Chia sẻ dưới đây thuộc về giám đốc trong một công ty công nghệ xếp top đầu mảng outsourcing tại Việt Nam. Anh cho rằng những việc 'tay to não nhỏ' cũng giống như xào rau, nếu như toàn tâm toàn ý thì sẽ vẫn ra những kết quả tuyệt vời.
Đĩa rau muống xào tỏi đơn giản, nhưng mấy ai biến được nó thành tuyệt phẩm?
Một anh giám đốc tại một công ty ở Hà Nội đã kể lại câu chuyện như thế này về người chị của mình cùng với món rau muống xào tỏi rất đặc biệt. Đó là người chị sống ở TP Hồ Chí Minh mà anh rất thân, lần nào công tác vào Nam cũng đến ‘ăn vạ’ nhà chị.
Trong những thứ khiến anh nhớ tới người chị này, không thể không nói tới tài nấu ăn rất giỏi của chị. Chị nấu rất ngon, chẳng phải những món cao lương mĩ vị gì mà thực ra là những món thường ngày, tưởng như chẳng có gì để cải thiện nữa như đậu luộc, rau xào…
Đi vào cụ thể, hãy cùng xem cách chị ‘hoàn thành’ xuất sắc món rau muống xào tỏi.
Từ xào rau...
Với tất cả những người vào bếp nấu món này, có nhiều cấp độ cho một đĩa rau muống xào tỏi thành phẩm. Nếu là anh giám đốc, thuộc nhóm người không biết nấu ăn, thành phẩm tạo ra có thể rất tệ hại: đĩa rau muống xào vẫn chỉ là mớ rau muống sống. Với những người có năng lực nấu ăn trung bình, có sự để tâm vào nấu ăn cũng trung bình, họ sẽ có đĩa rau muống xào tỏi ‘trung bình’: rau muống xào thật, có mùi tỏi nhưng không thơm lắm, màu sắc rau cũng bình thường, hợp để ăn cùng cơm và chỉ như vậy thôi.
Còn đây là món rau muống xào tỏi của chị: rau vừa chín đủ mềm, có màu xanh tươi đẹp mắt, tỏi và dầu ăn cho ở mức vừa đủ…Nói chung, đó là một tuyệt phẩm. Đĩa rau muống xào tỏi chị làm đặt lên bàn nhìn đẹp mắt, sang trọng chẳng kém những món ăn nhà hàng.
Tại sao chị có thể làm món ăn đã quá bình thường thành thứ ngon lạ lùng tới vậy ? Có vài điều đặc biệt mà anh giám đốc nhận ra khi quan sát chị nấu ăn.
Thứ nhất, chị luôn cẩn thận lựa chọn rau ở cửa hàng quen, nơi nguồn rau rất đảm bảo. Nhờ thế, phần rau phải nhặt bỏ đi rất ít, chỉ phải bỏ đi chút chút ở phía dưới.
Thứ hai, khi chị nấu, chị tập trung làm mọi thứ cẩn thận, chỉn chu và vô cùng gọn gàng. Điều này thể hiện cái tâm của chị với nấu ăn, khác với nhiều người nấu bếp khác – mỗi lần nấu ăn là bếp trở thành bãi chiến trường. Mỗi khâu, từ chuẩn bị tỏi, trần rau cho tới xào, rồi cho gia vị vào, cũng đều được chị để ý làm thận trọng, tỉ mỉ.
Thứ ba là trình bày đĩa trên bàn ăn. Về khoản này thì chị, với bàn tay khéo léo, phải nói là xuất sắc. So với những bức ảnh checkin món ăn lung linh up trên Instagram, những món ăn của chị trình bày đẹp vượt xa.
...đến trình bày đĩa rau, tất cả đều hoàn hảo
Tóm lại, bí quyết chính là từng khâu nấu – những thứ tưởng chẳng có gì đáng kể trong công cuộc xào rau – đều được ‘tối ưu hóa’, ‘trau chuốt hóa’ rất nhiều qua bàn tay của chị.
Nhiều người có thể nói: “Món này dễ quá, cần gì cầu kì cho rách việc, cứ cho chút mỡ vào xào tỏi, cho đống rau đã nhặt vào xào qua qua rồi cho bột canh vào là xong chứ cần gì bày đặt cầu kì tinh tế nọ kia cho phức tạp”.
Điều đó cũng đúng, rút cục làm theo cách nào rồi thì cũng vẫn ra đĩa rau. Nhưng nếu làm theo cách ‘cho xong’, chắc chắn anh giám đốc là người thưởng thức sẽ khó có những ấn tượng lớn như vậy về cả món ăn và người nấu.
Là người làm kinh doanh, anh giám đốc tin rằng việc làm một ‘khách hàng vô tâm’ trở nên cuốn hút vào thứ họ không hề quan tâm trước đây, ví dụ như sản phẩm của công ty, là điều không hề tầm thường, thậm chí vĩ đại. Chị, cùng với món rau muống xào tỏi cũng đáng được tôn vinh như thế.
Việc 'tay to não nhỏ' (như rót nước pha trà) cũng giống xào rau: Dù chỉ có 0,1% mới mẻ nhưng vẫn đáng để sáng tạo
Từ lan man về cách làm món rau muống xào tỏi, có thể liên tưởng đến thực trạng mà những bạn sinh viên mới ra trường phải gặp nhiều nhất, sau đó đến những người đã đi làm lâu năm cũng có thể gặp phải trong các công sở.
Trong một công ty, sẽ là không thể tránh khỏi nếu thấy trong danh sách việc có những thứ “tay to là chính, não không cần thiết”.
Những công việc này rất thường xuyên sẽ được giao cho các sinh viên thực tập: Đánh máy cho anh văn bản này, Photo cho chị tập tài liệu kia, dịch văn bản này ra Tiếng Việt nhé, tìm xem trong báo cáo này có lỗi nào không nhé…
Với những bạn vừa ra trường, tâm lý thông thường là muốn chứng minh khả năng bản thân. Với những giải Nhất này, học bổng kia đạt được thời sinh viên, họ sẽ muốn làm được ngay điều gì đó lớn lao khi vào môi trường mới. Vì thế, khi phải làm các công việc ‘không cần não’, họ sẽ chán việc dẫn đến chán cả công ty. Việc xin nghỉ việc sẽ chỉ còn trong tầm tay.
Còn với người đã đi làm một thời gian thì họ sẽ có chút cảm giác không vui khi làm những công việc này. Họ kì vọng muốn được làm những công việc rõ ràng, 'ra tấm ra miếng' để có thể học hỏi được nhiều hơn.
Tuy nhiên, có một khía cạnh khác của những công việc ‘tay to não nhỏ’ mà tất cả những nhân viên trên đều bỏ quên mất. Các công việc ấy cũng như việc xào rau vậy, không đặc biệt, làm kiểu gì cũng xong, không nhất thiết phải vận động não, thế nhưng lại ẩn chứa bí mất thú vị.
Bạn sẽ lựa chọn cách làm nào để hoàn thành những công việc 'không cần não'? Làm theo cách rất tệ hại, khinh thường công việc như một người không biết nấu ăn và cho ra đĩa rau muống xào sống? Hay là làm theo cách 'trung bình', như một người nấu ăn trung bình, để cho ra đĩa rau chất lượng cũng ở mức trung bình?
Hoặc là, bạn có thể chọn như người chị trong câu chuyện trên, đặt toàn tâm toàn ý, tối ưu hóa mọi khâu làm việc vào công việc dẫu rất đơn giản nhưng sẽ ra thành quả là đĩa rau muống xào tỏi thật tuyệt vời.
Bài học cho các bạn sinh viên mới ra trường là thay vì làm những công việc ‘tay to, não nhỏ’ cho xong (kiểu gì chẳng xong), bạn hãy thử dành chút thời gian nghĩ xem mình liệu có thể làm cách nào khác biệt, từ đó đem lại kết quả gì đó khác cách mặc định ban đầu của mình?
Vẫn có bí mật ẩn sau những 'boring task'
Đôi khi, do hạn chế kiến thức hoặc chán nản tâm lý, bạn sẽ chẳng thấy có cách làm khác nào tối ưu hơn cho các công việc ‘tay to’ đó. Nhưng cũng có lúc bạn sẽ thấy có khá nhiều thứ mình có thể cải thiện, nhiều thứ rất hay ho xung quanh các công việc ít trí tuệ đó.
Rốt cục, cũng giống việc xào rau, kiểu gì bạn cũng sẽ hoàn thành phần việc của mình. Thế nhưng bằng cách dành ra chút thời gian để tính toán xem có cách “xào nấu” khác hay không, biết đâu bạn sẽ tìm ra cách làm ngon hơn rất nhiều so với bình thường?
Tuy nhiên, có một điều chắn chắn là nó sẽ giúp bạn mình tiêu diệt được suy nghĩ mặc định: “Sẽ chẳng có gì học được từ công việc này đâu”. Suy nghĩ này thì sai và cần phải sửa, vì nhiều khi phát kiến vĩ đại xuất phát từ những ý tưởng rất bình thường.
Tóm lại, tuy khả năng tìm ra thứ gì đó mới mẻ trong những điều tẻ nhạt là rất nhỏ, có khi chỉ là 0,1%, những vẫn rất đáng phải thử.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét