Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

Nhà phân phối chính hãng xe BMW bị ngừng thông quan

Ngày 30/11, Bộ Tài chính đã có công văn hoả tốc gửi Tổng cục Hải quan yêu cầu dừng thông quan lô hàng nhập khẩu của nhà phân phối chính hãng xe BMW - CTCP ô tô Âu Châu (Euro Auto)

Nhà phân phối chính hãng xe BMW bị ngừng thông quan
Theo Bộ Tài chính , qua quá trình thanh kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm, gian lận thương mại đối với hoạt động nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của CTCP ô tô Âu Châu.
Cụ thể, công ty đã tự ý tiêu thụ hàng hoá – là ô tô nhập khẩu BMW khi chưa được cơ quan hải quan cho thông quan trong thời gian được giao bảo quản chờ hoàn thành việc thông quan theo quy định.
Công ty này cũng đã cố ý không cung cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và các hồ sơ, chứng từ, tài liệu của ô tô BMW do Công ty nhập khẩu, có dấu hiệu gian lận lừa dối khách hàng.
Mặt khác, Bộ Tài chính cũng chỉ rõ công ty này đã sử dụng tài liệu giả như Hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại... để nhập khẩu ô tô BMW.
Vì những sai phạm đó, Bộ Tài chính ngày 30/11 đã ra công văn hoả tốc yêu cầu Tổng cục Hải quan tạm dừng thông quan các lô hàng nhập khẩu xe ô tô BMW (trừ đối tượng ưu đãi, miễn trừ ngoại giao).
Đồng thời, đề nghị Tổng cục Hải quan làm việc cụ thể với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để xem xét khởi tố vụ án đối với những hành vi sai phạm của Công ty cổ phần ô tô Âu Châu theo quy định.
Cách đây vài ngày, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, cơ quan hải quan, thuế các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm ra xuất xứ đối với mặt hàng ô tô nhập khẩu nhằm tránh tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại.
Cụ thể, đối với xe nhập khẩu (trừ ô tô nhập của đối tượng ưu đãi, miễn trừ ngoại giao) phải nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi làm thủ tục và hồ sơ hải quan. Các cơ quan này cũng phải xác định tính xác thực của các giấy tờ nói trên, kể cả trong trường hợp phải trưng cầu giám định chữ ký, mẫu C/O, hoặc gửi văn bản, email trao đổi với nước cấp xuất xứ để xác minh nguồn gốc xe.
Chỉ đạo này được đưa ra sau khi cơ quan quản lý nhận thấy thời gian qua, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng ô tô nhập khẩu có những diễn biến phức tạp.

Máy bay, tàu ngầm mày mò tự chế, vẫn khó tiến xa

Tinh thần sáng tạo thì có thể không thiếu (dẫn chứng là những máy móc nông nghiệp, thậm chí máy bay, tàu ngầm, do người trong nước mày mò tự chế), nhưng không có nền công nghiệp phụ trợ đi kèm thì làm sao tiến xa được? Làm chơi để thử sức thì được nhưng tiến lên sản xuất công nghiệp thì quá khó.

Máy bay, tàu ngầm mày mò tự chế, vẫn khó tiến xa
Tạo môi trường trao đổi quốc tế
Bất cứ khoa học nào cũng đều cần môi trường trao đổi quốc tế rộng rãi thể hiện qua các tạp chí khoa học quốc tế, các hội thảo, hội nghị và nhiều hình thức sinh hoạt học thuật khác, được tổ chức thường xuyên trên thế giới. Thi thoảng cũng có những hội thảo quốc tế được tổ chức ở Việt Nam, đó là những cơ hội rất tốt cho giới khoa học trong nước. Cho nên phải dành kinh phí thích đáng và huy động lực lượng khoa học của ta, ở cả trong nước và nước ngoài, để tổ chức tốt những hội thảo đó.
Song dù thế nào thì phần lớn các sinh hoạt học thuật quốc tế quan trọng ít nhiều đều ở nước ngoài, chủ yếu ở các nước phát triển: Mỹ, Nhật, Úc hay châu Âu. Chi phí cho các nhà khoa học của ta, nhất là người trẻ, tham dự các sinh hoạt học thuật đó thường vượt quá xa đồng lương hiện nay của cá nhân, nên phải có cơ chế tài trợ bao gồm hội nghị phí, vé máy bay đi về và tiền ăn ở tại hội nghị.
Cho đến nay chúng ta chưa có cơ chế đó (hoặc đã có nhưng xem ra còn nhiều khó khăn thực hiện), và hình như rất ít người quan tâm chuyện này, nên các nhà khoa học trẻ, dù tài năng nhưng rất khó có cơ hội tham gia các sinh hoạt khoa học quốc tế, do đó cũng khó có sức bật phát triển như mong muốn. Trong khi đó, ngay cả ở các nước tiên tiến mà đồng lương của các nhà khoa học cao hơn hẳn chúng ta, hằng năm các đại học và viện nghiên cứu vẫn dành nhiều nguồn kinh phí tài trợ cho những thành viên của họ tham gia các sinh hoạt học thuật quốc tế, coi việc đó là nhiệm vụ cần thiết, đôi khi còn là vinh dự để đảm bảo và nâng cao uy tín của họ trên quốc tế.
Trường hợp cụ thể thường xảy ra trong chuyện này là thỉnh thoảng có những hội thảo quốc tế ở nước ngoài về một chuyên ngành nào đó, chuyên gia của ta có tiếng trong lĩnh vực ấy được mời làm báo cáo chính hoặc tham gia ban chương trình quốc tế rất muốn giúp cho các bạn đồng nghiệp trẻ trong nước có công trình nghiên cứu đặc sắc đến đó trình bày để có cơ hội vừa quảng bá kết quả nghiên cứu của mình vừa làm quen với môi trường quốc tế và qua đó thiết lập những quan hệ hợp tác nghiên cứu có lợi sau này. Nhưng rất ít có hy vọng tìm được nguồn tài trợ cần thiết cho những việc như vậy, dù mỗi chuyến đi ấy cũng chỉ tốn bốn năm chục triệu – tương đương chi phí trung bình cho một công bố quốc tế.
Do vậy, cần có cơ chế giúp đỡ thiết thực các nhà khoa học của ta, đặc biệt là người trẻ, tham gia các sinh hoạt học thuật quốc tế cần thiết trong từng ngành. Việc tham dự này không những có lợi cho uy tín khoa học của ta trên quốc tế mà còn cần thiết là vì thông qua các sinh hoạt học thuật sôi động trên quốc tế, các nhà khoa học của ta mới theo dõi được hết tình hình, nắm bắt các xu hướng phát triển trên thế giới, đồng thời thấy rõ hơn những nhược điểm, ưu điểm của mình để khắc phục hoặc phát huy.
Bằng cách đó mới giúp cho khoa học của ta tránh được sự phát triển cô lập, dễ lâm vào tình trạng provincialism (chủ nghĩa tỉnh lẻ) trong nghiên cứu khoa học, tức là tác phong nghiên cứu đi vào những đề tài quá cũ kỹ, quá xa lạ với các trào lưu chung, không còn ai quan tâm nghiên cứu nữa. Về tổ chức quản lý khoa học, có lẽ đây là một vấn đề quan trọng cần chú ý hiện nay.
Khuyến khích ứng dụng những thành tựu nghiên cứu cơ bản
Tất nhiên những điểm chưa ổn về cơ chế và cách quản lý các viện nghiên cứu cơ bản còn phụ thuộc tình hình chung của đất nước. Chẳng hạn như chuyện lương của cán bộ nghiên cứu khoa học còn quá thấp. Bên cạnh đó, cơ chế khuyến khích ứng dụng những thành tựu nghiên cứu cơ bản còn rất yếu, hầu như không có gì. Các ngành kinh tế, công nghiệp, dịch vụ trong nước hầu như chẳng có liên hệ gì với giới khoa học.
Tất nhiên lỗi ở nhiều bên. Song, đứng về quản lý cần thấy vấn đề đó và suy nghĩ để tác động tích cực đến tình hình, chứ cứ để tự nhiên thì thường bên nghiên cứu chỉ lo nghiên cứu, bên kỹ thuật, công nghệ chỉ lo những ứng dụng đã quen thuộc.
Ví dụ, lý thuyết tối ưu toàn cục và nói riêng, lý thuyết tối ưu đơn điệu do tôi và nhiều cộng sự dày công xây dựng trong khoảng vài mươi năm lại đây, từ lâu đã tìm thấy những ứng dụng thực tế bổ ích ở các nước ngoài, đặc biệt gần đây đã được các nhóm khoa học ở Đức, Thụy Điển, Canada, Hongkong, Singapore,… ứng dụng khá tốt trong lĩnh vực công nghệ truyền thông không dây và các hệ thống mạng, nhưng ở Việt Nam là nơi khai sinh ra các lý thuyết đó thì hầu như không ai trong các ngành kỹ thuật, công nghệ nói trên biết đến. Không chỉ thiệt hại ở chỗ mình làm ra mà mình không khai thác được mà còn đáng tiếc nữa là với tình hình ấy khoa học cơ bản thiếu hẳn động cơ thiết thực để phát triển.
Thật ra việc ứng dụng những thành tựu nghiên cứu cơ bản hầu như không có gì cũng có một nguyên nhân, đó là trong đường lối phát triển công nghiệp của đất nước ngay từ đầu ta đã không quan tâm đúng mức xây dựng và phát triển các công nghiệp phụ trợ để từ đó đi lên dần những công nghiệp hoàn chỉnh, mà chỉ muốn đi tắt ngay vào những công nghiệp loại sau này. Hệ quả của đường lối đó là sau mấy chục năm, rốt cuộc Việt Nam tuy đã có những xí nghiệp công nghiệp hiện đại (chẳng hạn về điện tử) nhưng đó chỉ là những cơ sở công nghiệp do nước ngoài đầu tư và xây dựng từ A đến Z, trong đó ta chỉ có đóng góp chủ yếu khâu lắp ráp là khâu có giá trị gia tăng thấp nhất.
Vì thiếu công nghiệp phụ trợ nên việc đổi mới sáng tạo cũng khó phát triển. Tinh thần sáng tạo thì có thể không thiếu (dẫn chứng là những máy móc nông nghiệp, thậm chí máy bay, tàu ngầm, do người trong nước mày mò tự chế), nhưng không có nền công nghiệp phụ trợ đi kèm thì làm sao tiến xa được? Làm chơi để thử sức thì được nhưng tiến lên sản xuất công nghiệp thì quá khó.
Điều này cũng ảnh hưởng một phần đến khoa học vì trong quá trình phát triển công nghiệp phụ trợ sẽ nảy ra nhiều vấn đề, nảy sinh ra nhiều nhu cầu đối với khoa học. Trong giai đoạn đầu, những vấn đề loại này thường vừa sức giải quyết của ta hơn là những vấn đề trong đại công nghiệp hiện đại. Bắt đầu với những loại vấn đề dễ, vừa sức, rồi dần dần tiến lên, đó là cách đi khôn ngoan.
Nhất là khi thế giới đã bước sang giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 rồi thì càng có nhiều vấn đề đặt ra phải suy nghĩ kỹ để khỏi bị lạc hậu quá đáng, đồng thời tránh phải lặp lại các thất bại và những bước đi không cần thiết của các nước đi trước ta. Ở một số nước phát triển, người ta lập hẳn task force bên cạnh Thủ tướng về chuyện này, vì họ đã thấy nhu cầu cấp bách. Ở ta đáng mừng là cấp lãnh đạo cũng đã bắt đầu quan tâm, nhưng việc làm cụ thể thì chưa có gì rõ ràng đáng kể, trừ việc xây dựng TP HCM thành một thành phố thông minh.
***
Mấy ý tản mạn trên về phát triển khoa học trong tình hình hiện nay. Vì ta đang mò mẫm con đường nên luôn vừa đi phải ngoái nhìn lại ta và nhìn rộng ra thế giới để khỏi bị lạc hậu quá xa. Dù thế nào vẫn cần đủ tự tin để dám dấn bước, không ngập ngừng, không ngần ngại, phải biết chấp nhận rủi ro, dám đương đầu với thách thức để đuổi kịp và đi lên cùng thiên hạ.
Trước hết phải khắc phục tư duy thủ cựu, giáo điều, ngay từ cấp lãnh đạo phải làm gương, cởi mở với cái mới, dấn thân tìm tới cái mới, đoạn tuyệt với cái cũ đã tỏ rõ không còn hợp nữa với cuộc sống hiện đại. Hệ thống chính trị cần phải thay đổi, phải dũng cảm nhìn nhận lỗi hệ thống ở đâu để dù khó khăn, dù đau đớn, cũng quyết tâm sửa, thì xã hội mới có đột phá về phát triển như chúng ta ai cũng mong muốn. Còn không thì ngay cái mục tiêu rất khiêm tốn đến năm 2030 mà World Bank đã cùng vạch ra với chúng ta cũng khó đạt được, nói gì lặp lại cái kỳ tích trước đây của Hàn Quốc và một vài nước ở Đông Nam Á.

Ở Việt Nam, đi Uber rẻ hơn Grab

Với cả 2 chặng đi là 5 Km và 20 Km, đi Uber ở Việt Nam đều rẻ hơn Grab, lẫn taxi truyền thống, theo thống kê của iPrice.

Ở Việt Nam, đi Uber rẻ hơn Grab
Thị trường dịch vụ vận tải ở Đông Nam Á đang rất nhộn nhịp với sự cạnh tranh cùng lúc của nhiều startup nổi tiếng như Uber, Grab và cả các phương tiện vận tải truyền thống taxi, xe ôm, xích lô...
Giá cả ở mảng dịch vụ này đang vô cùng hấp dẫn với người sử dụng, do nhu cầu cạnh tranh cao giữa các hãng.
Nhờ vậy, mọi hành khách đến du lịch ở các nước Đông Nam Á, giờ đây đều có thể "thuê" ô tô trong tích tắc, cả ngày lẫn đêm chỉ với một chiếc smartphone.
Nhìn chung, mức giá các dịch vụ này rẻ hơn nhiều so với taxi truyền thống. Nhưng liệu đó là phương án "rẻ tiền" nhất chúng ta có thể lựa chọn?
Sau đây là bảng so sánh giá cước giữa các hãng Grab, Uber và taxi nội địa ở các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á:
Cụ thể:
- Việt Nam là quốc gia có chi phí taxi, Uber hay Grab đắt gần nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ rẻ hơn mỗi Singapore, đắt hơn các nước còn lại là Thái Lan, Malaysia, Indonesia...
- Với cả 2 chặng đi là 5 Km và 20 Km, đi Uber ở Việt Nam đều rẻ hơn Grab, lẫn taxi truyền thống.
- Cùng một chặng đi, dù cước vận chuyển của Uber tại Việt Nam nói chung chiếm tỉ trọng rất cao, bù lại cước thời gian lại khá rẻ so với khu vực.

Sài Gòn Acoustic Điểm hẹn âm nhạc mộc mạc cho giới trẻ thành thị

Toạ lạc trên tầng 2 ngay giữa khúc giao Nguyễn Thị Minh Khai và Hai Bà Trưng, Với vị trí lý tưởng trong khu trung tâm SàiGòn, Sài Gòn Acoustic mang đến một không gian hiện đại, cách trang trí đầy phong cách và không khí âm nhạc thật sôi động. Chắn chắn bạn sẽ không hề muốn bỏ lỡ địa điểm thú vị này vào dịp cuối năm.

    Sài Gòn Acoustic Điểm hẹn âm nhạc mộc mạc cho giới trẻ thành thị
    Không chỉ đơn giản là thưởng thức âm nhạc mà khi đến với Sài Gòn Acoustic là sự trải nghiệm thú vị của một bữa tiệc âm nhac đầy màu sắc hoà quyện cùng những ly Cocktail ngọt ngào hay một chai bia mát lạnh cùng những món ăn thơm ngon hấp dẫn. Sài Gòn Acoustic là điểm đến vô cùng lý tưởng cho giới trẻ và văn phòng.
    Các band nhạc nổi tiếng như: FBand, Lava band, Monocycle band, The Zoo band… Sẽ luân phiên nhau trình diễn tại Sài Gòn Acoustic, cùng với đó là các ca sỹ đang được yêu thích hiện nay như: Ưng Đại Vệ, Hoàng Tôn, Nam Hương (Á quân The winner is), Thái Bảo Trâm, Nguyễn Huy…và band nhạc chính của Sài Gòn Acoustic sẽ mang lại cho bạn những đêm nhạc đầy sắc màu và thăng hoa.
    Nhóm FBand đưa khán giả trở về với thời hoàng kim thế hệ 8x của nhạc Việt.
    Lava band.
    Nam Hương Á Quân The Winner is.
    Khán giả đang bùng nổ cùng bữa tiệc âm nhạc thịnh soạn mà chỉ có tại SG Acoustic.
    Fly to Paradise.
    Cơm chiên trứng muối.

    Ông chủ Miti: Ngoài tiền thì điều gì tạo nên hạnh phúc?

    Từng làm bác sĩ, ông Nguyễn Trí Kiên đã nghiên cứu áp dụng nhuần nhuyễn kiến thức y khoa vào quản trị cuộc đời, quản trị con người trong kinh doanh.

    Ông chủ Miti: Ngoài tiền thì điều gì tạo nên hạnh phúc?
    Theo ông, mọi cảm xúc, suy nghĩ, quyết định của con người, mọi kết nối giữa con người với con người đều là hệ quả của năng lượng thể chất, năng lượng tình cảm, năng lượng trí tuệ và năng lượng tinh thần. Cũng như cơ thể con người, hoạt động của một công ty cũng dựa trên nguyên lý của sự hình thành bốn nguồn năng lượng ấy. Hiểu và biết cách khơi gợi khía cạnh tích cực của những năng lượng này, doanh nhân sẽ điều hành doanh nghiệp ngày càng phát triển.
    * Vì sao đang kinh doanh ông lại chuyển hướng nghiên cứu về quản trị năng lượng, quản trị cuộc đời?
    - Tôi đã từng trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống và trong kinh doanh. Vì thế, tôi nghiên cứu về quản trị năng lượng, quản trị cuộc đời để giải quyết vấn đề cá nhân và ứng dụng vào công ty.
    Tham gia điều hành Miti mấy chục năm nay, tôi thấy việc quản trị con người là điều khó nhất. Lãnh đạo giỏi chỉ là một yếu tố nhưng yếu tố quan trọng hơn để doanh nghiệp phát triển là doanh nhân phải có đội ngũ nhân sự không chỉ giỏi nghề mà phải có cuộc sống tinh thần tốt. Khi áp dụng kiến thức y khoa vào quản trị con người, tôi thấy mọi hoạt động của con người đều dựa vào bốn nguồn năng lượng: năng lượng thể chất, năng lượng tình cảm, năng lượng trí tuệ và năng lượng tinh thần.
    Đó cũng chính là bốn vấn đề của cuộc đời: sức khỏe, tình cảm, tâm lý và tinh thần. Tối ưu hóa bốn nguồn năng lượng (hay bốn vấn đề) này sẽ tạo được sự khác biệt trong quản trị doanh nghiệp.
    Tôi đến với lĩnh vực này là còn muốn để lại "di sản" cho con cái. Muốn vậy, phải xây dựng được bộ máy công ty hoạt động có tính tự động hóa. Và điều không gì khác hơn là phải tìm ra nguyên lý quản trị và vận hành bộ máy doanh nghiệp sao cho hợp lý nhất.
    Đã đọc cuốn sách Những điều hối tiếc trong cuộc đời, tôi thấy đến cuối cuộc đời, có nhiều điều khiến người ta cảm thấy tiếc nuối. Đó là sự hối tiếc về tình bạn, hối tiếc về cách sống với người khác, hối tiếc về việc không yêu bản thân mình. Tôi đã nhiều lần tự hỏi, trong cuộc đời, điều mình quan tâm đến là gì ngoài tiền bạc? Tôi đã nhận ra nhiều điều rất bổ ích trong việc quản trị năng lượng toàn diện và muốn chia sẻ với cộng đồng.
    Ảnh: Quý Hòa
    * Ông còn chia sẻ về giữ gìn tình yêu, hôn nhân hạnh phúc?
    - Ở khía cạnh tình cảm, cuộc sống của mỗi người gồm tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình (cha mẹ và con cái), mối quan hệ xã hội. Ở Mỹ, các nghiên cứu cho thấy có đến 80% những người thành công cảm thấy hạnh phúc và tự hào có mối quan hệ xã hội tốt.
    Một khi người lao động có gia đình không trọn vẹn, có vấn đề với cha mẹ, con cái thì không thể làm việc tốt được. Bởi thế, tôi muốn giúp họ giải quyết những vấn đề này thông qua việc khơi dậy những khía cạnh tích cực của các nguồn năng lượng bản thân. Những điều ấy tôi thể hiện qua những trang sách "quản trị cuộc đời" và những chia sẻ trong các lớp đào tạo nhân viên cũng như doanh nhân. Tôi sẽ theo đuổi nó đến cùng vì đó là sứ mệnh, giá trị sống của bản thân.
    Vào năm sau, tôi tin khi cuốn sách ra mắt sẽ được độc giả đón nhận, vì cho đến thời điểm này chưa có một cuốn sách nào đúc kết về quản trị cuộc đời theo kiểu y khoa. Những đề tài khác có thể người ta viết theo hướng nghiên cứu tâm lý con người qua những quan sát bên ngoài, còn tôi nghiên cứu dựa trên nguyên lý hoạt động của não bộ.
    * Việc quản trị năng lượng con người được ứng dụng như thế nào tại Miti và hiệu quả mà nó mang lại ra sao, thưa ông?
    - Người lãnh đạo phải làm sao tối ưu hóa năng lực của nhân viên. Muốn vậy, phải đầu tư cho công tác đào tạo.
    Tại Việt Nam, các lãnh đạo doanh nghiệp luôn đòi hỏi nhân viên phải có những ý tưởng hay ho nhưng nhiều người không hiểu sự sáng tạo của con người lệ thuộc rất nhiều vào tình cảm của chính người đó. Nếu cảm xúc, tư duy của người ta tiêu cực thì làm sao có thể sáng tạo.
    Hơn ai hết, các lãnh đạo doanh nghiệp phải là người chia sẻ, truyền động lực, sự đam mê, niềm tin, mục tiêu, sứ mệnh, giá trị đến từng nhân viên. Những điều này là rất cần nhưng không nhiều doanh nhân làm được vì không biết bắt đầu từ đâu và làm như thế nào.
    Ở công ty chúng tôi không thường xuyên họp bộ phận bán hàng nhưng khi đã họp thì điều đầu tiên tôi nói với họ là các bạn có biết sứ mệnh của mỗi một người trong bộ phận này sẽ nuôi năm công nhân và giải quyết cuộc sống của năm gia đình. Ngoài sứ mênh phục vụ khách hàng, mang lại sự hài lòng cho khách hàng, những nhân viên này còn nhận ra sứ mênh lớn lao của họ và cảm thấy hạnh phúc vì giá trị của mình được công nhận.
    Để có những nhân lực cống hiến cho Công ty, chúng tôi trang bị hai phòng đào tạo để đào tạo nhân viên mỗi tuần và 60% chương trình đào tạo đều hướng đến mục đích làm cho nhân viên hạnh phúc. Hầu hết các công ty đào tạo đều hướng đến mục tiêu bán được hàng, tạo ra doanh thu, nhưng cách này sẽ khiến nhân viên càng ngày càng bị áp lực.
    Chương trình đào tạo của chúng tôi chỉ nhằm giải quyết các suy nghĩ tiêu cực, giải quyết những tắc nghẽn trong các mối quan hệ của nhân viên với cha mẹ - con cái, vợ chồng khiến họ không hạnh phúc. Chỉ khi giải quyết được những vấn đề này, nhân viên mới có thể làm việc tốt. Chúng tôi còn tổ chức các khóa đào tạo về tâm linh, thiền và các chương trình tạo sự gắn kết giữa nhân viên với nhau.
    Trong điều kiện có thể, chúng tôi tạo môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động bằng cách tổ chức tập thể dục giữa giờ, không tăng ca... Chính nhờ quản trị năng lượng toàn diện, sức sáng tạo của nhân viên cũng như bản thân tôi khá tốt, và mọi hoạt động trong Công ty đều thông suốt.
    * Miti từng đưa ra thị trường cặp siêu nhẹ đầu tiên tại Việt Nam, vừa ra mắt "cặp chống gù lưng" cho học sinh và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế. Ông nghĩ gì về chuyện hàng Trung Quốc đã bị đầy lùi?
    - Không nói quá nhưng việc đánh bật hàng Trung Quốc có công rất lớn của Miti. Sau hai năm hợp tác với một thương nhân Đài Loan, chúng tôi đã học được phương pháp sản xuất một sản phẩm chất lượng tốt cũng như xây dựng thương hiệu. Chúng tôi xây dựng được thương hiệu với tên viết tắt Miti và slogan "Luôn luôn bên bạn" khiến người tiêu dùng đánh giá cao chất lượng sản phẩm của Công ty May túi xách Minh Tiến.
    Tiếp đó, năm 2000, chúng tôi lại được một ân nhân khác "chỉ điểm" loại nhựa nguyên sinh không độc hại, bền và rất nhẹ. Cũng nhờ đó, năm 2002, sau hai năm mày mò nghiên cứu, chiếc cặp siêu nhẹ với 600 gram (bằng 1/3 trọng lượng cặp trước kia) thương hiệu Miti ra đời. Khởi đầu từ sản phẩm của chúng tôi, chỉ một năm sau, thị trường cặp siêu nhẹ bùng nổ và đã đánh bật được cặp xách Trung Quốc vốn thống lĩnh thị trường Việt Nam.
    Đó là nhờ vào việc ứng dụng công nghệ mới mà đã vực dậy một ngành nghề và tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm. Chính chiếc cặp siêu nhẹ đã làm thay đổi cái nhìn của người tiêu dùng về hàng Việt và cũng nhờ vậy, cặp táp Việt chiếm lĩnh thị trường. Từ đó, hàng trăm cơ sở mọc ra và cũng nhờ vậy mà ngành này mới sống lại và phát triển như ngày nay.
    Tiếp đà thành công của cặp siêu nhẹ, chúng tôi sản xuất túi xách, vali cũng... siêu nhẹ. Chỉ một năm xuất hiện, vali siêu nhẹ Miti nhận được tín hiệu khá tốt từ thị trường khi mỗi tháng bán ra gần 10.000 chiếc.
    Để đa dạng sản phẩm, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng, năm 2015, chúng tôi ra thêm túi xách cho giới văn phòng mang thương hiệu Bavio. Hiện tại chúng tôi chưa đẩy mạnh dòng sản phẩm này nhưng tín hiệu thị trường khá tốt. Ngoài hơn 100 cửa hàng Miti, chúng tôi đã đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị Co.opmart.
    * Ông có thể chia sẻ thêm về hoạt động đổi mới sáng tạo tại Miti?
    - Để có một sản phẩm mới, chúng tôi phải nghiên cứu cả năm trời, thậm chí đến vài năm. Từ ý tưởng đến thiết kế phải mất một năm và phải làm đi làm lại rất nhiều lần, tốn kém rất nhiều. Từ cặp siêu nhẹ, chúng tôi cải tiến thêm cặp đổi hình và giờ là cặp chống gù lưng. So với cặp chống gù lưng của Nhật Bản thì sản phẩm của chúng tôi vượt trội về mặt thiết kế.
    Cặp của chúng tôi được thiết kế cong theo xương lưng, phần trọng lực tỳ vào xương hông giúp dàn đều trọng lực của chiếc cặp trên cơ thể trẻ. Nhờ đó, trẻ không bị vẹo, lệch cột sống.
    Nhưng để sản phẩm được thị trường chấp nhận là cả một chặng đường mà Miti phải trải qua ngoài việc phải liên tục nghiên cứu, cải tiến nhằm mang lại những sản phẩm chất lượng cao nhất cho người sử dụng, chúng tôi phải làm sao thuyết phục được người tiêu dùng. Chỉ có doanh nghiệp thuyết phục người tiêu dùng sử dụng sản phẩm không thôi chưa đủ mà còn rất cần sự chung tay của các cơ quan, ban ngành.
    Điều này đã được chứng minh từ thực tế của chiếc cặp chống gù lưng của Nhật Bản. Mặc dù cặp không có nhiều chức năng để chống gù lưng nhưng với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, chiếc cặp này vẫn được dùng trong tất cả trường học và không có sản phẩm của nước nào có thể xâm nhập thị trường Nhật.
    Muốn thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về chiếc cặp chống gù lưng của Việt Nam, chúng tôi cần sự tiếp sức từ Chính phủ mà cụ thể là của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Có như vậy mới có thể ngăn chặn các sản phẩm từ Nhật tràn sang.
    * Rất tâm đắc với đề tài "quản trị cuộc đời", quản trị năng lượng và dành nhiều công sức cho nó, vậy thời gian nào ông tập trung cho kinh doanh?
    - Tôi vẫn điều hành Công ty và việc kinh doanh vẫn tiến triển. Nhân tố quan trọng nhất trong hoạt động của một công ty là con người, và hoạt động của bộ máy ấy do con người quyết định. Nếu đã giải quyết được vấn đề con người thì có thể làm được mọi việc.
    * Cám ơn ông về những chia sẻ thú vị!

    Tiếp thị mạng xã hội 2017: 5 xu hướng cần quan tâm

    Cùng với các công nghệ mới gồm các thiết bị di động, truyền thông xã hội liên tục vượt xa kỳ vọng của người dùng và tự cạnh tranh để mang lại nhiều tính năng hơn. Dưới đây là những lưu ý khi xây dựng chiến lược tiếp thị nội dung và SEO năm 2017.

    Tiếp thị mạng xã hội 2017: 5 xu hướng cần quan tâm
    1. Snap mở ra những cơ hội mới. Snapchat (hay còn gọi là Snap) đã biến đổi kỳ vọng của người dùng và các xu hướng chính trong tiếp thị mạng xã hội, đem lại cái nhìn tập trung vào khoảnh khắc nhiều hơn, tạo điều kiện phát triển các ứng dụng di động tập trung hơn và đặc biệt là đưa "video dọc" thành xu hướng mới.
    Đa phần người dùng ít khi xoay điện thoại khi quay video. Snapchat chính là mạng xã hội đầu tiên cung cấp tính năng quay và xem video theo chiều dọc.
    Snap vừa giới thiệu kính thực tế ảo, giúp người dùng trải nghiệm những thông tin trực quan từ góc nhìn thứ nhất và đó là cơ hội tiếp thị khổng lồ trong năm 2017.
    2. "Lan tỏa" - mong muốn mới của người dùng. Người dùng dần yêu cầu các phương tiện truyền thông xã hội phải đóng vai trò dẫn dắt những trải nghiệm mang tính lan tỏa hơn.
    Giờ đây, việc chỉ đăng các trạng thái cảm xúc về một sự kiện nào đó là chưa đủ, bạn cần cho mọi người thấy sự kiện đó thực sự diễn ra như thế nào. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được với những công cụ như video trực tiếp, hình ảnh và video 360 độ, thậm chí là những bài đăng thời gian thực.
    3. Xuất hiện lĩnh vực truyền thông mới. Trước đây, truyền thông mạng xã hội tồn tại như một phương thức để các cá nhân giao tiếp trực tuyến. Khi các thương hiệu phát triển, nó cũng trở thành cầu nối để giao tiếp và quảng cáo tới người tiêu dùng. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông xã hội đang phát triển theo hướng truyền tải thông tin một cách mới mẻ. Một số nền tảng cung cấp dịch vụ khách hàng, tăng tầm quan trọng và tính tương tác trong việc trao đổi giữa thương hiệu và người dùng.
    4. Quảng cáo sẽ trở lại thời kỳ "Phục Hưng". Mức độ hiển thị các kết quả tìm kiếm tự nhiên ngày càng suy giảm, nhưng vẫn có tác dụng khiến các doanh nghiệp phải mua quảng cáo.
    Cạnh tranh và áp lực thu hút hoặc duy trì lợi ích cũng buộc các nền tảng mạng xã hội phải lựa chọn các quảng cáo khéo léo và sáng tạo hơn. Khi những yếu tố này kết hợp, quảng cáo trên mạng xã hội sẽ hồi sinh vào năm 2017.
    5. Cảm hứng và sáng tạo sẽ trở thành xu thế. Các bài viết thực tế rất được người dùng chú ý, nhưng những bài giàu cảm xúc vẫn được lan tỏa nhiều hơn. Tuy nhiên, những bài viết truyền cảm hứng và sáng tạo mới là đối thủ nặng ký, hứa hẹn thành công trên các phương tiện truyền thông xã hội. Điều này thúc đẩy việc sàng lọc, loại bỏ những quảng cáo không mấy ấn tượng, đem đến cho người dùng những giá trị thật sự.

    Lời hứa "suông" của các ngân hàng

    Bao năm trôi qua, vẫn chỉ có 9 ngân hàng đang niêm yết cổ phiếu trên hai sàn chứng khoán, gồm các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, một số ngân hàng TMCP như ACB, Eximbank, Sacombank, MBB, SHB và NCB mà chưa hề có thêm một “tân binh” nào.

    Lời hứa "suông" của các ngân hàng
    Hồi đầu năm 2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từng có văn bản số 657/NHNN-TTGSNH yêu cầu các chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố tiếp tục đôn đốc các ngân hàng thương mại cổ phần đặt trụ sở chính trên địa bàn chưa niêm yết cổ phiếu hoàn thiện kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Theo Ngân hàng Nhà nước, việc niêm yết nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. Đồng thời, tăng cường kiểm soát và bóc tách dần tình trạng sở hữu chéo.
    Liên tục lỡ hẹn
    Nhiều kỳ họp ĐHCĐ, cổ đông của các ngân hàng gồm MaritimeBank , Nam Á, VIB , PVcomBank... đã hối thúc ban lãnh đạo nhanh chóng thực hiện nghị quyết về việc niêm yết. Năm nay, cổ đông nhắc lại kế hoạch niêm yết đã bị “bỏ quên” khiến cổ đông khó chuyển nhượng cổ phiếu, giá trị cổ phần giảm mạnh…
    Cổ đông của ngân hàng VPBank cũng rất sốt ruột về kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán của ngân hàng. Giải đáp thắc mắc này, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT đã cho biết, theo quy định hết năm 2016 các ngân hàng phải lên sàn hoặc niêm yết Upcom, do đó, VPBank đang tiến hành các thủ tục để lên sàn theo đúng tiến độ theo quy định của NHNN. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng, ngân hàng vẫn đang chờ các hướng dẫn cụ thể của UBCKNN. Song, chỉ còn 1 tháng nữa là hết năm, đến nay phía VPBank vẫn chưa có thông tin cụ thể về câu chuyện này.
    Nam Á là một trong những ngân hàng rục rịch kế hoạch lên sàn từ khá lâu. Trong năm 2015, ĐHĐCĐ của ngân hàng đã thông qua tờ trình tiến hành niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Theo ban lãnh đạo ngân hàng này, Nam A Bank đã đủ các điều kiện để tiến hành hoàn tất thủ tục để niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm 2015. Tuy nhiên kết thúc năm vừa qua, ngân hàng một lần nữa lại lỡ hẹn.
    Tại đại hội cổ đông thường niên 2016, cổ đông ngân hàng cũng nhắc lại chuyện cũ, đại diện Nam A Bank lý giải nguyên nhân do thị trường không thuận lợi, đặc biệt là ngành ngân hàng, cổ phiếu kém hấp dẫn với nhà đầu tư.
    Trong năm 2016 này, Nam A Bank tiếp tục trình cổ đông thông qua chủ trương niêm yết chứng khoán và ủy quyền cho Hội đồng quản trị chọn thời điểm thực hiện trên cơ sở cân nhắc diễn biến của thị trường. Nhưng những gì cổ đông mong mỏi chắc chắn không thể trở thành hiện thực trong năm nay.
    Một cái tên khác là Maritime Bank. Do ngân hàng đã lỡ hẹn niêm yết nhiều năm nên các cổ đông MaritimeBank đề nghị đưa ngay nội dung “thực hiện niêm yết cổ phiếu MSB lên sàn chứng khoán theo quy định pháp luật” bổ sung vào nghị quyết của ĐHCĐ thường niên 2016. Quy mô vốn điều lệ của MaritimeBank đã đạt mức 11.750 tỷ đồng sau sáp nhập MekongBank nên số lượng cổ phiếu niêm yết sẽ rất lớn, hơn 1.175 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, lãnh đạo MaritimeBank chưa cho biết lộ trình cụ thể về kế hoạch lên sàn vào thời điểm nào.
    Cũng chung hoàn cảnh, cổ đông PVcomBank đã nhiều lần đề cập đến việc đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán, thế nhưng theo lãnh đạo của ngân hàng này, việc niêm yết như thế nào và thời gian cụ thể còn phải phụ thuộc vào quy định của Nhà nước.
    Lãnh đạo PVcomBank cho biết hiện nay ngân hàng đang phụ thuộc hành lang pháp lý rất lớn trong đề án tái cấu trúc, hướng tới ngân hàng ổn định trong tương lai, đây cũng là vấn đề chính yếu, xương sống của đề án. Vì vậy thời điểm hiện nay chưa phải là lúc thích hợp để niêm yết, do cả yếu tố khách quan từ thị trường.
    Nhiều lý do để chần chừ
    Thực tế một vài năm trước, khá nhiều ngân hàng từng có ý định lên niêm yết, nhưng kế hoạch vẫn chỉ "nằm trên giấy" với lý do thị trường chứng khoán không thuận lợi hoặc phải ưu tiên cho những mục tiêu khác như xử lý tồn động sau sáp nhập, mua bán công ty tài chính, chiến lược tranh giành thị phần bán lẻ...
    Ngoài ra khi niêm yết, các ngân hàng sẽ buộc phải hoạt động minh bạch, tuân thủ quy định khắt khe về công bố thông tin, đảm bảo tài chính lành mạnh, lợi nhuận tốt để cổ phiếu luôn hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư, đồng thời sẽ tạo nguồn cung hàng hoá mới phong phú, chất lượng.
    Nhiều lãnh đạo ngân hàng lý giải do yếu tố khách quan diễn biến thị trường thời gian qua chưa thuận lợi, cổ phiếu ngành ngân hàng đã qua thời "cổ phiếu vua" nên niêm yết sẽ không có lợi nhiều cho cổ đông…
    Trong số những lời hứa hẹn, may chăng VIB thực hiện được. Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, theo kế hoạch được đại hội cổ đông thông qua, VIB dự kiến niêm yết trên thị trường chứng khoán năm 2018. Song, hiện tại, VIB đã sẵn sàng niêm yết trên sàn UPCoM vào đầu năm 2017.
    Trao đổi với chúng tôi về tình hình ngân hàng "lên sàn", một chuyên gia tài chính cho rằng việc yêu cầu này dường như vẫn là xa xôi và sẽ chỉ dành cho các ngân hàng đã đủ điều kiện niêm yết, còn với các ngân hàng có tình hình tài chính chưa đủ chuẩn thì sẽ tiếp tục tái cơ cấu, giải quyết nợ xấu, tồn đọng cần xử lý trong hoạt động kinh doanh. Việc ngân hàng niêm yết cổ phiếu tại các sàn chứng khoán trong bối cảnh hiện nay là khá bất lợi do thị trường còn nhiều khó khăn. Do đó, thời gian ngắn tới khả năng thị trường vẫn chưa thể đón nhận một làn sóng niêm yết mới.​

    T&A Ogilvy - đơn vị đứng sau tài trợ cho cuộc khảo sát nước mắm thất thiệt của Vinatas là ai?

    Nhắc đến T&A Ogilvy, không thể không nhắc đến một nhân vật quan trọng, người được coi là "linh hồn" của doanh nghiệp này, chính là sáng lập viên T&A Communications, Tổng giám đốc T&A Ogilvy - ông Nguyễn Thanh Sơn.

    T&A Ogilvy - đơn vị đứng sau tài trợ cho cuộc khảo sát nước mắm thất thiệt của Vinatas là ai?
    Ông Nguyễn Thanh Sơn, Công ty TNHH Liên Doanh T&A Ogilvy,
    "Công ty TNHH Liên Doanh T&A Ogilvy là doanh nghiệp tài trợ cho Hội bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) thực hiện cuộc khảo sát và kiểm nghiệm hàm lượng Arsen trong nước mắm, tổ chức họp báo công bố gây hoang mang dư luận, mất niềm tin vào sự an toàn của nước mắm truyền thống". Đó là thông tin được công bố tại Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 29/11/2016.
    T&A Ogilvy là ai?
    Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty TNHH Liên Doanh T&A Ogilvy (gọi tắt là T&A Ogilvy) là một doanh nghiệp truyền thông khá có tiếng ở trong nước. Công ty này là đơn vị tư vấn cho nhiều doanh nghiệp lớn như Masan Group, Sovico Group, Tân Hiệp Phát, Vietnam Airlines, Vinamilk, VNG, cũng như hàng chục các thương hiệu quốc tế khác.
    Ban đầu, Công ty TNHH Tư vấn Truyền thông T&A (T&A Communications), tiền thân của T&A Ogilvy, được sáng lập vào tháng 11/1996, bởi ông Nguyễn Thanh Sơn.
    Từ năm 2002, T&A Communications bắt đầu hợp tác với Ogilvy Public Relations Group (công ty con thuộc tập đoàn truyền thông thương hiệu WPP - Mỹ).
    Năm 2009, Ogilvy & Mather, công ty truyền thông thuộc Tập đoàn WPP (Mỹ), công bố việc nắm giữ đa số cổ phần của Công ty TNHH Tư vấn Truyền thông T&A (T&A Communications) và đổi tên thành T&A Ogilvy.
    T&A-Ogilvy sẽ hợp thức hóa mối quan hệ hợp tác đã có từ năm 2002 giữa T&A Communications và Ogilvy Public Relations Group.
    Thỏa thuận cho phép T&A-Ogilvy trở thành một phần của nhóm các công ty thuộc Ogilvy & Mather Group hiện đang hoạt động tại Việt Nam, gồm các công ty con là Ogilvy & Mather Advertising, Ogilvy Public Relations, Ogilvy One, Ogilvy Action, và Redworks. (Cụ thể, T&A Ogilvy là thành viên trực thuộc hệ thống Ogilvy Public Relations Worldwide).
    Số cổ phần mà Ogilvy & Mather mua lại của T&A được cho là khoảng 60%, trong khi giá trị của thương vụ không được tiết lộ.
    Hiện T&A Ogilvy có gần 70 nhân viên tư vấn, với danh sách khách hàng lên đến 30 thương hiệu lớn cả trong và ngoài nước.
    Tập đoàn mẹ của T&A Ogilvy - WPP (Wire and Plastic Product Plc) là một công ty quảng cáo và quan hệ công chúng đa quốc gia có trụ sở chính tại London (Anh), văn phòng điều hành tại Dublin, Ireland. Đây là công ty quảng cáo lớn nhất thế giới tính theo doanh thu, và tuyển dụng khoảng 162.000 người trong 3.000 văn phòng trên khắp 110 quốc gia.
    Công ty sở hữu một khối lượng lớn các công ty quảng cáo, mạng lưới quan hệ công chúng và nghiên cứu thị trường, bao gồm Gray, Burson-Masterler, Hill&Knowlton, JWT, Ogilvy Group, TNS, Young & Rubicam và Cohn & Wolfe.
    Năm 2008, thông qua Group M, WPP cũng mua cổ phần tại Smart Media và ba công ty con của Đất Việt VAC Group Holdings.
    Ông Nguyễn Thanh Sơn - "Linh hồn" của T&A Ogilvy
    Nhắc đến T&A Ogilvy, không thể không nhắc đến một nhân vật quan trọng, người được coi là "linh hồn" của doanh nghiệp này, chính là sáng lập viên T&A Communications, ông Nguyễn Thanh Sơn.
    Theo thông tin trên website của T&A Ogilvy đến thời điểm hiện tại (30/11/2016), ông Nguyễn Thanh Sơn đang đảm trách chức vụ Tổng giám đốc T&A Ogilvy.
    Giới truyền thông & marketing trong nước có lẽ không ai không biết đến danh tiếng ông Nguyễn Thanh Sơn với tư cách là một chuyên gia truyền thông & PR có tiếng.
    Theo giới thiệu trên trang web chính thức của T&A Ogilvy, vai trò chính của ông Sơn ở T&A Ogilvy hiện nay là lập kế hoạch tổng thể, điều phối hoạt động của các bộ phận nghiên cứu, phát triển chiến lược và dịch vụ sáng tạo để xây dựng các chiến lược truyền thông cho các khách hàng Việt Nam và quốc tế.
    Ông Nguyễn Thanh Sơn.
    Ông Nguyễn Thanh Sơn.
    Ông Sơn từng là cố vấn về phát triển thương hiệu và chiến lược truyền thông cho các thương hiệu lớn của Việt Nam như Masan Group, Sovico Group, Tân Hiệp Phát, Vietnam Airlines, Vinamilk, VNG, cũng như hàng chục các thương hiệu quốc tế khác, với kinh nghiệm trải dài trong các lĩnh vực từ công nghiệp nặng (Boeing, GE, Tata, SCG, Ford) hàng tiêu dùng (Diegeo, Unilever, Nestle, Johnson&Johnson), công nghệ-viễn thông (Yahoo! Western Digital, Beeline) dược phẩm (GSK, Roche) đến tài chính-ngân hàng (Standard Chartered Bank, Temasek và Visa)…
    Ông Sơn còn phụ trách vai trò tư vấn cho Chương trình Thương hiệu Việt nam, và các tổ chức quốc tế khác như Danida và USAID
    Sinh ra tại Hà Nội, ông Sơn tốt nghiệp trường ĐH Quan hệ Quốc tế Matxcơva với bằng Thạc sỹ Báo chí Quốc tế năm 1994.
    Ông Nguyễn Thanh Sơn cũng đã nhận học bổng nghiên cứu của Cơ quan Thông tấn Hoa Kỳ (USIS Business Fellow – khóa 2002), Quĩ Rockefeller (Rockefeller Fellow – khóa 2005) và học bổng Chương trình Lãnh đạo châu Á của chính phủ Nhật Bản (Asia Leadership Fellow Program).
    Trước khi thành lập T&A, ông Nguyễn Thanh Sơn là chuyên viên Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam tại các nước ASEAN và Hoa Kỳ.
    Ông Nguyễn Thanh Sơn đã từng tham gia giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Yonsei (Hàn Quốc), Đại học Kyoto & Đại học Sophia (Nhật Bản)
    Ông Sơn cũng là người sáng lập và Giám đốc Công ty Sunny Vales, chuyên về các giải pháp marketing trên Internet, và là đối tác liên doanh của Yahoo! Đông Nam Á trong công ty Yahoo! Việt nam.
    Ngoài ra, ông là cổ đông và thành viên Ban Giám đốc của Forinco Invest – một công ty đầu tư tập trung vào xây dựng và điều hành các trung tâm chữa trị ung thư tại Việt Nam.

    Thứ Ba, 29 tháng 11, 2016

    Để có đất sống tại phân khúc điện thoại tầm trung Việt Nam, cả Samsung, Oppo và Vivo đang phải chạy theo yếu tố này

    Màn nhập cuộc ấn tượng của smartphone selfie Vivo V5 sẽ khiến cuộc đua ở phân khúc smartphone tầm trung Việt Nam trở nên sôi động hơn bao giờ hết. 

    Để có đất sống tại phân khúc điện thoại tầm trung Việt Nam, cả Samsung, Oppo và Vivo đang phải chạy theo yếu tố này
    Trong bối cảnh, phân khúc smartphone cao cấp và giá rẻ đang trở thành cuộc đua khốc liệt giữa các nhà sản xuất lớn, điện thoại tầm trung được xem là mảnh đất màu mỡ tại Việt Nam - lâu nay vẫn chưa có ngôi vua.
    Tại phân khúc này, người dùng Việt Nam thường có xu hướng "chi mạnh tay" hơn thay vì mua sản phẩm giá rẻ. Nhưng đi đôi với đó là mong muốn được sở hữu những tính năng chỉ có trên dòng sản phẩm cao cấp.
    Bài toán lúc này đặt ra, làm sao để smartphone không quá đắt, mà vẫn đáp ứng được nhu cầu trẻ, khỏe, tốt của người dùng Việt?
    Không phải thiết kế, vì nay một chiếc điện thoại 2 triệu cũng được trang bị vỏ kim loại, kết cấu nguyên khối.
    Không phải cấu hình, vì nay một chiếc điện thoại 3 triệu cũng sở hữu RAM 3 GB, vi xử lý lõi 8 và chạy nền tảng Android mới.
    Đó là phải selfie, là nâng cao trải nghiệm camera phía trước!
    Tại sao vậy?
    Xu hướng chung của dòng smartphone giá rẻ hiện nay là đua cấu hình, đua thiết kế nguyên khối, nhưng hiếm có sản phẩm nào đáp ứng được nhu cầu của người dùng Việt nói riêng, người dùng thế giới nói chung: đó là selfie.
    Như Xiaomi - một hình mẫu thương hiệu điện thoại giá rẻ là ví dụ, từ dòng Xiaomi Redmi Note cho tới Xiaomi Mi, công ty Trung Quốc này chỉ tập trung vào các yếu tố như cấu hình khỏe, pin cao, màn hình lớn, mà chưa bao giờ chạm tay được vào tiêu chí camera đẹp.
    Rõ ràng, một khi đã tập trung phần lớn nguồn lực vào RAM, chip hay vỏ kim loại, chi phí dành cho camera tất nhiên phải giảm đi. Vậy thì làm sao camera trước/sau trên điện thoại có thể cho ra được những tấm hình đẹp được?
    Điều này đồng nghĩa, muốn chụp ảnh đẹp hơn, người dùng buộc phải tìm tới phân khúc mới: smartphone tầm trung. Và đây cũng chính là tiền đề cho Samsung, OPPO cũng như Vivo bắt đầu một cuộc khốc liệt tại thị trường di động Việt Nam.
    Cuộc chiến smartphone selfie đang ngày một nóng
    Thị trường nào cũng vậy, luôn cần 2 thương hiệu để làm nên một cuộc đua hấp dẫn. Pepsi luôn phải cạnh tranh với Coca, Apple muốn tồn tại cũng phải cần tới Samsung, thì ở phân khúc smartphone tầm trung Việt Nam, Samsung và OPPO được coi là cuộc đua cân sức.
    Cuộc đua này thể hiện qua màn rượt đuổi doanh số giữa 2 đại diện là Samsung Galaxy J7 Prime và OPPO F1s. Khi thì Galaxy J7 Prime đạt doanh số 200.000 máy, khi thìOPPO F1s bán được xấp xỉ 400.000 smartphone.
    Nhưng tựu chung lại, dù cho có đưa ra những hình thức quảng cáo khác nhau thế nào, cả 2 smartphone này vẫn phải xoay quanh yếu tố: nâng cao trải nghiệm selfie. Bởi chỉ có selfie, smartphone tầm trung trong khoảng 6 triệu mới thỏa mãn được điều kiện: giá tốt và có tính năng hữu ích.
    Công bằng mà nói, điều này kiện ở trên không phải do bất kì nhà sản xuất, hay nhà quản lí nào đặt ra. Mà đơn giản, đây là nhu cầu thiết yếu từ phía khách hàng - khi đối tượng của phần lớn smartphone tầm trung hiện có trên thị trường đều là người trẻ.
    Tất nhiên, Samsung và OPPO không phải những nhà sản xuất duy nhất nhìn ra bài toàn trên. Bởi mới đây, người anh em của OPPO - nhà sản xuất Vivo đã đem về Việt Nam chiếc smartphone V5 có giá chưa tới 6 triệu đồng.
    Vivo không chỉ học theo công thức của Samsung, hay OPPO, mà còn làm tốt hơn ở khoản thông số, tạo ấn tượng với giới trẻ, như camera selfie lên tới 20 MP (thông số này cao hơn F1s - 16 MP) do Sony sản xuất, RAM 4 GB (nhiều hơn Galaxy J7 Prime - 3 GB).
    Tuy sinh sau đẻ muộn, nhưng chỉ bằng 1 smartphone duy nhất, Vivo đã vượt mặt cả 2 đàn anh nhờ bí quyết: học theo và làm tốt hơn.
    Chắc chắn một điều, doanh số của Vivo V5 sẽ khó lòng vượt qua được Galaxy J7 Prime hay OPPO F1s, nhưng bù lại, màn nhập cuộc ấn tượng của nhà sản xuất này sẽ khiến cuộc đua ở phân khúc smartphone tầm trung Việt Nam trở nên sôi động hơn bao giờ hết.

    Sự thật về 1 Startup lên báo: Được tung hô, định giá 9 tỷ USD, chưa đầy một năm đã bị kiện vì 'lừa nhà đầu tư'

    Theranos bị cáo buộc quảng cáo sai sự thật nhằm nhận tiền từ nhà đầu tư.

    Sự thật về 1 Startup lên báo: Được tung hô, định giá 9 tỷ USD, chưa đầy một năm đã bị kiện vì 'lừa nhà đầu tư'
    Ngày hôm qua, Robert Colman - đồng sáng lập công ty dịch vụ tài chính Robertson Stephens & Co đã nộp đơn kiện Theranos - startup xét nghiệm máu vì cam kết sai sự thật về hoạt động và công nghệ, nhằm nhận tiền từ nhà đầu tư.
    Cụ thể theo đơn kiện nộp lên tòa án liên bang San Francisco, năm 2013 Colman - người được biết đến là nhà đầu tư tiên phong tại Thung lũng Silicon đã rót tiền vào hãng xét nghiệm máu Theranos của Elizabeth Holmes thông qua một quỹ đầu tư mạo hiểm có tên Lucas Venture Group.
    Theo đó, Colman đã đồng ý đầu tư vào Theranos sau khi nhà sáng lập Lucas Venture - Donald A. Lucas viết một lá thư gửi tới ông nói rằng phía Theranos chào mời Lucas mua 15 triệu USD cổ phiếu vào ngày 9/9/2013.
    Lucas cho biết đây là một phần "kế hoạch mở rộng" của vòng huy động vốn bắt đầu năm 2010.
    Cùng ngày đó, Theranos và chuỗi hiệu thuốc Walgreens đưa ra thông báo về thỏa thuận mang tên "hợp tác dài hạn để đưa thiết bị xét nghiệm của Theranos vào các cửa hàng của Walgreens trên cả nước".
    Thông báo cho biết Theranos "có khả năng tiến hành các bài xét nghiệm trên mẫu máu nhỏ" và "hạn chế tối đa sai sót của con người thông qua tự động hóa, nhằm cho ra kết quả chính xác nhất".
    Đơn kiện của Colman cáo buộc công ty đã quảng cáo sai sự thật, đồng thời trích dẫn các kết quả điều tra của giới chức Mỹ. Đơn kiện còn có một nguyên đơn khác là bà Hilary Taubman-Dye. Bà cho biết mình đã mua cổ phiếu Theranos trên SharesPost - website đóng vai trò môi giới bán các cổ phiếu công ty tư nhân.
    Trên thực tế, khoảng giữa năm nay, Theranos đã gây ồn ào với cáo buộc kết quả kiểm tra không chính xác và bị điều tra. Ngoài ra còn có thông tin tiết lộ doanh thu hàng năm của Theranos ít hơn 100 triệu USD khiến Forbes hạ mức định giá của công ty.
    Cũng chính bởi vậy, Forbes đã có bài viết phân tích rằng giá trị thực của Theranos chỉ vào khoảng 800 tiệu USD, thay vì con số 9 tỉ USD. Theo VC Experts - công ty nghiên cứu tư nhân, giá trị tài sản của công ty hiện nay bao gồm quyền sở hữu trí tuệ và 724 triệu USD vốn góp từ nhà đầu tư.
    Ở mức định giá thấp, số cổ phần của Holmes gần như có giá trị bằng 0. Chưa kể tới việc tại công ty, các nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu ưu đãi sẽ được trả cổ tức trước Holmes - người sở hữu cổ phiếu thường.
    Nhìn chung thời điểm hiện tại, công ty Theranos nói chung và nữ tỷ phú trẻ tuổi xinh đẹp Holmes nói riêng là vô cùng khó khăn.
    Tuy nhiên trước những cáo buộc kể trên, phía công ty khẳng định vẫn sẽ kháng cáo với các lệnh trừng phạt của giới chức và hợp tác với các cuộc điều tra dân sự lẫn hình sự liên bang.
    Đây là đơn kiện thứ 3 mà các nhà đầu tư của Theranos nộp lên tòa từ ngày 10/10. Tháng này, Walgreens cũng kiện Theranos tại tòa án ở Delaware, đòi bồi thường 140 triệu USD thiệt hại.
    Đây là số tiền Walgreens đã đầu tư vào thương vụ hợp tác với Theranos. Theranos thì cho biết các vụ kiện trước đều không có căn cứ và sẽ chống lại đến cùng.

    Samsung Electronics chính thức lên tiếng về tái cơ cấu

    Hãng điện tử Samsung cho biết sẽ tăng cổ tức và cân nhắc tái cơ cấu trong bối cảnh phải đối mặt với ngày càng nhiều yêu cầu cải cách bộ máy quản lý. 

    Samsung Electronics chính thức lên tiếng về tái cơ cấu
    Hôm 29/11, công ty Hàn Quốc cho biết sẽ dùng 50% trong dòng tiền tự do để trả cho cổ đông trong năm nay và năm sau. Cuối tháng 9, Samsung có trong tay hơn 70 nghìn tỷ won tiền mặt sau khi trừ nợ. Hãng smartphone lớn nhất thế giới cũng nói sẽ bổ nhiệm một thành viên Ban giám đốc độc lập, có kinh nghiệm toàn cầu.
    Gói biện pháp được Samsung đưa ra trong bối cảnh công ty đang hứng chịu tổn thất từ cuộc thu hồi Galaxy Note 7 trị giá hơn 5 tỷ USD và phủ bóng đen lên triển vọng doanh thu năm 2017. Ngoài ra, nửa tháng trước, hãng đã chi 8 tỷ USD tiền mặt thâu tóm Harman International Industries nhằm tìm kiếm cơ hội tăng trưởng mới trong công nghệ xe hơi.
    Lee Sang Hoon, Giám đốc tài chính Samsung, trong cuộc gọi với các nhà phân tích chia sẻ cần duy trì định mức tiền mặt để chi cho các giao dịch như mua lại Harman.
    Samsung nhiều năm bị áp lực từ các nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ nước ngoài, khi kêu gọi tái cấu trúc và bổ nhiệm thêm các giám đốc bên ngoài.
    Quỹ Elliott Management của Mỹ phản đối kịch liệt vụ sáp nhập hai công ty con của Samsung năm 2015 và đề nghị tách Samsung Electronics thành hai cũng như trả cổ tức một lần cho cổ đông. Elliott cũng muốn Samsung cam kết trả ít nhất 75% lợi nhuận mỗi năm sau khi trừ chi phí kinh doanh.
    Đề xuất mới từ Samsung không được như những gì Elliott kêu gọi tháng trước nhưng giúp công ty Hàn Quốc có thêm thời gian trước những lời yêu cầu liên tiếp từ các nhà đầu tư và quan chức chính phủ về đơn giản hóa cơ cấu sở hữu phức tạp của mình. Tập đoàn Samsung hiện bao gồm 58 công ty con.
    Samsung cho biết đang cân nhắc “khả năng đi theo cấu trúc công ty cổ phần” và cũng nghiên cứu lên sàn chứng khoán tại một số thị trường quốc tế. Tuy nhiên, quá trình cần ít nhất 6 tháng khảo sát.
    Ngoài tái cấu trúc doanh nghiệp, Samsung nói đang tìm giám đốc công ty mới có kinh nghiệm trên thị trường nước ngoài nhằm đa dạng hóa ban lãnh đạo đang có 9 người Hàn Quốc. Họ cũng sẽ thành lập Hội đồng giám sát mới từ toàn bộ các thành viên Ban quản trị độc lập nhằm thay thế hội đồng chịu trách nhiệm xã hội doanh nghiệp hiện nay.