Ôm, là cảm giác đầu tiên của con người trong bụng mẹ, ngay cả khi phôi thai mới chỉ 1,5 cm cũng đã có thể cảm nhận được. Tuy nhiên, cùng với quá trình trưởng thành, chúng ta đang dần mất đi "bản năng" này. Đặc biệt là sau khi gia nhập xã hội, tiết tấu và áp lực cuộc sống đẩy khoảng cách giữa mọi người ngày càng xa hơn. Ngay cả giữa gia đình và người yêu thương nhất dường như cũng không còn tồn tại những cái ôm, chúng ta đang dần quên đi những ký ức ấm áp ban đầu của mình.
Ôm có thể nuôi dưỡng cơ thể và tâm hồn
Ôm là một ngôn ngữ cơ thể có thể mang lại cho mọi người cảm giác an toàn, đưa mọi người lại gần nhau hơn, thúc đẩy sự tương tác và trao đổi giữa con người với nhau.
Chi Yukai, Phó giáo sư khoa tâm lý học Đại học Sư phạm Hoa Nam, Trung Quốc, cho biết trong quá trình ôm, cơ thể tiết ra oxytocin, hay còn gọi là hormone tình yêu, tạo ra cảm giác thân mật tự nhiên, làm giảm phản ứng với các cảm xúc và thái độ của người khác, đồng thời giúp gia tăng niềm tin vào họ.
Julianne Holt-Lunstad, tiến sĩ khoa tâm lý học, Đại học Brigham Young, Mỹ đã quan sát những sự thay đổi về sinh lý sau khi tiếp xúc thân mật của 34 cặp vợ chồng khỏe mạnh và đã kết hôn được ít nhất nửa năm. Kết quả cho thấy oxytocin được phát hiện trong máu và nước bọt của các cặp vợ chồng tham gia khảo sát cao hơn nhiều so với nhóm thử nghiệm được yêu cầu phải trải qua khóa đào tạo tiếp xúc thân mật.
Ôm cũng có thể làm vơi bớt đi nỗi đau. Năm 2018, tại Trường Trung học Marjory Stoneman Douglas ở Parkland, Florida, Mỹ đã xảy ra một vụ nổ súng khiến 17 người thiệt mạng. Sau đó, hiệu trưởng của trường đã nói: "Thầy hứa với mọi người, thầy sẽ ôm từng người từng người một, bất kể là bao nhiêu lần, bất kể là bao lâu, miễn là mọi người cần thầy." Với cái ôm khích lệ của thầy hiệu trưởng, nỗi đau của giáo viên và học sinh của trường đã vơi đi rất nhiều.
Lợi ích sức khỏe của việc ôm và được ôm không giới hạn ở cấp độ tâm lý. Một nghiên cứu của Đại học Carnegie Mellon ở Hoa Kỳ cho thấy rằng ôm có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch.
Trong nghiên cứu, các đối tượng đều ở trong tình trạng tiếp xúc với bệnh cảm lạnh, những người thường được ôm, hoặc cảm nhận được sự ủng hộ của xã hội dành cho mình thì bệnh sẽ ít nghiêm trọng hơn.
Học giả của Đại học Carnegie Mellon, Michael L. M. Murphy cho rằng sự tiếp xúc cơ thể có thể làm giảm sự tiết hormone kích thích các phản ứng căng thẳng, làm giảm các phản ứng quá độ lên hệ thống tim mạch và hệ miễn dịch một cách hiệu quả.
Những tác động tiêu cực của việc thiếu những cái ôm đặc biệt rõ ràng ở trẻ em. Một nghiên cứu của Đại học California, Los Angeles, Hoa Kỳ cho thấy "khuyết tật" về mặt cảm xúc của một đứa trẻ có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm lý và tinh thần của chúng ở tuổi trưởng thành.
Judith Carroll, người phụ trách nghiên cứu cho biết, ảnh hưởng của việc trẻ em tiếp xúc gần gũi với cha mẹ trong thời thơ ấu, đặc biệt là những cái ôm, có thể tiếp tục đến tuổi trưởng thành, các mối quan hệ xã hội thời thơ ấu có liên quan mật thiết đến sức khỏe của các hệ thống trong cơ thể.
Xã hội hiện đại đang đón nhận "cuộc khủng hoảng những cái ôm"
Ngày nay, những cái ôm đang dần giảm đi trên toàn thế giới. Một số người đề xuất giảm bớt những cái ôm vì lo ngại về nhiễm trùng bệnh hay những lo ngại về an toàn cá nhân, nhiều học giả lo ngại rằng đây là biểu hiện của sự tha hóa xã hội.
Trang The Guardian của Anh từng có một bài viết với tiêu đề "No hugging: are we living through a crisis of touch?" (Tạm dịch: " Có phải chúng ta đang ở trong một cuộc khủng hoảng những cái ôm") để bày tỏ về sự nghiêm trọng của tha hóa xã hội. Các chuyên gia được phỏng vấn tin rằng những lý do cho "cuộc khủng hoảng ôm" là rất đa dạng.
1. Tiết tấu quá nhanh của cuộc sống
"Ôm là một hình thức thể hiện cảm xúc, nhưng khi mọi người bận rộn với cuộc sống và kiệt sức, ngay cả khi họ quan tâm và yêu thương gia đình, họ cũng dễ dàng bỏ qua những biểu đạt về mặt hình thức này". Phó giáo sư Chi Yukai giải thích rằng nhịp điệu cuộc sống của người hiện đại đang diễn ra quá nhanh, quá nhiều áp lực, nhiều khi không phải là bạn không muốn ôm, chỉ là bạn không có thời gian để để ý tới điều đó.
2. Hình thức giao tiếp qua lại phong phú
Phó giáo sư Chi Yukai tin rằng việc những cái ôm đang ngày một giảm cũng liên quan đến sự đa dạng hơn trong cách giao tiếp của con người hiện đại: "Trước kia, khi muốn bày tỏ tình yêu và sự nhớ nhung của mình với một người, cách tốt nhất là ôm lấy họ và lắng nghe họ. Nhưng hiện tại, sự xuất hiện của các sản phẩm điện tử cho phép mọi người giữ liên lạc với nhau mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi lâu lắm không gặp nhau thì khi gặp cũng không còn nhớ nhung mãnh liệt như xưa nữa."
3. Cảm giác lo lắng và khủng hoảng do một số yếu tố xã hội gây ra
Ngày nay, các sự việc như các cuộc tấn công khủng bố xảy ra trên khắp thế giới khiến mọi người cảm thấy bất an, vì vậy họ không còn sẵn sàng ôm người khác như trong quá khứ. Một số người thậm chí còn tạo ra một trào lưu "chống ôm" trong xã hội vì sự an toàn hoặc muốn tránh những bất hòa không đáng có, điều này làm tăng mối lo ngại của mọi người với việc ôm người khác.
4. Quan niệm văn hóa truyền thống thâm căn cố đế
Wang Yuru, phó chủ tịch Hiệp hội tư vấn tâm lý Thượng Hải, Trung Quốc cho rằng ôm là một cách phổ biến để thể hiện sự giao tiếp thân thiện và gần gũi ở các nước phương Tây. Còn ở một số nước phương Đông, họ tinh tế và hạn chế hơn trong việc thể hiện tình cảm, họ không quen ôm hôn, ngay cả khi mọi người rất thân thiết, họ cũng rất hiếm khi ôm nhau. Dù tư tưởng của con người hiện đại đã bao quát và cởi mở hơn khá nhiều, nhưng những quan niệm truyền thống sâu xa vẫn rất khó thay đổi.
Tìm lại những cái ôm bị mất
Chính bởi vì ôm là cảm giác đầu tiên của con người khi còn ở trong bụng mẹ, nhà trị liệu tâm lý nổi tiếng người Mỹ Virginia Satir đưa ra lý thuyết "4 hugs" (4 cái ôm) của mình, Satir tin rằng mọi người phải có ít nhất 4 cái ôm mỗi ngày để sinh tồn, 8 cái ôm có thể duy trì sự sống và 12 cái ôm có thể thúc đẩy tăng trưởng.
Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã nhận ra rằng hành động ôm có thể biểu đạt những cảm xúc tích cực như lòng tốt, sự quan tâm, giúp gắn kết mối quan hệ giữa con người, thúc đẩy sự ổn định và hòa hợp trong xã hội, vì vậy họ đã bắt đầu giúp mọi người tìm lại những ký ức ấm áp khi ôm và được ôm.
Trong văn hóa Nhật Bản, có rất ít hành động ôm giữa những người trưởng thành với nhau. Để giảm bớt cảm giác xa lánh này, một công ty có tên "Mascot School" tại thành phố Tokyo, Nhật Bản, khuyến khích mọi người ôm "thú bông". Người phụ trách công ty để nhân viên mặc trang phục thú bông và ôm mọi người, đưa mọi người đến gần nhau hơn.
Trong hoạt động này, các nhân viên sẽ mặc quần áo thú bông và đội mũ trùm đầu, ngay cả những người nhút nhát nhất cũng dám ôm, nhân viên và những người tham gia sự kiện đều được tự do "giải phóng" cảm xúc của mình.
Hoa Kỳ cũng khuyến khích mọi người ôm nhau nhiều hơn. Ở thành phố Portland, Hoa Kỳ có một cửa hàng mang tên "Hug shop", bên trong có những "chuyên gia ôm" chuyên nghiệp, mỗi một người đều có kiểu ôm và tính cách riêng, có người thích cười, một số người lại biết lắng nghe... Ngoài ra, bạn còn có thể "đặt" những "chuyên gia ôm" mà bạn thấy phù hợp với mình bằng hình thức trực tuyến với mức phí 80USD/giờ, dịch vụ này đang trở nên rất phổ biến.
"Mọi người cần những cái ôm, tình cảm có sâu sắc tới đâu, quan tâm nhiều tới đâu, nhưng nếu không thể hiện điều đó ra thì ngay cả giữa những người thân trong gia đình cũng sẽ có thể nảy sinh ra những khoảng trống hoặc hiểu lầm".
Đối với vấn đề này, Phó giáo sư Chi Yukai đã đưa ra một số gợi ý.
1. Có bận rộn tới đâu cũng đừng quên quan tâm đến gia đình
Ôm là cách thể hiện sự quan tâm và tình cảm. Những cái ôm của con người đang ngày càng ít đi, nó phản ánh một thực tế là việc ít giao tiếp và quan tâm giữa mọi người với nhau cũng đang ngày một ít dần. Vì công việc bận rộn và áp lực cuộc sống, nhiều người không có thời gian để chăm sóc cảm xúc của người mình quan tâm. Chúng tôi khuyên mọi người dù có bận rộn đến đâu cũng đừng quên quan tâm, để ý đến các thành viên trong gia đình, trước khi đi làm, sau khi về nhà, đừng keo kiệt mà hãy tặng họ một cái ôm.
2. Sử dụng các cơ hội và hoàn cảnh một cách thông minh
Một số người không phải là không muốn ôm, mà chỉ là họ xấu hổ, ngại ngùng. Nếu bạn không thể ôm ai đó hàng ngày, vậy bạn có thể ôm họ vào một dịp hay hoàn cảnh đặc biệt nào đó. Ví dụ, khi người yêu thất vọng trong công việc, khi đứa trẻ làm bài kiểm tra không được tốt, bạn có thể ôm họ để an ủi, hoặc vào những ngày đặc biệt như sinh nhật của ba mẹ, hay ngày của ba, ngày của mẹ…
3. Ôm là để thể hiện tình yêu
Phó giáo sư Chi Yukai nhấn mạnh rằng ông khuyến khích mọi người ôm nhau là để họ quan tâm nhiều hơn đến gia đình của mình, để họ cảm nhận được tình yêu và sự quan tâm giữa những người thân trong gia đình với nhau. Nếu không quen ôm, bạn cũng có thể xoa đầu, vỗ vai để đối phương cảm nhận được sự quan tâm của bạn.
Điều quan trọng là mọi người phải dành thời gian để giao tiếp và chia sẻ với các thành viên trong gia đình, đừng bao giờ nghĩ rằng vì họ là những người gần gũi nhất nên bạn không cần quan tâm, thậm chí bỏ qua cảm xúc của họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét