Báo cáo mới đây của tổ chức phi chính phủ Orb cho thấy 83% số mẫu nước thử của nhiều quốc gia có chứa những mảnh nhựa siêu nhỏ không thể loại bỏ bởi các máy lọc và len lỏi vào hệ thống nước uống của từng hộ gia đình.
Tính đến năm 2015, người tiêu dùng đã thải loại 6,3 tỷ tấn nhựa, tương đương 75% tổng số nhựa sản xuất và phần lớn chúng bị phân tách ra ngoài môi trường, hấp thụ vào nguồn nước, đất đai, không khí, động thực vật và quay ngược trở lại cơ thể con người qua đường ăn uống, hít thở.
Trước tình hình này, một số nước như Kenya, Ấn Độ hay Scotland đã có những biện pháp mạnh tay nhằm ngăn chặn xu thế lây lan của nhựa trong môi trường.
Tự đầu độc chính mình
Số liệu của Orb cho thấy 94% nguồn nước uống tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, có chưa những mảnh nhựa siêu nhỏ này và đứng đầu trong số các quốc gia được khảo sát. Tỷ lệ này cũng tương đương với nguồn nước khảo sát tại Li Băng.
Đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng quốc gia có nguồn nước uống nhiễm nhựa là Ấn Độ với 82%. Tại Châu Âu, tỷ lệ nhiễm là 72%.
Sản lượng nhựa tăng 20 lần trong khoảng 1950-2014
Bình quân mỗi năm con người thải khoảng 8 triệu tấn nhựa xuống biển và khiến ít nhất 136 loài sinh vật biển chịu tác động và ít nhất 250 loài sinh vật hấp thụ nhựa thải ra. Phần lớn số nhựa thải loại nằm dưới đáy biển và chúng ta không thể biết chắc điều gì sẽ xảy ra với đống rác nhựa này. Tuy vậy, rõ ràng là chúng đang phân tách dần thải loại ngược lại nguồn nước uống và hải sản.
Khi bị phân hủy hoặc tiêu hủy, các vật liệu nhựa phân tách thành những hạt siêu nhỏ chứ không hề biến mất và bắt đầu lan truyền trong nguồn nước cũng như đất đai, qua đó ảnh hưởng đến môi trường mà các máy lọc nước khó lòng sàng lọc.
Một chai nhựa bình thường sẽ tốn khoảng 450 năm để có thể phân hủy hoàn toàn trong môi trường và mỗi một mảnh nhựa chúng ta thải loại sẽ phải đợi đến nhiều thế hệ mới có thể phân hủy hết.
Trong khi đó, báo cáo của Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) trực thuộc Liên hiệp quốc (UN) cho thấy những mảnh nhựa siêu nhỏ được tìm thấy rất nhiều trong các mẫu vật hải sản và với lượng tiêu thụ đồ biển tại Châu Âu như hiện nay, mỗi công dân khu vực này đang tiêu thụ 6.400 mảnh nhựa mỗi năm.
94% số rác nhựa nằm sâu dưới biển và chúng ta khong thể kiểm soát
Nghiên cứu của IMO cũng cho thấy loài cá là nơi hấp thụ nhiều mảnh nhựa nhất. Dẫu vậy, chưa có một nghiên cứu khoa học nào được thực hiện để tìm hiểu mối quan hệ giữa sức khỏe con người với việc hấp thụ những mảnh nhựa này khi ăn hải sản hoặc uống nước.
Thành phần nhựa vốn được biết đến là yếu tố có thể sản sinh những hóa chất gây hại cho cơ thể con người, nhưng việc hấp thụ những mảnh nhựa nhỏ có tác động thế nào thì vẫn chưa được phân tích.
Trong khi đó, tờ The Guardian năm 2014 công bố một nghiên cứu cho thấy họ tìm thấy những thành phần nhựa siêu vi trong tất cả 24 loại bia ở Đức tham gia dự án. Tại Paris vào năm 2015, một nghiên cứu khác cũng cho thấy các mảnh siêu vi nhựa tồn tại trong không khí.
Phần lớn nhựa được sản xuất bị thải loại ra môi trường
Với 15.000 tấn nhựa thải loại mỗi ngày, Ấn Độ đang tự đầu độc vùng biển Ấn Độ Dương của mình. Tình hình cũng tương tự tại Anh, Bắc Mỹ hay Trung Quốc khi các khu vực này thải loại nhựa ra biển và tạo điều kiện cho chúng hấp thụ ngược lại qua đường ăn uống.
Trên thế giới hiện nay, hơn 400 triệu tấn nhựa mới được sản xuất mỗi năm và chỉ một phần nhỏ trong đó được tái chế đang khiến môi trường ngày càng ô nhiễm và con người đang vô tình hấp thụ chính những thứ độc hại này.
Ngành công nghiệp độc hại
Kể từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ II, ngành nhựa đã phát triển nhanh chóng và tồn tại trong hầu hết các vật dụng hàng ngày của con người. Sản lượng nhựa đã tăng chóng mặt từ 2 triệu tấn vào năm 1950 lên 380 triệu tấn vào năm 2015.
Một báo cáo của Science Advances cho thấy con người đã sản xuất được 8,3 tỷ tấn nhựa mới kể từ năm 1950. Đặc biệt, do sự bùng nổ dân số cũng như nhu cầu sử dụng túi nhựa tăng cao, một nửa số nhựa mới đó được sản xuất trong vòng 10 năm qua.
Hóa dầu được dự đoán là nơi có nhu cầu dầu mỏ nhiều nhất trong tương lai
Báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cũng cho thấy nhu cầu sử dụng nhựa đã tăng 20 lần trong nửa thế kỷ qua và dự kiến nhu cầu này sẽ tăng thêm 100% trong vòng 20 năm tới. Số liệu của WEF cũng cho thấy con người hoang phí 95% giá trị sử dụng của những chiếc túi bóng và khiến nền kinh tế chịu thiệt khoảng 80-120 tỷ USD hàng năm.
Trong số 6,3 tỷ tấn nhựa thải loại vào môi trường tính đến năm 2015, chỉ có 9% được tái chế và 12% được phân hủy hoàn toàn, số còn lại tương đương gần 5 tỷ tấn nhựa lẫn vào trong nguồn nước, đất đai, không khí hay các sinh vật. Tỷ lệ tái chế này thấp hơn rất nhiều so với mức 58% của giấy và 70-90% của sắt thép.
Dự đoán sản lượng nhựa, số nhựa thải trong biển, lượng tiêu thụ dầu và tỷ lệ đóng góp khí thải nhà kính
Với đà sản xuất và thải loại như hiện nay, thế giới sẽ tồn tại khoảng 12 tỷ tấn nhựa rác trong môi trường từ nay đến năm 2050. Con số này tương đương với mỗi người sẽ gánh khoảng 1,6 tấn nhựa rác, tương đương với trọng lượng của một chiếc xe.
Trước tình hình này, nhiều quốc gia đã phải có động thái. Tháng 9/2017, Kenya đã ban hành quy định phạt 4 năm tù hoặc chịu khoản tiền phạt 38.000 USD cho bất kỳ ai nhập khẩu, kinh doanh hay sản xuất túi nhựa. Nguyên nhân chính là do sự dư thừa túi nhựa tại quốc gia này đang làm ô nhiễm trầm trọng môi trường, buộc chính phủ phải có biện pháp mạnh tay.
Động thái này của Kenya không chỉ là báo hiệu sự chấm hết cho thời kỳ hoàng kim của ngành nhựa mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến mảng hóa dầu khi túi nhựa chiếm đến 1/4 lượng sử dụng plastic từ hóa dầu.
Năm 2015, con người thải loại phần lớn số nhựa họ sản xuất (tấn)
Trước tình hình xe điện phát triển, Cơ qua năng lượng quốc tế (IEA) dự đoán hóa dầu sẽ dẫn dắt doanh số của mảng dầu mỏ trong nhiều thập niên tới và chiếm đến 44% tăng trưởng nhu cầu dầu thô trong khoảng 2015-2040. Tuy vậy việc ô nhiễm môi trường sẽ khiến dự báo này khó thành hiện thực.
Không riêng gì Kenya, hàng loạt các quốc gia khác cũng đang có động thái nhằm chấm dứt sự tàn phá môi trường của nhựa plastic. Ấn Độ đã cấm lưu hành túi nhựa không thể tái chế tại New Delhi trong khi Anh áp mức phí 5% cho mỗi lần sử dụng túi bóng kể từ năm 2016. Quyết định này của chính phủ Anh đã khiến lượng sử dụng túi nhựa ở đây giảm 85% từ thời điểm đó đến nay.
Mặc dù vậy, túi plastic chỉ đóng góp khoảng 1% số rác nhựa thải ra biển hàng năm trong khi các chai nhựa chiếm tới 1/3.
Vào tháng 9/2017, Scotland đã tuyên bố kế hoạch trả tiền và thu hồi tất cả các chai nhựa tiêu thụ trên thị trường nhằm bảo vệ môi trường. Trước đó, Đức đã thực hiện được kế hoạch trên vào năm 2003, qua đó tái chế được 98,5% số chai nhựa. Một số quốc gia Châu Âu cũng đã thực hiện động thái trên và nhiều khả năng sẽ có thêm các nước tham gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét