Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

Con số 1% "thần thánh" và bí quyết tăng trần của dàn doanh nghiệp “khủng long” mới lên sàn

Vietjet Air, Vietnam Airlines, Petrolimex, Seaprodex,… đang là một số cái tên nóng được săn đón khi tiến trình lên sàn đang được thực hiện rất gấp rút. Nhìn lại cơ cấu cổ đông của các doanh nghiệp này, nhà đầu tư đều không khỏi kỳ vọng một kịch bản tương tự như Sabeco, Habeco sẽ lặp lại.

 

Con số 1% "thần thánh" và bí quyết tăng trần của dàn doanh nghiệp “khủng long” mới lên sàn
Cuối năm 2016, với động thái quyết liệt từ Chính phủ và các cơ quan quản lý, hàng loạt doanh nghiệp với quy mô vốn hóa “tỷ đô” đã gấp rút lên sàn chứng khoán. Điều này một mặt giúp các cổ đông thuận lợi hơn trong việc mua bán cổ phiếu, mặt khác tạo ra không ít lo lắng cho các nhà đầu tư khi quy mô khổng lồ của doanh nghiệp sẽ tạo nên áp lực cung rất lớn đối với cổ phiếu giao dịch trên sàn.
Song thực tế các doanh nghiệp “khủng long” lên sàn đã tạo nên nhiều cuộc vui cho thị trường và trong một số trường hợp đã ảnh hưởng tích cực đến chỉ số chung, giúp thị trường bớt ảm đạm. Bên cạnh việc doanh nghiệp chiếm thị phần rất lớn trong những lĩnh vực béo bở thì điểm mấu chốt ở đây là lượng cổ phiếu trôi nổi của các doanh nghiệp rất ít.
1% “thần thánh”
Những ví dụ tiêu biểu và mới mẻ nhất cho kịch bản lên sàn và tăng trần chính là 2 ông lớn ngành bia: Sabeco (mã SAB) và Habeco (mã BHN).
Habeco gấp rút lên sàn UPCoM vào ngày 28/10/2016 với giá chào sàn là 39.000 đồng/cp. Ngay lập tức cổ phiếu BHN đã tăng trần 8 phiên liên tục và cho đến nay vẫn là một trong những cổ phiếu có biến động khả quan nhất trong 2 tháng qua. Với gần 82% vốn cổ phần được nắm giữ bởi Bộ Công thương, hơn 17% vốn cổ phần nắm giữ bởi Carlsberg thì Habeco chỉ có 1% cổ phần tương đương khoảng 2,3 triệu cổ phiếu trôi nổi. Điều này khiến cho BHN luôn trong cảnh dư mua trần trong những ngày mới lên sàn. Khối lượng khớp lệnh của những phiên đầu chỉ vài trăm đơn vị.
Tương tự như vậy, Sabeco được “thúc” lên HOSE vào ngày 6/12 mới đây với giá chào sàn 110.000 đồng/cp và cũng dễ dàng tăng trần cả 8 phiên liên tục. Những phiên đầu, khối lượng dư mua giá trần chất đến hàng triệu đơn vị nhưng khối lượng khớp lệnh của SAB chỉ vỏn vẹn vài nghìn cổ phiếu, riêng phiên thứ 2 chỉ có 30 cổ phiếu được giao dịch.
Sabeco cũng chỉ có 6,54 triệu cổ phiếu tương đương 1% vốn điều lệ được nắm giữ bởi các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Điều này tạo ra một thuận lợi cho cổ phiếu là không khó khăn để tăng trần. Trong trường hợp của SAB, cổ phiếu đã ảnh hưởng rất lớn đến VN-Index và giúp chỉ số nhìn có vẻ bớt tiêu cực hơn.
Trước đó, một “khủng long” khác là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) lên UPCoM ngày 21/11 cũng với tỷ lệ trôi nổi chỉ khoảng 1,4%. Tuy nhiên, với khối lượng cổ phiếu lưu hành lên tới 2,2 tỷ đơn vị thì ,4% của ACV cũng tương ứng với gần 30,5 triệu cổ phiếu. Điều này phần nào “cản bước” ACV trong bước đường tăng trần như SAB và BHN.
Sắp tới, một loạt doanh nghiệp “1%” cũng lên sàn
Vietjet Air, Vietnam Airlines, Petrolimex, Seaprodex,… đang là một số cái tên nóng được săn đón khi tiến trình lên sàn đang được thực hiện rất gấp rút. Nhìn lại cơ cấu cổ đông của các doanh nghiệp này, nhà đầu tư đều không khỏi kỳ vọng một kịch bản tương tự như Sabeco, Habeco sẽ lặp lại.
Đối với Vietjet Air, kế hoạch phát hành 3,5 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư cá nhân với mục đích lớn nhất là đủ số lượng cổ đông để lên sàn chứng khoán. Lượng cổ phiếu này ước tính chỉ chiếm hơn 1% tổng số cổ phần của Vietjet Air.
Vietnam Airlines được nắm giữ 86,2% vốn bởi Bộ Giao thông vận tải, gần 9% bởi ANA Holdings, một ít thuộc về Techcombank, Vietcombank, Công đoàn và chỉ còn 1,1% trôi nổi.
Với Petrolimex, Bộ Công thương nắm gần 79%, JX Nippon Oil & Energy Việt Nam nắm 8% và lượng cổ phiếu quỹ lên tới 12% nên số cổ phần trôi nổi cũng chỉ có 1,5%.
Tương tự, Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex) có khoảng 1,5% số cổ phiếu trôi nổi vì phần lớn đang nằm trong tay Bộ Nông nghiệp, CTCP Nova Bắc Nam 79 và Geleximco Miền Nam.
Một số doanh nghiệp lớn khác có kế hoạch lên sàn như Novaland hay Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) dù chưa rõ cơ cấu cổ đông chi tiết, nhưng với việc các cổ đông lớn nắm giữ cổ phần chi phối thì tỷ lệ trôi nổi cũng rất thấp, và theo đó, cũng là những doanh nghiệp ở trong tầm ngắm của nhà đầu tư.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét