Trong những năm gần đây, cạnh tranh ở thị trường bia Châu Á trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Nhiều công ty bị thâu tóm hoặc thậm chí đứng trước bờ vực phá sản trước sự lớn mạnh không ngừng của các đại gia ngành bia.
Vừa qua, tập đoàn sản xuất bia Nhật Bản Asahi Group đã đạt được thỏa thuận mua lại công ty con tại 5 quốc gia ở Châu Âu của công ty nước giải khát và sản xuất rượu bia đa quốc gia Anheuser-Busch InBev (Bỉ) với giá 7,6 tỷ USD. Lần mua bán này đánh dấuthương vụ thâu tóm một công ty bia nước ngoài lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp giải khát của Nhật Bản.
Trước đó, cuối tháng 10/2015, gã khổng lồ InBev đã tạo nên tiếng nổ lớn sau khi sáp nhập với hãng bia SABMiller (Anh) với giá 106 tỷ USD. Sau nhiều lần bị từ chối, InBev đã nâng mức giá để chốt lại thương vụ M&A kỷ lục của ngành bia. Chỉ tính riêng tổng doanh thu hàng năm của SABMiller tại 5 thị trường: Cộng hòa Séc, Ba Lan, Hungary, Slovakia và Rumani vào khoảng 1,7 tỷ USD. Thị phần của SABMiller ở mỗi quốc gia này chiếm khoảng 30%. Đặc biệt, riêng ở Slovakia, SABMiller dẫn đầu thị trường bia rượu ở quốc gia này.
Tháng Mười năm nay, ngành bia thế thế giới tiếp tục chứng kiến thương vụ M&A của Asahi và hãng bia Peroni (Italy) cùng với 3 hãng bia đến từ Châu Âu khác trị giá 2,9 tỷ USD.
Theo số liệu thống kê của hãng bia Kirin, tổng sản lượng bia của các hãng lớn trong năm 2015 là 189 triệu m3 bia, giảm 1,1% so với năm ngoái. Sản lượng của thị trường bia lớn nhất thế giới, Trung Quốc, đã giảm 4,3% trong khi thị trường bia Châu Á chiếm 34% thị phần thế giới lại giảm 1,3% sản lượng.
Sản lượng bia của các thị trường chính ở Châu Á (triệu Kiloliters). Việt Nam là thị trường tăng trưởng tốt nhất và gần như duy nhất tại châu Á.
Do thị trường bia ngày càng thu hẹp, nhiều nhà phân tích kỳ vọng đợt sáp nhập SABMiller của InBev sẽ là lần tái cấu trúc thị trường bia toàn cầu cuối cùng. Đây cũng là lý do tại sao Asahi gấp rút chuẩn bị, thậm chí tăng gần gấp đôi giá để mua lại công ty con của InBev tại 5 quốc gia Châu Âu. Trước đó, Asahi dự tính sẽ chỉ chi 4,3 tỷ USD cho thương vụ này.
Ngay sau đó, cổ phiếu của Asahi rớt giá thảm hại gây nên mối hoang mang cho các nhà đầu tư rằng thương vụ M&A sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe tài chính của ngành bia. Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo của Asahi lại tự tin cho rằng "Đây là cơ hội tốt của công ty và bằng mọi giá, chúng tôi sẽ không để lỡ cơ hội này".
Trong bối cảnh đó, công ty Kirin, đối thủ lớn nhất của Asahi lại đang hướng tới thị trường Châu Á và Úc, coi đây là chiến lược cốt lõi trong danh mục đầu tư nước ngoài. Kirin đã mua cổ phần của San Miguel Brewery- công ty nước giải khát lớn nhất Philippines chiếm tới 90% thị phần nội địa. Hiện tại, San Miguel Brewery đồng thời hoạt động cả ở thị trường Hong Kong và Indonesia. Tiếp sau đó, cuối năm 2015, Kirin tiếp tục thâu tóm công ty Myanmar Brewery, hãng bia số 1 của Myanmar trị giá 560 triệu USD.
Thị trường bia Trung Quốc cũng biến động không kém. Công ty sản xuất bia lớn nhất nước này, China Resources Beer, đang tìm kiếm cơ hội đầu tư cả trong nước lẫn nước ngoài. Trong đợt đấu giá thâu tóm 5 công ty bia khu vực Châu Âu vừa qua, China Resources Beer cũng tham gia nhưng lại thất bại trước Asahi. Công ty đang xem xét việc mua lại công ty Beijing Yanjing Brewery vốn đang bị yếu thế trước thị trường ngoài Bắc Kinh.
Về thị trường bia Việt Nam, hôm 6/12, cổ phiếu của Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn – Sabeco đã chạm mốc 132.000 đồng/cp, tăng hết biên độ 20%. Nhà nước hiện đang nắm giữ 90% vốn điều lệ tại Sabeco. Trong quá trình cải tổ các doanh nghiệp nhà nước, chính phủ sẽ bán 53,6% cổ phần tại Sabeco trong năm nay và phần còn lại sẽ thoái trong năm 2017. Sabeco hiện đang chiếm 40% thị phần trong nước.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang lên lộ trình bán 82% cổ phần của Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco). Tổng số tiền thu về sau khi bán cổ phần của hai công ty khoảng 2,2 tỷ USD.
Một số công ty sản xuất bia lớn trên thế giới trong đó có Kirin, Asahi, Carlsberg và Heineken đang tìm cách mua lại thị phần của Sabeco và Habeco để mở rộng thị trường. Ông Thapana Sirivadhanabhakdi CEO của công ty Thai Beverage tuyên bố thị trường Việt Nam đang là mối ưu tiên hàng đầu của công ty.
Thị trường bia rượu Việt Nam đã tăng trưởng 15 năm liên tiếp và hiện đang đứng đầu thế giới với tỷ lệ tăng 2 con số, vượt xa mức 8,8% của Bỉ - nơi xếp thứ hai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét