Việc Idemitsu và đối tác KPI lên kế hoạch phân phối xăng dầu của Lọc dầu Nghi Sơn có thể xem là lối thoát cho các sản phẩm đang được PetroVietnam lo ngại không đủ sức cạnh tranh của dự án này.
Thông tin Tập đoàn Idemitsu Kosan (Nhật) và Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPI) lên kế hoạch phân phối xăng dầu tại thị trường Việt Nam được công bố cuối tuần trước mang đến kỳ vọng về những thay đổi trên thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam, vốn tồn tại nhiều bất cập vì thiếu cạnh tranh. Với việc phân phối sản phẩm đến từ tổ hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), liên doanh mang tên Idemitsu Q8 cũng có thể mang đến đáp án - vốn khó giải lâu nay - cho đầu ra của dự án này.
Với tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD và quy mô sản lượng lớn bậc nhất khu vực Đông Nam Á, dự án tại Nghi Sơn do chính Idemitsu và KPI góp vốn mỗi bên 35,1%, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) nắm 25,1% và một đối tác Nhật khác là Hóa chất Mitsui góp 4,7%. Nhà máy dự kiến vận hành thương mại từ năm 2017 với sản phẩm chủ yếu là xăng RON 92, RON 95, dầu diesel, dầu hỏa, khí hóa lỏng, nhựa, benzen, lưu huỳnh…
Được ưu đãi lớn song sản phẩm của Lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn khó cạnh tranh. Ảnh: Lê Hoàng
|
Là công trình trọng điểm, Nghi Sơn được hưởng nhiều ưu đãi đặc biệt như giữ lại 3-7% thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm xăng dầu, được cấp bù (từ tiền của PetroVietnam) trong giai đoạn 2017-2027 nếu thuế suất áp dụng chung trên thị trường thấp hơn thuế ưu đãi, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm (chỉ phải nộp thuế suất bình quân 10% trong vòng 70 năm sau đó)...
Một ưu đãi quan trọng khác là PetroVietnam sẽ cam kết bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn trong vòng 15 năm, với giá mua buôn tương đương với giá nhập khẩu cùng thời điểm cộng với ưu đãi thuế nhập khẩu 3-7%. Chính điều này, cùng với việc Việt Nam phải thực hiện ngày càng nhiều các cam kết giảm thuế quốc tế (khiến giá xăng nhập khẩu giảm) đã khiến PetroVietnam hết sức lo lắng về khả năng cạnh tranh về giá của xăng dầu Nghi Sơn với sản phẩm nhập khẩu cùng loại, cũng như trách nhiệm tài chính của tập đoàn khi dự án này đi vào hoạt động.
Trong một báo cáo gửi các bộ ngành đầu năm nay, PetroVietnam đã dự tính nếu giá dầu thô ở mức 75 USD một thùng, tập đoàn sẽ phải chi tới 75.000 tỷ đồng một năm để trả ưu đãi cho Nghi Sơn ngay khi nhà máy đi vào vận hành. Giá dầu thô càng tăng thì khoản tiền này càng lớn.
"Việc tiêu thụ sản phẩm của Nghi Sơn đang rất khó khăn do không cạnh tranh được với xăng dầu nhập khẩu trên chính thị trường Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu mối đang tăng sản lượng nhập khẩu vì được ưu đãi thuế", PetroVietnam nêu.
Theo số liệu quý I/2016 của Tổng cục hải quan, các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu chủ yếu từ Singapore với 1,39 triệu tấn, tăng 30,4% và Malaysia là 451.000 tấn, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ. |
Trước việc được hưởng lợi từ chênh lệch thuế, giá dầu thế giới giảm thời gian qua... thực tế cũng đã có nhiều đầu mối xăng dầu trong nước chỉ ký kết hợp đồng ngắn hạn 2-3 tháng, giảm khối lượng mua với xăng dầu sản xuất trong nước do giá cao. Ngay như Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) cũng chỉ đồng ký hợp đồng ngắn hạn với khối lượng hạn chế.
Cùng với giá cao, bài toán cung cầu cũng hết sức nan giải. PetroVietnam dự báo khi Nghi Sơn đi vào hoạt động năm 2017 và đạt công suất tối đa năm 2018 thì nguồn cung xăng dầu nội địa sẽ tăng lên 17,6 triệu m3 một năm, đến từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất (7,3 triệu m3), Nghi Sơn (9,6 triệu m3), bốn cơ sở pha chế xăng từ Condensate (690.000 m3).
Trong khi đó, nhu cầu xăng dầu nội địa chỉ ở mức 17,3 triệu m3 vào năm 2018. Nếu tính cả xăng dầu nhập khẩu, nguồn cung dự kiến sẽ vượt quá cầu khoảng 821.000 m3, trong đó diesel dư thừa rất lớn. Do đó, PetroVietnam còn phải gánh thêm nỗi lo không thể bao tiêu hết các sản phẩm từ Nghi Sơn và cảnh báo sẽ gặp rủi ro lớn nếu Chính phủ không kiểm soát nguồn xăng dầu nhập khẩu.
Trong khi nhà điều hành chưa thể có quyết sách nhằm giải quyết triệt để những khó khăn trên, việc 2 cổ đông ngoại là Idemitsu và KPI lên kế hoạch phân phối sản phẩm cho Nghi Sơn có thể coi là lối thoát khả thi cho dự án này. Trong trường hợp các đơn vị xăng dầu đầu mối như Petrolimex, Saigon Petro hay Xăng dầu Quân đội... từ chối sản phẩm từ Nghi Sơn do giá cao hơn nhập khẩu, Idemitsu Q8 có thể tự phân phối sản phẩm thông qua hệ thống cửa hàng trong nước.
Việc xây dựng các trạm bán lẻ tại Việt Nam có thể giúp Idemitsu và KPI tiêu thụ trực tiếp các sản phẩm của Nghi Sơn.
|
Việc này giúp họ liên kết khâu sản xuất đến phân phối, đồng thời tận dụng luôn ưu đãi thuế nhập khẩu. Theo cam kết với Chính phủ, trong vòng 10 năm, PetroVietnam sẽ phải bù số tiều ưu đãi thuế nhập khẩu 7% với xăng dầu và 3% với sản phẩm hóa dầu ngay cả trong trường hợp Nghi Sơn bán sản phẩm cho các đơn vị khác.
"Theo quy định hiện tại, Nghi Sơn vẫn được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu khi họ chủ động xuất khẩu một phần sản phẩm hoặc bên thứ ba xuất khẩu ra nước ngoài sau khi mua xăng dầu từ Nghi Sơn", PetroVietnam cho biết. Ngoài ra, với ưu thế của đối tác đến từ Kuwait - một quốc gia dầu mỏ, nơi đang bán xăng với giá tương đương 4.800 đồng một lít), việc được phép nhập khẩu lượng xăng dầu nhất định (để phối trộn với sản phẩm từ Nghi Sơn) cũng tạo ra một lợi thế không nhỏ cho Idemitsu Q8.
Trao đổi trước đó với VnExpress, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng khẳng định việc Nhật Bản và Kuwait bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam là một phần nội dung cam kết của Chính phủ với nhà đầu tư khi Idemitsu và KPI tham gia thực hiện dự án.
Theo đó, để giúp tiêu thụ sản phẩm của Nghi Sơn, các nhà đầu tư được thực hiện một số quyền về nhập khẩu, phân phối tương ứng với tỷ lệ vốn góp vào dự án. Tổng cục Năng lượng đang xem xét và giải quyết các thủ tục cho Idemitsu Q8.
Vị này cũng thừa nhận Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu chưa đề cập việc thương nhân nước ngoài tham gia làm đầu mối bán lẻ, song cũng để ngỏ bằng quy định nếu vấn đề gì mà Việt Nam tham gia vào điều ước quốc tế thì thực hiện theo Luật Tham gia ký kết các điều ước quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét