"Trọng tâm, xương sống cho tăng trưởng ngành công nghiệp Việt Nam đang bị đặt lệch vai. Quá thâm dụng tài nguyên, vốn và lao động mà coi nhẹ đi lĩnh vực tạo giá trị gia tăng cao, bền vững và lâu dài. Nếu cứ lệch lạc như này, kinh tế Việt Nam đuổi kịp Thái Lan sau vài chục năm nữa sẽ chỉ là giấc mơ".
Đây là chia sẻ của T.S Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trong khuôn khổ Diễn đàn Sản xuất và Công nghiệp Việt Nam 2016 được tổ chức sáng nay (21/4) tại Hà Nội.
Đề cập đến sức khỏe của ngành công nghiệp và các ngành sản xuất trực tiếp của Việt Nam theo chủ đề của Diễn đàn, ông Thiên cho rằng: Ngành công nghiệp Việt Nam trong những năm vừa qua dù có những con số tăng trưởng tốt về xuất khẩu, tăng trưởng số doanh nghiệp, quy mô doanh nghiệp với tính chất là tăng trưởng chiều ngang, tăng cơ học... nhưng điểm lại thì đây vẫn là ngành còn nhiều yếu kém so với chính chúng ta, chưa nói so với khu vực. Sau 30 năm, ngành công nghiệp Việt Nam vẫn rất bất ổn và có nhiều vấn đề hết sức nghiêm trọng.
Công nghiệp Việt Nam thua xa các nước
Theo ông Thiên, những vấn đề ở đây là: giá trị gia tăng toàn ngành đang nằm chủ yếu ở lĩnh vực khai khoáng, bất động sản; cấu trúc ngành công nghiệp dồn vào tay doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nhưng các DN này tập trung nguồn lực vào lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên, không đặt giá trị vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; Chính sách ưu đãi trải thảm cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong khi đó lại bỏ lửng khu vực tư nhân.
Ông Thiên nói: "Sau 30 năm qua, tăng trưởng ngành công nghiệp và xây dựng Việt Nam tăng 16%, đây là mức tăng khá cao đối một nước đang chuyển đổi kinh tế và nó đúng với định hướng: Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa. Tuy nhiên, nhìn vào vấn đề cốt yếu, tăng trưởng chủ yếu dựa vào các ngành công nghiệp khai khoáng, gia công, xây dựng - những lĩnh vực lạm dụng tài nguyên để đổi lấy tăng trưởng. Riêng công nghiệp chế biến, chế tạo, sau 30 năm Việt Nam chỉ tăng 1,6%. Nếu đối chiếu con số trên với xu hướng của thế giới thì ngành công nghiệp Việt Nam không tăng trưởng mà thụt lùi"
Theo ông Thiên: "Trọng tâm, xương sống cho tăng trưởng ngành công nghiệp Việt Nam đang bị đặt lệch vai. Quá thâm dụng tài nguyên, vốn và lao động mà coi nhẹ đi lĩnh vực tạo giá trị gia tăng cao, bền vững và lâu dài. Nếu cứ lệch lạc như này, kinh tế Việt Nam đuổi kịp Thái Lan sau vài chục năm nữa sẽ chỉ là giấc mơ. Triết lý kinh doanh, định hướng của cấu trúc kinh tế của Việt Nam cần thay đổi hẳn về tư duy và về chất để theo kịp với dòng chảy khu vực nếu không sẽ bị tụt hậu ngày càng xa".
"Nói một ví dụ đơn giản thôi, trong ngành công nghiệp điện thoại di động, Apple và Samsung đón đầu được công nghệ, đi sâu vào đầu tư nghiên cứu chế tạo mà chỉ sau mấy năm đã đánh bại, khiến một thương hiệu điện thoại lâu đời của thế giới như Nokia phải chia thị phần, thu hẹp sản xuất và dẫn đến phá sản, bán mình. Điều đó cho thấy, tốc độ phát triển, xu hướng vận động của thế giới rất nhanh mà ta còn quá chậm chạp, từ tư duy đến hành động", ông Thiên nêu ví dụ.
Đồng quan điểm với ông Thiên, ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương Mại, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO cho rằng: "Chúng ta đang bước vào những sân chơi rất cao, rất nhiều nước đối tác lớn và thị trường rộng mở. Tuy nhiên, nếu vẫn giữ tư duy và chiến lược phát triển công nghiệp như hiện nay sẽ không thể khai thác được lợi thế cạnh tranh mà còn kìm hãm đi tốc độ phát triển".
Công nghiệp và xây dựng phải là trụ cột, trong đó chế biến chế tạo phải được coi là xương sống để tạo dựng giá trị gia tăng bền vững, chúng ta không thể và không được múc tài nguyên để lấy tăng trưởng được.
Xu hướng đầu tư nước ngoài đang dồn mạnh vào các ngành có tỷ suất lợi nhuận cao, doanh thu lớn như bán lẻ, xây dựng và gia công... Dư địa cho các DN Việt Nam đang hẹp dần, chúng ta đang bị chính các DN nước ngoài loại bỏ khỏi các sân chơi giá trị cạnh tranh và khai thác lợi thế từ hội nhập mang lại.
Cũng theo các chuyên gia chiến lược phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cần tập trung vào xu thế của thế giới đang hướng đến đó là nhằm vào nguồn lực con người, yếu tố sáng tạo. Làm tốt điều này phải hướng đến khuyến khích khu vực tư nhân, xây dựng môi trường cạnh tranh và phân bổ đều nguồn lực để giúp các DN tư nhân phát triển.
Ông Tự khẳng định: "Trong nhiều năm qua, chúng ta đã đặt quá cao sức mạnh và vai trò của DNNN, DN FDI và tập trung trải thảm các chính sách ưu đãi, yêu thương họ quá mức cần thiết. Trong khi đó, khu vực này mới chỉ đem lại con số tăng trưởng về lượng cho Việt Nam còn yếu tố bền vững, hiệu ứng lan tỏa chưa thể có được. Trong khi đó, một bộ phận rất quan trọng của nền kinh tế là khu vực tư nhân lại bị bỏ lửng, nói cụ thể hơn là bị bỏ rơi trong sân chơi lớn như tiếp cận đất đai, vốn, tư vấn chính sách, thị trường, hay hỗ trợ xây dựng chính sách, giảm thiểu rủi ro tác động chính sách..."
Nguyễn Tuyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét