Nổi tiếng trong lĩnh vực rạp chiếu phim với cụm rạp CGV tại Việt Nam, gần đây CJ lại bất ngờ nhảy vào cuộc đua tranh giành quyền mua lại cổ phần của Vissan. Phải chăng, tập đoàn Hàn Quốc này đã tìm ra mối liên hệ giữa rạp chiếu phim và ... xúc xích?
Theo số liệu được Bộ Kế hoạch đầu tư công bố, Hàn Quốc đang dẫn đầu trong số 62 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với 702 dự án cấp mới và 260 dự án tăng vốn, tổng giá trị 6,72 tỷ USD, chiếm 29,6% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam.
Trong số này, một trong số các tập đoàn đang nổi lên mạnh mẽ trong thời gian gần đây là CJ, cái tên nổi tiếng với cụm rạp CGV khắp cả nước, đồng thời đang âm thầm bành trướng trên hàng loạt các lĩnh vực quan trọng mà nhiều người còn ít biết.
Nổi lên bằng điện ảnh
CJ Group là một tập đoàn đa ngành của Hàn Quốc, với 4 lĩnh vực kinh doanh chủ yếu, bao gồm: Thực phẩm - Dịch vụ ẩm thực; Công nghệ sinh học - Dược phẩm; Giải trí - Truyền thông; Bán lẻ - Vận tải. CJ được thành lập từ năm 1953 bởi tập đoàn Samsung và là công ty sản xuất đường đầu tiên của Hàn Quốc lúc bấy giờ. Đến năm 1995, CJ tách khỏi Samsung và phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu châu Á.
Vào Việt Nam từ năm 1998, thế nhưng CJ chỉ nổi lên vào năm 2014, sau thương vụ mua lại hệ thống Megastar và đổi tên thành CJ CGV. Đến nay, CJ CGV sở hữu 27 cụm rạp với 176 phòng chiếu. Tập đoàn này đã đặt mục tiêu đến năm 2017 sẽ có 30 cụm rạp trên khắp cả nước, duy trì vị trí số 1 về phân phối phim ảnh.
Ngoài hệ thống rạp chiếu, CJ còn tham gia sản xuất phim, với nhiều bộ phim nổi tiếng như “Mùi Ngò Gai”, “Tuổi Thanh Xuân”, “Để Mai Tính 2”… và mới nhất là “Em là Bà Nội của anh”. Mục tiêu tăng trưởng trong mảng giải trí của CJ năm 2016 là 43%, cao gấp 2 lần so với trung bình giai đoạn 2011-2015.
Mặc dù vậy, trong quãng thời gian trước đó, CJ không hề ở không. Trái lại, họ đã cắm rễ khá sâu vào Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.
Các mãng kinh doanh của CJ tại Việt Nam, trong đó điện ảnh chỉ là một trong 4 mảng lớn
Tham vọng lớn trong lĩnh vực thực phẩm
Năm 1998, khi tiến vào Việt Nam, CJ thành lập công ty CJ Vina Agri, chuyên sản xuất và kinh doanh các loại thức ăn chăn nuôi. Đến nay, CJ đã có 3 nhà máy tại Long An, Vĩnh Long và Hưng Yên.
Trong giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng bình quân mảng thực phẩm của CJ là 86%/năm, và tập đoàn này đặt mục tiêu tăng trưởng tiếp 71% năm 2016. Đây là con số lớn nhất so với các mảng kinh doanh khác của CJ.
Trong một thông báo phát đi hồi cuối năm 2015, CJ cho biết tập đoàn này sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư vào nông thôn Việt Nam, đồng thời nêu rõ “Sau khi nghiên cứu thị trường tiêu dùng, CJ CheilJedang xác định Việt nam là vị trí chiến lược quan trọng…”.
Hiện tại, CJ đang đầu tư 4 nhà máy sản xuất thức ăn gia súc với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD tại Việt Nam.
Cũng giống như các DN theo đuổi lĩnh vực nông nghiệp hiện nay, tập đoàn Hàn Quốc này cũng tập trung xây dựng mô hình 3F (Feed – Farm – Food, mô hình từ nông trại đến bàn ăn).
Trong đó, CJ dường như đã ổn định được 2 chữ F đầu tiên, là thức ăn chăn nuôi và nông trại, và muốn hướng tới chữ F cuối cùng bằng cách mua lại Vissan, đơn vị sở hữu hệ thống 130 điểm phân phối thực phẩm trên cả nước.
Tuy nhiên, CJ chỉ mua được 4,18% cổ phần Vissan trong phiên IPO tháng 3 vừa qua và thất bại trước Masan trong phiên bán cho nhà đầu tư chiến lược. Việc để 14% vốn điều lệ Vissan rơi vào tay Masan có thể khiến CJ buộc phải từ bỏ Vissan và chuyển hướng sang một doanh nghiệp nông nghiệp khác trong thời gian tới.
Công nghệ sinh học - Dược phẩm và Bán lẻ - Hậu cần
Bên cạnh thực phẩm và điện ảnh, 2 mảng kinh doanh còn lại của CJ cũng đang âm thầm phát triển và có những bước tăng trưởng đáng kể.
Ít ai ngờ, hiện nay, CJ là tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ lên men. Các lĩnh vực chính của CJ bao gồm bột ngọt, sinh dược phẩm, dược phẩm và thực phẩm bổ dưỡng. Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân mảng này của CJ tại Việt Nam là 26% và sang năm 2016, mục tiêu tăng trưởng được đặt ra là 19%.
Với bán lẻ - Hậu cần, CJ Việt Nam hiện có kênh TV Shoping và hai công ty con khác là CJ IMC và CJ Korea Express cung cấp dịch vụ hậu cần. Tuy nhiên, các lĩnh vực này tỏ ra khá mới mẻ và CJ chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 8% tại mảng kinh doanh này.
Kết quả kinh doanh CJ giai đoạn 2011-2015
Có thể thấy, từ trước khi thâu tóm CGV, doanh thu của CJ tại Việt Nam tăng khá đều đặn qua các năm. Trong năm 2015, doanh thu tập đoàn này trên 15.000 tỉ đồng và lợi nhuận đạt 500 tỉ đồng, tăng trưởng gần 3 lần chỉ sau 5 năm.
Trả lời trên báo chí, ông Chang Bok Sang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CJ Việt Nam cho biết, CJ sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam trong năm 2016, nâng tổng vốn đầu tư lên 900 triệu USD. Khoản tiền này sẽ được đầu tư vào các cụm rạp CGV, hợp tác sản xuất phim, sản xuất thực phẩm và các hoạt động logistics.
Minh Quân
Theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét