Hai tuần gần đây, xu hướng tăng của tỷ giá USD/VND khá rõ ràng. Liệu đây có phải là động thái “thông báo” trước khi tỷ giá thực sự tăng vào cuối năm? Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại khi tỷ giá biến động sẽ ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu trong thời gian tới.
“Sóng” tỷ giá cuối năm
Tâm điểm trên thị trường tài chính tiền tệ trong tuần qua là việc giá đồng bạc xanh tăng liên tục, chạm mốc cao nhất 13 năm qua đã tác động đến giá nhiều đồng tiền trên thế giới. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Trong tuần qua, tỷ giá USD trên thị trường đã tăng tới 300 đồng/USD, thậm chí có ngày tăng gần 200 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm cũng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tăng hơn 100 đồng/USD. Đây là phản ứng đương nhiên của thị trường và nhà điều hành khi trên thế giới, đồng bạc xanh đạt mức giá kỷ lục trong vòng 14 năm qua.
Chia sẻ về vấn đề trên, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, kết quả bầu cử tổng thống tại Mỹ đã gây ra tác động mạnh mẽ đến thị trường tài chính toàn cầu. Các thị trường chứng khoán, thị trường ngoại hối, thị trường vàng đã dao động rất mạnh ngay sau khi kết quả bầu cử cho biết sự thắng cử của ông Trump ngày 9/11 vừa qua. Thứ hai là vào tháng 12 tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất và khả năng càng tăng cao đang ảnh hưởng tới đồng USD.
Phản ứng này của thị trường, theo giới chuyên gia và cả lãnh đạo các ngân hàng, là hoàn toàn theo “sóng đầu cơ” USD của thế giới, chứ không liên quan đến cung - cầu trong nước và càng không liên quan đến khả năng phá giá VND của NHNN. Tuy nhiên, có hai vấn đề quan trọng đặt ra lúc này: liệu tỷ giá biến động lần này có thực là phản ứng nhất thời và NHNN có nên giữ ổn định tỷ giá?
Có ý kiến tỏ ra lo ngại khi thị trường thế giới có dấu hiệu tâm lý và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trước đó, giới đầu tư từng đặt cược vào vàng trước cuộc bầu cử Mỹ để rồi thua lỗ nặng nề. Bởi vậy, không có gì bảo đảm USD sẽ nhanh chóng “vỡ trận” như vàng khi yếu tố tâm lý qua đi.
Hiện tỷ giá của Việt Nam, trong ngắn hạn áp lực không quá lớn với những điểm tựa khá vững. Mặc dù vài tháng trở lại đây bắt đầu xuất hiện thâm hụt thương mại, nhưng về tổng thể cán cân thương mại vẫn thặng dư. Chưa kể, cung ngoại tệ được hỗ trợ bởi các nguồn như giải ngân vốn FDI; vốn từ hoạt động mua bán, sáp nhập; kiều hối chuyển về dịp cuối năm…
Do đó, trong ngắn hạn 3-6 tháng, áp lực lên tỷ giá dù có nhưng chưa lớn. Bên cạnh đó, theo ông Hiếu thì chính sách điều hành tỷ giá mới của NHNN linh hoạt như hiện nay góp phần tích cực giữ thị trường tiền tệ khá tốt. Từ đầu năm đến nay, một trong những lý do mà NHNN phục hồi tỷ giá là do cơ chế giá trung tâm. Thêm vào đó, NHNN có một cơ chế dự trữ ngoại tế rất tốt để can thiệp vào thị trường khi cần.
Về phía NHNN cho biết, trong hơn 10 tháng đầu năm, tỷ giá và thị trường ngoại tệ về cơ bản ổn định, tâm lý găm giữ ngoại tệ đã giảm mạnh so với trước đây nhờ cách thức điều hành tỷ giá mới linh hoạt và những diễn biến thuận lợi về cung cầu ngoại tệ. NHNN mua được một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. Trong những ngày qua, tỷ giá có xu hướng tăng, nhưng mức tỷ giá này vẫn thấp hơn khoảng 50 đồng/USD so với mức tỷ giá vào cuối năm 2015.
Nhận định về tình hình trên, NHNN cho biết, diễn biến tăng tỷ giá những ngày qua là hết sức bình thường, phù hợp với xu hướng tăng tỷ giá trung tâm do NHNN công bố trong thời gian qua. Trên thị trường, cầu ngoại tệ không có yếu tố đột biến, thanh khoản tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức và cá nhân được các tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời và đầy đủ.
Cần cẩn trọng không ảnh hưởng đến xuất khẩu
Dẫu vậy, chính sách điều hành tỷ giá cũng gặp khó trong ứng xử với thị trường. Thứ nhất là lạm phát cao hơn nhiều năm trước trên dưới 5%. Đồng USD lên giá kéo theo áp lực từ việc mất giá của nhiều đồng tiền, trong đó có những đồng tiền gắn bó chặt chẽ với thị trường thương mại của Việt Nam.
Cái khó trong điều hành tỷ giá là làm sao điều chỉnh đủ linh hoạt để vừa không làm mất khả năng cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu Việt Nam mà vẫn giữ được ổn định giá trị đồng tiền. Ví như, nếu cố giữ VND quá “cứng”, sẽ khiến Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh xuất khẩu.
Trong những ngày vừa qua, một số NHTM đã đẩy tỷ giá lên mức 22.450 VND ở chiều bán ra. Liệu đây có phải là điểm khởi đầu cho một xu hướng tăng từ đây đến cuối năm? Ngoài biến động tỷ giá lần này, thì từ đầu năm đến nay, tỷ giá trong nước hầu như đứng im, trong khi nhiều quốc gia khác đang phá giá đồng nội tệ (tuần qua, đồng tiền của nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản… liên tục giảm giá), gây bất lợi cho xuất khẩu của Việt Nam.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu đối với việc xuất hàng hóa sang các nước xung quanh, nếu đồng tiền của các nước xung quanh mất giá với USD thì Chính phủ các nước này sẽ để đồng tiền mất giá nhằm tăng tính cạnh tranh cho xuất khẩu của họ, điều này sẽ bất lợi cho xuất khẩu Việt Nam.
Ở trong nước, nhu cầu nhập khẩu trong những tháng cuối năm có thể tăng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ vào dịp lễ Tết sắp tới. Ngoài ra, Chính phủ và các doanh nghiệp cần ngoại tệ để trả nợ cuối năm và thanh toán các khoản phải trả cho nước ngoài vào cuối năm. Tuy nhiên, các nhu cầu này sẽ vẫn được bù đắp bởi nguồn cung ngoại tệ từ xuất khẩu, kiều hối, vốn FDI và từ hoạt động mua bán và sát nhập. Do đó, tỷ giá cuối năm có thể không có biến động lớn, nhất là với cơ chế tỷ giá trung tâm linh hoạt như hiện nay.
NHNN cho biết thêm, từ nay đến cuối năm, cầu ngoại tệ chưa có áp lực tăng cao do tín dụng tiếp tục được kiểm soát ở mức hợp lý. Đồng thời, một phần nhu cầu mua ngoại tệ của khách hàng sẽ được đáp ứng bằng nguồn tín dụng ngoại tệ của hệ thống ngân hàng, khi NHNN tiếp tục gia hạn cho vay bằng ngoại tệ quy định tại Thông tư 24/2015/TT-NHNN và Thông tư 07/2016/TT-NHNN đến hết năm 2017. Ngoài ra, việc NHNN ban hành Thông tư 15/2015/TT-NHNN vào tháng 10/2015 đã hạn chế việc các tổ chức, cá nhân mua ngoại tệ giao ngay, trước khi đến hạn thanh toán cho các nhu cầu thanh toán ra nước ngoài, theo đó không tạo áp lực tăng cầu ngoại tệ trên thị trường.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để có các biện pháp và công cụ điều hành phù hợp, đảm bảo đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ đã đề ra, góp phần ổn định, cân đối vĩ mô của nền kinh tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét