Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

Nghén rau sống, người phụ nữ này đã xây dựng thành công 4 cửa hàng, 6 trang trại rau hữu cơ dành cho người Việt và từ chối xuất khẩu

Năm 2013, Thảo nghén rau sống. Cô gặp khó khăn trong việc tìm mua rau hữu cơ nên đã mở một cửa hàng rau quả sạch với mong muốn bán cho những bà bầu, gia đình có con nhỏ và có người bệnh. 

Nghén rau sống, người phụ nữ này đã xây dựng thành công 4 cửa hàng, 6 trang trại rau hữu cơ dành cho người Việt và từ chối xuất khẩu
Phạm Phương Thảo, chủ chuỗi cửa hàng rau quả hữu cơ Organica. Ảnh: Organica
“Năm 2013, tôi đang mang bầu và bị nghén nặng. Tôi không ăn gì khác ngoài rau sống. Lúc đó, tìm rau an toàn hay organic thì rất khó khăn. Lúc đó, tôi nung nấu ý định mở cửa hàng đi gom các sản phẩm organic để bán. Tôi tìm hiểu và thấy nhiều công ty đã làm ra các sản phẩm organic nhưng đa phần để xuất khẩu. Ý tưởng đầu tiên của tôi là thu gom các sản phẩm organic để bán cho người Việt ăn”, Phạm Phương Thảo, chủ chuỗi cửa hàng rau hữu cơ Organica, chia sẻ tại một hội thảo tại TP HCM ngày 22/8.
Với ý tưởng như vậy, Thảo mở một cửa hàng 20m2 trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1 và bắt đầu với gạo và trà.
Cửa hàng tuy nhỏ nhưng là khó khăn lớn với một người chưa hề có kinh nghiệm trong nông nghiệp như Thảo.
Cái khó đầu tiên là đầu vào, Thảo phải đi tìm những nơi trồng rau hữu cơ để mua. Thứ hai, kinh nghiệm trong ngành rau quả của cô là con số 0 tròn trĩnh, bởi Thảo học ngành công nghệ môi trường và ra trường làm ngành marketing. Thứ nữa là vốn và nhân lực.
“Khi đó, không tìm được đâu ra được rau củ quả organic. Khách hàng đến cửa hàng thì hỏi organic là gì? Làm thế nào để tôi có thể tin được cô bán hàng organic? Nông dân thì hỏi trồng rau theo hướng hữu cơ là như thế nào? Khi không sử dụng thuốc hóa học thì cô hãy chỉ cho tôi cách đối mặt với sâu bệnh?”, chủ thương hiệu Organica hồi tưởng.
Lúc đó, cửa hàng của Thảo chỉ có cô và một nhân viên. Đã có lúc tưởng chừng như phải dừng lại. Tuy nhiên, theo Thảo, trên đường phát triển, cô đã gặp may mắn.
“Tôi gặp một chủ trang trại, anh ấy có miếng đất bỏ hoang 2 ha ở Đồng Nai. Anh ấy nói cứ xuống đó làm, rồi cho mượn đất, thậm chí còn không lấy tiền thuê. Tôi xuống nhìn miếng đất và vô cùng thích thú vì nó là miếng đất bỏ hoang 10 năm, trước đây là trại gà, xung quanh là đầy đủ những tiêu chuẩn organic. Và ngay từ đầu, tôi đã xác định là mình phải làm đúng. Tôi tìm hiểu thì thấy các nước như Lào, Campuchia, Thái Lan đã có chứng nhận organic rồi. Nhưng ở Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn nào để theo. Miếng đất đó được cải tạo ngày qua ngày, thậm chí anh chủ trang trại còn cho tôi mượn tiền để cày xới đất lên ít nhất 10 lần. Mỗi lần cày xới xong lại không có tiền để tiếp tục. Cứ mỗi lần cày xới xong, cỏ dại lại mọc lên”, Phương Thảo kể lại một chặng đường mà cô đi qua.
Việc ghi chép tưởng đơn giản, nhưng chỉ vì chuyện đấy, nông dân sẵn sàng nghỉ việc
“Hơn 2 năm trôi qua, với sự giúp đỡ của một công ty tư vấn mà tôi đã mạnh dạn thuê để có thể làm đúng ngay từ đầu về chuyện: Làm thế nào để phân khu, phân luống, làm hàng rào bảo vệ và các tiêu chuẩn khác. Phần kinh khủng nhất là ghi chép. Tưởng đơn giản nhưng riêng việc đào tạo để nông dân ghi chép thôi thì chỉ vì việc đó, họ sẵn sàng nghỉ việc", Thảo kể.
Hơn 2 năm sau, trang trại của Thảo được công nhận 2 chứng nhận hữu cơ của châu Âu và Mỹ.
“Theo nhiều người, có chứng nhận quốc tế để xuất khẩu nhưng chúng tôi bán cho người Việt Nam. Chúng tôi có chứng chỉ đó chỉ vì muốn làm cho đúng ngay từ đầu. Cho tới thời điểm này, rất nhiều công ty từ Pháp, Đức, Mỹ, Nhật muốn làm việc với Organica để chúng tôi xuất hàng sang nước họ. Nhưng xét cho cùng, tôi đã đặt ra tiêu chí ngay từ đầu là chỉ bán cho người Việt mà thôi”, cô chủ của Organica cho biết.
Khi hợp tác với các trang trại, doanh nghiệp của Thảo nghiên cứu rất kỹ. “Suy cho cùng, nông dân cần đầu ra và giải pháp mà thôi. Nếu không lo được đầu ra thì cũng nản chí. Mỗi trang trại chúng tôi đều xuống để xem có thể trồng được gì, có trang trại chỉ trồng chuối, có cái chỉ trồng khoai lang”, Thảo phân tích.
Hiện Organica có 6 trang trại ở Đà Lạt (Lâm Đồng), Đồng Nai, Ba Vì (Hà Nội) và 4 cửa hàng (3 tại TP HCM và 1 tại Đà Nẵng). Điều trăn trở lúc này của Thảo là suy nghĩ về việc trồng loại cây gì mà số lượng lớn, có thể vừa bán được ở cửa hàng, vừa bán sỉ ở ngoài.
Nghén rau sống, người phụ nữ này đã xây dựng thành công 4 cửa hàng, 6 trang trại rau hữu cơ dành cho người Việt và từ chối xuất khẩu - Ảnh 1.
“Nhiều người đến cửa hàng nói là organic phải gầy xấu, sao rau của cô đẹp thế. Chúng tôi phải chọn lọc hàng hóa đẹp nhất và loại bỏ đi loại 2, loại 3. Loại 2, 3 này dùng để chăn nuôi trong nông trại và một phần ủ phân”, Thảo cho biết.
Ngoài ra, một thách thức khác chính là giá thành của sản phẩm. Giá rau quả hữu cơ khá cao với khả năng chi trả của khách hàng nên khách vẫn phải tìm sản phẩm khác thay thế.
Với những thách thức như vậy, Thảo vẫn tin vào tương lai phát triển của Organica và cô tin rằng trong tương lai không xa, mọi người dân Việt sẽ dùng thực phẩm an toàn. Nhiều người sẽ dùng thực phẩm hữu cơ như một phong cách sống.
Với mong muốn truyền tải nhiều hơn nữa các bài học kinh doanh hay và hữu ích, chúng tôi xin đón nhận tất cả đóng góp thông tin từ độc giả gần xa về các tấm gương điển hình trong kinh doanh, hoặc chia sẻ từ chính Doanh nghiệp có câu chuyện kinh doanh hay, cách làm độc đáo, lối tư duy sáng tạo và văn hóa kinh doanh văn minh.
Doanh nghiệp và quý độc giả có các thông tin chi tiết hoặc bài viết hay muốn chia sẻ rộng rãi, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email info@cafebiz.vn . Ban biên tập sẽ xác minh, chọn lựa và đăng tải các câu chuyện hay và thú vị. Rất mong sớm nhận được phản hồi từ doanh nghiệp và quý vị độc giả .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét