Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

Người Việt chăm chỉ nhưng vì sao vẫn nghèo?

Năm 2015, mỗi người Việt làm được gần 80 triệu đồng và với con số này, năng suất lao động của Việt Nam vẫn trong diện thấp nhất khu vực. Phải chăng là do người Việt kém cỏi, chậm chạp, lười biếng hơn hay vì những nguyên nhân khác? Trả lời câu hỏi này sẽ thấy được nguyên nhân vẫn còn nhiều người nghèo dù lao động vất vả.
Chị Nguyễn Thị Lan năm nay 45 tuổi, quê ở Thanh Hóa, ra Hà Nội đã 10 năm. Chị bán rau tại một chợ dân sinh nhỏ trong khu đô thị ở Hà Đông, kiếm lãi từ vài trăm đồng đến 1.000 đồng/bó. Ngoài thời gian ngồi chợ bán rau, chị còn tham gia phụ hồ, dọn dẹp vệ sinh...nên mỗi tháng nếu thuận lợi, chị kiếm được 6-7 triệu đồng, dè xẻn tiêu pha thì dành ra được khoảng 4 triệu đồng gửi về nhà. Song tháng nào công việc ít thì chỉ đủ bám trụ tại Thủ đô.

Chị Lan chỉ là một trong hàng triệu người sinh nhai bằng những công việc mưu sinh "nay đây mai đó", thu nhập bấp bênh ở khắp các địa bàn trên cả nước, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Thống kê gần đây cho thấy, đến hết năm 2015, có tới gần 70% lực lượng lao động ở Việt Nam đang làm việc trong khu vực phi chính thức.

Gần 70% lực lượng lao động của Việt Nam hoạt động trong khu vực phi chính thức
Gần 70% lực lượng lao động của Việt Nam hoạt động trong khu vực phi chính thức
"Năng suất lao động thấp của khu vực này là yếu tố then chốt làm cho năng suất lao động của toàn nền kinh tế thấp. Dịch chuyển chậm lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức là yếu tố chính làm cho tốc độ tăng năng suất lao động tăng chậm" - Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá tại báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2016 vừa phát hành.

Theo đó, năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2015 theo giá hiện hành đạt 79,3 triệu đồng (tương đương 3.657 USD/lao động), tăng 6,42% so với năm 2014.

Bản báo cáo ghi nhận, từ năm 2005, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam có xu hướng đi xuống đến mức thấp nhất là 2,57% vào năm 2009. Từ năm 2012 cùng với quá trình tái cơ cấu kinh tế tốc độ tăng năng suất lao động đã có sự bứt phá mạnh mẽ và lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 6%/năm vào năm 2015. Tính chung cả giai đoạn 1992 - 2014 tốc độ tăng năng suất lao động hàng năm của Việt Nam khá ổn định, tuy nhiên lại không thể hiện sự vượt trội so với các nước Đông Á và Đông Nam Á, và luôn có thấp hơn nhiều so với Trung Quốc.

Báo cáo của CIEM lý giải, do xuất phát điểm của Việt Nam rất thấp nên đến năm 2014 năng suất lao động của Việt Nam chỉ tương đương 40,36% của Trung Quốc, 6,41% của Singapore, 13,56% của Hàn Quốc, 55,58% của Philippines.

Một chuyên gia từng phát biểu, nếu giả định các nước có cùng tốc độ tăng trưởng năng suất lao động như Việt Nam thì phải 20 năm nữa Việt Nam mới xoá bỏ được sự cách biệt về năng suất lao động so với Indonesia và Philippines và mất thêm 50 năm nữa mới đuổi kịp Thái Lan.

Sự chênh lệch rất lớn về năng suất lao động nhưng tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn rất cao (năm 2014 tỷ trọng lao động trong nông nghiệp vẫn chiếm 46,3% lao động trong toàn nền kinh tế), khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ vẫn chưa rút được nhiều lao động từ nông nghiệp sang các khu vực này. Theo CIEM, điều này cho thấy vẫn còn dư địa rất lớn cho việc tăng năng suất lao động bằng cách chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang hai khu vực còn lại.

Người Việt Nam nếu đi lao động ở nước ngoài thì năng suất lao động không kém ai
Người Việt Nam nếu đi lao động ở nước ngoài thì năng suất lao động không kém ai
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội Doãn Mậu Diệp từng lý giải: “Người Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc trong các doanh nghiệp Hàn Quốc, năng suất cũng không thua gì so với lao động Hàn Quốc cả”. Điều đó có nghĩa là, năng suất lao động Việt Nam thua các nước lân cận không hẳn do lỗi của người lao động Việt Nam kém cỏi, chậm chạp hay lười biếng hơn.

Theo lý giải của CIEM, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp và tăng chậm có nhiều nguyên nhân. Trong đó có các nguyên nhân chính, đó là: lao động chủ yếu làm việc trong khu vực có năng suất lao động thấp; phương tiện sản xuất chậm đổi mới; chất lượng lao động thấp; môi trường kinh doanh thiếu cạnh tranh.

Lý thuyết và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đổi mới sáng tạo là động lực không có giới hạn của tăng trưởng, là chìa khóa giúp một số nước Đông Á vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”. Tuy nhiên, công nghệ và sáng tạo vẫn là “vùng trũng nhất” (có xếp hạng thấp nhất), kéo dài nhiều năm trong sơ đồ cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.

Như vậy, để đẩy mạnh năng suất lao động, Việt Nam cần một chiến lược tổng thể. Trong đó, cần hỗ trợ các doanh nghiệp để thu hút được những người lao động ở khu vực phi chính thức vào khu vực chính thức, chuyển dịch lao động ra khỏi khu vực nông lâm thuỷ sản có NSLĐ thấp sang khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Đồng thời, cần có chính sách tập trung vào mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng hệ thống đào tạo dạy nghề để nhanh chóng khắc phục tình trạng phần lớn lao động chưa qua đào tạo.

Bích Diệp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét