Danske Bank đang bảo các khách hàng doanh nghiệp suy nghĩ kĩ về chuyện nên làm gì với số tiền thừa của mình trước ngày 31/12, vì ngân hàng lớn nhất Đan Mạch này không muốn nhận thêm tiền gửi nữa.
Sau nửa thập kỷ duy trì lãi suất âm , Đan Mạch hiện vẫn khiến mọi người ngạc nhiên một chút khi cho thấy chế độ tiền tệ của họ hoạt động như thế nào trong thực tế. Dù các khách hàng doanh nghiệp phải trả phí khi gửi tiết kiệm với ngân hàng này (do lãi suất âm!), Danske đang phải vật lộn với việc xử lý lượng tiền gửi gần chạm mốc kỉ lục
Tiền gửi của ngân hàng này đã tăng 11% trong suốt 21 tháng qua, đạt 914 tỉ kroner (145 tỉ USD) vào cuối tháng 6, theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 2. Danske nói rằng họ đang khuyến khích khách hàng bỏ tiền thừa vào những sản phẩm khác do ngân hàng này cung cấp, nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết.
Các khách hàng doanh nghiệp và tổ chức hiện có nhu cầu gửi lớn nhất, với lượng tiền tiết kiệm tăng 17%, lên 265 tỉ kroner, chiếm 1/4 tổng số tiền gửi của Danske. Lượng tiền mặt đó hiện làm tăng thêm chi phí mà ngân hàng này phải bỏ ra để phù hợp với các quy định về thanh khoản nghiêm ngặt của Đan Mạch.
Christoffer Mollenbach, người đứng đầu Danske, nói rằng quản lý các tỉ lệ thanh khoản là một hành động cân bằng đầy khó khăn, nghĩa là không phải tất cả các khoản tiền gửi đều được hoan nghênh. “Chúng tôi phải quản lý tất cả các tỷ lệ mà một số đó hiện đang mâu thuẫn nhau, vì thế các ngân hàng muốn tránh những vụ giao dịch lớn vào phút chót”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn ở Copenhagen.
Cái gọi là tỉ lệ thanh khoản an toàn được thiết kế ra để bảo đảm rằng các ngân hàng có thể đối phó tốt với tình trạng tiền bị rút ra ồ ạt. Tuy nhiên, các nhà điều hành gần đây bắt đầu đòi hỏi các ngân hàng phải phân biệt giữa tiền gửi phục vụ cho việc kinh doanh hàng ngày và tiền gửi không phục vụ cho các hoạt động. Loại sau hiện phát sinh ra một yêu cầu vùng đệm thanh khoản lớn hơn, vì có tranh luận cho rằng những khoản tiền gửi như thế nhiều khả năng sẽ được rút ra nếu thời thế trở nên khó khăn.
Đan Mạch hiện áp dụng những đòi hỏi về thanh khoản khắt khe hơn các quốc gia còn lại trong Liên minh châu Âu (EU). Những ngân hàng ở nước này cần phải chứng minh rằng họ có thể chịu được một đợt thiếu hụt tiền trong 3 tháng, so với mức 1 tháng đang được áp dụng rộng rãi trên EU. Cuối tháng 6 vừa qua, Danske đã có vùng đệm thanh khoản 603 tỉ kroner, sau khi kéo dài thời hạn cung cấp tiền ngắn hạn và giảm nhu cầu của mình đối với các tài sản có tính thanh khoản cao.
Năm ngoái, Danske đã thấy mình có thể cần phải từ chối khách hàng. Ngân hàng này nhận được “một số lời yêu cầu phải nhận những khoản tiền gửi rất lớn”, Mollenbach nói. Ban quản lý cấp cao đã tranh luận nên làm gì, trước khi cuối cùng quyết định rằng họ sẵn sàng nhận thêm tiền. Rốt cuộc, nhu cầu gửi không lớn như kì vọng ban đầu. Lượng tiền thừa đặc biệt khó xử lý khi thị trường tiền tệ biến động như hồi cuối năm ngoái.
Mollenbach nói rằng một trong những hậu quả không cố ý của những đòi hỏi thanh khoản khắt khe là “khả năng thích ứng với những thay đổi trong hành vi khách hàng của các ngân hàng đang trở nên hạn chế hơn”.
“Chúng ta thường thấy giá cả trên thị trường tiền tệ bị bóp méo đáng kể vào cuối năm”. Những vụ giao dịch vào phút cuối như thế là “điều mà Danske và hầu hết các ngân hàng khác đều muốn tránh”, ông nói.
Lượng tiền thừa của khách hàng là một cản trở lớn nhất đối với tỉ lệ thanh khoản an toàn của ngân hàng, theo báo cáo tháng 12 của Cơ quan ngân hàng châu Âu (EBA) khi họ đối chiếu với số liệu của năm 2015.
Sự kết hợp của các quy định thanh khoản khắt khe ở Đan Mạch và lãi suất âm mà hầu hết chuyên gia kinh tế dự báo sẽ kéo dài đến năm 2019 đang cho thấy một tình huống đầy thử thách cho các ngân hàng ở quốc gia này. Tuy vậy, Danske đã chứng tỏ rằng các ngân hàng vẫn có thể hoạt động rất tốt trong một môi trường như thế. Danske đã đạt lợi nhuận kỉ lục trong năm 2016 và giá cổ phiếu của họ đã tăng khoảng 16% trong năm nay, quá lý tưởng so với mức tăng khoảng 10% ở các cổ phiếu tài chính châu Âu.
Tiền mặt và những tài sản tương đương tiền mặt đang đạt các mức bằng với trước cuộc khủng hoảng tài chính tại một số công ty lớn nhất khu vực Bắc Âu, gồm cả những gã khổng lồ như Novo Nordisk A/S và Volvo AB.
“Vì quý 4 đang đến gần nên chúng tôi thường bắt đầu khuyên khách hàng xem xét các chọn lựa của họ về vấn đề thanh khoản dư thừa để chuẩn bị cho cuối năm. Điều này thậm chí quan trọng hơn trong năm nay, nếu xét theo sự biến động trong lãi suất tiền gửi mà chúng tôi đã thấy hồi cuối năm ngoái”, Jakob Groot, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định, tiền tệ và hàng hóa tại Danske, nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét