Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2016

Trở thành chủ thương hiệu mỹ phẩm lớn nhờ chán việc

Anna Ross từng nghĩ tìm được công việc mà cô mơ ước, song thực tế lại diễn ra như cơn ác mộng. Không đầu hàng nghịch cảnh, cô quyết tâm kinh doanh sơn móng tay.

Hồi ấy, ở tuổi đôi mươi, cô gái có bằng cử nhân thiết kế thời trang từ New Zealand làm trợ lý thiết kế cho một công ty thời trang lớn ở thành phố Melbourne, Australia. Cô phải làm việc tới 90 giờ mỗi tuần để nhận mức lương khá thấp.

“Tôi không muốn tiếp tục làm việc với cường độ cao như thế và tôi trở nên ghét ngành thời trang”, Anna kể.

Đó là một sự thật phũ phàng đối với một người từng chi 42.000 USD để lấy bằng cử nhân thời trang.

Tự kinh doanh vì chán việc

May mắn cho Anna, để thoát khỏi cảm giác bế tắc vì công việc và duy trì sự sáng tạo, cô kinh doanh riêng trong quỹ thời gian rảnh hạn hẹp. Cô từng may quần áo khi học tại Đại học Bách khoa Otago ở New Zealand. Nhưng khi chuyển tới Melbourne, cô chuyển sang công việc thiết kế và chế tạo đồ trang sức vào năm 2009. Cô bán chúng với tên thương hiệu là Kester Black.

Tro thanh chu thuong hieu my pham lon nho chan viec hinh anh 1
Anna Ross cùng một cộng sự thử nghiệm sản phẩm trước khi đăng ảnh lên tài khoản Instagram. Ảnh: Anna Ross
Do việc bán đồ trang sức giúp Anna có thêm thu nhập, cô bắt đầu thử nghiệm chế sơn móng tay để hỗ trợ cho đồ trang sức. Nữ cử nhân nghiên cứu các hóa chất để sản xuất sơn móng tay trong một năm, và thuê một nhà hóa học chế 6 màu cho cô.

Không chỉ bán hàng qua trang web, Anna còn giới thiệu sơn móng tay tới nhiều cửa hàng ở thành phố Melbourne. Doanh số tăng vọt. Trên thực tế, thị trường chấp nhận sản phẩm nhanh đến nỗi Anna có thể thôi việc làm thuê để tập trung vào công việc kinh doanh mới.

Tới năm 2012, cô quyết định ngừng bán nữ trang để có thể tập trung toàn bộ thời gian và công sức cho sơn móng tay.

“Với sơn móng tay, chỉ trong vòng 3 tháng doanh số của tôi đã tăng gấp đôi so với doanh số năm trước đó”, cô kể.

Bí quyết thành công

Giờ đây, sau 4 năm, Kester Black là một trong những thương hiệu mỹ phẩm phổ biến nhất tại Australia. Sản phẩm cũng xuất hiện tại thị trường Mỹ, Nhật Bản và Malaysia.

Người phụ nữ 28 tuổi nói rằng sơn móng tay Kester Black khác biệt vì cô sản xuất nó tại Australia, không thử nghiệm trên động vật và không dùng những hóa chất độc hại như nhiều loại sơn móng tay khác.

Nick Bez, một giám đốc hãng nghiên cứu thị trường Mobium tại Australia – nhận định Anna tỏ ra đặc biệt sáng tạo trong việc sử dụng mạng xã hội để quảng bá thương hiệu.

Trỏ tay vào tài khoản Kester Black trên Instagram, nơi người ta thấy vô số ảnh đẹp, Nick nói Anna “kể chuyện rất sáng tạo” và người xem cảm thấy thích những câu chuyện liên quan tới sơn móng tay của cô.

Tro thanh chu thuong hieu my pham lon nho chan viec hinh anh 2
Công việc kinh doanh phát triển mạnh nhưng Anna Ross chỉ thuê một nhân viên toàn thời gian. Ảnh: BBC
“Am hiểu mạng xã hội và sử dụng không gian mạng để tương tác với khách hàng tiềm năng giúp một thương hiệu nhỏ có ảnh hưởng như những thương hiệu lớn”, Nick lập luận.

Anna thừa nhận rằng sự phổ biến của Instagram và hình ảnh của sơn móng tay Kester Black trên mạng khiến mọi người nghĩ công ty của cô có quy mô rất lớn.

Cuộc sống thong thả

Mặc dù kinh doanh bận rộn, Anna vẫn cảm thấy nhịp sống hiện nay của cô không gấp gáp như khi cô làm thuê.

Văn phòng công ty Kester Black tại thành phố Melbourne chỉ mở cửa 4 ngày mỗi tuần, còn Anna ngồi thiền trong văn phòng phần lớn buổi sáng. Cô cũng dành thời gian tập yoga.

“Tôi thích mạo hiểm,nhưng tôi cũng đầu tư thời gian và công sức để đảm bảo công việc kinh doanh sẽ thành công”, cô tâm sự.

Tro thanh chu thuong hieu my pham lon nho chan viec hinh anh 3
Tuy sản phẩm đã xuất hiện ở nhiều nước, Anna Ross vẫn tự nhận cô là chủ doanh nghiệp nhỏ. Ảnh: Anna Ross
Dù công việc kinh doanh phát triển mạnh, Anna chỉ có một nhân viên chính thức. Cô thuê những người khác - như nhiếp ảnh gia, chuyên gia sáng tạo -theo dự án.

Mặc dù doanh số của Kester Black tiếp tục tăng ở cả Australia lẫn nước ngoài, Anna xác định cô sẽ phải ra một quyết định lớn: Giảm hay tăng mức độ phát triển?

“Chúng tôi nên bằng lòng với tình hình hiện tại hay tiếp tục mở rộng độ phủ của sản phẩm? Đó là câu hỏi khó đối với một chủ doanh nghiệp nhỏ. Tôi đã tự hỏi bản thân câu đó suốt một năm rưỡi qua. Không ai có thể giúp tôi tìm câu trả lời”, cô tâm sự.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét