Việc Amazon thâu tóm các cửa hàng kinh doanh truyền thống có thể là một cách để hãng thống trị tốt hơn nữa mảng bán lẻ trực tuyến.
Ngày thứ Sáu, các báo lớn của Mỹ đồng loạt đưa tin Amazon - “đại gia” bán lẻ trực tuyến của Mỹ sẽ chi ra 13,7 tỷ USD để mua lại Whole Foods Market, công ty chuyên kinh doanh sản phẩm thực phẩm sạch tại Mỹ.
Với việc thâu tóm Whole Foods Market, Amazon sẽ nắm quyền kiểm soát thêm hàng trăm cửa hàng thực phẩm sạch với lượng khách lớn có khả năng chi tiêu mạnh tay và tiến thêm một bước vững chãi vào ngành kinh doanh thực phẩm, rau quả.
Theo Bloomberg, Amazon chấp nhận trả 42USD cho mỗi cổ phiếu Whole Foods, mức giá cao hơn đến 27% so với giá đóng cửa của cổ phiếu Whole Foods phiên ngày thứ Năm. Đồng sáng lập của Whole Foods, ông John Mackey, sẽ tiếp tục điều hành công việc kinh doanh.
Để có thể giữ được ông tại vị trí này là kết quả từ nỗ lực rất lớn của ban điều hành Amazon bởi có nhà đầu tư lớn đã đe dọa sẽ sa thải ông Mackey ngay sau khi thỏa thuận thâu tóm hoàn tất.
Khỏi cần phải bàn cãi, thương vụ Amazon thâu tóm Whole Foods lập tức gây sốc ngành bán lẻ truyền thống. Cổ phiếu của nhiều tập đoàn/công ty đang kinh doanh trong ngành thực phẩm lập tức giảm sâu. Cổ phiếu Wal-Mart giảm 7,1%, cổ phiếu Kroger giảm đến 17% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Cùng lúc đó, nhà đầu tư cực kỳ tin tưởng vào sự thành công của Amazon và Whole Foods. Trong cùng phiên, cổ phiếu Amazon tăng 2,9% còn cổ phiếu Whole Foods tăng đến 27%.
Với quá nhiều thập niên kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, Amazon thừa biết khách hàng có thói quen chọn hàng, trả tiền và muốn hàng được vận chuyển đến theo hình thức nào.
Nay khi muốn tiến sâu hơn vào lĩnh vực bán lẻ truyền thống, Amazon cần đến Whole Foods với mạng lưới hệ thống rộng khắp các cửa hàng đã có sẵn. Thâu tóm Whole Foods và mạng lưới đã được xây dựng sẽ nhanh hơn rất nhiều so với việc Amazon tự phát triển.
Nhiều người đặt câu hỏi: Amazon sẽ làm gì với WholeFoods? Trước tiên, CEO Jeff Bezos sẽ tái cấu trúc lại hoạt động kinh doanh của Whole Foods, nâng cao công nghệ bán hàng. Ông đã từng làm như vậy khi Amazon cải tổ lại hoạt động kinh doanh sách, báo và nhiều loại sản phẩm khác.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc Amazon thâu tóm các cửa hàng kinh doanh truyền thống có thể là một cách để hãng thống trị tốt hơn nữa mảng bán lẻ trực tuyến. Chuyên gia phân tích thị trường tại công ty chứng khoán Wedbush Securities, ông Michael Pachter, nhận xét: “Rõ ràng Amazon muốn bán được nhiều hàng rau quả hơn nữa. Khi họ đã có trong tay Whole Foods, họ có thể phân phối hàng đến tay khách nhanh hơn. Về lý thuyết, với hệ thống mới, việc khách đặt hàng và rau quả được mang đến tận cửa nhà chỉ sau 5 phút hoàn toàn khả thi.”
Trước khi về tay Amazon, Whole Foods từng có một đối tác là Instacard chuyên vận chuyển các đơn hàng thực phẩm, rau quả từ hệ thống của Whole Foods đến hơn 20 bang tại Mỹ. Nhưng nay khi Whole Foods đã thuộc về Amazon vốn quá giàu kinh nghiệm bán hàng và vận chuyển hàng, không ai dám chắc liệu Instacard có tồn tại được nữa hay không.
Rõ ràng, Amazon đang rất hài lòng khi thâu tóm Whole Foods bởi họ tin vào triển vọng kinh doanh vô cùng tốt đẹp trong tương lai. Trả lời giới truyền thông về vụ thâu tóm mới, CEO của Amazon, ông Jeff Bezos, tuyên bố: “Hàng triệu người Mỹ yêu thích Whole Foods bởi họ thích sản phẩm thực phẩm hữu cơ sạch và muốn được ăn uống lành mạnh.”
Trong lịch sử hoạt động của mình, Amazon chưa bao giờ tung ra số tiền lớn đến như vậy để mua lại bất kỳ công ty nào. Vụ thâu tóm giá trị lớn nhất của Amazon là vào năm 2014 khi hãng đồng ý mua lại dịch vụ chia sẻ video của Twitch với giá 970 triệu USD. Tính đến cuối tháng Ba năm nay, tổng dự trữ tiền mặt của Amazon đạt 21,5 tỷ USD.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét