Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

Săn nhum biển kiếm bạc triệu mỗi ngày

Vào mùa nhum, trung bình cứ mỗi ngày đi lặn, một người thợ bắt được từ 300 đến 700 con, mang lại nguồn thu nhập 400-600.000 đồng, thậm trí có hôm bạc triệu.

Từ cuối tháng 4, nước ở vùng biển xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) trở nên trong vắt dưới cái nóng oi bức. Đây cũng là lúc việc đi săn bắt nhum biển (loại hải sản thường dùng để tiến cho vua chúa ngày xưa) bước vào đỉnh điểm. Từ 8h đến16 giờ hằng ngày, người dân Phổ Châu lại kéo nhau ra khu vực gành đá nằm cách bờ 20-50m, với mực nước sâu từ 3-5m, để săn bắt nhum biển.

Không cần tàu thuyền máy hay các trang thiết bị lưới, cần câu... dụng cụ để săn nhum biển khá đơn giản. Bộ đồ nghề chỉ vỏn vẹn có một đoạn sắt to cỡ nửa ngón tay út, dài từ 0,4-0,6m với một đầu được bẻ cong như lưỡi câu và đầu kia cắm vào cán gỗ, giỏ đựng buộc xốp xung quanh cho nổi trên mặt nước và kính lặn là có thể hành nghề. Sau khi bơi, lặn dọc theo các gành đá phát hiện thấy nhum biển, ngư dân chỉ cần dùng móc sắt móc vào và đưa lên bỏ vào giỏ đựng.

Nhiều ngư dân nơi đây cho biết, việc săn bắt nhum có thể diễn ra quanh năm, trừ những khi biển động, sóng to và nước đục. Thế nhưng thời gian săn bắt chính vụ hàng năm ở đây thường bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 7.

san-nhum-bien-kiem-bac-trieu-moi-ngay
Săn nhum vào mùa cao điểm có thể giúp ngư dân kiếm bạc triệu mỗi ngày. Ảnh:Dân Việt

Thông thường cứ mỗi ngày đi lặn, số lượng nhum bắt được từ 300-700 con. Với giá mua nhum thịt (sau khi tách bỏ vỏ) hiện từ 250.000–350.000 đồng một kg, đã mang về cho những ngư dân đi săn bắt hải sản này từ 400-600.000 đồng. "Có hôm trúng mánh, tiền bán nhum lên đến cả triệu đồng", ngư dân Trần Thanh Viên tiết lộ.

Anh Viên cho hay, địa điểm hành nghề gần bờ và mực nước không sâu, dụng cụ săn bắt khá đơn giản, thu nhập lại khá cao. Tuy nhiên, để hành nghề ngoài yêu cầu là biết lặn, đòi hỏi số ngư dân tham gia phải có sức khỏe. Thợ săn nhum phải ngâm mình dưới nước trong một thời gian rất lâu, gần 10 giờ một ngày. Bên cạnh đó cần phải cẩn thận vì nếu sơ suất sẽ bị gai của nhum đâm vào gây đau nhức, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Với thâm niên hơn 10 năm trong nghề, ngư dân Bùi Văn Nguyên (41 tuổi) cho biết: "Những năm trước, việc đi bắt nhum của người dân trong vùng chủ yếu là mang về chế biến để cải thiện cho bữa ăn của gia đình. Vì vậy số lượng bắt chỉ một vài kg là thôi, nên nhum rất nhiều".

Tuy nhiên gần đây, khi vùng biển nơi này trở thành khu du lịch, nhum với ưu điểm bổ dưỡng cao và ngon miệng đã trở thành đặc sản được nhiều người ưa thích. Vì vậy người tham gia bắt ngày một đông dẫn đến lượng nhum đã giảm đi đáng kể.

Theo Dân Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét