Hầu hết các doanh nhân đều biết không phải mọi khoản đầu tư đều như nhau. Sự dìu dắt và các quan hệ mà họ tiếp nhận từ nhà đầu tư cũng quan trọng như nguồn vốn – và đó cũng là những gì mà các nhà đầu tư tìm kiếm ở họ.
Các nhà đầu tư đều muốn ủng hộ những doanh nhân mà họ có thể chỉ bảo. Vì nhiều nhà đầu tư tin rằng thời gian và chuyên môn của họ cũng đáng giá như số tiền mà mình bỏ ra, nên họ muốn đầu tư vào những công ty nơi những tác động cá nhân của họ có ảnh hưởng. Điều này có nghĩa là họ muốn tìm được những doanh nhân có thể "đào tạo được" – tức là chịu lĩnh hội ý kiến phản hồi – hoặc những người có thể được hưởng lợi từ sự chỉ dẫn mà họ mang tới.
Nghiên cứu gần đây do Lakshmi Balachandra tại Đại học Babson thực hiện cho thấymột doanh nhân càng chịu khó tiếp thu ý kiến phản hồi và các gợi ý được đưa ra trong buổi thuyết trình gọi vốn, thì các nhà đầu tư càng quan tâm hơn đến công ty của anh ta.
Vậy làm thế nào để bạn thể hiện được tinh thần cầu thị học hỏi của mình trong một buổi gặp mặt hoặc một bài thuyết trình? Hãy tỏ ra quan tâm đến góc nhìn của nhà đầu tư và thể hiện sự trân trọng đối với kinh nghiệp và lời khuyên họ đưa ra. Thay vì thủ thế khi họ đưa ra ý kiến phản hồi, hãy đặt những câu hỏi để làm rõ và hỏi han kỹ lưỡng để có được những thông tin bổ ích theo cách thú vị nhất.
Nhưng chỉ tiếp nhận ý kiến phản hồi thôi chưa đủ - bạn cũng cần phải tương tác với các ý kiến ấy nữa. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Trung tâm Florida và Đại học Elon đã thực hiện một nghiên cứu để xác định và đo lường mức độ chịu tiếp nhận ý kiến của các doanh nhân. Họ nhận thấy yếu tố này liên quan đến sự sẵn sàng không chỉ lắng nghe, mà còn tương tác với lời khuyên của người khác và lồng ghép các ý kiến đó vào công việc. Với tâm thế này, bạn nên chuẩn bị những bước tiếp theo dựa trên phản hồi của nhà đầu tư.
Mặc dù kỹ năng và kinh nghiệm mà các nhà đầu tư tìm kiếm ở một thành viên sáng lập doanh nghiệp rõ ràng là quan trọng (kể cả tấm bằng tốt nghiệp từ một đại học danh tiếng hoặc thời gian làm việc ở một công ty lớn cũng rất gây ấn tượng), thì những yếu tố cá nhân và khó thấy hơn cũng đóng vai trò thiết yếu. Chẳng hạn, nhiều nghiên cứu cho thấy những doanh nhân được nhìn nhận là đáng tin cậy sẽ có nhiều khả năng hơn nhận được các lời chào mời đầu tư.
Một nghiên cứu gần đây trên AngelList (https://angel.co) cũng cho thấy tầm quan trọng mà các nhà đầu tư mạo hiểm tìm kiếm ở đội ngũ nhân viên trong một công ty startup. Khi AngelList gửi email quảng bá các công ty đến các nhà đầu tư tiềm năng, nếu email có cả thông tin về đội ngũ nhân viên sáng lập, thì khả năng các nhà đầu tư muốn tìm hiểu thêm về doanh nghiệp đó sẽ tăng lên. Trái lại, nếu email này có thông tin về các nhà đầu tư khác, hoặc sự tăng trưởng doanh số hay user thì lại không có tác dụng gì.
Tất cả những điều trên đều cho thấy doanh nhân không chỉ phải thể hiện bộ mặt của doanh nghiệp và chính họ, mà họ còn phải thuyết phục được các nhà đầu tư về sức mạnh cá nhân của cả đội ngũ nhân viên và tinh thần sẵn sàng học hỏi của họ. Tin tốt là tinh thần sẵn sàng học hỏi luôn nằm trong tầm kiểm soát của một doanh nhân và có thể rèn luyện được.
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóa