Thứ Ba, 25 tháng 6, 2019

Nhập toàn bộ sản phẩm Trung Quốc, không thể gắn nhãn 'Made in Vietnam'

Nhiều trường hợp hàng hóa được sản xuất, nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng lại gắn mác là hàng “Made in Vietnam” để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng.




Liên quan tới vấn đề này luật sư Trần Vi Thoại, Giám đốc Công ty luật IB Legal Vietnam cho rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn “Sản xuất tại Việt Nam” hay “Made in Vietnam”.


Các quy định pháp luật hiện hành dù đang được hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam nhưng phạm vi điều chỉnh chủ yếu là nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu.


Về cách ghi nhãn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 về nhãn hàng hóa. Tuy nhiên, Nghị định này chỉ quy định về nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu nhưng chưa quy định tiêu chí để xác định loại hàng hóa được ghi nhãn “Sản xuất tại Việt Nam”.



Asanzo - hàng Trung Quốc 'đội lốt' hàng Việt

Về chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm, các quy định được đề cập tại Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp và các Thông tư liên quan.


Theo quy định tại các văn bản nêu trên, một chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm nếu sản phẩm đó có nguồn gốc địa lý, danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu của vùng lãnh thổ tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó. Đây là quy định về bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với một sản phẩm cụ thể từ một vùng lãnh thổ xác định, không quy định ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nói chung.


Về thương hiệu hàng Việt Nam, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 984/QĐ-BCT ngày 06 tháng 3 năm 2012 kèm theo quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia. Quyết định số 984/QĐ-BCT nêu trên có tiêu chí để hàng hóa được gắn mác “Viet Nam Value” (Giá trị Việt Nam) nhằm quảng bá tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hóa của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.


Luật sư Trần Vi Thoại

Với sự ra đời của Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa (thay thế Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 02 năm 2006 trước kia), Việt Nam đã có hành lang pháp lý về xuất xứ hàng hóa. Quy định hiện hành là căn cứ để xác định “hàng hóa có xuất xứ Việt Nam”, được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Việt Nam nhằm hưởng ưu đãi thuế quan hoặc phi thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường mà Việt Nam có cam kết quốc tế.

Trên cơ sở cam kết quốc tế và Luật Quản lý ngoại thương, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2018/NĐ-CP nêu trên với phạm vi điều chỉnh về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, không điều chỉnh về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa.

Trong trường hợp của Asanzo để xác định các sản phẩm của công ty này có phải là sản phẩm “Made in Vietnam” hay không thì cần phải hiểu rõ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa kết hợp với việc kiểm tra, đối chiếu và đánh giá các hồ sơ kê khai hải quan khi nhập khẩu hàng hóa của Asanzo.


Theo các thông tin hiện tại trên báo chí, chưa thể kết luật việc Asanzo gắn mác “Made in Vietnam” trên sản phẩm của mình là đúng hay sai. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu Asanzo nhập toàn bộ sản phẩm từ Trung Quốc về Việt Nam và chỉ thay đổi nhãn mác thì chắc chắn không thể xem các sản phẩm này là “Made in Vietnam”.


Ông đánh giá thế nào về việc các doanh nghiệp nhập linh kiện sau đó gắn mắc “Made in Vietnam”?


Pháp luật Việt Nam yêu cầu một tỉ lệ tối thiểu 30% hàm lượng giá trị gia tăng trong nội địa trong quá trình tạo ra hàng hóa ở công đoạn cuối cùng để hàng hóa đó được xem là có xuất xứ Việt Nam.


Pháp luật cũng quy định việc lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh chỉ được xem là những công đoạn gia công, chế biến giản đơn không được xét đến khi xác định xuất xứ hàng hoá.


Chính vì thế, việc nhập linh kiện rời về Việt Nam, lắp ráp thành hình sản phẩm rồi gắn nhãn xuất xứ Việt Nam của một số doanh nghiệp có thể vi phạm quy định pháp luật. Thậm chí tùy mức độ vi phạm mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự cho cả doanh nghiệp và người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.


Việc gian lận "Made in Viet Nam" ảnh hưởng thế nào?


Việc gian lận ghi nhãn “sản xuất tại Việt Nam” lên hàng hóa không được sản xuất tại Việt Nam không những gây hậu quả trực tiếp đến sản phẩm cụ thể, ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn có tác động không nhỏ đến ngành hàng trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam.


Trong thời gian vừa qua, hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” ngày càng gia tăng.


Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, trên thực tế đã có nhiều hàng hóa nước ngoài có xu hướng mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi “miễn phí” và bất hợp pháp từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét