Dù thương vụ sáp nhập VVF chưa hoàn tất nhưng ban lãnh đạo Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội tự tin công ty tài chính tiêu dùng sẽ đóng đóp lợi nhuận đáng kể ngay năm đầu tiên hoạt động và không ngoại trừ khả năng có đối tác nước ngoài cùng tham gia.
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2016 diễn ra ngày 21/4, Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) cho biết trong năm 2016 sẽ xử lý hoàn tất giao dịch sáp nhập với Công ty tài chính Vinaconex Viettel (VVF). Do phải thay đổi hồ sơ trình Ngân hàng Nhà nước nên các thủ tục để sáp nhập chưa được hoàn tất khiến không ít cổ đông sốt ruột.
Mặc dù vậy, theo ông Đỗ Quang HIển – Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), ngay sau khi đi vào hoạt động, Công ty tài chính tiêu dùng SHB với số vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng chắc chắn có lãi ngay năm đầu tiên. Theo ông, cho vay tài chính tiêu dùng là mảng mà SHB nếu thực hiện có thể không thuận lợi bằng công ty tài chính. Trong đề án, SHB cũng đưa ra đề xuất cho phép sau khi nhận sáp nhập sẽ có một số đối tác, tập đoàn bán lẻ của nước ngoài muốn hợp tác với SHB để khai thác tốt hơn. “Vì lẽ đó mà tôi tự tin công ty tài chính sẽ đóng góp đáng kể lợi nhuận cho SHB”, ông Hiển nói.
SHB sẽ tăng vốn điều lệ lên hơn 11.197 tỷ đồng trong năm 2016. Ảnh: Thanh Lan.
|
Với sự đi vào hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng và sự ổn định trong tăng trưởng tín dụng (đặt ra ở mức tăng 20%), ban lãnh đạo SHB đưa ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng gần 33% lên 1.350 tỷ đồng. Năm 2014 và 2015, ngân hàng đều lãi trước thuế khoảng trên 1.000 tỷ đồng.
Năm 2015, SHB sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 7,5% để giúp tăng 719 tỷ đồng vốn điều lệ cho ngân hàng. Cộng thêm khoản 1.000 tỷ vốn điều lệ nhận sáp nhập VVF, vốn của SHB năm 2016 sẽ tăng 18%. SHB dự kiến tăng 13,4% tổng tài sản lên 232.000 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu tăng 20% cả về huy động và cho vay.
Những băn khoăn về giá cổ phiếu SHB cũng được nhiều cổ đông của Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) quan tâm. Một cổ đông nêu thực tế cho thấy giá cổ phiếu của SHB vẫn giảm so với năm trước nên đề nghị ban lãnh đạo ngân hàng cân nhắc mua vào để “động viên các cổ đông khác”. Chia sẻ nỗi lòng này, ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch SHB cho rằng mức giá hiện nay thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực của ngân hàng. “Là một thành viên HĐQT, thấy giá cổ phiếu hấp dẫn như thế tôi nhiều lúc nuốt nước bọt. Nhiều người nói bụng tôi to ra, nhưng không phải vì uống bia rượu mà nhìn thấy giá cổ phiếu hấp dẫn quá. Tuy nhiên, là thành viên HĐQT, nếu mua vào thì phải tuân thủ các quy định về báo cáo và nếu mua nhiều thì có thể bị nói là HĐQT đang làm giá làm rổ, cũng bất tiện”, ông Hiển nói.
Năm 2015, SHB trả cổ tức hoàn toàn bằng cổ phiếu (tỷ lệ 7,5%) để thực hiện kế hoạch tăng vốn. Và dự kiến năm 2016 chia theo tỷ lệ 8,5%. Do đó, nhiều cổ đông đề xuất từ năm 2016, nên cam kết trả bằng tiền mặt. Tuy nhiên, ông Hiển cho biết việc này chưa thể đưa vào Nghị quyết bởi cần kết thúc năm tài chính 2016.
Người đứng đầu SHB cũng cho biết, trong 2 năm qua, SHB liên tục tăng vốn điều lệ từ hơn 9.000 tỷ lên 11.000 tỷ đồng đã tạo ra nền tảng tài chính bền vững cho ngân hàng.
Đại hội cổ đông của SHB dành khá nhiều thời gian cho các cổ đông thảo luận, trong đó có nội dung về mảnh đất “vàng” ba mặt tiền của SHB tại Lý Thường Kiệt, Hàng Bài, Vọng Đức mà đơn vị này dự kiến xây làm trụ sở. Lý giải về tiến độ có phần chậm trễ, ông Đỗ Quang Hiển cho biết: “Lý do là phải xin cơ quan thẩm quyền cho chiều cao. UBND TP Hà Nội cách đây một tuần đã trình Thủ tướng cho phép SHB được xây dựng 13-15 tầng. Theo quy định, các công trình trong khu vực này nếu xây vượt quá 9 tầng phải được sự cho phép của Thủ tướng. Dự kiến cuối năm nay sẽ khởi công, tổng diện tích 2.200 m2 và sẽ là một trung tâm tài chính ngân hàng tại Hà Nội”.
Cũng tại ĐHCĐ năm nay, các cổ đông đã thông qua miễn nhiệm thành viên HĐQT với ông Lê Quang Thung và bầu bổ sung ông Võ Đức Tiến (sinh năm 1962) từng công tác tại Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Thanh Thanh Lan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét