Ngay từ khi còn nhỏ, Gavin đã nuôi ước mơ trở thành doanh nhân và người có ảnh hưởng lớn nhất đến sự lựa chọn nghề nghiệp của anh là Paul Polman - CEO tập đoàn Unilever.
Thông thường, khi nói đến một doanh nghiệp, người ta thường nghĩ đến lợi nhuận như là mục tiêu quan trọng hàng đầu. Song trên thực tế, ngày càng có nhiều công ty được thành lập mà việc đem lại một lợi ích thiết thực cho xã hội và môi trường mới là cái đích hướng tới đằng sau con số lợi nhuận. Lucky Iron Fish là một công ty như vậy.
Bốn năm trước, Gavin Armstrong đã thành lập công ty Lucky Iron Fish với hoài bão đưa ra một giải pháp đơn giản cho một vấn đề toàn cầu nan giải.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP toàn thế giới thiệt hại 70 tỉ USD mỗi năm do năng suất giảm vì tình trạng thiếu máu do thiếu sắt gây ra và hiện có khoảng 3,5 tỉ người mắc triệu chứng này cả ở các nước phát triển và đang phát triển. Tình trạng thiếu máu do thiếu sắt có thể gây ra đau đớn, mệt mỏi, những biến chứng trong thai kỳ và thậm chí làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ.
Lucky Iron Fish chuyên sản xuất viên bột sắt có thể cho vào nồi nước đun sôi để làm tăng thêm lượng sắt cần thiết cho món ăn. Viên sắt được đúc dưới dạng hình con cá đã được thử nghiệm thành công tại Campuchia. Nấu ăn với "gia vị” này hàng ngày sẽ giúp giảm tình trạng thiếu máu do thiếu sắt và tăng lượng sắt cần thiết cho cả gia đình, qua đó góp phần tăng năng lượng và hiệu quả.
Vì đóng góp và tầm ảnh hưởng của công ty này đối với xã hội, Lucky Iron Fish gần đây đã lọt vào top các công ty lợi ích (B-Corp) có đóng góp "Tốt nhất cho Thế giới”.
Chúng ta hãy cùng làm quen với doanh nhân trẻ Gavin Armstrong với hoài bão góp phần làm thay đổi thế giới qua phần trả lời những câu hỏi sau:
1. Ngày của anh được bắt đầu như thế nào?
Tôi mở điện thoại và kiểm tra email để đảm bảo, không có việc gì cấp thiết bị bỏ sót. Công ty của tôi hoạt động trên phạm vi toàn cầu với các múi giờ khác nhau có nghĩa là có nhiều thứ có thể diễn ra khi tôi đang ngủ.
2. Ngày của anh kết thúc như thế nào?
Trước đây tôi hay kiểm tra email vào cuối ngày song tôi không làm việc đó nữa vì nó có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Tôi thấy đọc sách là việc làm hữu ích hơn trước khi đi ngủ để phân tán ý nghĩ về công việc trong ngày và có một giấc ngủ ngon.
3. Cuốn sách nào anh khuyên mọi người nên đọc và vì sao?
Tôi xin giới thiệu cuốn Conscious Capitalism (Tư bản Nhận thức) vì nếu bạn là doanh nhân theo tôi bạn không thể chỉ có một cách nhìn. Cuốn sách giúp bạn khám phá khái niệm tư bản ở các giác độ khác nhau và cách thức vận dụng đối với bạn. Cuốn sách đưa ra những vấn đề và những ví dụ phù hợp, thực tế.
Thậm chí, nếu bạn không đồng tình với những ý kiến được đưa ra, bạn cũng có đủ thông tin để đưa ra quyết định của chính mình.
4. Đâu là bí quyết duy trì sự tập trung của anh?
Bạn cần phải đề ra nhiệm vụ ưu tiên khi công việc chồng chất. Bạn chỉ có từng đấy năng lượng và từng đó thời gian trong ngày.
5. Hồi nhỏ anh mơ ước làm nghề gì?
Khi còn nhỏ, tôi mơ ước trở thành doanh nhân. Cậu của tôi thành lập công ty khi tôi học tiểu học và tôi luôn ngưỡng mộ cậu mình vì điều đó. Công ty của cậu tôi bán đồ hàn chì và thiết bị vệ sinh. Tôi thường xuyên đi làm cùng cậu. Tôi tình nguyện lau sàn nhà chỉ để được có mặt trong văn phòng vì tôi thích không khí làm việc và tự hào vì được đóng góp.
6. Anh có học hỏi được gì từ người sếp tồi tệ nhất của mình?
Những người hay uy hiếp người khác thường làm vậy vì họ cảm thấy không tự tin về điều gì đó. Họ rất thích làm người khác bẽ mặt và không có sự tôn trọng đối với người khác. Theo tôi, bạn cần tôn trọng người làm việc với bạn. Hãy ghi nhớ rằng họ làm việc với bạn chứ không phải cho bạn. Đừng quên khen ngợi công việc họ hoàn thành.
7. Ai là người đã có ảnh hưởng lớn nhất đến sự lựa chọn nghề nghiệp của anh?
Paul Polman, CEO tập đoàn Unilever. Ông là người truyền cảm hứng và người dẫn dắt một công ty đa quốc gia có tầm ảnh hưởng đến xã hội. Ông đã xây dựng một chiến lược tư duy về xã hội đầy hoài bão vì ông thấy đó là điều đúng đắn cần phải làm.
Ông đã thuyết phục các cổ đông xoá bỏ tư duy hàng quý mà tập trung vào thành công lâu dài. Ông tin rằng các công ty cần gây dựng được giá trị trong suốt dây chuyền cung cấp mà tôi cho rằng đó chính là tương lai. Và niềm tin này đang được đền đáp. Các nhãn hàng tồn tại bền vững của Univler đã tăng trong quá trình hoạt động. Polman biết quan tâm đến cộng đồng và thể hiện sự quan tâm của mình qua việc làm.
8. Chuyến đi nào đã làm thay đổi con người anh?
Chuyến đi đầu tiên của tôi ra khỏi phạm vi Bắc Mỹ là đi tham dự một khoá hội thảo khi tôi học năm thứ nhất đại học. Chúng tôi đến Botswana.
Trước đó, tôi muốn trở thành một cán bộ ngân hàng bởi nghề đó thường có thu nhập cao, nhiều bổng lộc. Song trong chuyến đi đến Botswana, lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh nghèo khốn đến tột cùng. Sau chuyến đi này, tôi nhận thấy mình đã chọn con đường chỉ nghĩ đến mình. Thay vì chỉ hoàn tất chương trình học đại học thông thường của mình, tôi đã học 10 năm ở trường đại học để "quẵm” về ba tấm bằng trước khi mở công ty riêng của mình.
9. Đâu là nguồn cảm hứng của anh?
Tạo ra sự thay đổi và khả năng cho mọi người. Tôi tuyệt đối tin rằng một người với một hành động có thể tạo ra ảnh hưởng cộng hưởng để có dẫn đến sự thay đổi.
10. Ý tưởng kinh doanh đầu tiên của anh là gì và anh đã làm gì để thực hiện hoá ý tưởng đó?
Ý tưởng kinh đoanh dầu tiên của tôi là chế tạo ra chiếc khoá từ xa cho tủ có khoá như khoá từ xa cho ô tô. Khi đó, tôi học lớp bảy hoặc lớp tám và tôi đã gọi điện cho nhiều luật sư về bằng sáng chế. Họ đã chỉ cho tôi cách tiến hành song tôi không có tiền để triển khai.
11. Công việc đầu tiên có để lại bài học gì hữu ích cho anh không?
Công việc đầu tiên của tôi là lượm rác dưới sàn ở một cửa hiệu. Bọn trẻ thường đến và trêu trọc tôi. Tôi học được đức tính chịu đựng. Đó là một môi trường làm việc cực khổ song tôi cần có kinh nghiệm để có được một công việc tốt hơn vì thế tôi đã vượt qua những khó khăn. Từ đó tôi trở nên dày dặn và mạnh mẽ hơn.
12. Lời khuyên hữu ích nhất mà anh đã nhận được là gì?
Học hỏi từ thất bại. Nếu bạn không học được gì đó từ những thất bại của mình, thì thật đáng tiếc vì thất bại luôn có một cái giá của nó như Richard Branson đã từng nói.
13. Đâu là bí quyết làm việc việc hiệu quả của anh?
Liệt kê công việc cần làm. Ưu tiên những việc cần làm ngay, nhiệm vụ trung hạn và điều gì có thể cắt bỏ. Tôi không dời văn phòng cho đến khi hoàn thành những công việc cơ bản cần phải hoàn thành.
14. Anh có sử dung phần mềm hay công cụ nào để giúp công việc được hoàn thành và đi đúng hướng?
Tôi sử dụng Withings để theo dõi huyết áp và cân nặng và tôi có một chiếc đèn Withings mới giúp tôi điều hoà giấc ngủ. Trước khi vận dụng công nghệ, tôi đi bộ ít và ngủ quá giấc.
15. Cân bằng giữa công việc và cuộc sống có ý nghĩa thế nào đối với anh?
Theo tôi, điều quan trọng bạn cần dành thời gian bận rộn trong ngày cho chính mình. Tôi luôn cố gắng dành thời gian cho các bạn của mình thậm chí nếu chúng tôi sống xa nhau. Họ giúp tôi vững vàng và vui vẻ. Mặc dù điều này không dễ, song tôi luôn cố vừa làm tốt công việc và dành thời gian cho những người thân của mình. Đó đơn giản có thể chỉ là gửi những tấm hình ngỗ nghĩnh và hay tán gẫu chỉ để vui cười. Tôi nghĩ điều quan trọng là bạn phải cười hàng ngày.
16. Làm cách nào để anh tránh được tình trạng mệt mỏi do làm việc quá sức?
Tôi là người rất yêu chó. Tôi có nhiều bạn nuôi chó, vì thế tôi giúp họ, tôi đưa chó đi dạo và cùng chúng khám phá. Để xả stress, tôi thích nấu ăn ở nhà. Công việc này cuốn hút tôi và làm tôi quyên đi những việc khác.
17. Khi khả năng sáng tạo bị "tắc nghẽn”, làm thế nào để anh có thể lấy lại sự đổi mới?
Nói chuyện với mọi người. Tôi nghĩ nếu bạn bế tắc, bạn sẽ đã tự tạo những bức tường rào chắn quanh mình và làm bạn càng lún sâu. Nói chuyện với ai đó giúp bạn học hỏi được cách nhìn của họ và nhìn nhận vấn đề theo cách mà bạn chưa bao giờ nghĩ tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét