Ngành công nghiệp VN không phát triển được, thậm chí tụt hậu là do có những chủ trương được bàn luận quá lâu.
Công nghệ mía đường, xi măng lò đứng nhập của Trung Quốc là một ví dụ khiến Việt Nam phải trả giá đắt.” Đó là nhận định của nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại (cũ) Lương Văn Tự tại diễn đàn “Sản xuất và Công nghiệp Việt Nam (VN) 2016”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN phối hợp Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT tổ chức ngày 21/4.
Mất 10 năm bàn… chủ trương!
Ông Tự cho rằng một lý do quan trọng khiến các ngành công nghiệp VN không phát triển được, thậm chí tụt hậu là do có những chủ trương được bàn luận quá lâu. Chẳng hạn như việc xây nhà máy lọc dầu.
“Lúc đầu chúng ta định đặt ở Vũng Tàu. Nhưng bàn mãi chủ trương, tới 10 năm sau mới quyết định đầu tư, chuyển về Dung Quất. Trong khi đó, công nghệ lọc hóa dầu của thế giới trong 10 năm ấy đã có những bước tiến vượt bậc. 10 năm ấy khiến nhiều cơ hội thu lợi nhuận từ việc lọc dầu đã bị bỏ lỡ” - ông Tự tiếc nuối.
Hơn nữa, với tình hình biến động rất nhanh của công nghệ trên thế giới, ông Tự chỉ ra rằng các nước có xu hướng bán công nghệ cũ với giá rẻ và chiết khấu hoa hồng cao cho nước nhập khẩu. “Mỗi lần nhập công nghệ cũ, VN sẽ tụt hậu so với thế giới từ 15 đến 20 năm” - ông Tự nhận định.
Ngành công nghiệp VN không phát triển được, thậm chí tụt hậu là do có những chủ trương được bàn luận quá lâu.
Lấy một ví dụ khác là ngành cơ khí, luyện thép, ông Tự nhận xét VN cứ loay hoay trong việc tìm đường hướng phát triển. Ông nói: “Trước đây khi chúng ta phải giải quyết những nhà máy cơ khí, luyện thép không hiệu quả thì thế giới đã chuyển sang ngành công nghệ cao từ lâu rồi”.
Từng chủ trì cuộc tổng kết 30 năm phát triển kinh tế VN, Viện trưởng Viện Kinh tế VN Trần Đình Thiên đúc kết những ngành công nghiệp cốt lõi cho công nghiệp nói chung là chế biến, chế tạo trong 30 năm chỉ tăng được 1,6%.
“Trong thời đại công nghệ cao mà tỉ lệ tăng trưởng chế biến, chế tạo chỉ tăng 1,6% thì công nghiệp VN đứng im hay thụt lùi? Tại sao công nghiệp xây dựng lại tăng tới 16%? Tại sao công nghiệp VN vẫn yếu?” - ông Thiên tự hỏi và trả lời: “Là bởi vì VN chỉ thích phát triển công nghiệp xây dựng, khai khoáng và gia công. Còn lĩnh vực cốt lõi cho tương lai là chế biến, chế tạo thì rất yếu”.
Vì những lẽ đó, ông Thiên cho rằng VN chỉ cần đuổi theo Thái Lan bây giờ cũng đã… mệt rồi, phải mất mấy chục năm nữa mới kịp. Đáng tiếc là cách thức VN đuổi theo Thái Lan cũng chưa được định hình.
Dây chuyền sản xuất cơ khí chính xác của Công ty Nidec Tosok tại Khu Công nghệ cao TP HCM.
|
Không có tỷ phú công nghiệp
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen, tổng kết: “Các tỉ phú của VN hầu hết là các đại gia bất động sản và chứng khoán chứ không phải nhà công nghiệp. Hơn nữa, không ít đại gia hiện nay đang làm giàu bằng mọi giá, trong khi lẽ ra phải tạo ra giá trị sau đó mới đến lợi nhuận”.
Nói thêm về điều này, ông Thiên lý giải: “Các tập đoàn nhà nước không đi vào những ngành công nghiệp, công nghệ mà chủ yếu vẫn là khai thác tài nguyên. Trong khi tài nguyên thì “ăn” sắp hết, lao động giá rẻ cũng chẳng còn mấy”.
Ông Lương Văn Tự thì nhìn nhận đặc điểm của VN là vốn ít, cho vay trung và dài hạn không nhiều. Không chỉ vậy, trong khi thế giới khi vay trung và dài hạn lãi suất thấp nhưng VN thì lại toàn ngược với thế giới, lãi suất trung và dài hạn rất cao.
“Chúng ta cứ trách các nhà công nghiệp không đầu tư dài hạn nhưng nếu vay nóng mà đầu tư dài hạn thì chắc chắn sẽ lỗ. Đây là những điều VN phải xem xét để giải quyết vấn đề vốn, công nghệ, nghiên cứu”.
Ông Tự dẫn chứng, để Nokia trở thành thương hiệu điện thoại di động hàng đầu thế giới, trong 20 năm họ phải dành 25% lợi nhuận cho nghiên cứu. Thế nhưng họ ngừng đầu tư thì Samsung lại thay thế. Năm 1972, Samsung sang VN mua than, còn hiện nay Samsung đầu tư nhà máy điện thoại di động hàng đầu thế giới tại VN.
“Chân phải đang teo”
Để công nghiệp VN phát triển, nhiều đại biểu nhấn mạnh cần phải xem lại cấu trúc doanh nghiệp (DN) VN, nhất là phải xem trọng khu vực kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là nền tảng.
“Ngay cả Luật Đầu tư cũng cần được rà soát để các DN trong và ngoài nước được đối xử công bằng, bình đẳng. Đồng thời, các nhà công nghiệp cần phải liên kết, liên minh để tạo ra chuỗi giá trị cao. Ví dụ liên kết vận tải kém như hiện nay sẽ làm chi phí logistic chiếm tới 20% GDP, làm sao cạnh tranh được!”.
Ông Thiên rất quyết liệt đề xuất phải xem lại cấu trúc DN: “Cấu trúc DN thì cần phải có cả DN nội địa và đầu tư nước ngoài. Trong DN nội địa thì phải lấy công ty tư nhân làm nền tảng. Trong công nghiệp thì tư nhân là quyết định, các tập đoàn tư nhân là trụ cột. Các DN nhà nước dù rất quan trọng nhưng không nhất thiết phải là trụ cột”.
Một cách ví von, ông Lê Phước Vũ nói: “Bất kỳ nền kinh tế nào cũng cần đầu tư nước ngoài. Song phải xác định nền kinh tế như một cơ thể, công ty trong nước là chân phải, công ty nước ngoài là chân trái. Hai chân đi đều mới bền vững, trong khi chân phải vẫn còn bị teo”.
Ông Vũ chia sẻ rằng các nhà công nghiệp, cũng như cộng đồng DN VN hiện nay cần một sự khích lệ từ Chính phủ, đồng thời cần một cơ chế hành chính thông thoáng, tránh nhũng nhiễu, chủ quan từ những cán bộ công vụ làm khó kinh doanh. “Điều này chỉ có thể có được khi chính phủ trở thành chính phủ phục vụ” - ông Vũ nói.
Đến cái ốc vít cũng chưa làm được
Còn nhớ tháng 9/2014, trong buổi Samsung công bố các điều kiện để các DN VN trở thành nhà cung ứng linh kiện cho tập đoàn này, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các DN đầu tư nước ngoài, đã có phát ngôn đáng chú ý: “Trong 93 nhà cung cấp cho Samsung, VN chỉ có bảy DN, chủ yếu cung ứng được các sản phẩm bao bì, còn cái ốc hay con vít chưa làm được. Trong khi Thái Lan tập trung mạnh vào công nghiệp hỗ trợ cho ô tô, Malaysia tập trung vào điện, điện tử”.
Muốn trở thành nước công nghiệp phát triển, VN cần phải có thời gian, không thể muốn là được. Bởi VN là nước nông nghiệp, tư tưởng tiểu nông, làng xã vẫn tồn tại trong cách nghĩ, cách làm.
Ông LƯƠNG VĂN TỰ,
nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại (cũ)
nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại (cũ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét