Khi khởi nghiệp, đa số các nhà sáng lập đều tin rằng, chỉ cần có ý tưởng điên rồ, khác biệt hoặc độc đáo là sẽ thành công như Facebook, Google, Uber hoặc Grab, nhưng đó lại là một trong những sai lầm chết người…
LTS: Những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp diễn ra rất tích cực. Rất nhiều trung tâm hỗ trợ được thành lập cũng như những chương trình huấn luyện, vườn ươm được mọc lên khắp nơi. Đó là một tín hiệu rất đáng mừng, tuy nhiên, vấn đề đáng lo là làm sao cho phong trào đi đúng hướng? Nhà nước đang khuyến khích phong trào "Quốc gia khởi nghiệp” nhưng lại thiếu chính sách quốc gia thiết thực để hỗ trợ, đào tạo.
Trong khi đó, các bạn trẻ vừa ra trường, chưa tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm, đã lao vào khởi nghiệp như thiêu thân, dẫn đến mất tiền, sống ảo, đổ vỡ niềm tin... Nếu cả một thế hệ cùng lao xuống sông mà không biết cách bơi sẽ ra sao? Hãy lắng nghe những chia sẻ rất thiết thực của chính những startup.
Để mở đầu cho loạt bài trong chuyên đề khởi nghiệp, BizLIVE xin giới thiệu đến bạn đọc những chia sẻ của ông Bùi Trần Phi Long, CEO Nâu Digital Creative về những thử thách lớn nhất đối với người sáng lập startup.
Bài 1: Khởi nghiệp, 4 thử thách lớn nhất người sáng lập cần phải biết
Bất ổn nhân sự
Nhiều startup chỉ coi trọng ý tưởng, mà không nhận thức một cách đầy đủ rằng, nhân sự (bao gồm người đồng sáng lập và đội ngũ nhân tài) hợp cạ và thiện chiến như những chú sói mới góp phần quan trọng cho sự thành công của họ.
Họ thường xem nhẹ việc này và chỉ đơn giản nghĩ rằng thuê người về làm sản phẩm hay tìm nhanh một người cộng sự nào đó là được. Thậm chí chỉ gặp nhau một vài lần là có thể làm cộng sự (trường hợp này vẫn có, nó như "tình yêu sét đánh"), và cũng như "tình yêu sét đánh", nó khá khó khăn để thành công bền vững. Chính những sự kết hợp hời hợt và chóng vánh đó tạo nên bất ổn về nhân sự.
Con người luôn là xương sống của mọi hoạt động, nếu con người không ổn thì chắc chắn mọi sự sẽ bất thành. Sự thiếu kinh nghiệm trong việc tập hợp, định hướng, dẫn dắt và ổn định nhân sự đã làm cho rất nhiều startup bất hoà, không đi được đến đích và kinh phí đầu tư bị hoang phí hay thậm chí đổ sông, đổ biển.
Ngoài việc ổn định nhân sự, người sáng lập còn phải đối mặt với một chướng ngại rất lớn của startup là tạo ra cho đội ngũ của mình tinh thần lăn xả, nhiệt huyết, hi sinh chấp nhận thiếu thốn vì tầm nhìn và sứ mạng chung. Từ đó tạo ra động lực, xem đó là sức mạnh. Điều này rất quan trọng vì trong thực tế rất nhiều nhà sáng lập, hoặc đội ngũ nòng cốt của họ đã bỏ cuộc giữa chừng vì thiếu thốn, vì không chống lại được sự cám dỗ của “thu nhập ổn định".
Khi bắt đầu ai cũng đầy nhiệt huyết, nhưng nếu sau 3 tháng, rồi nửa năm, hay một năm không có thu nhập ổn định, chịu nhiều thiếu thốn, ắt hẳn nhiều người sẽ có tâm lý nản lòng muốn bỏ cuộc. Đặc biệt trong ngành công nghệ - một ngành nóng về nhân sự hơn bao giờ hết, khi rất nhiều công ty, tập đoàn, quỹ đầu lớn trên thế giới đổ bộ vào Việt Nam, và nguồn nhân sự cung không đủ cầu, do vậy những lời chào mời, lôi kéo hấp dẫn luôn là cuộc chiến tinh thần đối với đội ngũ giỏi giữa lý tưởng và vật chất. Làm sao để các nhà sáng lập giữ được người tài và không bị vỡ trận ở cuộc chiến nhân sự là một trong những điểm cốt yếu đầu tiên cần lưu ý và giải quyết để tránh nửa đường đứt gánh vì thiếu hụt người triển khai, mất người cộng sự dẫn đến ngừng dự án vì không có đội ngũ tâm huyết thực hiện!
Hạn chế về tài chính
Startup, tôi vẫn hay đùa rằng “đã start là phải up”. Đơn giản ý nghĩa của nó thể hiện đây là môi trường rất khắc nghiệt, nếu người sáng lập không phát triển nhanh được chắc chắn startup sẽ chết hoặc thoi thóp, bị đối thủ mạnh hơn đè bẹp.
Như Chủ tịch Trương Gia Bình của FPT có lần chia sẻ trong một buổi hội thảo rằng: “Các bạn phải luôn ý thức được rằng startup là con nhà nghèo, khi startup đừng suy nghĩ đến việc xa hoa". Điều đó hoàn toàn chính xác.
Chắc không ít lần chúng ta nghe câu chuyện thành công từ căn phòng trọ hay garage với số vốn 10.000 USD hay 30.000 USD. Và đó chính là điểm quyến rũ ma mị của startup, ít vốn nhưng cơ hội lớn, khả năng nhân rộng cao cũng đồng nghĩa với rủi ro cao và rất khó thành công. Đặc biệt là ngành công nghệ thông tin, chỉ cần 1 cái laptop, một cái bàn là bạn đã có thể startup. Tuy nhiên, theo thống kê 90% startup thất bại - một con số đủ để ám ảnh các nhà sáng lập khiến họ phải làm mọi cách để nằm trong con số 10% còn lại.
Con số ban đầu đó chỉ là sự khởi đầu của một hành trình rất dài. Khi bắt đầu, hầu hết các nhà sáng lập đều không có bản dự trù kinh phí hay kế hoạch bù vốn cho cả một năm dài và khả năng xoay chuyển nếu dòng tiền không ổn định mà chỉ có niềm tin rằng startup mình sẽ được đầu tư bởi một nhà đầu tư thiên thần hay một quỹ đầu tư mạo hiểm nào đó sau khi mình xây xong sản phẩm nhưng lại ít khi lường trước rằng nếu không thuận lợi thì phải duy trì và phát triển ra sao.
Một trong những tử huyệt lớn nhất mà tôi thường hay gặp là startup cạn vốn và không thể tiếp tục phát triển dẫn đến mất phương hướng về mục tiêu ban đầu mà chỉ kiếm cách để tồn tại mỗi ngày.
Môi trường phát triển ở Việt Nam còn rất mới, hành lang pháp lý bảo vệ nhà đầu tư và rào cản tiếp cận nguồn vốn tài trợ còn nhiều hạn chế về quy trình, thủ tục và mất nhiều thời gian. Do vậy hầu hết các nhà sáng lập đều phải tự thân vận động hay cầm cố tài sản để khởi nghiệp, dẫn tới lẩn quẩn với vòng xoay phải trả nợ, trả lãi và mất tập trung vào việc tạo ra giá trị mà rơi vào tình huống phải tạo ra tiền nhanh trước mắt. Ngay cả việc vay vốn ngân hàng để kinh doanh, trên thực tế, nếu mục đích vay vốn là để đầu tư vào phần mềm gần như 99% nhà sáng lập sẽ bị từ chối do không có tài sản thế chấp cho mục đích đầu tư. Và với vòng xoay của cơm, áo, gạo, tiền, chi phí hoạt động lãi lỗ, áp lực trả nợ ngân hàng sẽ đè nặng lên vai và đủ quật ngã tinh thần của các nhà sáng lập. Cho nên với nhà sáng lập Việt, đây là một điều bất lợi và áp lực rất lớn.
Nếu nhìn sang nước bạn là Singapore, chính phủ có các quỹ đầu tư hỗ trợ startup số vốn ban đầu không hoàn lại, cho nhà sáng lập chứng minh được ý tưởng thực thi và có khả năng tạo ra giá trị và thị trường qua các vòng sát hạch. Ngoài ra còn có các ngân sách để hỗ trợ các công ty mới thành lập được hoàn vốn đầu tư ban đầu từ cơ sở vật chất tới phần mềm,... Với sự hỗ trợ cơ bản đi từ chính sách và có quy hoạch, các nhà sáng lập sẽ có bàn đạp tốt ban đầu để phát triển.
Như vậy nhìn chung, các nhà sáng lập ở Việt Nam sẽ phải chuẩn bị đủ nguồn lực tài chính để đối mặt với khó khăn cho việc xoay trở trong giai đoạn phát triển ban đầu đến khi nào có được doanh số chứng minh rằng startup của mình có thị trường thì mới thu hút được các nhà đầu tư. Do đó, những nhà sáng lập cần tỉnh táo và kỹ lưỡng để hoạch định chi tiết bản dự toán tài chính và cơ cấu tài chính. Biết được cần bao nhiêu chi phí không phải chỉ đơn thuần là xây xong sản phẩm mà là cho đến khi có doanh số và kế hoạch tiếp cận nhà đầu tư. Nắm rõ kinh phí và tình hình thị trường cũng như những chính sách phát triển hỗ trợ sẽ là một điểm cộng rất lớn cho nhà sáng lập.
Sai lầm khi tập trung vào sự hào nhoáng của thành công
Thành công được đong đo bằng tiền là một trong những động lực thu hút nhiều nhà sáng lập khởi nghiệp nhất. Không ai không mơ tưởng đến doanh nghiệp triệu đô. Tuy nhiên họ quên mất rằng điều cốt lõi của startup là giải quyết vấn đề và tạo ra giá trị gia tăng cho thị trường và xã hội.
“Ý tưởng triệu đô" chắc chắn là điều tiên quyết khi bắt đầu một startup, tuy nhiên đánh giá ý tưởng có thật sự giải quyết vấn đề hiện hữu và khả năng thực hiện ý tưởng mới là điều quyết định sự thành công. Ngoài hai yếu tố chia sẻ ở trên, yếu tố đánh giá ý tưởng là một trong những điểm chết lớn của những nhà sáng lập thiếu kinh nghiệm. Khá nhiều nhà sáng lập thất bại vì tạo ra sản phẩm không có thị trường và không được chấp nhận. Nguyên nhân là do các nhà sáng lập chỉ tập trung vào tính năng, và sự mới mẻ, khác biệt mà họ cho rằng sẽ hấp dẫn, nhưng lại quên mất một điều cốt lõi của của startup không phải chỉ là tạo ra cái mới, mà là giải quyết vấn đề bằng một phương pháp mới tối ưu hơn, hiệu quả hơn.
Hãy lấy ví dụ như Facebook giải quyết vấn đề kết nối bạn bè; Airbnb giải quyết việc khách du lịch không thể đặt phòng khách sạn và chủ nhà có những phòng trống không sử dụng, khách du lịch xa cách với văn hoá của người bản địa; Google giải quyết việc tìm kiếm thông tin hiệu quả và thông minh hơn các hệ thống khác cùng thời; LinkedIn giải quyết việc kết nối và mở rộng mối quan hệ cho những người làm việc chuyên nghiệp… Như vậy., chúng ta thấy rõ rằng tìm ra vấn đề để giải quyết cho chính thị trường mình muốn hướng tới đóng vai trò rất quan trọng cho sự thành công.
Những nhà sáng lập cần làm mọi cách để đánh giá được ý tưởng của mình có khả thi không và có thị trường hay không. Để làm việc đó có những cách như sau:
Thứ nhất, là xác định rõ các giá trị mô hình kinh doanh của bạn thông qua “Clean Business Canvas Model". Hãy dành thời gian xác định và tinh chỉnh nó cho đến khi bạn cảm thấy rằng nó hợp lý và có sự khả thi.
Thứ hai, định hình những giả thuyết của bạn. Khi bạn đã xong phần ở trên, hãy ngồi với vài người bạn của mình, thảo luận và đánh giá giải thuyết của mình cũng như sàng lọc các yếu tố giá trị cốt lõi.
Thứ ba, sau khi thảo luận xong hãy thử tìm một vài người khách hàng để thử nghiệm và đánh giá các vấn đề bạn đang giả định có thực tế không? Và phản ứng của người đón nhận như thế nào.
Thứ tư, sau khi đã hình thành được các yếu tố trên, bắt tay vào làm những bản sản thử nghiệm nhỏ để thử thị trường tiềm năng của mình.
Thứ năm, liên tục thử nghiệm đánh giá, rút kinh nghiệm và cải thiện sản phẩm dựa trên phản ứng của khách hàng.
Còn có rất nhiều các thức khác để tiếp cận dựa trên phạm vi ngành nghề được chia sẻ trên các cộng đồng mạng. Nhà sáng lập cần tìm hiểu và nghiên cứu kỹ để có thể áp dụng cho mình và tránh những thất bại đáng tiếc.
Thiếu nền tảng căn bản và giáo dục kinh doanh, kỹ năng tư duy giải quyết vấn đề
Ngoài ra, hệ thống giáo dục và tư tưởng hệ cũng là một rào cản lớn đối với các nhà sáng lập vì chúng ta thiếu tính nghiên cứu tìm hiểu sâu mà đã quen với việc tiếp nhận thụ động những kiến thức được truyền đạt từ người đi trước hay thầy cô.
Việc tiếp nhận kinh nghiệm và kiến thức từ nhà trường chỉ mang tính nền tảng xây dựng cơ sở kiến thức cho nhà sáng lập, kỹ năng cốt lõi là họ phải biết vận dụng để giải quyết vấn đề của mình vì bất cứ mô hình phát triển kinh doanh nào cũng đều có cái riêng, độc đáo. Nếu sao chép một cách mù quáng sẽ gặp trở ngại và loay hoay cho chính bài toán của mình.
Hệ thống tư tưởng cũ ảnh hưởng không ít đến việc phát triển, vì căn cơ của đại đa số người Việt là thích sự “an toàn" và “ổn định", thường không thích mạo hiểm, dấn thân, nên việc người sáng lập có thể có sự hỗ trợ hay ủng hộ từ người xung quanh là rất ít. Cũng như việc có được những hệ sinh thái hành lang để tạo sự kết nối và cùng phát triển cho mình.
Nhận thức được các khó khăn trên, nhà sáng lập cần hiểu rõ ràng, startup đồng nghĩa với việc chấp nhận một sự thử thách rất lớn từ nhiều phía chứ không chỉ đơn giản là màu hồng triệu đô mà cần đánh giá được thực tế khó khăn cần phải đối mặt, vượt qua cũng như xác định được mục tiêu rõ ràng cùng với cách đo lường và thực hiện mục tiêu đó.
Hy vọng những chia sẻ trên là hữu ích và giúp được các nhà sáng lập tương lai thành công.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét