Dự án "Trợ lý bác sỹ" - bài toán đó chưa ai trên thế giới giải được. 4,7 tỷ người trên thế giới chưa có bác sỹ chẩn đoán hình ảnh, hiện 10% người bệnh chết vì chuẩn đoán sai. Đó là cơ hội mà mình nhìn thấy, tại sao mình dám giải một bài toán như vậy?
Cái tên Trương Quốc Hùng lần đầu xuất hiện cùng Vingroup tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hồi đầu tháng 5. Khi ấy, bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch VinFast, đã đề cập tới một dự án mới được tập đoàn đang triển khai mà bà "rất tâm đắc" do ông Hùng - nguyên là lãnh đạo cao cấp của Mircrosoft đang đảm nhiệm - dự án "trợ lý bác sỹ".
Ông Hùng có 25 năm sống và làm việc tại nước ngoài, trong đó 12 năm làm việc cho Microsoft (2007 - 2019). Cương vị cao nhất của ông tại Microsoft được giới thiệu là "lãnh đạo chiến lược sáng tạo sản phẩm". Trong danh mục các công ty vị Thạc sỹ MBA của ĐH Phoenix, USA và chương trình Khoa học Kỹ thuật (Engineering Science) uy tín nhất tại Đại học Toronto, Canada từng đầu quân, Vingroup là doanh nghiệp Việt đầu tiên.
Chia sẻ cảm nhận khi về nước đầu quân cho doanh nghiệp của ông Phạm Nhật Vượng, ông Hùng cho biết "tâm trạng rất khác biệt".
"Trước nhất, là được dùng tên chính của "ông già" đặt cho - Trương Quốc Hùng, thay vì Steven Truong. Đó là một điều rất hãnh diện", tân TGĐ VinBrain Trương Quốc Hùng trải lòng tại tọa đàm "Nguồn nhân lực công nghệ và thương mại hóa sản phẩm công nghệ", trong khuôn khổ sự kiện Chương trình Hợp tác Đại học - Hỗ trợ Nghiên cứu ứng dụng và Khởi nghiệp Công nghệ do VinTech City tổ chức vừa qua.
Chia sẻ về 2 con số kỳ vọng - 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin vào năm 2020 và 100.000 doanh nghiệp công nghệ vào năm 2020, tân Tổng Giám đốc VinBrain cho rằng đây là con số kỳ vọng trong tương lai, mà trong tương lai, con số đó có thể rất nhỏ mà chúng ta không biết được.
"Cho nên ngày hôm nay, mình phải có một giấc mơ to lớn, giấc mơ trong việc làm ra sản phẩm. Tôi cũng muốn chia sẻ về những vấn đề Biết, Hiểu, và Cảm".
"Trong môi trường đào tạo, đó là hướng dẫn những em trẻ Biết. Thầy cô giáo dạy để Hiểu sâu hơn. Còn vấn đề Cảm là khi làm ra sản phẩm, làm sao để sản phẩm mình không chỉ phục vụ trong thị trường Việt Nam mà có tính tầm vóc quốc tế", ông Trương Quốc Hùng chia sẻ.
Lấy ví dụ về bài toán của VinBrain - một công ty mới thành lập mà ông về đầu quân chừng 1 tháng, là dự án AI mang tên "Trợ lý bác sỹ", ông Hùng nói về câu chuyện Cảm.
Theo ông Hùng, con người đã tiến bộ 6 triệu năm. Thực sự người Mỹ, người da đen, hay người Việt Nam có rất nhiều điểm giống nhau, ít điểm khác. Do vậy, nếu chọn 1 sản phẩm để làm thì phải mang tính có thể tận dụng và sử dụng lại.
"Ngày hôm nay mình giải một bài toán ở Việt Nam - bài toán mà tập đoàn đưa ra là non-profit (phi lợi nhuận - PV), tức là chia sẻ kỹ thuật này cho tương lai, hướng đến những người vùng sâu vùng xa. Đó là y đức, nhưng dự án này cũng có triển vọng phát triển ra thế giới. Khi giải quyết bài toán để tạo ra sản phẩm, công nghệ thì phải nhìn xa, kiên tâm và kiên trì để giải quyết nó", cựu lãnh đạo của Microsoft cho biết.
Chia sẻ về cơ hội khởi nghiệp, cơ hội thị trường cho các bạn ngồi trên ghế nhà trường năm cuối, ông Hùng nhìn nhận một thực tế là các bạn sinh viên mới ra trường cũng vẫn thiếu trải nghiệm. Đến 25 tuổi các bạn khởi nghiệp, té đau vẫn đứng dậy, đó là bài học về trải nghiệm mà khó ai có thể dạy cho các bạn.
Một điều quan trọng khác, một vài bạn tại sự kiện vẫn đặt câu hỏi "Khi gặp khó khăn thì ai giúp được tôi". Ông Hùng cho rằng: "Thực sự mình phải nhìn khó khăn là cơ hội để mình thay đổi".
"Ví dụ dự án "Trợ lý bác sỹ" - bài toán đó chưa ai trên thế giới giải được. 4,7 tỷ người trên thế giới chưa có bác sỹ chẩn đoán hình ảnh, hiện 10% người bệnh chết vì chuẩn đoán sai. Đó là cơ hội mà mình nhìn thấy. Khi nhìn ngược lại là nhìn thấy bài toán đó thì ở Việt Nam mình, tại sao mình dám giải một bài toán như vậy?"
"Thứ 1, cấu trúc con người mình tương tự người nước ngoài, giải quyết được bài toán ở đây thì có thể giải được bài toán tương tự ở nước ngoài, nhưng mình chọn giải quyết ở đây trước đi. Thứ 2, Việt Nam là một nước rất lớn, gần 100 triệu người. Tôi sẽ có rất nhiều dữ liệu về y tế có thể sử dụng được", ông Hùng nói.
Điều thứ 3, việc "dám" giải bài toán trợ lý bác sỹ tại Việt Nam, ông Hùng cho rằng rất may Việt Nam có rất nhiều người đi nước ngoài, cộng thêm cộng đồng trong nước sẽ là một nguồn lực khá mạnh.
"Bao giờ chúng ta cũng nghĩ ý tưởng của mình khó khăn, nhưng thật ra startup có cái hay của nó là lúc nào cũng thấy "ngày mai không còn tiền để trả cho nhân viên nữa", đó là động lực thúc giục mình phải sáng tạo nhiều hơn".
"Cho nên, đừng nhìn nó là khó khăn, mà là cơ hội để mình phát triển, và sáng tạo. Đi sâu vào thực tế mới hiểu là startup có cái hay và cái dở. Còn những tập đoàn lớn như Microsoft, Google có nhiều dự án, họ có thể sử dụng số tiền rất lớn nhưng rồi không ra được sản phẩm thị trường cần. Cho nên, nhiều khi những ông lớn lại chậm đi, không nhanh được bằng startup", vị cựu lãnh đạo Microsoft chia sẻ.
Ông Hùng quan niệm, tuổi trẻ nên trải nghiệm nhiều. Và nếu có rớt, có fail thì đứng lên tiếp tục chiến đấu, học hỏi.
"Sau khoảng 35 tuổi, các bạn sẽ hiểu thế nào là startup. Còn thời gian đầu có thể nhờ các đàn anh chuyên gia đi trước, những người đã trải nghiệm rồi hướng dẫn mình. Hãy cố gắng! Thời gian đầu là học hỏi, chấp nhận thất bại, nhưng đừng từ bỏ giấc mơ của mình!", ông Hùng gửi lời tới giới trẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét