Giữa vụ, mận cơm tại vườn bán được khoảng 15.000-20.000 đồng một kg, trong khi bán lẻ có thể được giá gấp đôi.
Mận cơm Lạng Sơn đang vào vụ thu hoạch. Năm nay, giá mận cơm đầu vụ nhỉnh hơn mọi năm khoảng 3.000-5.000 đồng một kg. Trao đổi vớiVnExpress, ông Hứa Xuân Dương - Chủ tịch UBND xã Hải Yến (Cao Lộc, Lạng Sơn) ước tính, toàn xã 30 ha mận, hầu như gia đình nào cũng trồng nhỏ lẻ từ vài cây cho đến vài trăm cây.
Người dân thu hái mận cơm. Ảnh. Hồng Vân
|
Đây là loại cây trồng xóa đói giảm nghèo của địa phương, cách đây khoảng 20 năm, nhận thấy giá trị kinh tế của mận cơm nên người dân đã đem giống về trồng. Sau 3 năm cây bói quả và cho thu hoạch. “Đầu vụ, mận cơm được săn lùng với giá cao ngất ngưởng 70.000-80.000 đồng một kg. Giờ còn khoảng 30.000- 40.000 đồng nhưng nhìn chung vẫn được giá. Một số hộ bắt đầu thu hoạch nhưng sản lượng giảm so với mọi năm", vị Chủ tịch xã nói.
Theo ông Dương, khoảng 3 năm trở lại đây, mận cơm ít quả hơn so với trước. Khả năng cho quả kéo dài đến 20 năm sau từ khi được thu hoạch, một số hộ nông dân chặt cây già, trồng cây non nhưng tỷ lệ đậu quả cũng không cao.
Mận cơm giòn, hương vị thơm ngon, bắt mắt được khách ưa chuộng. Ảnh. Hồng Vân
|
Ông Hoàng Văn Châu (64 tuổi, xã Hải Yến, Cao Lộc) cho biết, gia đình có hơn 300 gốc mận cơm, trồng rải rác mỗi năm, có những cây trồng cách đây 15 năm có những cây mới trồng được 4-5 năm. Cách đây khoảng 3 năm, mỗi cây trung bình cho 30 kg quả, mỗi vụ gia đình ông thu gần 2 tấn. “Năm nay giá cao nhưng mỗi cây trưởng thành chỉ được khoảng 10 kg nên bây giờ nhà tôi mới bắt đầu thu hái”, ông Châu chia sẻ.
Chị Thắm, tiểu thương tại thành phố Lạng Sơn cho hay mận địa phương có mẫu mã, hương vị thơm ngon, giòn nên được khách ưa chuộng. Mỗi ngày, chị gom mận đem ra các chợ như Giếng Vuông, Đông Kinh, rồi đóng hàng gửi xe khách xuống Hà Nội cho khách.
Theo phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc, toàn huyện có hơn 185 ha mận cơm. Bà con nông dân tự trồng nhỏ lẻ, rải rác trên vườn đồi của gia đình, chân ruộng hoặc khe suối mà chưa hình thành vùng trồng tập trung. Cây mận cơm dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định kinh tế người dân.
Hồng Vân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét