Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

“Yêu” hàng Việt dễ hay khó?

Những ai đã đặt chân tới Mỹ đúng vào mùa giảm giá, bất kỳ ai đều choáng ngợp bởi từ sản phẩm giày da, may mặc đều thấy nhãn hàng “Made in Vietnam” (sản xuất tại Việt Nam) ở bất kỳ thành phố nào tại Mỹ. Không chỉ chú trọng tới sản xuất vũ khí để bán, dường như người Mỹ chỉ chuộng hàng ngoại. Điều này đúng hay sai? Trông người lại ngẫm đến ta, vậy để yêu hàng Việt dễ hay khó?
Nước ngoài “yêu” hàng Việt
Khi đặt chân đến Mỹ,quốc gia có sức tiêu thụ hàng khổng lồ này, người ta chứng kiến Việt Nam nổi lên như một thị trường nhập khẩu vào Mỹ trong thời gian qua. …Hàng VN xuất sang Mỹ chủ yếu là dệt may, điện thoại và linh kiện, các mặt hàng nông sản như cà phê, gỗ, thuỷ sản...
Trước khi gia nhập WTO năm 2007, nhiều nhà kinh tế đã dự đoán rằng Việt Nam sẽ trở thành một trong những thị trường gia công lớn nhất cho Mỹ. Bên cạnh đó, giá thuê đất ở khu công nghiệp, giá nhiên liệu phục vụ sản xuất, lượng nhân công dồi dào, trẻ và trình độ ngày càng cao, cùng bối cảnh chính trị ổn định là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng như Mỹ chọn Việt Nam như một thị trường để đầu tư, gia công sản xuất và xuất sang các thị trường Âu, Mỹ...
HỌC + LÀM = GIÀU Con Đường Thành Công

Hàng Việt được bày bán tại các siêu thị của Mỹ
So với hàng hoá sản xuất tại Mỹ, các mặt hàng tương tự, thậm chí cùng một thương hiệu, nhập khẩu vào Mỹ giá luôn thấp hơn từ 1/5 đến thậm chí 1/2 lần. Áo nỉ trùm đầu sản xuất tại Mỹ của Lands’ End giá 59 USD so cùng loại “Made in Vietnam” 25 USD. Nhãn hiệu Abercrombie & Fitch nổi tiếng với các sản phẩm áo thun, áo len… sản xuất tại nước ngoài như Việt Nam cũng luôn có giá dưới 1/2 so với sản xuất tại Mỹ.
Thị trường Mỹ đã vậy, những thị trường khác thì sao, liệu họ có “yêu” hàng Việt Nam? Thống kê trong năm 2014, xuất khẩu sang các thị trường khu vực châu Âu đạt 12 tỷ USD, chỉ tăng 12%. Đặc biệt khi so với tăng trưởng xuất khẩu sang châu Mỹ tăng 28,7%, châu Phi tăng 14,1% và châu Á tăng 13,6%. Các mặt hàng của Việt Nam vào thị trường này chủ yếu quần áo, giày dẹp là chính.
Còn ông  Nguyễn Trung Dũng –Tham tán VN tại thị trường Nhật cho biết: “Tiềm năng thị trường Nhật là rất lớn, bên cạnh  những mặt hàng đã và đang xuất khẩu ngày càng cạnh tranh tốt tại thị trường Nhật thì sắp tới các mặt hàng có tiềm năng  như thủy sản, rau quả, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, sắn và sản phẩm từ sắn, cao su, sản phẩm mây tre cói thảm... Vì đây là những sản phẩm mà thị trường Nhật Bản đang có nhu cầu, hợp thị hiếu, an toàn vệ sinh, bổ dưỡng và nhất là thuộc danh mục các mặt hàng giảm thuế theo lộ trình của Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA)”.
Những phân tích ở trên cho thấy hàng Việt có mặt ở khắp nơi trên thế giới không riêng gì thị trường Mỹ. Còn  tại Việt Nam  với thị trường nội địa trên 90 triệu dân  thì không có cớ gì để chúng ta không “yêu” hàng Việt…
Cách nào để hàng Việt được “yêu”?
Mới đây, một chương trình thời sự của đài ABC (Mỹ) đã có một series mang tên “Made in America” truy tìm nguồn gốc thực sự của những hàng hoá đang được dán nhãn sản xuất 100% tại Mỹ,  trong đó chủ yếu sản phẩm tới từ Việt Nam, Trung Quốc, Banglades... và tạo ra một danh sách những hàng hoá người Mỹ yêu thích và kêu gọi tinh thần yêu nước của người Mỹ trong tiêu dùng hàng nội.
Một cuộc khảo sát với quy mô lớn về thói quen tiêu dùng của người Mỹ được công bố vào năm 2013 của Trung tâm nghiên cứu các báo cáo về người tiêu dùng của Mỹ, cho thấy 78% người Mỹ muốn mua sản phẩm 100% sản xuất tại Mỹ hơn. Trong đó 80% cho rằng tiêu thụ sản phẩm sản xuất tại Mỹ giúp tạo ra việc làm và giúp nền sản xuất Mỹ giữ được sức mạnh của nó – vốn đã từng là nơi cung cấp tới 40% hàng hoá cho toàn thế giới …
Rồi thị trường Nhật Bản cũng đã từng tạm ngừng nhập khẩu các mặt hàng thủy sản từ Việt Nam bởi có dư lượng thuốc kháng sinh cao. Nhiều quốc gia cũng đã từng tuyên bố  họ không muốn sử dụng hàng nhập từ các thị trường giá rẻ do liên quan tới lạm dụng lao động trẻ em, lao động giá rẻ, chất lượng thấp.
Theo nhiều người nhận xét,  hàng Việt xuất khẩu vẫn chưa được đầu tư nhiều về khâu thiết kế, sáng tạo mẫu.  Một hội viên Việt kiều kinh doanh chuỗi cửa hàng tiện ích ở Châu Âu cho biết: “Càphê Trung Nguyên G7 chất lượng tốt, giá rẻ nhưng bán ra được rất ít. Trong khi đó Nescafé lại tiêu thụ mạnh. Nguyên nhân có thể do cà phê Trung Nguyên dùng kí hiệu G7 làm người dân Châu Âu dễ liên tưởng đến sắt thép, hoá chất, chất tẩy… chứ không phải đồ uống thơm ngon.
Vẫn là câu chuyện về cà phê, thời tiết bên Châu Âu lạnh, thay vì in trên bao bì cốc cà phê nóng ấm thì doanh nghiệp Việt Nam lại chọn thiết kế hình cốc cà phê có viên đá lạnh vốn chỉ thích hợp cho các nước nhiệt đới…
Muốn sản xuất và xuất khẩu hàng hoá sang thị trường nào phải hiểu được người dân và thị trường ở đó muốn gì, thích gì từ vùng địa lý sản xuất hàng. Ví dụ, người Châu Âu và người Mỹ không ưa chuộng nước hoa, sữa tắm, dầu gội đầu, kem dưỡng da... sản xuất từ châu Á vì công nghiệp hoá mỹ phẩm Châu Âu và Mỹ đã vượt trội.
Họ rất thích các sản phẩm vải, lụa tơ tằm Châu Á... hoặc những sản phẩm nông nghiệp của vùng nhiệt đới như lúa gạo, chuối, cam, dứa, dừa, lạc vừng... Vì vậy, các mặt hàng thực phẩm, hoa quả có thể trở thành thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, những mặt hàng này cũng phải chế biến phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng.
 Vậy làm cách nào để hàng Việt được yêu quí không chỉ trên thị trường nội địa mà cả ở nước ngoài? Đã có rất nhiều giải pháp được nêu ra như: sản phẩm chất lượng đảm bảo, giá cả vừa phải, hiểu biết thị trường, mẫu mã bao bì và chiến lược phân phối, tìm được đối tác phù hợp, dỡ bỏ các rào cản thủ tục... nhưng đây là yêu cầu chung cho hàng hoá xuất khẩu của mọi quốc gia. Vì vậy, ngoài những yếu tố trên, việc tìm kiếm các thị trường có khả năng tiêu thụ và tận dụng cơ hội thị trường  nội địa cũng rất quan trọng.
Một vấn đề đáng chú ý nữa là hiện nay ở nhiều nước trên thế giới, hàng hoá Trung Quốc hay bị chê vì kém chất lượng, hại sức khỏe con người, tổn hại môi trường, nhưng thế giới vẫn phải tiêu thụ hàng Trung Quốc vì  chưa tìm ra loại mặt hàng khác thay thế. Vì vậy, đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.
Gần 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có nhiều doanh nhân luôn mong muốn đưa được hàng Việt ra thế giới. Do vậy, đã đến lúc các doanh nghiệp trong nước nên tham khảo ý kiến của họ và cùng hợp tác để đẩy nhanh việc đưa hàng Việt ra thị trường thế giới…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét