“Nếu bạn đang cố gắng quản lý và làm giàu tài chính cá nhân thì sẽ thấy rằng nhiều chuyên gia cố vấn khuyên bạn cần xây dựng quỹ khẩn cấp tương đương với 3 – 6 tháng chi phí sinh hoạt. Nhưng tôi không nghĩ như vậy là tốt”, chuyên gia tư vấn tài chính Suze Orman cho biết.
Suze Orman là nữ doanh nhân được mệnh danh “phù thủy” trong giới tài chính nước Mỹ, nằm trong danh sách 100 doanh nhân có sức ảnh hướng lớn nhất thế giới. Sắc sảo, quyết đoán và uy tín là những từ được sử dụng để hình dung về người phụ nữ này trong 11 năm sự nghiệp tư vấn tài chính. Suze Orman chính là cố vấn danh tiếng của đài CNBC, có công cống hiến cho ngành truyền thông với 8 giải thưởng Gracie và 2 giải Emy về truyền hình.
Chia sẻ trong hội nghị eMerge America tại Miami, người phụ nữ quyền lực này cho biết đa phần chúng ta đang mắc sai lầm vì không biết cách tiết kiệm cho quỹ khẩn cấp như thế nào.
Orman giải thích rằng để tự chủ về tài chính thì nên có quỹ khẩn cấp. Nó còn được gọi là quỹ dự phòng sử dụng trong trường hợp đau ốm, bệnh tật, thất nghiệp… Nhiều người cho rằng quỹ khẩn cấp đó có thể chỉ bằng 3 – 6 tháng lương là đủ. Tuy nhiên, bà Orman lại nghĩ như vậy là không an toàn.
“Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn bị mất việc và không thể tìm một công việc thay thế trong vòng một năm? Nếu chẳng may bạn hoặc người thân trong gia đình gặp phải vấn đề y tế cần sử dụng một khoản tiền không nhỏ thì phải làm sao? Hàng triệu trường hợp có thể bất ngờ xảy ra khiến bạn gặp phải khó khăn nếu không chuẩn bị chu đáo cho quỹ khẩn cấp của mình”, bà Suze chia sẻ.
Theo quan điểm của Suze Orman, quỹ khẩn cấp cần đủ để chi trả cho tối thiểu 8 -12 tháng sinh hoạt. “Người thông minh chắc chắn không bao giờ để bản thân rơi vào khủng hoảng tài chính”. Lời nói của bà Suze Orman không phải không có căn cứ. Bà cũng đưa ra giả thuyết về thời kỳ suy thoái tài chính và nhắc nhở mọi người nhớ lại cuộc đại suy thoái mới diễn ra cách đây 10 năm.
“Trở lại năm 2007, nếu như bạn mất công việc cũng đồng nghĩa là bạn đã mất đi mọi thứ. Vào khoảng thời gian đó, tất cả những người khởi nghiệp mới đều thất bại. Nhất là trong lĩnh vực công nghệ và đầu tư. Không ai muốn bỏ tiền ra để đầu tư, không có bất kì doanh nhân nào muốn thực hiện dự án làm ăn lớn và cũng chẳng có công ty nào dại dột tuyển thêm nhân sự vì nền kinh tế suy thoái nghiêm trọng. Bạn có thể tự tin bản thân sẽ nhanh chóng tìm được công việc khác đủ nuôi sống bản thân, gia đình trong vòng 3 tháng hay 6 tháng?" - Orman đánh giá.
Suze Orman nhấn mạnh rằng bà chọn lựa phương án tiết kiệm 8 – 12 tháng đủ để đáp ứng cho mọi chi phí sinh hoạt và cả những vấn đề về sức khỏe khi chẳng may bị bệnh: “Chúng ta đang sống trong một thế giới không ngừng phát triển và chuyện gì cũng có thể xảy ra. Điều duy nhất chúng ta có thể làm và bắt buộc phải làm là giữ cho bản thân an toàn”. Và cách để đảm bảo rằng bạn sẽ thực sự an toàn về mặt tài chính cho dù đối mặt với trường hợp nào đi chăng nữa là xây dựng quỹ tiết kiệm khẩn cấp thật thông minh.
Đừng tự lừa dối bản thân rằng, dù bạn không có tiền tiết kiệm thì vẫn có thể đối mặt với những vấn đề bất ngờ có thể xảy ra. Như vậy thật không khôn ngoan! Tốt nhất cứ chuẩn bị một khoản dự phòng trong ngân hàng. Nó phải đủ cho chi phí sinh hoạt trong tối thiểu là 8 tháng, không phải 3 tháng và cũng không phải 6 tháng. Nếu bạn không đạt đến mức đó thì có lẽ sẽ tương lai rất khó khăn và ước mơ trở thành người giàu lại càng xa vời.
Theo cuộc khảo sát của GOBanking, 69% người Mỹ có ít hơn 1.000 USD trong khoản tiết kiệm và 34% người dân không hề có một khoản tiền tiết kiệm nào. Điều này thật sự tồi tệ và các chuyên gia tài chính đã khuyên họ nên bắt đầu quỹ khẩn cấp càng sớm càng tốt. Đó là việc quan trọng cần phải làm trước năm 30 tuổi.
Ngoài quỹ dự phòng còn phải có quỹ tiết kiệm dành cho hưu trí tách biệt. Hãy xem xét ngân sách trước khi chia thành nhiều phần để vừa tiết kiệm vừa đầu tư. Chỉ cần một khoản đầu tư nhỏ cũng có thể giúp bạn thu về lợi nhuận và lại tiếp tục đầu tư lớn hơn. Càng mở rộng đầu tư, tài chính cá nhân sẽ càng vững mạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét