước không phải doanh nghiệp nào cũng dám nghĩ tới.
Kết thúc năm 2015, Thaco đạt tổng doanh thu 45.800 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD, tăng 89% so với năm 2014, lợi nhuận sau thuế đạt 7.038 tỷ đồng, tăng trưởng gấp đôi năm trước.
Sang năm 2016, ban lãnh đạo Thaco tỏ ra khá tham vọng khi đặt mục tiêu nâng tổng doanh thu hợp nhất lên 71.735 tỷ đồng, tương đương 3 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế đạt 8.212 tỷ đồng, tăng 16,7% so với kết quả đạt được trong năm 2015.
Tính đến cuối năm 2015, lãi cơ bản trên cổ phiếu của Thaco đạt mức kỷ lục 18.758 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, theo một báo cáo của công ty chứng khoán BSC phát hành mới đây, các cổ phiếu ngành ôtô hiện đang được giao dịch với mức P/E trung bình 7,5. Như vậy, theo tính toán, hiện Thaco có giá trị khoảng hơn 35.171 tỷ đồng.
Trong khi đó, hiện ông Dương đang nắm khoảng 63,3% cổ phần của Thaco, bao gồm 13,5% cổ phần do ông cùng vợ, bà Viên Diệu Hoa nắm giữ cùng 49,8% cổ phần sở hữu thông qua Công ty Trân Oanh – công ty đầu tư riêng của vợ chồng ông Dương.
Theo đó, số lượng cổ phiếu THA ông Dương nắm giữ có giá trị khoảng 22.263 tỷ đồng. Chưa cần tính đến những tài sản khác, ông Dương đã đủ điều kiện nằm trong danh sách tỷ phú USD của Việt Nam.
Giống như nhiều doanh nhân khác của Việt Nam, sau khi thành công với lĩnh vực ôtô, ông Trần Bá Dương chuyển sự chú ý sang lĩnh vực bất động sản.
Đầu năm 2013, ông Dương đã thôi kiêm nhiệm vị trí Tổng giám đốc Thaco để chuyển sang điều hành Công ty Địa ốc Đại Quang Minh – chủ đầu tư dự án Sala Thủ Thiêm.
Khu đô thị nằm ngay giao lộ 2 trục đường quan trọng nhất khu đô thị mới Thủ Thiêm là đại lộ Mai Chí Thọ và trục đường Bắc - Nam, bao gồm khu tổ hợp văn phòng khách sạn, căn hộ cao cấp, biệt thự Saroma, căn hộ dịch vụ và nhà phố thương mại....
Công ty này còn được UBND TP HCM giao làm chủ đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật giao thông chính và các công trình tiện ích – sinh thái trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đây là một trong những bước đi nhằm thực hiện chiến lược phát triển Thaco thành tập đoàn đa ngành nghề mang tầm khu vực ASEAN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét