Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

Đại gia lâu đài trắng Sóc Trăng: Khởi nghiệp xe lôi, ôm ngàn tỷ trốn nợ

Đại gia từng có thời kiếm sống bằng nghề chạy xe ba gác chở khách.
Thời gian qua, hàng loạt đại gia ngành thủy sản ở miền Tây phá sản, nợ nần chồng chất, tù tội... Vì sao các đại gia thất bại? Bài học rút ra là gì? Làm sao để hạn chế tình trạng “sớm nở tối tàn” đối với doanh nghiệp thủy sản?...
Trong nhiều đại gia thủy sản miền Tây “ngã ngựa” với món nợ khổng lồ, đáng chú ý nhất có lẽ là ông Lâm Ngọc Khuân, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam (gọi tắt là Công ty Phương Nam, Sóc Trăng).

Chỉ trong bốn năm, từ 2008 đến 2012, công ty này đã vay nhiều ngân hàng với tổng số tiền lên đến trên 16.000 tỉ đồng. Sau đó ông Khuân trốn sang Mỹ, để lại món nợ trên 1.679 tỉ đồng khiến nhiều ngân hàng lao đao và 25 cán bộ ngân hàng vướng vào vòng lao lý.

Đây là một trong 10 “đại án” phức tạp được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo xử lý trong năm 2015.

Kéo xe ba gác

Theo thông tin từ người dân, chúng tôi đã về xứ Trà Cuông thuộc ấp Hòa Khanh, xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng để tìm hiểu về nhân thân của đại gia Lâm Ngọc Khuân.

Nhiều người dân ở ấp Hòa Khanh cho hay họ không biết nhiều đến cái tên Lâm Ngọc Khuân. Lý do là thuở nhỏ ông Khuân không có gì đặc biệt, nổi bật và lớn lên ông cũng “thường thường bậc trung” nên không mấy người chú ý.

Tuy vậy, một số người cao tuổi (từ trên 60) cũng nắm được ít nhiều thông tin về đại gia này. Một người dân xin được giấu tên ở xã Thạnh Quới, vốn học cùng thời với Khuân, kể Khuân xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, người dân tộc Khmer, có 6-7 anh em ở xứ Trà Cuông. Khuân là con trai út trong gia đình.

Tại ấp Hòa Khanh, người dân còn chỉ cho chúng tôi căn nhà xây thuộc loại cũ kỹ. “Căn nhà này xưa là của cha mẹ Khuân. Lúc đó chỉ là căn nhà lá tạm bợ, với một chiếc ao sâu nuôi cá tra hầm. Sau khi cha mẹ chết, căn nhà được giao lại cho một người anh của Khuân. Tiếp đó căn nhà lá được xây kiên cố…” - một người dân nói.

Cũng theo những người mà chúng tôi tiếp xúc, Khuân sau khi học xong lớp 9 ở quê lúa Trà Cuông thì lên Sóc Trăng tiếp tục học rồi ở lại luôn chứ không về nơi chôn nhau cắt rốn. Sau giải phóng, Khuân kiếm sống bằng nghề chạy xe ba gác chở khách trên tuyến đường từ Trà Cuông về Sóc Trăng và ngược lại với chiều dài khoảng 25 km.

Tiếp đó, Khuân còn trải qua nhiều công việc khác như làm bột mì, buôn xăng dầu, buôn bán xe ô tô, xe máy... Có một thời ông ta xuống Cà Mau làm đại lý thu mua tôm tép rồi chuyển về Sóc Trăng và các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ bán.

Ky cóp một thời gian dài, ông Khuân phất lên rất nhanh rồi trở thành ông chủ Công ty Phương Nam.

đại gia, đại gia thủy sản, đại gia ngã ngựa, đại gia khởi nghiệp
Khu biệt thự của đại gia Phương Nam. Ảnh: GIA TUỆ

Lên đỉnh với công ty ngàn tỉ đồng

Vào những năm 1990, đất nước bước vào thời kỳ kinh tế mở cửa, hội nhập. Vốn là người từng “va chạm” với công việc kinh doanh, Khuân nhận thấy một số công ty xuất khẩu thủy sản ăn nên làm ra với lời lớn nên cũng nhảy vào lĩnh vực này tìm cơ hội mở mày mở mặt. Và đây cũng là thời điểm ở Sóc Trăng nở rộ nghề nuôi tôm sú.

Đến năm 1998, Khuân thành lập Công ty TNHH Phương Nam. Hai năm sau đó đổi tên thành Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam (gọi tắt là Công ty Phương Nam) với vốn điều lệ 295 tỉ đồng. Công ty này chuyên thu mua, chế biến tôm và mua bán thức ăn cho tôm, vật tư phục vụ nuôi tôm.

Thành lập công ty, Khuân giữ chức vụ chủ tịch HĐQT với tỉ lệ góp vốn 35,26%. Ba cổ đông còn lại là bà Trần Thị Mỹ (vợ Khuân, góp 20,5%), Lâm Ngọc Hân (con gái Khuân, góp 20,24%) và cháu trai Huỳnh Phúc Quế (chỉ đứng tên 24% cổ phần nhưng thực tế không góp vốn). Lâm Minh Mẫn làm kế toán trưởng…

Thời gian đầu, do có ít doanh nghiệp cạnh tranh nên tên tuổi cũng như quy mô của Phương Nam lên cao “như diều gặp gió”. Kim ngạch xuất khẩu của công ty tăng dần theo từng năm.

Theo thông tin giới thiệu của công ty này, Phương Nam thành lập với số vốn đầu tư 17 triệu USD, tổng công suất năm 2010 đạt 11.000 tấn. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của công ty là Mỹ, Nhật, EU, Canada và Trung Đông. Trong đó thị trường Mỹ chiếm hơn 50%.

Doanh thu vào năm 2010 của công ty này vào khoảng 120 triệu USD và lọt vào tốp 10 công ty thủy sản tiêu biểu. Điều đó cũng giúp đưa tên tuổi ông Khuân vào hàng đại gia thủy sản miền Tây.

Thời điểm này, cạnh nhà máy của Công ty Phương Nam xuất hiện một tòa lâu đài lớn nhất Sóc Trăng. Theo kết luận điều tra của cơ quan chức năng, tài sản này được hình thành từ tiền vay của ngân hàng với mục đích làm văn phòng công ty. Nhưng sau đó ông Khuân chuyển nhượng cho vợ là bà Mỹ đứng tên quyền sở hữu và thế chấp lại ngân hàng để vay 38 tỉ đồng.

Theo một người bạn của ông Khuân, thời điểm đó đại gia thủy sản thường tổ chức cho công nhân hiến máu nhân đạo định kỳ. Cá nhân ông cũng tiên phong trong công tác này khiến đối tác càng quý mến. Nguyên giám đốc một chi nhánh ngân hàng ở Sóc Trăng (đã bị bắt) từng nhận xét rằng ông Khuân là người tâm huyết với ngành thủy sản và Công ty Thủy sản Phương Nam được đánh giá là đơn vị làm ăn “đàng hoàng”. Từ nhận định này, ông Khuân được chi nhánh ngân hàng trên thẩm định, cho vay với số vốn khá lớn.

đại gia, đại gia thủy sản, đại gia ngã ngựa, đại gia khởi nghiệp
Hồ bơi của đại gia Phương Nam. Ảnh: GIA TUỆ

Nhưng không riêng gì chi nhánh ngân hàng vừa đề cập mà ông Khuân còn được lòng lãnh đạo các ngân hàng khác ở Sóc Trăng thời điểm bấy giờ. Có giai thoại kể lại rằng vào năm 2010, vào mùng 6 tết khi đón một giám đốc chi nhánh ngân hàng đến chúc xuân, ông Khuân liền bật điện thoại trước mặt đối tác để gọi thuộc cấp lấy 3 tỉ đồng gửi vào nhà băng lấy lộc!

Xem mặt mũi đại gia qua tivi

Theo cáo trạng của Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án tham nhũng thuộc VKSND Tối cao, từ năm 2008 đến tháng 9-2012, Công ty Phương Nam liên tục hoạt động thua lỗ. Công ty thiếu nợ các ngân hàng 1.700 tỉ đồng. Để các ngân hàng cho Công ty Phương Nam vay vốn, Lâm Ngọc Khuân và thuộc cấp đã lập 19 báo cáo tài chính gian dối về kết quả kinh doanh hằng năm đều có lãi gửi các ngân hàng vay vốn; gian dối trong việc thế chấp tài sản là hàng tồn kho tôm đông lạnh vay vốn ngân hàng; dùng một tài sản là hàng tồn kho thế chấp nhiều ngân hàng vay vốn…

Còn theo nhiều người dân ở Trà Cuông, trước khi xảy ra đại án Phương Nam, họ cũng không biết nhiều về Khuân. Chỉ đến khi ông bị bể nợ, qua phương tiện thông tin đại chúng hoặc những người từng làm công nhân cho Công ty Phương Nam kể lại thì họ mới biết ông chủ Phương Nam là con của quê hương Trà Cuông mình.

Vì vậy, những ngày diễn ra phiên tòa xét xử vụ Phương Nam, nhiều người dân Trà Cuông theo dõi sát tin thời sự trên tivi để xem mặt mũi ông chủ Phương Nam ra sao. Tuy vậy, họ không thấy vì ông chủ công ty này đã kịp trốn sang Mỹ kèm theo món tiền nợ khổng lồ của ngân hàng.

Đại gia Cần Thơ bị bắt vì nợ khoảng 700 tỉ đồng

Lực lượng C46 Bộ Công an đã phối hợp Công an TP Cần Thơ thực hiện khám xét nơi làm việc và nhà riêng của ông Phan Bá Tòng (42 tuổi), giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Mã (KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ), để điều tra hành vi sai phạm về kinh tế liên quan đến một số ngân hàng tại Cần Thơ. Ông Tòng từng được biết đến là một doanh nhân thành đạt, hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu cá tra, ba sa xuất khẩu.

Làm giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Mã, để có vốn phục vụ cho thu mua thủy sản, đầu tư nhà máy, ông Tòng lập nhiều hồ sơ để vay vốn tại các ngân hàng trên địa bàn TP Cần Thơ và khu vực miền Tây. Trong nhiều hồ sơ này có nhiều bộ không minh bạch đã dẫn đến việc ngân hàng không thể thu hồi được vốn và chuyển sang nợ xấu. Số tiền thuộc diện nợ xấu này được một số tài liệu xác định khoảng 700 tỉ đồng.


Theo PLO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét