Phân khúc BĐS nào được hưởng lợi nhất?
Theo ông TS Cấn Văn Lực, trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, trong ngắn hạn, Việt Nam chịu tác động tiêu cực về xuất khẩu nhưng cơ hội thu hút, chọn lọc đầu tư cùng với nhu cầu BĐS công nghiệp và nhà ở cao cấp, bình dân là hiện hữu.
Theo nhận định của vị chuyên gia này, năm 2019, BĐS công nghiệp ở miền Bắc sẽ chịu biến động lớn từ cuộc chiến tranh thương mại này vì gần Trung Quốc, thuận lợi cho việc dịch chuyển nhà xưởng.
Một số tỉnh thành miền Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang hay Hưng Yên cũng sẽ là điểm dừng chân của làn sóng dịch chuyển này. Trong tương lai, thị trường BĐS phía Bắc cũng sẽ sôi động hơn so với trước. Sự phát triển của các khu công nghiệp, BĐS công nghiệp tất yếu sẽ kéo theo sự phát triển của BĐS nhà ở và thương mại ở các địa bàn.
Theo các chuyên gia, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không chỉ BĐS công nghiệp Việt Nam được hưởng lợi mà BĐS nhà ở quy mô lớn, tiện ích hơn cũng sẽ “tăng nhiệt” trong thời gian tới
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, làn sóng dịch chuyển đầu tư sẽ ảnh hưởng rõ nét đến BĐS công nghiệp tại Việt Nam. Từ làn sóng này kéo theo đó là nhu cầu về nhà ở của thương gia, doanh nhân cũng tăng theo. Do đó, không chỉ BĐS công nghiệp được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại này mà BĐS nhà ở quy mô lớn, tiện ích hơn cũng sẽ “tăng nhiệt” trong thời gian tới và xu hướng trở thành sản phẩm chủ đạo của thị trường.
“Việc dịch chuyển của các nhà máy, cơ sở sản xuất từ nước ngoài sang Việt Nam là cơ hội để chúng ta cung cấp hạ tầng trong khu công nghiệp. Từ đó, hình thành nên các khu công nghiệp lớn kèm theo dịch vụ về nhà ở cho công nhân, chuyên gia. Nếu trước đây chúng ta chỉ quan tâm phát triển các khu công nghiệp không kèm theo phát triển đô thị dẫn đến thiếu hụt nhà ở, thì đây là cơ hội để Việt Nam làm song song cả hai, vừa phát triển công nghiệp, vừa phát triển đô thị để cân đối hài hòa xu thế phát triển chung”, ông Hà bày tỏ thêm quan điểm của mình.
Còn theo đại diện Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp.HCM (Hawa) thì cho rằng, xu hướng dịch chuyển sản xuất từ các nước sang Việt Nam trước mắt BĐS công nghiệp sẽ “hot” lên. Trong vòng 1 năm trở lại đây giá BĐS công nghiệp tăng mạnh, ảnh hưởng đến các ngành sản xuất khác, trong đó có ngành gỗ vì ngành nghề này thường sử dụng mặt bằng sản xuất rất lớn.
Thách thức nào của BĐS từ sự dịch chuyển này?
Mặc dù thừa nhận lĩnh vực BĐS Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung, đặc biệt là sự dịch chuyển của các nhà máy, cơ sở sản xuất từ nước ngoài sang Việt Nam nhưng TS Cấn Văn Lực khuyến nghị, thị trường vẫn có những diễn biến phức tạp, cạnh tranh rất khốc liệt. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để ứng phó với các kịch bản của năm 2019. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến giải pháp về kinh tế số, số hóa bất động sản để nâng cao hiệu suất, hiệu quả trong điều hành.
Trước mắt, BĐS công nghiệp sẽ "hot" lên từ sự dịch chuyển các nhà máy sản xuất từ nước ngoài sang Việt Nam
Đồng quan điểm, đại diện Hawa cho rằng, sắp tới lao động là vấn đề rất lớn khi các nhà máy đang có xu hướng dịch chuyển và đổ bộ vào Việt Nam. Khi đó, sự biến động công nhân, nhân viên văn phòng, kéo theo sự khan hiếm, làm giá lao động tăng cao. Chưa kể, xăng, điện, y tế nhích lên kéo theo hàng hóa vận chuyển, dịch vụ sẽ tăng giá, tiền lương cũng phải tăng, có khả năng là xảy ra lạm phát.
“Khi chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng thì có hệ lụy là giảm tính hấp dẫn về đầu tư cũng như sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp”, đại diện Hawa phân tích.
Theo vị này, giải pháp cho thị trường là các doanh nghiệp nên chú ý đầu tư công nghệ, tăng máy móc để giảm lệ thuộc vào lao động. Việc thay đổi hướng tới sản xuất chuyền hóa, chuyên môn hóa, tự động hóa là cần thiết.
Trong đó, Nhà nước cần phải can thiệp về chính sách để giảm nóng việc tăng giá của BĐS, định hướng chọn lọc được đối tác là các nhà đầu tư chứ không để “ngũ xạ tự nhiên hương”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét