Thứ Tư, 6 tháng 9, 2017

Cùng bắt đầu bằng bán điện thoại, nhưng giờ đây Thế Giới Di Động đã bán cả điện máy, chuối, thâu tóm Trần Anh, trong khi FPT Shop vẫn chưa biết phải làm gì?

Trong khi FPT Shop vẫn trung thành với bán lẻ điện thoại, thì Thế Giới Di Động đã bán điện máy, bách hóa, thâu tóm Trần Anh, mở cửa hàng ở Campuchia, bắt tay với doanh nghiệp nội địa BKav và Hoàng Anh Gia Lai để phân phối sản phẩm. 

Cùng bắt đầu bằng bán điện thoại, nhưng giờ đây Thế Giới Di Động đã bán cả điện máy, chuối, thâu tóm Trần Anh, trong khi FPT Shop vẫn chưa biết phải làm gì?
Cuối tháng 8/2017, tròn 10 năm kể từ khi thành lập, FPT Retail (quản lý thương hiệu FPT Shop) lần đầu tiên công bố báo cáo tài chính. Dù rất mạnh mẽ khi ra đời sau nhưng vẫn vươn lên được vị trí thứ 2 thị trường, song những số liệu của FPT Shop cho thấy, chuỗi cửa hàng này đang ngày càng bị vị trí số 1 là Thế Giới Di Động bỏ xa.
Sau 10 năm phát triển, xét riêng về mặt điện thoại, FPT Shop có trong tay 438 cửa hàng, trong khi con số của Thế Giới Di Động giờ đây là 1.034 điểm trên toàn quốc.
Về doanh thu, số liệu mới nhất cho thấy, doanh thu chuỗi Thegioididong.com sau 6 tháng đầu năm là 17.459 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với doanh thu FPT Shop.
Thực ra, Thế Giới Di Động ra đời trước FPT Shop không lâu. 3 cửa hàng đầu tiên của Thế Giới Di Động được ra đời vào tháng 3/2004, 3 năm trước khi FPT Shop thành lập. Thế nhưng, 3 cửa hàng này nhanh chóng phải đóng cửa vì ... diện tích quá nhỏ, khiến khách hàng đến 3 cửa hàng diện tích 20m2 này đều cảm thấy không tin tưởng, nghĩ rằng các cửa hàng này cũng như các cửa hàng nhỏ lẻ thời bấy giờ, chuyên bán hàng chất lượng thấp.
Thế Giới Di Động nhanh chóng nhận ra sai lầm và lập tức khai tử 3 cửa hàng nhỏ, đồng thời chuyển sang một cửa hàng mới với diện tích gần 300m2, đánh dấu bước đi đầu tiên trong việc hình thành các chuỗi cửa hàng với diện tích rộng lớn, sang trọng.
Sự nhanh nhạy của Thế Giới Di Động tương phản với sự chậm chạp của FPT Shop. Ra đời vào tháng 8/2007, Công ty TNHH Bán lẻ FPT chính thức được thành lập với chuỗi cửa hàng [IN]Store, có showroom được xây dựng hiện đại, tiện nghi. Sang năm 2008, [In]Store đổi tên thành FPT Shop.
Tuy nhiên, FPT Shop thực chất trong giai đoạn này chủ yếu chỉ làm showroom trưng bày cho các hãng. Phải đến năm 2012, khi FPT Shop nhận ra xu thế mới, là các hãng điện thoại trực tiếp làm việc với nhà bán lẻ để đưa hàng đến tay người dùng nhanh hơn, rẻ hơn, thì chuỗi cửa hàng này mới bắt đầu phát triển.
Từ chỗ chỉ chậm hơn Thế Giới Di Động 3 năm, FPT Shop thực ra đã chậm hơn đối thủ tới 8 năm, và chuyện bị bỏ xa có lẽ cũng là điều hoàn toàn hợp lý.
Chậm trong lĩnh vực điện thoại, chậm cả trong mở rộng
Bị Thế Giới Di Động đi trước và bỏ xa trong mảng bán lẻ điện thoại, FPT Shop còn đang cho thấy mình chậm chân hơn đối thủ trong câu chuyện mở rộng kinh doanh.
Thị trường điện thoại di động hiện nay đã bão hòa, tốc độ tăng trưởng đã rất chậm. Thế Giới Di Động giờ đây mỗi tháng chỉ mở một vài cửa hàng, thay vì mỗi ngày mở 2 cửa hàng như trước. FPT Shop cũng vậy, bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc FPT Shop từng thừa nhận hồi cuối năm 2016 rằng chỉ trong vòng 2 năm tiếp theo FPT Shop sẽ ngừng mở mới cửa hàng.
Thế nhưng, giữa bối cảnh đó, FPT Shop vẫn chưa đưa ra được lời giải cho bài toán tăng trưởng, còn Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài đã nhanh chân tiến lên trước khi đặt tầm nhìn tới năm 2020, mục tiêu là 10 tỷ đô la doanh thu.
Ngoài bán điện thoại, Thế Giới Di Động đã bắt đầu bán thêm đồ điện máy từ cuối năm 2010 nhưng chưa phát triển mạnh bởi còn bận dồn lực cho chuỗi Thegioididong.com. Đến năm 2016, khi thị trường điện thoại bắt đầu cho thấy dấu hiệu bão hòa, Thế Giới Di Động ngay lập tức dồn lực sang Điện Máy Xanh, ồ ạt chi tiền quảng cáo, khiến mạng xã hội và truyền hình tràn ngập hình ảnh những người mặc đồ xanh nhảy múa. Số lượng cửa hàng của Điện Máy Xanh cũng tăng một cách chóng mặt, chỉ trong 4 tháng trước Tết nguyên đán vừa qua, từ tháng 10/2016 đến tháng 1/2017, đã có 148 cửa hàng Điện Máy Xanh được mở ra.
Mới đây nhất, Thế Giới Di Động chứng tỏ tham vọng to lớn của mình trong lĩnh vực điện máy, khi quyết định thâu tóm Trần Anh, chuỗi cửa hàng lớn nhất miền Bắc để nâng cao sức mạnh tại khu vực khó tính này. Ông Tài từng muốn khách hàng khi nghĩ đến điện thoại thì hiện ngay 4 chữ "Thế Giới Di Động" trong đầu và giờ đây tiếp tục muốn khách hàng muốn mua điện máy thì phải "đến Điện Máy Xanh".
Không dừng lại ở đó, Thế Giới Di Động còn đang kinh doanh rau củ quả, thịt cá bằng chuỗi Bách Hóa Xanh. Đây được kỳ vọng sẽ là tương lai của Thế Giới Di Động, đem về doanh thu lớn nhất bởi thị trường nhu yếu phẩm được ông Nguyễn Đức Tài đánh giá có quy mô lên tới 60 tỷ USD, trong khi thị trường điện thoại và điện máy cộng lại chỉ dừng ở mức 6 tỷ USD. Hiện nay, các cửa hàng Bách Hóa Xanh đang tăng trưởng đều đặn với tốc độ trên dưới 20%/tháng.
Ngoài ra, không thể không nhắc tới chuyện Thế Giới Di Động đã mở cửa hàng đầu tiên của mình tại Campuchia, sắp kinh doanh dược phẩm và bắt tay với những doanh nghiệp nội để phân phối hàng hóa như BKAV và Hoàng Anh Gia Lai.
Những mảng kinh doanh mới đóng góp doanh thu đáng kể cho Thế giới di động. Tính đến hết tháng 7 năm 2017, doanh thu từ bán lẻ di động đạt trên 20.000 tỉ đồng, trong khi doanh thu từ mảng bán lẻ điện máy cũng đạt được 15.000 tỉ. Từ 100% doanh thu đến từ bán lẻ di động, nay điện thoại chỉ còn đóng góp phân nửa vào tổng doanh thu của TGDĐ. Tỉ trọng này cho thấy Thế giới di động đang đổi mới rất nhanh và ngày càng ít phụ thuộc vào mảng kinh doanh truyền thống hơn.

Trong khi mảng kinh doanh di động, hàng công nghệ vẫn chiếm 100% doanh thu của FPT Retail thì cơ cấu doanh thu của TGDĐ đã có sự thay đổi rõ rệt, với sự vươn lên của nhiều mảng kinh doanh mới.
Trong khi mảng kinh doanh di động, hàng công nghệ vẫn chiếm 100% doanh thu của FPT Retail thì cơ cấu doanh thu của TGDĐ đã có sự thay đổi rõ rệt, với sự vươn lên của nhiều mảng kinh doanh mới.
Thế giới di động có bước chuyển mình rất rõ ràng, còn FPT Retail dường như đang đứng yên. Hoạt động đáng chú ý nhất của FPT Shop trong 1 năm qua là cái bắt tay với Vinamilk bán sữa, nhưng bước đi này chưa cho thấy kết quả nào đáng kể.
Dù có nỗ lực hơn trong việc tạo thêm kênh bán hàng như đẩy mạnh đẩy mạnh doanh thu từ bán hàng online nhưng kể cả trên lĩnh vực này, FPT Retail vẫn lép vế trước Thế giới di động. 7 tháng năm nay, Thế giới di động cho biết, doanh thu đến từ bán hàng Online tăng trưởng 95% so với cùng kỳ năm 2016, đạt khoảng 3.000 tỉ đồng, bằng già nửa so với tổng doanh thu của FPT Retail.
Tổng giám đốc Nguyễn Bạch Điệp cũng từng khẳng định, FPT Retail cũng sẽ tìm ngành mới để mở rộng, khi thị trường điện thoại đã bão hòa: "Trong một ngành nghề, khi 2- 3 ông chiếm 60 - 70% thị phần thì cửa đi nữa là không có. Muốn phát triển thì phải mở chuỗi ở nước ngoài hoặc phải mở gì mới.
Tuy nhiên, FPT Shop có thể không mở rộng ngành nghề sang điện máy. Chúng tôi sẽ đi tìm những ngành nghề có tiềm năng như ăn uống, dược phẩm, thời trang, các cửa hàng tiện lợi sau khi đã nghiên cứu kỹ những tiềm năng cũng như rủi ro", Tổng giám đốc FPT Shop Nguyễn Bạch Điệp chia sẻ.
Có lẽ, nếu muốn mở những ngành nghề mới, FPT Shop cần phải nhanh hơn nữa, trước khi các mảng kinh doanh béo bở rơi hết vào tay ông trùm bán lẻ Thế Giới Di Động.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét