Hiện tượng băng tan và mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu toàn cầu đang khiến hàng loạt bờ biển và vùng đảo đứng trước nguy cơ bị xóa sổ vĩnh viễn. Nhưng ít ai biết rằng, có một ngành đang ngày ngày mong chờ và chuẩn bị cho cơ hội lớn đến từ thảm họa môi trường này.
Hành lang Tây Bắc – tương lai của ngành hàng hải thế giới
Các nhà thám hiểm từ nhiều thế kỷ trước đã cho rằng chặng đường biển xuyên qua Bắc Cực có thể trở thành một tuyến đường thương mại thông dụng, hành lang Tây Bắc lần đầu tiên được vượt qua bởi nhà thám hiểm Roald Amundsen vào những năm 1903 - 1906.
Cho đến năm 2009, những khối băng Bắc Cực lớn đã ngăn chặn việc vận chuyển trên toàn hàng lang trong suốt các mùa của năm.
Nhưng theo một báo cáo mới nhất, vào năm 2030, số lượng băng ở Bắc cực sẽ suy giảm đến mức đỉnh điểm, cho phép các tàu container và du thuyền cỡ lớn có thể di chuyển qua Hành lang Tây Bắc.
Lợi ích của Hành lang Tây Bắc
Từ trước đến nay, để giao thương giữa Châu Âu và Châu Á, các tàu sẽ có 2 sự lựa chọn là thông qua kênh đào Panama hoặc kênh đào Suez với độ dài tương đương.
Với Hành lang Tây Bắc, chặng đường truyền thống sẽ được giảm gần 1.000 dặm (khoảng 1.600 km), đồng nghĩa với việc giảm thiểu thời gian, chi phí cũng như các nguy cơ trên đường vận chuyển.
Trong đó, thời gian vận chuyển là yếu tố quan trọng nhất để gia tăng lợi nhuận của hãng tàu, với tuyến đường ngắn hơn, không chỉ chi phí nhiên liệu được giảm mà tần suất xoay vòng tàu cũng tăng lên.
Một số chi phí khác có thể được cắt bỏ như chi phí băng qua kênh đào và chi phí nhân sự. Thêm vào đó, nguy cơ gặp cướp biển tại khu vực Biển Đỏ và Ấn Độ Dương cũng được loại bỏ.
Nhưng đi kèm đó cũng là các nguy cơ
Để có thể vượt qua chặng đường với thời tiết cực kỳ khắc nghiệt này, hãng tàu phải sử dụng các hoa tiêu địa phương để đảm bảo được sự an toàn. Ngoài nguy cơ va phải các tảng băng trôi, nếu nhiệt độ giảm đột ngột và tàu bị mắc kẹt, các hãng tàu chỉ có một sự lựa chọn là cầu cứu các tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân đến từ Nga.
Thêm vào đó, hành lang Tây Bắc theo dự đoán chỉ có thể hoạt động được 4 tháng trong năm, trong khoảng thời gian băng tan từ tháng 7 đến tháng 11.
Và tình hình tranh chấp chủ quyền phức tạp tại khu vực cũng gây không ít khó khăn cho các hãng vận tải qua khu vực này: chính phủ Canada coi Hành lang Tây Bắc là vùng nội thủy của mình, nhưng Hoa Kỳ và một số các nước châu Âu coi đây là một eo biển quốc tế và có quyền quá cảnh mà không cần xin phép hay mất phí quá cảnh.
Tương lai cho Hàng lang Tây Bắc
Vào năm 2010 tàu “MV NORDIC BARENTS” chở 41.000 tấn kim loại từ Na Uy đến Trung Quốc, trở thành tàu thương mại đầu tiên vượt qua được chặng đường cam go này.
Và vào tháng 8 năm 2016, du thuyền hạng sang Crystal Serenity của Mỹ mang theo 1.700 người, trong đó có 1.000 khách du lịch, đã có chuyến đi qua Hành lang Tây Bắc để khám phá Bắc Cực.
Thời gian cho toàn chuyến hành trình là 21 ngày, so với hải trình kéo dài 37 ngày qua kênh đào Suez truyền thống.
Dẫu còn nhiều khó khăn phía trước nhưng các hãng tàu lớn và hàng loạt cảng biển trên thế giới đang ngày ngày chuẩn bị cho sự kiện hứa hẹn sẽ thay đổi toàn bộ bức tranh hàng hải thế giới này.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét