Tổng tài sản, dư nợ cho vay và cả vốn huy động của Agribank đều đang cao hơn nhiều so với các ngân hàng BIDV, Vietcombank và VietinBank.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ( Agribank ) mới đây cho biết, đến 30/9/2016, ngân hàng đạt tổng tài sản 980.000 tỷ đồng, tổng vốn huy động 890.000 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng 720.000 tỷ đồng.
Agribank hiện có trên 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch ở khắp mọi vùng, miền, huyện đảo cả nước cùng dàn nhân sự gần 40.000 người chuyên nghiệp, am hiểu và gắn bó với địa phương. Ngoài ra, ngân hàng này còn có chi nhánh tại Campuchia và sắp sửa có sự hiện diện tại Lào.
Như vậy, so với các ngân hàng thương mại Nhà nước khác là BIDV, VietinBank và Vietcombank thì rõ ràng Agribank mới là ngân hàng lớn nhất. Cụ thể, tổng tài sản của Agribank đang nhiều hơn BIDV tới 30.000 tỷ, hơn VietinBank 80.000 tỷ và hơn Vietcombank tới hơn 240.000 tỷ. Về hệ thống mạng lưới thì Agribank đang gấp hơn 2 lần của VietinBank và BIDV trong khi gấp tới 5 lần của Vietcombank. Xét về nhân sự Agribank cũng đang đứng đầu bảng.
Tổng tài sản, huy động vốn và dư nợ cho vay của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tại thời điểm 30/9/2016 (nguồn: tác giả tổng hợp từ báo cáo)
Tuy nhiên kết quả kinh doanh của Agribank lại không thể sánh được với 3 ngân hàng nói trên. Tính từ 2012 đến nay, Agribank chưa năm nào đạt nổi lợi nhuận trước thuế 4.000 tỷ đồng, thấp nhất trong số 4 ngân hàng và thậm chí chỉ bằng phân nửa của 3 ngân hàng “đàn em”.
Việc ngân hàng này có lợi nhuận thấp hơn các ngân hàng khác, chủ yếu do thu nhập từ lãi – nguồn thu chính của các ngân hàng – thấp bởi cho vay đối với mảng nông nghiệp lãi suất thường thấp hơn nhiều so với cho vay thương mại khác bởi đây là 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên trong các năm gần đây. Hiện cho vay đối với nông nghiệp chiếm khoảng 70% tổng dư nợ của Agribank và chiếm trên 50% tổng dư nợ của toàn ngành ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này.
Dù các chỉ tiêu chính đều lớn hơn nhiều và là "anh cả" của hệ thống NHTM nhưng lợi nhuận của Agribank chỉ bằng phân nửa của các ngân hàng "đàn em"
Ngoài ra, theo đánh giá của giới quan sát, tình hình quản trị rủi ro ở Agribank cũng không cao như các ngân hàng kia (hiện cả 3 ngân hàng đang thí điểm áp dụng chuẩn mực quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II) nên kết quả kinh doanh cũng bị ảnh hưởng phần nào. Thời gian qua, trong số các ngân hàng thì Agribank là "tai tiếng" nhất khi có nhiều nhân sự phải đối diện với vấn đề pháp lý, không chỉ là cấp nhân viên mà có cả giám đốc chi nhánh, thậm chí là Tổng giám đốc (ông Phạm Thanh Tân) rơi vào cảnh tội tù vì các tội danh như vi phạm quy định cho vay; lợi dụng chức vụ quyền hạn...
Một lý do nữa, theo giới phân tích, do Agribank vẫn là ngân hàng 100% vốn Nhà nước nên áp lực cạnh tranh hầu như không có.
Tuy nhiên, Agribank vẫn được kỳ vọng sẽ bứt phá không kém gì các ngân hàng "đàn em" nếu như thực hiện cổ phần hóa theo Dự thảo Đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 trong vòng 5 năm tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét