Những ngày gần qua, câu chuyện quán quân The Voice - Đức Phúc từ một giọng ca triển vọng từng gặp phải nhiều định kiến về ngoại hình, chỉ sau một cuộc phẫu thuật thẩm mỹ đã “lột xác thành thiên nga” lập tức gây xôn xao dư luận.
Trên thực tế, công nghệ thẩm mỹ và làm đẹp ngày nay không còn chỉ nhắm tới phụ nữ, vì cánh đàn ông, nhất là thế hệ thanh niên đang dần trở thành đối tượng chính của ngành này.
Sự phát triển của Công nghệ làm đẹp
Nền công nghệ làm đẹp hiện đang có doanh thu khoảng 20 tỷ USD và được dự đoán sẽ tăng lên tới 27 tỷ USD trong năm 2019.
Nhiều chuyên gia dự đoán đây sẽ là một ngành phát triển rất nóng trong các năm tới do những công nghệ làm đẹp không cần phẫu thuật dần trở nên phổ biến, thị trường làm đẹp cho nam giới đang tăng trưởng mạnh cùng sự xuất hiện ngày càng nhiều của các thương hiệu mỹ phẩm dành cho mọi đối tượng.
Khu vực Bắc Mỹ đang là nơi dẫn đầu với 45% doanh thu toàn cầu về làm đẹp. Từ năm 2000 đến 2016, số ca phẫu thuật làm đẹp tại Bắc Mỹ đã tăng hơn 132%. Tuy nhiên, thị trường châu Á đang dần đuổi kịp với các hình tượng “mỹ nam” châu Á và được dự đoán sẽ sớm vượt qua châu Mỹ trong thời gian tới.
Thêm vào đó, châu Á đang được công nhận là người dẫn đầu trong nền công nghiệp đầy triển vọng này, với số lượng chuyên gia và cơ sở thẩm mỹ tăng mạnh ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ.
Ngoài các công nghệ phẫu thuật thay đổi khuôn mặt, công nghệ điều chỉnh vóc dáng cũng đang phát triển mạnh với các quy trình rút mỡ, căng da, giảm vết nứt … Và một xu hướng mới là các quy trình tiêm thuốc để trực tiếp “làm đẹp” đang được xin phép lưu hành ở khắp nơi.
Và không chỉ giới hạn tại các cơ sở thẩm mỹ, những thiết bị làm đẹp tại nhà với công dụng giảm đen da, chống rụng tóc, chữa trị mụn … đang rất thịnh hành từ phương Tây sang phương Đông.
Và đối tượng mới của ngành: Các đấng mày râu
Theo một báo cáo mới nhất của Viện phẫu thuật thẩm mỹ Hoa Kỳ, có đến 31% đàn ông khẳng định rằng họ đang cân nhắc và sẽ tiến hành một cuộc phẫu thuật thẩm mỹ trong tương lai gần.
Trong 31% này, 58% đối tượng được khảo sát có đội tuổi từ 25 đến 34, và 34% có độ tuổi từ 18 đến 24, cả hai độ tuổi đều nằm trong thế hệ Millennials.
Lý do chính để đấng mày râu “dấn thân” vào một ngành mà trước giờ bị áp đảo bởi nữ giới là do mong muốn được trẻ hơn và cảm thấy tự tin hơn về bề ngoài của mình, sau đó là mong muốn được có khuôn mặt ít mệt và stress hơn và hơn nữa là có thể làm hài lòng bạn đời của mình.
Trong độ tuổi từ 25 đến 34, 42% đàn ông mong muốn phẫu thuật thẩm mỹ để có được lợi thế cạnh tranh trong công việc.
Và trong các ca phẫu thuật của phái mạnh gần đây, phần lớn là phẫu thuật sửa mũi, sau đó là thay đổi cấu trúc của tai và phẫu thuật thu nhỏ kích cỡ ngực, theo Clyde H. Ishii, Chủ tịch Hiệp hội phẫu thuật thẩm mỹ Hoa Kì.
Lý do chính thôi thúc giới mày râu đi “dao kéo” là do ảnh hưởng từ mạng xã hội, theo Tiến sĩ Fred G. Fedok. "Mọi người bắt đầu nhận thức được diện mạo của mình từ nhiều góc độ và có quá nhiều tiêu chuẩn “mỹ nam” xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội ngày nay”.
Những công ty thẩm mỹ và làm đẹp cũng đã nhận ra được xu hướng mới này. “Cái nhìn về phẫu thuật thẩm mỹ và làm đẹp đang dần dần được cải thiện, và cơ hội phát triển của ngành ngày càng lớn”, William Meury, Chủ tịch tập đoàn Allergan Plc, công ty sản xuất thuốc tiêm chống nếp nhăn Botox cho biết.
"Hai xu hướng hiện đang dẫn đầu thị trường thẩm mỹ và làm đẹp là: Xu hướng trẻ hóa, khi các đối tượng từ 20 đến 30 tuổi đang chi mạnh để “thoát xác”, và xu hướng nam giới hóa, khi phái mạnh ngày càng đầu tư vào vẻ ngoài của mình. Chúng tôi đang cố gắng phát triển để theo đuổi và phục vụ hai xu hướng này.”
Và đặc biệt là phẫu thuật thẩm mỹ ngày nay không còn dành riêng cho giới nhà giàu nữa, khi các quy trình và công nghệ ngày càng được công nghiệp hóa, thẩm mỹ và làm đẹp sẽ ngày càng phổ biến hơn với mọi tầng lớp và trở thành một phần của đời sống hàng ngày của chúng ta trong tương lai không xa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét