Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Gần như tất cả các cửa hàng McDonald’s ở thủ đô New Delhi vừa phải đóng cửa

41 trong tổng số 53 cửa hàng McDonald's tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ vừa phải đóng cửa vào ngày hôm qua. 

Gần như tất cả các cửa hàng McDonald’s ở thủ đô New Delhi vừa phải đóng cửa
Hầu hết các cửa hàng McDonald's tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ đều phải đồng loạt đóng cửa vào ngày hôm qua do giấy phép hoạt động của họ đã hết hạn.
Connaught Place Restaurants Private Limited – đơn vị được cấp phép hoạt động chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh tại Ấn Độ đã nhận quyết định đóng cửa 41 trong số 53 cửa hàng của họ.
Thông qua một tuyên bố bằng email, người phát ngôn McDonald's khu vực châu Á nói rằng đối tác tại Ấn Độ của họ đang nỗ lực tìm cách để có giấy phép hoạt động trở lại. “Ấn Độ tiếp tục trở thành thị trường quan trọng nhất đối với McDonald’s chính vì vậy chúng tôi cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ cùng CPRL để giải quyết vấn đề này nhanh nhất có thể”.
Những thông tin về việc McDonald's phải đóng cửa hàng được tờ báo địa phương Economic Times đưa tin và họ nói rằng sẽ có khoảng 1.700 nhân viên có thể bị mất việc do sự cố này.
Dẫu vậy Shum bác bỏ thông tin kể trên và nói rằng đó là "thông tin sai sự thật". McDonald’s đã tuyên bố với nhân viên rằng họ sẽ tiếp tục làm việc và vẫn được trả lương như bình thường cả vào thời gian cửa hàng phải đóng cửa. CPRL hiện không đưa ra bình luận về vấn đề này.
McDonald’s hiện có hơn 400 cửa hàng nhượng quyền trên khắp 65 thành phố ở Ấn Độ. Việc bùng nổ tầng lớp trung lưu cho thấy tiềm năng phát triển mạnh hơn bên ngoài châu Á của công ty, đặc biệt là sau khi họ bán hầu hết mảng kinh doanh tại Trung Quốc vào đầu năm nay.
Hiện tại, trên website của McDonald's, hầu hết các cửa hàng tại Delhi đều đã thay đổi trạng thái sang “tạm thời đóng cửa”.

Hơn cả hãng nội thất, IKEA còn là tên của một hiệu ứng tâm lý thực sự kỳ lạ

Đúng vậy, có hẳn một hiệu ứng tâm lý tên là IKEA và nó xuất phát từ ý tưởng thực sự thiên tài. 

Hơn cả hãng nội thất, IKEA còn là tên của một hiệu ứng tâm lý thực sự kỳ lạ
Là một trong những hãng bán lẻ đồ nội thất nổi tiếng nhất thế giới, có lẽ ít người trong chúng ta cảm thấy lạ lẫm trước cái tên IKEA . Tuy rằng tại Việt Nam, IKEA chưa có một cửa hiệu chính hãng nào, nhưng sự phổ biến của nó là không thể bàn cãi.
Theo như số liệu từ Forbes, có gần 600 triệu lượt người ghé thăm các cửa hàng IKEA mỗi năm, kèm theo trên dưới 250 triệu bản catalog được phân phối trên toàn thế giới. Và cái đưa IKEA trở thành một cái tên nổi trội là nhờ chính sách kinh doanh đặc biệt: họ chỉ bán phụ kiện và linh kiện, để khách hàng tự lắp đồ nội thất cho căn nhà của mình thay vì các sản phẩm mua sẵn.
Chiến lược ấy được đánh giá là "thiên tài" với thành công ở quy mô toàn cầu. Theo một khảo sát vào năm 2012 của Michael Norton thì khách hàng sẵn sàng trả hơn gấp rưỡi giá tiền để có được một sản phẩm do chính họ lắp ráp.
Người ta sẽ sẵn sàng bỏ ra gấp rưỡi tiền để mua nội thất do chính tay mình làm ra
Lý do ư? Vì con người luôn có xu hướng thích những gì do chính mình làm ra, bất kể nó xấu hay đẹp. Vấn đề là chỉ khi chiến lược của IKEA xuất hiện, người ta mới biết đến sự tồn tại của xu hướng ấy, và thậm chí còn đặt tên cho nó là Hiệu ứng IKEA.
Hiệu ứng IKEA - Khi sự nỗ lực khiến con người ta hài lòng
Thoạt tiên khi nghe đến hiệu ứng này, ai cũng nghĩ đó là một nghịch lý. Tại sao khách hàng phải mất công mua một hộp toàn linh kiện - thứ do IKEA cung cấp - về lắp ráp, mà không mua bàn, ghế đã được đóng sẵn ngoài của hàng? Chưa kể, tờ hướng dẫn bên trong hộp linh kiện của IKEA giống như... thông điệp của người sao Hỏa vậy - hiểu chết liền.
Nhưng chiến lược của IKEA hóa ra lại được đúc rút từ khá nhiều kinh nghiệm kinh doanh của trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả... làm bánh.
Ví dụ như vào thập niên 40, thời điểm phụ nữ làm nội trợ là chủ yếu, một công ty đã quyết định tung ra thị trường bộ sản phẩm làm bánh nhanh gọn nhẹ chưa từng thấy. Chỉ cần hoà bột vào bát, đổ vào khuôn, nướng trong nửa tiếng là có một mẻ bánh nướng ngon lành.
Thế nhưng, công ty ấy lại chứng kiến doanh thu sụt giảm thảm hại. Qua khảo sát, họ phát hiện ra rằng các bà nội trợ cảm thấy làm bánh như vậy là quá dễ, nhưng quan trọng hơn là nó đem lại cảm giác không phải sản phẩm do chính họ làm ra. Rốt cục, công ty liền bỏ trứng và sữa ra khỏi bộ sản phẩm, người mua sẽ phải tự đong đếm trứng và sữa để cho vào bánh, qua đó nhận được phản ứng rất tích cực từ các bà nội trợ.
Vậy vấn đề ở đây là gì? Con người ta luôn đánh giá cao những sản phẩm đến từ chính sự nỗ lực của bản thân. Chúng ta ưu tiên thứ mình làm ra so với những gì sẵn có, và đó chính là hiệu ứng IKEA.
Tại sao hiệu ứng IKEA tồn tại?
Căn nguyên của hiệu ứng này thực chất lại bắt nguồn từ thời thơ ấu của chúng ta. Khi còn bé, mỗi chúng ta đều có một góc nhìn rất thiên vị, cho rằng những gì mắt ta thấy được thì người khác cũng vậy. Hẳn đã không ít lần bạn nhắm mắt lại và tưởng rằng mình vô hình? Đó là sự thiên vị đấy.
Khi lớn lên, sự thiên vị dần biến mất, thay bằng những lựa chọn lý trí hơn. Nhưng nó không biến mất hoàn toàn, mà hiện hữu trong mỗi chúng ta thông qua hiệu ứng IKEA. Bất kể thế nào, chúng ta luôn có xu hướng ưu tiên, thậm chí là yêu đến mù quáng thành quả mình làm ra - miễn là nó ở mức chấp nhận được.
Bên trong một nhà kho của IKEA
Hiệu ứng IKEA cũng phổ biến hơn bạn tưởng nhiều. Không chỉ những tác phẩm phức tạp như đồ nội thất, tranh vẽ hay làm bánh, mà đôi khi chỉ cần tự tay chọn màu giày sneaker cũng đủ để IKEA xuất hiện.
Khi bạn mua một đôi giày, xu hướng là bạn sẽ luôn thích nó bất kể ai nói gì. Hiệu ứng ấy sẽ còn hiện rõ hơn nếu bạn chọn một đôi sneaker được "customized" - cho phép khách hàng được tùy chọn về chất liệu, màu sắc và kiểu dáng, thậm chí là cả khắc chữ lên giày cũng được.
Những đôi giày được custom lại luôn có giá trị nổi bật trong mắt người tiêu dùng
Tất nhiên, giá tiền của giày sẽ đội lên, nhưng khách hàng vẫn đặt mua, vì đó là những đôi có giá trị với chính họ.
Một ví dụ gần gũi hơn ở Việt Nam. Nếu bạn còn nhớ trào lưu tự nặn đồ gốm của thế hệ 8x. Hay vòng tay tự xâu hạt, gối may chữ handmade... tất cả đều đã từng trở thành cơn sốt dựa trên hiệu ứng IKEA.
Khi được bỏ ra một chút nỗ lực để thiết kế một sản phẩm cho mình, chúng ta sẽ thấy hài lòng hơn khi nhận được thành quả.
Và bạn biết không, IKEA cũng là một hiệu ứng thực sự có ý nghĩa. Nó có thể áp dụng được vào tất cả mọi lĩnh vực trong cuộc sống và công việc.
Quan trọng là bạn phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, thành quả bạn nhận lại mới thực sự đáng trân trọng (ít nhất là trong tâm lý).
Nguồn: Ted Ideas

Nokia vừa chọn ra được lãnh đạo mới, đó chính là công thần của Samsung

Nokia vừa chọn ra được lãnh đạo mới, đó chính là công thần của Samsung 

Nokia vừa chọn ra được lãnh đạo mới, đó chính là công thần của Samsung
Nokia thông báo rằng họ đã có được cựu Chủ tịch và Giám đốc điều hành Samsung Electronics Bắc Mỹ, ông Gregory Lee. Theo báo cáo, ông Lee sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch và điều hành hoạt động của Nokia Technologies.
Ông Gregory Lee đã từng đóng góp hơn 13 năm tại Samsung, vai trò quan trọng nhất ông từng đảm nhiệm là điều hành các doanh nghiệp của Samsung Electronics tại khu vực Bắc Mỹ. Ông chịu trách nhiệm phát triển chiến lược cho toàn bộ danh mục đồ điện tử tiêu dùng của Samsung, bao gồm smartphone, tablet và thiết bị gia dụng.
Giám đốc điều hành của Nokia, ông Rajeev Suri cho biết: “Chúng tôi đã chọn ra được một nhà lãnh đạo mới và phù hợp, để có thể đưa Nokia Techonologies tiến lên phía trước. Đây là thời điểm vô cùng quan trọng, khi mà thương hiệu Nokia đang quay trở lại”.
Ông Gregory Lee cho biết: “Tôi rất hào hứng khi có cơ hội được lãnh đạo và dẫn dắt Nokia Technologies. Nokia đang tích cực tạo ra các sản phẩm công nghệ cao trong các lĩnh vực tiêu dùng và tôi rất vinh dự khi được đóng góp công sức của mình để tạo dựng thành công này trong tương lai”.
Sau khi tới Nokia, ông Lee sẽ làm việc trực tiếp dưới CEO Rajeev Suri, có thể nói là dưới một người và trên tất cả các vị trí khác.
Trong một động thái khác, Samsung chưa có tuyên bố gì về việc Giám đốc điều hành khu vực Bắc Mỹ của mình bỏ đi. Hiện tại trên trang web chính thức thì vị trí Giám đốc điều hành Samsung Bắc Mỹ vẫn là ông Lee, nhưng trong một thời gian nữa chắc chắn Samsung sẽ phải tìm một người đủ năng lực để thay thế.
Tham khảo: phonearena

Marvel sẽ không được chút lợi nhuận nào từ "Spider-man: Homecoming", tất cả sẽ thuộc về Sony!

Sony Entertainment Pictures mới đây đã thông báo rằng hãng này sẽ được quyền giữ lại toàn bộ lợi nhuận đến từ việc phát hành phim Spider-Man: Homecoming trên toàn thế giới. 

Marvel sẽ không được chút lợi nhuận nào từ "Spider-man: Homecoming", tất cả sẽ thuộc về Sony!
Dù Spider-Man là siêu anh hùng truyện tranh của Marvel nhưng bản quyền hình ảnh trên phim của nhân vật này đã được Sony mua lại để chuyển thể thành phim. Và Spider-Man: Homecoming tới đây là tựa phim bom tấn do Sony hợp tác cùng Marvel Studios sản xuất với vai nam chính, anh chàng người nhện Peter Parker được giao cho Tom Holland.
Tính đến thời điểm hiện tại thì Tom Holland là thế hệ người nhện thứ 3 xuất hiện trên màn ảnh, kể về quãng thời gian học cấp 3 của anh chàng này sau khi được xuất hiện và giới thiệu trong bom tấn Captain America: Civil War.
Đã từng có rất nhiều thông tin được đưa ra về sự hợp tác của Marvel với Sony nhằm mang lại sự mới mẻ cho nhân vật Spider-Man trên màn ảnh. Chỉ trong vòng 15 năm qua, đã có tới 2 phiên bản khác của Spider-Man được ra mắt khán giả là Spider-man của Tobey Maguire và The Amazing Spider-man của Andrew Garfield.
Tổng cộng, những phiên bản phim về Người Nhện này đã mang về cho Sony tới 4 tỷ USD doanh thu chia đều cho 5 phần phim. Dự kiến phần phim Spider-Man: Homecoming tới đây còn mang về lợi nhuận lớn hơn nữa khi mà phiên bản người nhện tuổi teen của Tom Holland đã giành được cảm tình của đại đa số khán giả trong lần ra mắt của mình trước đây.
Theo thông tin được công bố trên LA Times thì Sony, đơn vị đầu tư thực hiện Spider-man: Homecoming sẽ bỏ túi toàn bộ lợi nhuận đến từ việc phát hành phim. Disney (đơn vị đang sở hữu Marvel) ngược lại sẽ nắm lợi nhuận của việc bán đồ chơi cùng toàn bộ những món phụ kiện ăn theo phim và các nhân vật trong phim.
Mặc dù tới đầu tháng 7 tới, Spider-Man: Homecoming mới được ra mắt nhưng giới phê bình điện ảnh đã đưa ra khá nhiều dự đoán khà quan về doanh thu của phim. Dự kiến chỉ trong tuần đầu công chiếu, Homecoming có thể mang về tới 100 triệu USD doanh thu, một con số khá ổn nếu so với chi phí sản xuất chỉ khoảng 175 triệu USD.
Với thành công được dự báo trước như vậy thì chắc chắn lợi nhuận mà Sony thu về từ việc phát hành Spider-man: Homecoming chắc chắn sẽ không hề nhỏ, còn Marvel cũng sẽ kiếm được không ít từ việc bán những món đồ chơi, phụ kiện ăn theo thương hiệu đình đám này. Đa phần các fan hâm mộ đều hi vọng rằng thành công bước đầu này sẽ là tiền đề cho rất nhiều sản phẩm hợp tác khác giữa Marvel cùng Sony trong thời gian tới.

Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

Chiêu tuyển người siêu độc: Công ty này nhận thư tình thay CV xin việc

Acuity Scheduling sẽ không thèm ngó đến hồ sơ của ứng viên mà yêu cầu họ phải chắp bút một “bức tình thư”.

    Chiêu tuyển người siêu độc: Công ty này nhận thư tình thay CV xin việc
    Đây chỉ là một trong những quy định khác người của Acuity Scheduling, một công ty New York chuyên cung cấp phần mềm sắp xếp lịch làm việc trực tuyến cho hơn 50.000 doanh nghiệp và tập đoàn lớn. Họ cũng cung cấp phần mềm hỗ trợ lên lịch hẹn và hậu cần trên quy mô toàn cầu.
    Quy trình tuyển dụng của Acuity Scheduling được đánh giá là "có một không hai”. Trước hết, thông báo tuyển dụng được viết như một quảng cáo cá nhân, "diễn đạt bằng văn phong cực kỳ đời thường”, Nhà sáng lập kiêm CEO Gavin Zuchlinski tiết lộ với CNBC.
    "Chúng tôi mô tả toàn bộ quy trình ứng tuyển giống như là hò hẹn, bởi bản chất nó đúng là như thế. Bạn gặp gỡ nhà tuyển dụng chỉ 1-2 lần là đã cam kết sẽ gắn bó với họ trong bao nhiêu năm”, Gavin so sánh.
    Lấy ví dụ, một quảng cáo tuyển "Chuyên gia làm hài lòng khách hàng” viết như sau: "Dù tôi không thường làm việc này, nhưng đây là lúc cần hình dung xem có phải "nửa kia của mình” đang ngồi ở mặt bên kia của màn hình hay không”.
    "Đó có phải là bạn không? Liệu bạn có thể trở thành tri kỷ mới của tôi?
    - Là con người
    - Thích nói chuyện với những con người khác.
    - Thích viết email cho những con người khác.
    - Thích chat với những con người khác (và cần phải nói thật nhiều)”
    Và đến đoạn kết, các ứng viên được yêu cầu phải nộp về công ty một "bức thư tình”, trong đó họ phải trả lời một email có thật mà Acuity nhận được từ một khách hàng. Người này hết lời khen ngợi dịch vụ sắp xếp lịch làm việc mà công ty đang cung cấp.
    "Thay vì yêu cầu gửi CV đơn thuần, chúng tôi quyết định chọn thư tình”, Zuchlinksi giải thích. "Những gì ứng viên viết trong lá thư đó, cách họ thể hiện tính cách bản thân, là cách quan trọng nhất để chúng tôi xác định ứng viên đó có phù hợp với văn hóa Acuity hay không”.
    Với việc có tới 3.000 ứng viên dự tuyển, số lượng thư tình mà Acuity phải đọc không hề nhỏ. "Tuy nhiên, vẫn thú vị hơn nhiều so với đọc hàng ngàn sơ yếu lý lịch vô hồn mà các ứng viên cố tình "mông má” cho thu hút”, Zuchlinksi nói thêm.
    Tất nhiên, đến vòng thi phỏng vấn, vị CEO này sẽ vẫn đọc hồ sơcủa ứng viên. Song Zuchlinksi khẳng định, tất cả những gì mình tìm kiếm khi tuyển dụng là "tính cách và con người” của một nhân viên.
    Suy cho cùng, "trong một công ty, lý do để bạn đi làm mỗi ngày cũng như để bạn gắn bó với nó, chính là các đồng nghiệp của bạn”.

    Ôm căn hộ tiền tỷ rồi ồ ạt bán cắt lỗ 200-600 triệu

    Thị trường căn hộ đang ở giai đoạn trầm lắng, hàng loạt dự án vừa mới bàn giao nhà đã tạo nên nguồn cung lớn. Người mua bắt đầu bán cắt lỗ, từ 200-600 triệu đồng, trong khi đó dự án mới vẫn tiếp tục ra hàng. 

    Ôm căn hộ tiền tỷ rồi ồ ạt bán cắt lỗ 200-600 triệu
    Cắt lỗ tới 600 triệu đồng
    Sau hai năm tăng trưởng nóng 2015-2016, thị trường BĐS Hà Nội bắt đầu hạ nhiệt, xuất hiện tình trạng cắt lỗ ở một số dự án . Việc bán cắt lỗ không chỉ xảy ra tại vài dự án đơn lẻ mà lan sang diện rộng, từ những dự án đang ở giai đoạn đầu xây dựng đến cả những dự án bắt đầu bàn giao.
    Ông Nguyễn Đức Thành, một nhân viên môi giới tại Hà Đông, cho hay ông đang được khách hàng gửi bán hơn 10 căn hộ tại dự án do đơn vị này phân phối. Mặc dù đã bán gần hết số lượng căn hộ của chủ đầu tư, nhưng ông Thành vẫn tiếp tục cắm chốt tại dự án để xử lý số hàng tồn, cộng thêm lượng căn hộ do khách hàng ký gửi.
    Theo ông Thành, càng gần thời điểm chủ đầu tư bàn giao nhà, số lượng căn hộ gửi bán ngày càng nhiều. Nguyên nhân chính là do người mua phải đóng thêm khoản tiền lớn để nhận nhà, nếu cho thuê cũng phải đầu tư thêm vài trăm triệu để làm nội thất. Do vậy, thời điểm này bán đi vẫn có lời hơn. Ngoài ra, nguồn cung quá nhiều nên tình trạng sốt ảo chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.
    Ông Thành dẫn chứng, một căn hộ 70 m2 do khách đang gửi rao bán 2,1 tỷ đồng, thấp hơn gần 300 triệu so với mức chủ đầu tư đưa ra. Bên cạnh đó, khách hàng còn được tư vấn hỗ trợ cho vay và nhiều ưu đãi của chủ đầu tư.
    Khảo sát cho thấy, khu vực phía Tây đang có hiện tượng cắt lỗ phổ biến. Đơn cử, tại các dự án trục Lê Văn Lương - nơi được mệnh danh là con đường “1 km cõng 40 tòa cao ốc” - tình trạng cắt lỗ, bán tháo căn hộ diễn ra ồ ạt.
    Dự án Golden West đường Lê Văn Thiêm đang có nhiều chủ nhà rao bán cắt lỗ với mức giá từ 23 triệu đồng/m2. Dự án Việt Đức Complex cũng nhan nhản những lời rao bán cắt lỗ căn hộ thấp hơn giá thị trường.
    Tại khu vực Mỹ Đình, tình trạng cắt lỗ cũng diễn ra tại nhiều dự án. Nhiều khách hàng của dự án Bidhomes The Garden Hill rao bán vì dự án có tranh chấp giữa những khách hàng góp vốn mua cũ.
    Hay như các dự án lớn ở khu Mai Dịch - Cầu Giấy, một môi giới cho hay anh đang bán cắt lỗ nhiều căn hộ tại đây, với mức giá thấp hơn chủ đầu tư từ 200 đến 600 triệu đồng. Theo nhân viên môi giới, xung quanh có nhiều dự án khác cũng đang triển khai nên người mua lo ngại về hạ tầng sau này.
    Áp lực thị trường
    Theo báo cáo của Savills Việt Nam, tại Hà Nội, giá bán căn hộ trung bình ở mức 27,4 triệu đồng/m2 do giá thứ cấp giảm ở một số dự án trước áp lực tăng nguồn cung. Tỷ lệ hấp thụ trên thị trường sơ cấp giảm mạnh do nguồn cung lớn. Khoảng 6.460 căn đã bán trong quý này.
    
Tình trạng mâu thuẫn tại nhiều dự án khiến cho giá căn hộ giảm
    Tình trạng mâu thuẫn tại nhiều dự án khiến cho giá căn hộ giảm
    Thống kê mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy, tồn kho BĐS tiếp tục giảm, nhưng tốc độ đã chậm lại. Tồn kho chủ yếu là đất nền tại các dự án xa trung tâm, chưa có hạ tầng đầy đủ, tiên ích kém và chủ đầu tư thiếu uy tín. Tính đến 20/4/2017, tổng trị giá BĐS tồn kho còn khoảng 28.369 tỷ đồng, giảm so với tháng 12/2016 là 2.654 tỷ đồng.
    Trong khi đó, căn hộ chất lượng tốt, tiện ích và dịch vụ vượt trội chủ đầu tư uy tín đi kèm với chính sách bán hàng hợp lý thì tốc độ bán vẫn khả quan.
    Lý giải về tình trạng cắt lỗ, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho rằng, giá nhà đất đã bị đẩy lên quá cao trong 2 năm qua là nguyên nhân gây ra tình trạng này.
    Tại nhiều dự án, chủ đầu tư không căn cứ vào chi phí, vào chất lượng sản phẩm để định giá bán mà thường căn cứ vào giá thị trường, giá các dự án khác để định giá cho dự án cho mình.
    Tình trạng định giá theo giá thị trường vô hình chung đã đẩy giá dự án sau cao hơn dự án trước, thiết lập mặt bằng giá mới cao vượt hẳn giá trị thị trường chỉ sau một thời gian ngắn.
    Theo Greg Ohan, Giám đốc JLL, bất động sản mang tính chu kỳ và mỗi chu kỳ đều có sóng. Nếu nắm bắt được chu kỳ thị trường sẽ giúp các nhà đầu tư nắm bắt cơ hội. Giống như sự lặp đi lặp lại của các mùa, bất động sản sẽ dịch chuyển theo một khuôn mẫu mà bạn có thể quan sát và dự đoán. Tuy nhiên, chu kỳ bất động sản thường không ổn định, mà nó chuyển động theo tốc độ riêng và đây chính là thách thức thực đối với các nhà đầu tư.
    Hy vọng các nhà đầu tư và các chủ đầu tư ở Việt Nam sẽ không dựa vào doanh số bán hàng của họ, với niềm tin rằng giá thuê sẽ tiếp tục tăng và những nhà đầu cơ đã trả giá cao hoặc cao hơn giá thị trường rằng một ma thuật huyền diệu sẽ cho phép họ chuyển tài sản của họ để kiếm lợi nhuận.

    Bất động sản: Hút mạnh vốn đầu tư, 76 doanh nghiệp mới ra đời mỗi ngày

    6 tháng đầu năm 2017, vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam vẫn tăng và có tới hơn 2000 doanh nghiệp thành lập mới. 

    Bất động sản: Hút mạnh vốn đầu tư, 76 doanh nghiệp mới ra đời mỗi ngày
    Số liệu mới nhất của Bộ Kế hoạch Đầu tư cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng ở hầu hết các ngành so với cùng kỳ năm ngoái.
    Trong đó, riêng lĩnh vực kinh doanh bất động sản có tới có 2.279 doanh nghiệp, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Số vốn mà các doanh nghiệp mới ra đời đăng ký đầu tư ở lĩnh vực bất động sản cũng tăng tới 42,2%.
    
Thị trường bất động được đánh giá là vẫn đang ấm dần lên
    Thị trường bất động được đánh giá là vẫn đang ấm dần lên
    Tính ra trung bình có 76 doanh nghiệp mới ra đời trong lĩnh vực này mỗi ngày. Bên cạnh đó, lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động ở lĩnh vực này cũng tăng 8,4% (có 257 doanh nghiệp) so với cùng kỳ năm 2016.
    Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, lũy kế đến 20/6/2017, lĩnh vực kinh doanh bất động sản ở Việt Nam đã thu hút được 618 dự án, với tổng vốn 50,99 tỷ USD (chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư), đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI, sau công nghiệp chế biến chế tạo.
    Riêng 6 tháng đầu năm nay, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 5 về thu hút vốn FDI, với 39 dự án cấp mới, đạt 461,7 triệu USD và tổng vốn đăng ký đầu tư cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 701 triệu USD.
    Trước đó, 6 tháng đầu năm 2016, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI, với 25 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 604,8 triệu USD, chiếm 5,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
    Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, nửa đầu năm nay, vốn FDI vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản vẫn tăng 16% về vốn và tăng 14 dự án cấp mới (tăng 56%)./.

    Nhìn cách Mark Cuban, Elon Musk và Steve Jobs vượt qua "giông tố" trong sự nghiệp, bạn sẽ học hỏi được rất nhiều điều

    Đối với giới trẻ, khủng hoảng sự nghiệp nảy sinh bao vấn đề phức tạp về tiền bạc, các mối quan hệ và công việc. Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý học thuộc Đại học Greenwich và Đại học London, gần 90% người được hỏi cho biết, họ đã trải qua một khoảng thời gian trầm cảm và mất phương hướng trong giai đoạn này. Tuy nhiên, nếu nhìn vào tấm gương của những người giàu có và thành công nhất thế giới, chúng ta sẽ học hỏi được rất nhiều điều về cách họ vượt qua những khó khăn trong cuộc đời. 

    Nhìn cách Mark Cuban, Elon Musk và Steve Jobs vượt qua "giông tố" trong sự nghiệp, bạn sẽ học hỏi được rất nhiều điều
    1. Mark Cuban
    Trước khi Mark Cuban trở thành một tỷ phú, doanh nhân đầu tư cho ABC "Shark Tank" và sở hữu đội bóng rổ Dallas Mavericks, ông chỉ là một thanh niên đang vật lộn với niềm đam mê kinh doanh. Mark phải làm mọi công việc để nuôi ước mơ, sống với 5 người khác trong căn hộ 3 phòng ngủ, làm việc chủ yếu tại một công ty phần mềm máy tính.
    Trong cuốn sách "How to Win at the Sport of Business” (tạm dịch: Làm thế nào để giành chiến thắng trong kinh doanh thể thao), Mark tiết lộ, ông từng bị ông chủ sa thải vì "không nói với bất cứ ai về việc ông ra ngoài ăn trưa để cố gắng giành một hợp đồng về cho công ty". Tuy nhiên, thất bại này đã giúp ông nhận ra rất nhiều điều.
    Vị tỷ phú cho biết, sếp cũ là người đã cho ông nhiều bài học đáng giá theo một cách đặc biệt, bởi cho đến bây giờ Mark vẫn luôn nghĩ về những gì người sếp đó đã làm với ông và dựa vào đó để làm điều ngược lại với nhân viên của mình. Từ đó, bên cạnh việc nỗ lực để trở thành doanh nhân, ông cũng định hình nên một phong cách lãnh đạo khiến cho tất cả các nhân viên đều thán phục.
    Mark Cuban cũng đưa ra lời khuyên quý báu cho những ai đang cảm thấy chơi vơi trên con đường chinh phục thành công: Hãy không ngừng học hỏi, đừng bao giờ dừng lại và luôn trân trọng từng phút giây của đời mình.
    2. Elon Musk
    CEO của Tesla và SpaceX phải đối mặt với một khoảng thời gian đầy thách thức khi ông rời khỏi Đại học Stanford, nơi ông đã lên kế hoạch theo học để lấy bằng tiến sĩ vật lý ứng dụng và khoa học vật liệu. Mặc dù rất say mê với ngành học này, ông đã quyết định trì hoãn và dự định sẽ quay lại sau 6 tháng. Sau đó, ông đã phải làm việc rất vất vả, ngủ trên sàn của một văn phòng và tắm rửa tại một khu của hội thanh niên Cơ Đốc giáo gần đó.
    Dù khó khăn vất vả nhưng Elon đã không từ bỏ mục tiêu kinh doanh của mình. Ông xây dựng thành công Zip2, một công ty phần mềm trực tuyến cho phép các tờ báo xuất bản nội dung trên giao diện trực tuyến. Elon nhanh chóng trả hết nợ và chuyển nhượng lại công ty cho Compad với thỏa thuận trị giá hơn 300 triệu đô.
    Chia sẻ về bí quyết thành công của mình, Elon cho biết, để có được ngày hôm nay, ông đã làm việc cực kỳ chăm chỉ và không sợ bất kỳ một rủi ro nào.
    3. Steve Jobs
    Trước khi Steve bắt đầu xây dựng Apple trong một nhà để xe, ông chỉ là một thanh niên trẻ tuổi đang loay hoay tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Sau một học kỳ tại Đại học Reed, Steve đã bỏ học. Steve đến Ấn Độ để tìm mục đích của cuộc đời mình. Khoảng thời gian vô phương hướng đã giúp Jobs có thời gian nảy sinh và phát triển nhiều ý tưởng, điển hình là ý tưởng xây dựng một đế chế công nghệ máy tính có thể thay đổi toàn thế giới.
    Sau khi gây dựng thành công Apple, Steve lại một lần nữa rơi vào khó khăn khi ông bị sa thải bởi chính công ty mà mình mất bao công sức gây dựng do bất đồng quan điểm với các thành viên trong ban quản trị.
    Chia sẻ về những ngày tháng đó, Steve cho biết, trong một vài tháng đầu tiên, ông không biết nên làm gì, luôn cảm giác mình là người thất bại và có ý định bỏ cuộc. Tuy nhiên, ông nhận ra mình vẫn còn dành rất nhiều tình cảm cho những gì ông đã tạo ra. Sự việc xảy ra ở Apple có thay đổi tình yêu đó một chút nhưng trong ông, tình yêu ấy vẫn còn. Chính vì thế, ông đã quyết định bắt đầu lại và một lần nữa, thành công mỉm cười với người đàn ông tài hoa này.

    Sacombank chính thức có danh sách ứng viên HĐQT: Không có tên ông Đặng Văn Thành

    Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới của Sacombank sẽ có 6 thành viên và trong danh sách này không có tên ông Đặng Văn Thành như nhiều đồn đoán trước đó.

      Sacombank chính thức có danh sách ứng viên HĐQT: Không có tên ông Đặng Văn Thành
      Ngân hàng Sacombank vừa công bố chính thức danh sách nhân sự dự kiến làm thành viên HĐQT và thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2021.
      Theo đó, Hội đồng quản trị Sacombank nhiệm kỳ tới sẽ chỉ có 6 người, thay vì 7 người như danh sách trước đây. 6 cái tên gồm các ông bà:
      - Ông Dương Công Minh - Thành viên Hội đồng quản trị
      - Ông Kiều Hữu Dũng - Thành viên Hội đồng quản trị
      - Ông Nguyễn Miên Tuấn - Thành viên Hội đồng quản trị
      - Ông Nguyễn Xuân Vũ - Thành viên Hội đồng quản trị
      - Ông Phạm Văn Phong - Thành viên Hội đồng quản trị
      - Bà Lê Thị Hoa - Thành viên Hội đồng quản trị độc lập
      Trong danh sách kể trên, ông Dương Công Minh được nhiều người cho rằng sẽ trở thành Chủ tịch của Sacombank. Ông Minh là Chủ tịch Him Lam và mới đây đã từ nhiệm chức vụ Chủ tịch LienVietPostBank để ứng cử vào Sacombank.
      Ông Kiều Hữu Dũng (Chủ tịch đương nhiệm của Sacombank) và ông Nguyễn Miên Tuấn là 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ cũ được bầu lại.
      Hai ứng viên khác là ông Phạm Vân Phong, Giám đốc Vietcombank - chi nhánh Đăk Lăk và bà Lê Thị Hoa, Thành viên HĐQT đương nhiệm của Vietcombank, làm việc tại Vietcombank từ năm 1991.
      Người còn lại trong danh sách ứng viên HĐQT Sacombank là ông Nguyễn Xuân Vũ. Ông Vũ có trình độ cử nhân Tài chính - Ngân hàng, là Phó Tổng giám đốc Sacombank từ năm 2013 đến nay.
      Ban kiểm soát của Sacombank dự kiến gồm 4 thành viên:
      - Ông Trần Minh Triết
      - Bà Nguyễn Thị Thanh Mai
      - Ông Lê Văn Tòng
      - Ông Hà Tôn Trung Hạnh
      Như vậy, dàn lãnh đạo của Sacombank nhiệm kỳ tới sẽ chưa có sự xuất hiện của ông Đặng Văn Thành, người từng được nhiều lần đồn đoán sẽ ngồi lại "ghế nóng" tại Sacombank. Trong một cuộc họp báo cách đây gần 2 tuần, ông Thành từng nói rằng mình có kế hoạch trở lại Sacombank.
      Đại hội cổ đông Sacombank sẽ được tổ chức vào ngày 30/6 tới đây.

      Trong khi 7-Eleven, Circle K… mải tranh giành 25% thị phần kênh bán lẻ hiện đại thì Saigon Co.op đã có bước đi đầy khôn ngoan: Tận dụng "miếng bánh lớn" 75% đang bị bỏ rơi của kênh bán lẻ truyền thống

      Saigon Co.op đang biến các cửa hàng bán lẻ truyền thống thành các đại lý hiện đại với phong cách phục vụ như siêu thị để tận dụng mảng thị trường bị màu mỡ nhưng bị "bỏ rơi" này.

        Trong khi 7-Eleven, Circle K… mải tranh giành 25% thị phần kênh bán lẻ hiện đại thì Saigon Co.op đã có bước đi đầy khôn ngoan: Tận dụng "miếng bánh lớn" 75% đang bị bỏ rơi của kênh bán lẻ truyền thống
        Thị trường bán lẻ Việt Nam có 2 kênh chính là kênh hiện đại và kênh truyền thống. Các tên tuổi đang chiếm lĩnh trên thị trường bán lẻ hiện đại như Big C, Aeon, Vinmart, Saigon Co.op… Còn kênh truyền thống thì dù im hơi lặng tiếng nhưng vẫn rất tiềm năng.
        Theo số liệu của Nielsen, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm 75% thị phần với doanh thu 10 tỷ USD. Nhiều chuyên gia nhận định rằng kênh phân phối này đầy tiềm năng nhưng còn gặp nhiều khó khăn và chưa khai thác hết.
        Nhiều cửa hàng tạp hóa đang "sống cầm cự"
        Sự bùng nổ của các siêu thị mini, các cửa hàng tiện lợi đang tạo thách thức lớn đối với các cửa hàng truyền thống.
        Từ ngày các cửa hàng tiện ích và siêu thị mini xuất hiện, cửa hàng của ông Phúc tại Quận 3 TP HCM đã sụt giảm 60% doanh thu. “Rất nhiều cửa hàng đã không thể chịu nổi và phải đóng cửa. Chúng tôi cũng phải cầm cự nhưng có thể đến một lúc nào đó không thể cầm cự nổi thì đóng cửa và chạy xe ôm. Mình ngồi thế này không kiếm nổi 200.000 đồng”, ông Phúc nói.
        Cửa hàng của một phụ nữ khác ở TP HCM cũng chung cảnh doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. “Trước đây tôi bán 10, bây giờ chỉ được 5 thôi”, bà Nghiêm, chủ cửa hàng, cho biết. Nguyên nhân bởi ngay gần cửa hàng của bà có tới 2 cửa hàng tiện lợi.
        Bao năm qua các cửa hàng truyền thống vẫn vậy. Không đầu tư. Không nâng cấp. Do đó, khó mà cạnh tranh được với các cửa hàng tiện lợi hay siêu thị mini.
        Nâng cấp hệ thống quản lý và vận hành cửa hàng tạp hoá truyền thống là một trong những điều mà chuyên gia đưa ra để giải quyết bài toán cạnh tranh nhằm giữ lại thị phần cho kênh phân phối trong nước.
        Saigon Co.op đã nhận ra vấn đề này và bắt đầu vào cuộc. Trong khi các đối thủ mải tranh giành thị phần lẫn nhau ở 25% kênh hiện đại, Saigon Co.op đã nhanh chóng nhận thấy thị trường lớn hơn vẫn đang hiện hữu khắp nơi chính là chợ và các cửa hàng tạp hóa - chiếm tới 3/4 miếng bánh lớn.
        Bằng cách tận dụng các cửa hàng tạp hóa truyền thống để biến các cửa hàng này thành các đại lý bán lẻ hiện đại, đây có lẽ là cách mở rộng thị phần bán lẻ khá khôn ngoan của Saigon Co.op trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn từ các đối thủ.
        Saigon Co.op và chiến thuật liên kết với các cửa hàng tạp hóa
        Theo kế hoạch, Saigon Co.op sẽ nhượng quyền thương hiệu Co.op Smile cho các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ. Nghĩa là Saigon Co.op sẽ tận dụng điểm bán, lượng khách hàng sẵn có của các đại lý truyền thống, nhưng thay vào đó sẽ hiện đại hóa việc quản lý và điều hành các cửa hàng này theo tiêu chuẩn của siêu thị mini.
        Co.op Smile sẽ có diện tích kinh doanh linh hoạt, từ 20m2 đến 200 m2, đặt tại những khu dân cư ở các nội đô, ngoại thành. Số lượng mặt hàng kinh doanh tại Co.op Smile dao dộng từ 1.500 đến 2.000 tùy theo diện tích điểm bán, bao gồm các ngành hàng: thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, đồ dùng, may mặc…
        Tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng gần 20 cửa hàng Co.op Smile tại các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM. Dự kiến, đến hết năm 2017, hệ thống sẽ đạt 200 – 300 cửa hàng.
        Ngoài kinh doanh bán lẻ, chuỗi cửa hàng này còn tích hợp thêm các dịch vụ tiện ích thu hộ như: cước điện thoại di động trả sau, cước điện thoại cố định, cước Internet (ADSL, Leased line, FTTH), cước truyền hình Viettel, truyền hình cáp. Trong năm 2017, sẽ triển khai thêm các dịch vụ: ATM, chuyển tiền, nhận hàng DHL, cung cấp các loại thẻ, Click & Collect, Top up, quầy vé số…
        Ông Nguyễn Tấn Thanh, Giám đốc truyền thông của Saigon Co.op, cho hay, bằng hình thức nhượng quyền này, Co.op Smile sẽ khắc phục được hạn chế của các cửa hàng truyền thống như dịch vụ kém, cách bày biện mặt hàng, kỹ năng bán hàng nhờ thừa hưởng nguồn hàng và các hoạt động quảng bá, tiếp thị đồng bộ từ các mô hình bán lẻ của Saigon Co.op.
        Theo nhiều chuyên gia trong ngành, đây là tin vui đối với các cửa hàng truyền thống bởi họ sẽ vẫn giữ được khách hàng và chuyên nghiệp hóa để cạnh tranh với sự mọc lên như nấm của các cửa hàng tiện lợi.

        "Đừng bao giờ bỏ cuộc" là một lời khuyên tồi: Đôi khi, bạn phải sẵn sàng dừng lại để không "đâm vào ngõ cụt"

        Giáo sư đại học Wharton, tác giả sách bán chạy và chuyên gia tư vấn quản lý của Facebook, Google, NBA - không đồng tình với quan niệm: Muốn thành công nhất định phải kiên trì. Theo ông, quá ám ảnh bởi các đức tính chuẩn mực của người thành công có thể khiến sức mạnh của bạn bị giới hạn, con đường thành công càng khó khăn hơn. 

        "Đừng bao giờ bỏ cuộc" là một lời khuyên tồi: Đôi khi, bạn phải sẵn sàng dừng lại để không "đâm vào ngõ cụt"
        Khi nói đến thành công, sự quyết tâm, kiên trì thường được nhấn mạnh là một bí quyết để đạt được ước mơ. Chỉ cần không bỏ cuộc, ai cũng có thể chiến thắng. Tuy nhiên, khi phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp của sinh viên đại học bang Utah, Adam Grant nhấn mạnh: "Không bao giờ bỏ cuộc là một lời khuyên tồi. Đôi khi, từ bỏ đem lại kết quả tốt đẹp hơn".
        Trước khi tuyên bố lời khuyên này, Grant đã nghiên cứu và nhận thấy tầm quan trọng của việc sống phóng khoáng, trung thực và kiên định. Mặc dù, đánh giá cao những giá trị này, ông cũng cảnh báo tác dụng ngược của nó. "Nếu quá ám ảnh với những đức tính này, sức mạnh của bạn có thể bị giới hạn. Các đức tính chuẩn mực giống như vitamin. Vitamin cần thiết cho sức khỏe, nhưng nếu bạn nạp quá nhiều so với nhu cầu của cơ thể, chúng sẽ gây hại. Như việc nạp quá nhiều vitamin C, D có thể dẫn tới tổn thương thận của bạn vậy".
        Grant không cho rằng, thành công lớn đòi hỏi sự quyết tâm, không thay đổi tuyệt đối. "Kiên định là một yếu tố quan trọng của thành công và hạnh phúc. Nhiều tác giả nổi tiếng từng bị từ chối xuất bản sách hàng chục lần. Nhiều nghệ sĩ từng bị phủ nhận hoàn toàn tài năng... Nhưng nếu họ từ bỏ, chúng ta đã không có Harry Potter hay The Beatles... Nhưng điều đó không có nghĩa là quá cố chấp với một ý tưởng".
        Khi còn nhỏ Adam Grant từng mơ ước trở thành một cầu thủ bóng rổ, được đứng trong đội tuyển chính thức của NBA. Nhưng dù nỗ lực luyện tập đến thế nào, Grant vẫn không để đạt được ước mơ vì không đủ chiều cao. Khi học trung học, Grant quyết định từ bỏ bóng rổ và tập lặn. Luyện tập nỗ lực và kiên trì, cuối cùng Adam Grant đã đủ điều kiện tham gia Thế vận hội thể thao 2 lần và thi đấu lặn ở cấp độ chuyên nghiệp.
        "Kiên định không có nghĩa là tiếp tục làm những điều không đem lại kết quả. Kiên định nghĩa là xác định phạm vi ước mơ của bạn đủ lớn, để bạn có thể tìm thấy những cách theo đuổi giấc mơ khác khi kế hoạch thứ 1, thứ 2 thất bại. Tôi đã từ bỏ ước mơ chơi bóng rổ, nhưng tôi vẫn tiếp tục ước mơ trở thành một vận động viên giỏi", Adam Grant nhấn mạnh.
        Grant cũng từng nghĩ tới việc dừng mơ ước viết sách khi bản thảo cuốn sách đầu tiên bị từ chối. Ông đã từ bỏ bản thảo 102.000 chữ thất bại đầu tiên và bắt đầu lại từ đầu. Bản thảo "Give and take" tiếp theo của ông đã trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất của New York Times và được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ.
        "Đừng bao giờ từ bỏ giá trị của bạn, nhưng hãy sẵn sàng thay đổi các kế hoạch để đạt được nó", Adam Grant gửi thông điệp tới những người đang tìm kiếm con đường xây dựng ước mơ của riêng mình.

        Tại Kyoto, có một tiệm Starbucks mới mở mà có lẽ những ai từng uống cà phê của thương hiệu này mỗi ngày cũng khó mà nhận ra được

        Do mở ở khu phố được gìn giữ tốt nhất, nên Starbucks cũng phải thay đổi gần như toàn bô phong cách thiết kế cho phù hợp với nơi này. 

        Tại Kyoto, có một tiệm Starbucks mới mở mà có lẽ những ai từng uống cà phê của thương hiệu này mỗi ngày cũng khó mà nhận ra được
        Ninen-zaka là một trong những con phố cổ được gìn giữ tốt nhất ở thành phố Kyoto, Nhật Bản. . Một cửa tiệm Starbucks vừa khai trương tại đây, nhưng khác với vẻ hào nhoáng thường thấy, bạn có thể đi qua tiệm Starbucks này mà thậm chí còn không biết đến sự hiện diện của nó.
        Điểm duy nhất để bạn nhận biết đây là cửa tiệm Starbucks chính là nhờ tấm biển cửa hiệu (hay còn gọi là noren) với logo của thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới này.
        Cửa hiệu Starbucks tại Ninen-kaza dự kiến sẽ khai trương vào ngày 30/6 sắp tới, tại một căn nhà thuộc thời Edo (1603 đến 1868) được xây dựng trong khoảng giữa những năm 1700.
        Nhiều khu vực trong thành phố Kyoto có luật rất khắt khe để bảo vệ cảnh quan cổ xưa. Ví dụ, các cổ máy tự động nhiều khi sẽ được sơn màu nâu cho trùng với cảnh vật, thay vì là màu trắng hay đỏ thường thấy.
        Bàn tính tiền khác biệt hoàn toàn so với các cửa hàng Starbucks thông thường.
        Tầng 2 được bố trí nhiều đệm truyền thống của Nhật để khách ngồi tận hưởng cà phê.
        Không chỉ ở Nhật, để phù hợp với truyền thống của từng lãnh thổ, Starbucks cũng thay đổi thiết kế chung của họ trên nhiều quốc gia khác, đơn cử như cửa hàng ở Singapore dưới đây:
        Tham khảo: Kotaku

        VNG có thể phát hành cổ phiếu riêng lẻ trước khi IPO

        Hiện tại, tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại VNG vào khoảng 44,6%, gần chạm trần sở hữu tối đa là 49%. Các cổ đông ngoại đáng chú ý của VNG là Tencent (Trung Quốc), Goldman Sachs (Mỹ) và GIC (quỹ đầu tư của chính phủ Singapore). 

        VNG có thể phát hành cổ phiếu riêng lẻ trước khi IPO
        Tờ DealStreetAsia ngày 28/6 dẫn nguồn thạo tin cho biết, Công ty Cổ phần VNG đang đàm phán với các tổ chức và nhà đầu tư chiến lược về việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ trước khi thực hiện kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn NASDAQ (Mỹ).
        Thời điểm hiện tại, 6 cổ đông nước ngoài là các nhà đầu tư gồm quỹ, doanh nghiệp và cá nhân đến từ Singapore, Luxembourg, Trung Quốc, Mỹ, Canada và quần đảo British Virgin Islands (BVI) thuộc Anh đang chiếm 44,64% cổ phần của VNG. Trong đó, các cổ đông ngoại đáng chú ý là Tencent (Trung Quốc), Goldman Sachs (Mỹ) và GIC (quỹ đầu tư của chính phủ Singapore).
        Theo thông tin từ VNG, công ty này hiện có vốn điều lệ 330,9 tỷ đồng, doanh thu thuần năm 2016 là hơn 3.000 tỷ đồng (tăng 45% so với năm 2015 và đạt 118% kế hoạch 2016), lợi nhuận trước thuế là 673 tỷ đồng (tăng 118% so với 2015) và lợi nhuận sau thuế là 543 tỷ đồng, tăng 135%. Công ty này đặt mục tiêu doanh thu dự kiến năm 2017 là 3.960 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 908 tỷ đồng.
        Hồi cuối tháng 5, nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Mỹ, VNG đã ký một bản ghi nhớ về việc niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán NASDAQ. Thương vụ này sẽ mất khoản 18-24 tháng để hoàn thành.
        Quá trình đàm phán việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ của VNG mới đang trong giai đoạn đầu. Một nguồn tin cho biết đợt phát hành trước thềm IPO này có thể thực hiện với các nhà đầu tư hiện tại như Goldman Sachs, Tencent và GIC và cũng có thể bao gồm các nhà đầu tư mới như quỹ đầu tư tư nhân Warburg Pincus. Thêm vào đó, nếu đợt IPO này thành công thì quy mô của đợt IPO sau đó có thể giảm quy mô.
        Tuy vậy, công ty vẫn chưa bắt đầu tiến hành chính thức đợt chào bán riêng lẻ và cũng chưa trình HĐQT để được chấp thuận.
        VNG phủ nhận kế hoạch này và nói rằng họ không có ý định phát hành riêng lẻ cổ phiếu.
        VNG được thành lập năm 2004 với tư cách là công ty phát hành game và được xem là startup "kỳ lân" (được định giá 1 tỷ USD trở lên) đầu tiên của Đông Nam Á trong lĩnh vực công nghệ.
        VNG không công bố chi tiết về kế hoạch niêm yết ở Mỹ, nhưng cho biết rằng NASDAQ có thể hỗ trợ VNG chuẩn bị các thủ tục cần thiết. Hiện tại, các nhà đầu tư ngoại đang nắm giữ khoảng 44,6% cổ phần VNG, gần chạm mức trần sở hữu tối đa là 49%.
        Theo DealStreetAsia, VNG được xem là đối thủ cạnh tranh với SEA (tên cũ là Garena), một trong những startup giá trị nhất Đông Nam Á, và đang theo đuổi chiến lược tương tự như Tencent đã làm tại Trung Quốc. Tencent vốn cũng là một công ty game, sau đó phát triển sang các lĩnh vực khác như nội dung số, ứng dụng chat, thanh toán và thương mại điện tử.
        SEA đã nộp đơn lên Ủy ban Chứng khoán và Ngoại hối Mỹ (SEC) để tiến hành IPO tại Mỹ. Thương vụ được đánh giá là có thể huy động được tới 1 tỷ USD và sẽ là thương vụ IPO lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ đến từ Đông Nam Á.
        Trên thực tế, ứng dụng trò chuyện trên điện thoại Zalo của VNG được coi là một phiên bản cục bộ của ứng dụng WeChat do Tencent phát triển. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là Tencent đều là cổ đông của cả VNG lẫn SEA.
        Tính đến năm 2011, Tencent được cho là nắm giữa 31,2% cổ phần tại VNG. Một cựu giám đốc của Tencent cũng được cho là đã tham gia vào hội đồng quản trị VNG.

        CBRE: Thị trường căn hộ TP HCM sôi động trong quý 2

        Theo CBRE, thị trường TP HCM đã sôi động trở lại trong quý 2/2017 sau khi chủ đầu tư đã xem xét xong chiến lược mở bán và đánh giá sản phẩm. Số căn chào bán mới và số căn tiêu thụ đều tăng.

          CBRE: Thị trường căn hộ TP HCM sôi động trong quý 2
          Báo cáo mới của CBRE cho hay, quý 2/2107 đón nhận tổng cộng 9.580 căn chào bán mới từ 31 dự án. Mặc dù thấp hơn cùng kỳ năm trước 7%, số căn chào bán mới trong quý 2/2017 tăng 80% so với quý trước.
          
Thị trường căn hộ bán tại TP HCM. Nguồn: CBRE
          Thị trường căn hộ bán tại TP HCM. Nguồn: CBRE
          Tiêu chí phân loại căn hộ của CBRE:
          Hạng sang: dự án với giá sơ cấp trung bình trên US$3.500/m2 Cao cấp: dự án với giá sơ cấp trung bình từ US$1.500 đến US$3.500/m2 Trung cấp: dự án với giá sơ cấp trung bình từ US$800 đến US$1.500/m2 Bình dân: dự án với giá sơ cấp trung bình dưới US$800/m2
          Căn hộ trung cấp tiếp tục chiếm thị phần lớn nhất trong tổng nguồn cung mới, chiếm 56%. Tuy nhiên về tốc độ tăng trưởng thì phân khúc căn hộ cao cấp tăng mạnh nhất so với quý trước với mức tăng trưởng là 141% và sẽ tiếp tục tăng thêm trong sáu tháng cuối năm 2017 với nhiều dự án từ các chủ đầu tư danh tiếng. Phân khúc bình dân tăng 19% so với quý trước với 1.575 căn trong khi phân khúc hạng sang tiếp tục im ắng và không có dự án chào bán mới.
          Theo vị trí, khu Đông lấy lại vị trí dẫn đầu và là khu vực sôi động nhất, chiếm 36% nguồn cung chào bán mới. Khu Tây tiếp tục ghi nhận số căn chào bán cao là 3.268 căn chiếm 34%, chủ yếu là căn hộ trung cấp. Điều này thể hiện xu hướng tiến về phía Tây của các chủ đầu tư phân khúc nhà trung cấp khi quỹ đất ở khu vực này còn nhiều, giá rẻ hơn và cơ sở hạ tầng được cải thiện. Tại khu Nam chỉ có 2.408 căn được chào bán tập trung tại quận 7. Phía Bắc thêm vào tổng nguồn cung 486 căn từ một dự án tại Quận 12.
          Trong quý 2, thị trường cũng ghi nhận tốc độ tiêu thụ khả quan. Tổng số căn bán được là 9.522 căn, tăng 40% so với quý trước và tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. Phân khúc trung cấp tiếp tục dẫn đầu thị trường với 4.862 căn bán được, chiếm 51% tổng lượng tiêu thụ. Các dự án chào bán mới trong quý ghi nhận 5,765 căn bán được chiếm hơn 60% tổng lượng tiêu thụ. Thông thường, các dự án chào bán mới chiếm khoảng 50% tổng lượng tiêu thụ của một quý.
          Giá chào bán trung bình đạt 1.578 USD/m2, giảm 1% so với quý trước và tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá chào bán giảm nhẹ do số lượng dự án chào bán mới tại phân khúc trung cấp và bình dân tăng. Giá bán ghi nhận cải thiện tại quận 7 và quận 10 từ đợt mở bán giai đoạn hai của các dự án.
          Dựa trên các giao dịch do CBRE Việt Nam thực hiện trong nửa đầu năm 2017, khách mua là người nước ngoài tự tin hơn và đa dạng hơn. Người nước ngoài chiếm 59% số lượng giao dịch thành công. Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc và Hồng Kông là những khách mua sôi nổi, tích cực nhất.
          Về sản phẩm, các căn hộ hai và ba phòng ngủ chiếm tỷ lệ cao lần lượt là 38% và 37%. Về mục đích mua, thị trường đang dịch chuyển về nhóm người mua để ở. Khách mua để ở tăng 9 điểm phần trăm trong khi khách mua để cho thuê giảm 19 điểm phần trăm so với nửa đầu năm 2016.
          Nhìn về triển vọng thị trường, sự cải thiện về cơ sở hạ tầng và các yếu tố kinh tế vĩ mô tiếp tục hỗ trợ thị trường bất động sản. Trong nửa cuối năm 2017, phân khúc cao cấp sẽ sôi động hơn.
          Một số dự án tại những vị trí đắc địa như D’Edge tại Thảo Điền (Q2), chào bán giai đoạn 2 của Empire City (Q2) đã bắt đầu nhận giữ chỗ từ cuối Quý 2/2017. Thị trường sẽ đón nhận thêm các sản phẩm mới cao cấp hơn, diện tích lớn hơn và sẽ có thêm dự án siêu sang. Với sự gia nhập của dòng sản phẩm cao cấp giá trung bình thị trường và khách mua người nước ngoài được kỳ vọng sẽ tăng trong nửa cuối 2017.