Đôla Mỹ, rand Nam Phi, bảng Anh, rupee Ấn Độ, yen Nhật và Nhân dân tệ Trung Quốc có một điểm chung, rằng đều là tiền tệ được sử dụng tại Zimbabwe. Chúng chính là giải pháp cho các vấn đề kinh tế và lạm phát phi mã tại đây.
Từ năm 2009, Zimbabwe đã sử dụng các tiền tệ khác thay nội tệ - đồng tiền bị từ bỏ sau đợt lạm phát khiến nó gần như chẳng còn giá trị. Việc sử dụng hệ thống đa tiền tệ đã khiến Zimbabwe giảm phát 2,2% hồi tháng 2, theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương nước này - John Mangudya.
"Chúng tôi chuyển sang dùng nhiều loại tiền tệ để bình ổn. Lạm phát đã xuống 0% và điều này thật thần kỳ", ông cho biết.
Tờ 100.000 tỷ đôla Zimbabwe, cùng nhiều giấy bạc mệnh giá cao khác như 10.000 tỷ đôla hay 1.000 tỷ đôla, có thể đem đổi lấy USD cho đến hết tháng trước. Tuy nhiên, nó chỉ tương đương khoảng 0,4 USD. Còn trên trang đấu giá eBay, giá này cao hơn khá nhiều.
Tờ 100.000 tỷ đôla Zimbabwe. Ảnh: CNN
|
Vào thời điểm cuối tháng 6/2008, người ta phải mất 600 triệu đôla Zimbabwe để mua một chiếc bánh mì. Còn một chai dầu ăn 2 lít có giá tới 5 tỷ đôla. Tờ tiền mệnh giá cao nhất khi đó là 100.000 tỷ Zimbabwe.
Năm 2009, khi lạm phát chạm 230 triệu phần trăm, ngân hàng trung ương Zimbabwe đã tuyên bố chọn USD làm tiền tệ sử dụng chính thức. Từ lạm phát rất cao đến giảm phát 2,2%, Mangudya nhớ rất rõ những năm vất vả đó. "Thật kinh khủng. Chúng tôi chẳng có công cụ nào để chống lại thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt khi ấy".
Thời điểm đó, họ phải liên tục in tiền. Còn giá cả thay đổi theo từng phút. "Tồi tệ lắm. Anh phải trả tiền cà phê trước khi uống. Vì giá có thể tăng chỉ sau vài phút", Shingi Minyeza - Chủ tịch Vinal Investments cho biết.
Người dân Zimbabwe chở tiền bằng xe cút kít đi chợ. Ảnh: Palpa India
|
USD hiện là loại tiền được ưa chuộng nhất Zimbabwe hiện tại. Nhưng những loại khác cũng vẫn được chào đón. "Nếu nhập/xuất hàng với Nam Phi, anh có thể dùng đồng rand. Nếu nhập hàng Trung Quốc, anh có thể dùng NDT. Còn USD là đồng tiền dự trữ của chúng tôi", Mangudya cho biết.
Dù vậy, từ nhiều tháng nay, USD tại đây đang khan hiếm. Giá hàng hóa toàn cầu đi xuống và hạn hán nghiêm trọng đang ảnh hưởng đến xuất khẩu của Zimbabwe, khiến nước này thu được ít USD hơn.
Để xoa dịu sự thiếu hụt này, Ngân hàng Trung ương Zimbabwe hồi đầu tháng cho biết họ sẽ bắt đầu in loại tiền tương tự USD (bond note) với mệnh giá 2, 5, 10 và 20 USD. Nước này hiện đã có xu USD (bond coin). Mỗi xu lưu thông tương đương 1 USD trong kho dự trữ.
Hà Thu (theo CNN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét