Đối với các nhà tuyển dụng nước ngoài, họ không quá quan tâm đến bằng cấp của ứng viên, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật.
Suốt nhiều năm qua, nhiều thế hệ chúng ta luôn được dạy rằng chúng ta nên học để có học thức tốt để dễ kiếm việc làm. Chẳng thế mà mỗi khi đi học, cha mẹ luôn gây sức ép cực kỳ lớn để con mình phải học cho giỏi, vào được trường chuyên lớp chọn và sau đó vào đại học để kiếm công việc tốt.
Thế nên mới có chuyện rất nhiều người trong chúng ta đua nhau đi học, học đại học xong nếu không kiếm được việc sẽ học tiếp lên cao học và cao hơn nữa mà thực ra cuối cùng nhiều người cũng chẳng hiểu họ học để làm gì và kiến thức, kỹ năng học trong trường sẽ có ý nghĩa như thế nào với xã hội đang diễn ra.
Với bản thân tôi, phải tự thú nhận rằng tôi cũng rất quan trọng học vấn và bằng cấp. Chẳng thế mà tính đến thời điểm hiện tại, tôi đã học xong đến 2 bằng đại học và 2 bằng cao học loại giỏi ở Nhật. Tôi cũng đã có những công việc tốt. Thế nhưng cùng lúc đó, việc ra nước ngoài sống lâu năm khiến tôi nhận ra nhiều hơn về giá trị của bằng cấp và hiểu hơn tính thực tế của việc học nghề. Quan điểm của tôi không mang tính áp đặt, mà chỉ muốn chia sẻ từ những câu chuyện thực tế được nhìn thấy ở nước ngoài.
Bạn Đỗ Duy là một học sinh chuyên toán của tỉnh Nam Định. Bạn thi được giải Nhì học sinh giỏi Toán Quốc gia và sau đó được đặc cách vào thẳng Đại học Bách Khoa Hà Nội, khoa Cơ khí. Tốt nghiệp ra trường, nhờ thành tích học tập tốt và quan hệ gia đình khá vững chắc, Duy được nhận vào làm việc tại một tập đoàn lớn của nhà nước.
Duy kết hôn với một người đồng nghiệp, hai vợ chồng đều bằng cấp cao, làm việc tại cơ quan nhà nước. So với bạn bè học trung học và đại học, cuộc sống của vợ chồng bạn lúc mới ra trường được vài năm dù không phải quá giàu có nhưng hẳn rất đáng để mơ ước.
Dù học cùng lớp phổ thông tại Nam Định với Đỗ Duy nhưng Quang Dũng không may mắn như vậy. Sức học không kém nên Dũng thi trượt đại học đến 2 lần và sau đó đi học trung cấp nghề tin học. Học hết trung cấp Dũng tiếp tục học lên cao đẳng nghề tin học, trong lúc học hành chăm chỉ tại trường, Dũng tranh thủ học thêm tiếng Anh rồi đi làm lập trình cho một công ty Việt Nam.
Công ty của Dũng có khá nhiều quan hệ gia công phần mềm cho các doanh nghiệp nước ngoài, từ Singapore cho đến Mỹ, Nhật. Nhận thấy nhu cầu đối với kỹ sư tin học nói tiếng Nhật gia tăng, Dũng tranh thủ đi học tiếng Nhật. Sau 3 năm Dũng cũng thi được trình độ N3 của tiếng Nhật, nếu xét tương đương với tiếng Anh sẽ khoảng 5,5 điểm IELTS.
Cơ hội đã đến với Dũng khi công ty anh ký hợp đồng cung cấp kỹ sư phần mềm cho Nhật. Dũng lên đường với bằng cao đẳng tin học, 4 năm kinh nghiệm lập trình và bằng N3 tiếng Nhật.
Với lòng chăm chỉ và quyết tâm, Dũng đã làm rất tốt những công việc được giao, thi được trình độ N2 và chuyển sang làm IT cho tập đoàn tài chính lớn của Mỹ có trụ sở tại Nhật với mức lương khoảng gần 90 triệu đồng Việt Nam/tháng. Dũng đưa vợ sang, vợ Dũng cũng xin được việc làm ở một công ty nhỏ của Nhật.
10 năm sau khi tốt nghiệp phổ thông và thi trượt đại học liên miên, đi lên từ trường trung cấp nghề, Dũng thực sự hài lòng với nỗ lực và thành quả mà mình đã đạt được. Vợ chồng anh chỉ cần chăm chỉ làm việc, đóng đủ thuế và bảo hiểm, con được đi học trường tốt của nhà nước.
Quay trở lại trường hợp của Đỗ Duy, công việc tại tập đoàn nhà nước của anh vài năm sau khi ra trường diễn biến khá tốt, anh cũng có năng lực kết hợp với sự giúp đỡ nhất định của bác anh cũng làm trong cơ quan. Tuy nhiên từ sau khi bác anh về hưu, chế độ lương thưởng và đãi ngộ dành cho anh cũng không còn được tốt như trước nữa.
Cũng 10 năm sau khi ra trường nhưng lương của Duy chỉ ngấp nghé mức khoảng 9 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập 2 vợ chồng ước khoảng chưa đến 17 triệu đồng, chi tiêu cho gia đình thuê nhà ở Hà Nội và nuôi hai đứa con ăn học cũng không hề dễ dàng dù không quá thiếu thốn.
Duy thường nói nhiều lúc anh không dám nghĩ đến ốm đau, bởi nếu ốm không biết lấy tiền đâu ra chữa bệnh. Duy cũng rất muốn thay đổi, nhưng ngành của anh ra ngoài cực kỳ khó kiếm việc. Ở độ tuổi ngoài 30, anh cũng rất cần công việc để duy trì cuộc sống cho vợ con nên việc bỏ hẳn để đi học ngành mới, làm lại từ đầu là điều cực kỳ khó.
Đặt hai câu chuyện trên cạnh nhau, hẳn chúng ta cũng thấy được sự khác nhau của hai người bạn học cùng phổ thông. Một người có xuất phát điểm cao hơn hẳn, học hành thuận lợi và có nhiều quan hệ hơn, không chắc có cuộc sống tốt như cuộc sống của người có xuất phát điểm về học vấn thấp, nhưng nhạy bén, học đúng cái xã hội cần và quan trọng, nếu muốn vươn ra môi trường lao động quốc tế, cần phải biết nhiều ngoại ngữ.
Nhiều nhà tuyển dụng Nhật cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Anh Arif Khan hiện đang làm việc cho công ty nhân sự Human Career trụ sở tại Tokyo cũng cho biết, đối với các nhà tuyển dụng Nhật, họ không quá quan tâm đến bằng cấp của ứng viên, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật.
Đối với họ, trong nhóm các trường đại học tại Việt Nam, dù trường Bách Khoa có tiếng và được đánh giá cao hơn chút, nhưng ngoài đó ra, miễn là bằng cấp kỹ thuật được chính phủ Việt Nam công nhận, họ đánh giá giá trị ngang nhau. Tuy nhiên họ rất quan tâm đến kinh nghiệm làm việc của ứng viên có phù hợp với họ hay không, ứng viên có đáp ứng được các yêu cầu về ngoại ngữ hay không.
Với 4 năm sống ở Nhật, tôi có thể nhận thấy xu thế kỹ sư Việt Nam sang Nhật làm việc trong ngành ô tô, ngành công nghệ thông tin ngày một nhiều, và tất nhiên phần đông trong số đó không chỉ toàn tốt nghiệp từ đại học Bách Khoa. Ngoài ra là rất nhiều các công việc dịch vụ khác để phục vụ cho cộng đồng người Việt vốn ngày một gia tăng về quy mô trên đất Nhật.
Chính vì vậy, tôi muốn nhắn gửi đến rất nhiều bạn trẻ còn đang băn khoăn và lo lắng khi cảm thấy bản thân không thể thi được vào các trường đại học. Bởi mỗi năm suất vào đại học chỉ có hạn và cũng không chắc bạn sẽ làm gì với những tấm bằng của các ngành không có nhiều giá trị thực tế khi tìm việc. Hãy tìm hiểu thật kỹ nhu cầu của xã hội và nhìn nhận nghiêm túc giá trị của việc học nghề, cũng như trau dồi cho mình tốt vốn ngoại ngữ.
* Tác giả bài viết là thạc sĩ ngành Quan hệ quốc tế có 4 năm học tập tại Nhật Bản và một số nước châu Âu. Bài viết thể hiện quan điểm tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét